Trào ngược dạ dày thực quản: Cẩm nang từ A – Z

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nên những biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị rất quan trọng. Trong đó xây dựng chế độ ăn hợp lý là vô cùng cần thiết để cải thiện các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

I. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì? Có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi acid dạ dày di chuyển ngược lên ống nối thực quản và dạ dày. Lượng acid này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản.

Các biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:

– Hẹp thực quản: Acid dạ dày làm tổn thương thực quản gây ra những mô sẹo, co hẹp lại đường đi của thức ăn, từ đó xuất hiện tình trạng khó nuốt.

– Loét thực quản. Cũng do acid làm mòn các mô trong thực quản tạo nên các vết loét, dẫn đến chảy máu, khó nuốt và đau.

– Tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Chính vì vậy, trào ngược dạ dày thực quản cần theo dõi, sử dụng đúng loại thuốc, áp dụng chế độ ăn giúp hạn chế các triệu chứng và cải thiện sức khỏe.

II. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Ở người bình thường, sau khi nhai, nuốt, cơ vòng thực quản giãn ra để cho thức ăn và đồ uống di chuyển xuống vào dạ dày. Sau đó, cơ vòng đóng lại. Nếu rối loạn cơ chế đong mơ, cơ vòng yếu đi hoặc giãn ra bất thường, có thể acid dạ dày trào ngược lên thực quản, kích thích niêm mạc dẫn đến viêm. Và đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cơn trào ngược khó chịu.

Nguyên nhân của trào ngược dạ dày thực quản

Nguyên nhân của trào ngược dạ dày thực quản

III. Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Ợ chua là một triệu chứng phổ biến giúp nhận biết trào ngược dạ dày thực quản, thường xuất hiện sau khi ăn và trầm trọng hơn vào ban đêm. Ngoài ra, sau khi ăn no, trào ngược còn làm xuất hiện cảm giác nóng trong ổ bụng hoặc gây nôn, trớ khi acid di chuyển vào thực quản.

Một số triệu chứng khác ít phổ biến hơn, bao gồm:

– Đau họng.

– Đầy hơi.

– Khó nuốt.

– Ho khan.

– Khối u trong cổ họng.

Khi xuất hiện những dấu hiệu trên nên đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán đúng bệnh, sau đó thực hiện điều trị đúng cách.

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

IV. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có thể là bệnh lý khi gây ra những biến chứng như viêm thực quản, suy dinh dưỡng,…Cũng có trường hợp là sinh lý mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ thường bao gồm:

– Trẻ ói thức ăn hoặc sữa qua đường mũi hoặc miệng.

– Trẻ thường xuyên biếng ăn, đêm quấy khóc.

– Suy dinh dưỡng, thiếu máu.

– Biến chứng đường hô hấp như khò khè, ho, tím tái,…

– Đối với trẻ lớn: nôn, buồn nôn, ợ nóng, phía sau xương ức nóng rát, đau khi nuốt hoặc đau bụng.

V. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để kéo dài tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cũng như khó chịu trong sinh hoạt.

Để chẩn đoán bệnh dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả từ xét nghiệm cận lâm sàng.

– Chẩn đoán lâm sàng: 

+ Bộ câu hỏi GerdQ: Phương pháp này dựa vào sự xuất hiện của các triệu chứng của bệnh nhân trong vòng 7 ngày để cho điểm. GerdQ giúp chẩn đoán chính xác cũng như đánh giá ảnh hưởng của triệu chứng và theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

+ Điều trị thử với thuốc ức chế bơm proton 2-4 tuần (PPI test): Khi sử dụng với liều chuẩn hoặc gấp đôi mà giảm các triệu chứng thì xác định mắc trào ngược dạ dày thực quản.

– Xét nghiệm:

+ Đo độ pH trong 24h.

+ Nội soi dạ dày, thực quản: Đây là phương pháp được ưu tiên vì có giá trị trong chẩn đoán cũng như phát hiện được các biến chứng của bệnh.

+ Sinh thiết mô bệnh học: Phương pháp này là cách duy nhất giúp phát hiện sự thay đổi của tế bào trong bệnh thực quản Barrett. 

VI. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Với mỗi người bệnh cơ chế bệnh sinh cũng như biểu hiện lâm sàng khác nhau. Điều trị tình trạng này với mục tiêu kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống, làm lành các tổn thương (nếu có) và hạn chế tiến triển sang biến chứng.

Các biện pháp hiện nay để điều trị trào ngược dạ dày – thực quản gồm có: Điều chỉnh lối sống, điều trị bằng thuốc và can thiệp ngoại khoa.

1. Điều chỉnh lối sống

Ngoài việc kiểm soát các triệu chứng trào ngược bằng chế độ ăn uống hợp lý, việc thay đổi lối sống cũng đem lại hiệu quả cao như:

– Nhai kẹo cao su không chứa bạc hà (bạc hà có thể gây co thắt thực quản dưới), có thể làm tăng lượng nước bọt và giảm acid trong thực quản. Việc này làm dịu cơn đau một cách nhanh chóng.

– Thời điểm ăn cũng cực kỳ quan trọng: không ăn trong 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ.

– Trong khi ăn nên ngồi dậy và sau khi ăn ít nhất 2 giờ không nên nằm ngay. Ngoài ra, đi lại nhẹ nhàng sau ăn còn khuyến khích dạ dày hoạt động đúng hướng hơn.

– Nâng cao đầu trong khi ngủ để giảm các triệu chứng trào ngược.

– Không ăn quá nhiều cùng một lúc. Nên nhai kỹ, ăn chậm.

– Duy trì cân nặng hợp lý.

– Hạn chế tối đa bia rượu, thuốc lá và cà phê.

2. Điều trị bằng thuốc

Hiện nay thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị trào ngược dạ dày thực quản là nhóm thuốc ức chế bơm proton PPI. 

– Thuốc cho hiệu quả tốt, giảm nhanh triệu chứng, cho tác dụng kéo dài và có khả năng hỗ trợ làm lành vết loét.  

– Một số đại diện của nhóm có thể kể đến như: Omeprazole, Pantoprazol, Esomeprazol, Lantoprazol, Rabeprazol….

– Nếu bệnh nhân có nhiễm vi khuẩn HP cần sử dụng phác đồ diệt HP, sau đó dùng tiếp thuốc ức chế bơm proton tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.

3. Can thiệp ngoại khoa

Khi không đạt được hiệu quả khi thay đổi lối sống cũng như điều trị nội khoa thì có thể cân nhắc đến việc phẫu thuật để tạo một van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp. Việc thực hiện phẫu thuật thường gặp ở bệnh nhân bị viêm thực quản nặng, có xuất huyết, loét hoặc hẹp lòng, có khối thoát vị lớn.  Phương pháp ‘’Nissen mềm’’ qua nội soi ổ bụng thường có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mở.

Tuy nhiên phẫu thuật cũng vẫn có thể để lại nhiều rủi ro. Theo thống kê có đén 30% người sau mổ có những triệu chứng như khó nuốt, không ợ được, cảm giác hơi chướng…Cũng có báo cáo về nguy cơ tử vong. 

VII. Trào ngược dạ dày thực quản nên và không nên ăn gì

Ngoài việc dùng thuốc điều trị bệnh theo đơn bác sĩ chỉ định, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cũng là một biện pháp cải thiện bệnh hiệu quả. Chưa có một chế độ ăn đặc biệt nào quy định cho người bị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên có một số thực phẩm mà người bệnh  nên và không nên ăn, cần lưu ý để lựa chọn sử dụng.

Thực phẩm nên ăn khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Thực phẩm nên ăn khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Hoa quả và rau

– Trái cây: Những loại hoa quả không có múi như dưa, táo, chuối, lê,… Tránh trái cây và nước ép cam, quýt, chanh, bưởi, dứa,… do chúng có tính acid cao.

– Rau: Nên ăn đa dạng các loại rau. Tuy nhiên, cần hạn chế hoặc giảm nước sốt chứa nhiều chất béo hoặc chất kích thích khác như hành tây, cà chua,… và những thực phẩm cay, nhiều gia vị…

– Gừng có tính chất chống viêm tự nhiên. Từ lâu, gừng đã là phương pháp điều trị tự nhiên cho các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là chứng ợ nóng. Trong các món ăn nên thêm gừng thái nát hoặc giã nhỏ hoặc có thể sử dụng trà gừng để làm giảm bớt triệu chứng của trào ngược dạ dày. 

Protein

– Trứng: là một trong những thực phẩm giàu Protein. Tuy nhiên nên bỏ phần lòng đỏ có chứa lượng chất béo nhiều hơn vì nó gây ra các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

– Thịt nạc: Một số thực phẩm chiên rán làm giảm áp lực cơ vòng thực quản và làm chậm quá trình tháo rỗng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược. Do đó, nên chọn loại thịt nạc, ít chất béo và chế biến bằng cách luộc hoặc nướng.

Carbohydrate phức tạp

– Bột yến mạch, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn bổ sung chất xơ hiệu quả, được lựa chọn đầu tiên cho chế độ ăn cho bệnh nhân trào ngược dạ dày. Chế độ ăn nhiều chất xơ làm giảm nguy cơ trào ngược acid. Bột yến mạch có thể được chế biến thành cháo, súp hoặc làm bánh.

– Một số loại đậu giàu acid amin và chất xơ, cũng cần thiết trong bữa ăn. Tuy nhiên, đậu đen, đậu tương có thể gây đầy hơi. Trước khi sử dụng nên ngâm với nước để làm mềm hạt và ăn từng chút một.

– Socola có chứa Methylxanthine, gây giãn cơ trơn và tăng trào ngược. Do đó, không nên ăn loại thực phẩm này.

Chất béo lành mạnh

Không phải tất cả chất béo đều không tốt cho sức khỏe. Chúng có hàm lượng calo cao, cần thiết trong chế độ ăn. Tuy nhiên nên hạn chế những chất béo không tốt như chất béo bão hòa trong thịt và sữa hoặc chất béo chuyển hóa trong bơ thực vật, các loại thức ăn nhanh,… và tăng cường những chất béo lành mạnh như:

– Chất béo không bão hòa đơn: ô liu, dầu hướng dương, mè,…

– Chất béo không bão hòa đa: đậu nành, ngô, quả óc chó, đậu phụ, cá hồi.

Không nên ăn gì trong trào ngược dạ dày thực quản

Không nên ăn gì trong trào ngược dạ dày thực quản? 

Chế độ ăn trong trào ngược dạ dày là cực kỳ cần thiết, sử dụng nhiều thực phẩm lành mạnh như rau quả, trái cây, protein nạc,… bằng cách chế biến luộc hoặc nướng. Chỉ cần thực hiện một vài thay đổi và biến chúng trở thành thói quen sẽ giúp hạn chế được nhiều các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên giúp người đọc có thêm những thông tin hữu ích giúp phát hiện, điều trị cũng như có biện pháp phòng để không mắc phải trào ngược dạ dày thực quản.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *