Phương pháp điều trị suy tim – ĐỌC NGAY

Điều trị suy tim hiệu quả cần phối hợp nhiều biện pháp từ việc thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt cho bệnh nhân, điều trị các nguyên nhân dẫn đến suy tim (nếu có thể), kết hợp dùng thuốc để giảm triệu chứng, tăng sức co bóp cơ tim. Trường hợp nặng hơn bệnh nhân còn cần các thiết bị hỗ trợ hoặc thực hiện các phẫu thuật ngoại khoa ghép tim. 

1. Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho bệnh nhân

Đây là biện pháp điều trị bảo tồn đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng cho bệnh nhân:

–  Chế độ nghỉ ngơi: Đây là việc khá quan trọng giúp giảm công của cơ tim, hạn chế làm việc quá sức. Tùy theo từng mức độ của suy tim mà bệnh nhân có các hoạt động thể lực và nghỉ ngơi phù hợp.

+ Bệnh nhân suy tim nhẹ nên hoạt động thể lực vừa phải nhưng không được gắng sức hay thi đấu thể thao.

+ Khi suy tim nặng rất nặng bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường theo tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Trong trường hợp phải nằm điều trị dài ngày nên khuyến khích bệnh nhân xoa bóp các chi để máu về tim dễ hơn, giảm nguy cơ huyết khối. 

– Chế độ ăn giảm muối: Bệnh nhân chỉ được dùng ít hơn 3g muối NaCl trong ngày.

– Giảm lượng nước và dịch đưa vào cơ thể:

+ Giúp bệnh nhân để giảm bớt khối lượng tuần hoàn gánh nặng cho tim, không làm nặng thêm tình trạng phù.

+ Mỗi ngày tùy theo mức độ suy tim nhẹ hay nặng lượng dịch đưa vào cơ thể chỉ khoảng 500 – 1000ml/

– Thở oxy khi có suy tim nặng: Là biện pháp cần thiết giúp giảm mức độ khó thở cho bệnh nhân đồng thời hạn chế co mạch phổi.

– Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: 

+ Tránh để bệnh nhân bị xúc động mạnh,.

+ Không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá..

+ Giảm cân ở người béo phì.

+ Tránh dùng các thuốc làm giảm sức co bóp của tim, các thuốc giữ nước.

+ Điều trị các bệnh lý làm nặng hơn tình trạng suy tim như loạn nhịp, thiếu máu, nhiễm trùng…

Bệnh nhân suy tim cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp

Bệnh nhân suy tim cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp

Xem thêm: Chế độ ăn cho người suy tim

2. Điều trị nguyên nhân gây suy tim

Khi xác định được các nguyên nhân gây suy tim có thể điều trị được nên tiến hành điều trị ngay,khi đó tình trạng suy tim có thể giảm hoặc biến mất. 

Các nguyên nhân gây suy tim có thể điều trị được là:

– Tăng huyết áp: Kiểm soát tốt giúp ngăn ngừa xuất hiện và tiến triển của suy tim,

Đái tháo đường.

– Nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.

– Bệnh van tim, dị tật bẩm sinh.

– Rối loạn nhịp tim. 

– Bệnh cường giáp.

– Thiếu máu – thiếu sắt.

– Thiếu vitamin B1: Cần dùng vitamin B1 liều cao.

3. Các thuốc điều trị suy tim

Để điều trị suy tim, tùy theo từng diễn biến lâm sàng của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra phác đồ dùng thuốc hiệu quả nhất. Các nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị suy tim là:

– Thuốc ức chế men chuyển ACE: Được coi là lựa chọn hàng đầu cho điều trị suy tim, không chỉ làm giảm triệu chứng mà còn cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh. Thuốc làm giãn mạch máu, giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim. Bên cạnh đó còn cải thiện chức năng thất trái, nội tâm mạc…

– Thuốc ức chế thụ thể AT1: Cũng có tác dụng giãn mạch, cải thiện chức năng thất…Được chỉ định khi bệnh nhân không thể sử dụng thuốc ức chế men chuyển.

– Thuốc chẹn beta giao cảm: Giúp làm chậm nhịp tim, giãn mạch máu, ngăn chặn các kích thích thái quá của hệ giao cảm trong suy tim ứ huyết. Đây là thuốc giúp cải thiện sống còn, giảm khả năng nhập viện và đột tử do suy tim. 

– Thuốc lợi tiểu: Tăng đào thải muối và nước, giúp khối lượng máu lưu thông nên giảm tiền gánh cho tim.

–  Thuốc làm tăng sức co bóp cơ tim: Hiện nay dùng nhiều là các glycosid trợ tim – digoxin, thường được chỉ định ở suy tim kèm theo rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ.

Điều trị suy tim bằng thuốc

Điều trị suy tim bằng thuốc

4. Các thiết bị hỗ trợ 

Bên cạnh việc dùng thuốc một số bệnh nhân chọn lọc có thể được chỉ định các thiết bị hỗ trợ là máy phá rung ICD hoặc máy tạo nhịp đồng bộ cơ tim CRT.

– Máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim CRT được chỉ định ở bệnh nhân suy tim có EF < 35% kèm QRS > 130ms và bị block nhánh trái. Máy giúp tạo ra nhịp tâm nhĩ và/hoặc 2 tâm thất để đồng bộ hoạt động co bóp của tim, cải thiện chức năng tim và triệu chứng suy tim của người bệnh.

– Máy phá rung tự động ICD chỉ định dự phòng cho bệnh nhân suy tim nặng có EF < 35% hoặc rối loạn nhịp thất nặng gây mất ổn định huyết động đều có tiên lượng sống thêm > 1 năm. Khi tim bị rung thất/nhanh thất, máy sẽ tạo ra dòng điện để cắt cơn, đưa nhịp tim về bình thường.

5. Phẫu thuật ghép tim

Với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn, nội, ngoại khoa thông thường bác sĩ khuyên nên thực hiện ghép tim giúp cải thiện sự sống còn của bệnh nhân. Thường biện pháp này được chỉ định cho bệnh nhân dưới 65 tuổi và có khả năng tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều hạn chế do chi phí cao và tỷ lệ người hiến tạng còn thấp.

Phẫu thuật ghép tim trong điều trị suy tim

Phẫu thuật ghép tim trong điều trị suy tim

Trên đây là những phương pháp thường được sử dụng trong điều trị suy tim. Tuy nhiên dù lựa chọn bất kỳ liệu pháp nào, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi thực hiện giúp mang lại kết quả tốt nhất.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *