Ung thư đại tràng: Những điều cần biết sớm trước khi quá muộn

Ung thư đại tràng và những điều cần biết

Ung thư đại tràng là bệnh khá phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng lại được phát hiện tương đối muộn, thường là ở giai đoạn cuối, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Đừng bỏ qua những thông tin trong bàu viết dưới đây để hiểu thêm về căn bệnh này!

I. Cấu tạo đại tràng

Đại tràng có chiều dài trung bình khoảng 1,5m tạo thành khung hình chữ U ôm lấy ruột non phía trong.

Cấu tạo của đại tràng gồm 4 lớp, từ ngoài vào trong lần lượt là:

– Lớp thanh mạc mỏng nhất có độ dày khoảng 0,10mm.

– Lớp cơ có hai loại sợi, sợi dọc bên ngoài, sợi vòng bên trong.

– Lớp dưới niêm mạc là lớp mô liên kết chứa đựng các mạch máu và dây thần kinh.

– Lớp niêm mạc là lớp trong cùng. 

II. Bệnh ung thư đại tràng

1. Nguyên nhân gây bệnh

– Chế độ ăn uống:

+ Mất cân bằng trong chế độ ăn, tỷ lệ nhiều thịt và mỡ động vật trong khi lại rất ít chất xơ, và không đáp ứng đủ nhu cầu nhóm các Vitamin A, B, C, D, E cùng canxi.

+ Thực phẩm có chứa benzopyrene, nitrosamine (là nhóm thực phẩm gây ung thư độ 1) như rượu, thuốc lá, đồ nướng, đồ ngâm muối, thực phẩm nấm mốc.

– Các tổn thương làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng:

+ Viêm đại trực tràng chảy máu: Bệnh viêm mạn tính hình thành ổ viêm loét gây xuất huyết tại trực tràng ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc.

+ Bệnh Crohn.

+ Polyp đại tràng.

– Di truyền:

+ Hội chứng Lynch: Rối loạn di truyền gây đột biến làm bị mất hoặc thiếu các gen sửa chữa DNA trong quá trình sao chép. Các gen này đóng vai trò ức chế sự hình thành tế bào ung thư trong đó có ung thư đại tràng.

+ Bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP): Sự thiếu hoặc mất đi gen ức chế khối u đa chức năng được di truyền từ cha mẹ (APC). Tăng khả năng bị polyp đại tràng, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư đại tràng.

+ Hội chứng Peutz-Jeghers.

+ Hội chứng Gardner.

Thực phẩm bị nấm mốc là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng

Thực phẩm bị nấm mốc là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng

2. Dấu hiệu nhận biết

2.1 Triệu chứng cơ năng

– Ở thời kỳ đầu, cơn đau thường có tính chất âm ỉ ở mức chịu đựng được, đôi khi sẽ đau nhiều thành từng cơn. Cơn đau không ăn nhịp với bữa ăn (dùng để phân biệt với đau do viêm loét dạ dày-tá tràng), xuất hiện bất cứ lúc nào. Có trường hợp không đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng.

– Vị trí đau không phải luôn là ở vị trí tổn thương, có trường hợp ghi nhận ung thư đại tràng trái nhưng lại đau bên hố chậu phải.

– Rối loạn tiêu hóa:

+ Táo bón thường xuất hiện sau đau. Thuốc nhuận tràng hay thuốc tẩy chỉ có tác dụng tạm thời.

+ Đại tiện lỏng, với khoảng 4-5 lần/ngày, bệnh nhân có thể nhìn thấy máu và mủ lẫn trong phân (dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với bệnh kiết lị).

+ Có bệnh nhân chỉ bị táo bón, có bệnh nhân lại chỉ bị ỉa chảy, có bệnh nhân lại xen kẽ cả táo bón lẫn ỉa chảy.

Rối loạn tiêu hóa và đau âm ỉ bụng là dấu hiệu ung thư đại tràng

Rối loạn tiêu hóa và đau âm ỉ bụng là dấu hiệu ung thư đại tràng

2.2 Triệu chứng thực thể

– Nếu chưa có u thì rất khó chẩn đoán là ung thư đại tràng vì các dấu hiệu rất bình thường dễ gây chủ quan, đôi khi chỉ thấy chướng bụng nhẹ, đều hoặc manh tràng bị chướng và hơi đau nhẹ, kể cả nắn sâu cũng không thấy một hiện tượng bất thường nào. 

– Khi có u thì dễ chẩn đoán hơn. Nắn u bên phải dễ thấy hơn vì nó to hơn u bên trái.

– Khám toàn thân để phát hiện di căn ở các cơ quan khác như hạch ngoại vi, gan, di căn buồng trứng ở phụ nữ, dịch cổ trướng, từ đó giúp đánh giá mức độ tiến triển của bệnh.

2.3 Triệu chứng toàn thân

– Thiếu máu do mất máu mạn tính qua phân gây nên sắc mặt nhợt nhạt, xanh xao, cơ thể mệt mỏi.

– Gầy, sút cân: Người bệnh có thể bị sút 5-10 kg trong vòng 2-4 tháng.

– Suy nhược cơ thể: Do bệnh tiến triển lâu làm suy mòn.

Cơ thể suy nhược, mệt mỏi là dấu hiệu ung thư đại tràng

Cơ thể suy nhược, mệt mỏi là dấu hiệu ung thư đại tràng

2.4 Tắc ruột trong ung thư đại tràng

– Sự phát triển và to ra của khối u là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tắc ruột. Ở một số trường hợp khác, khối u bị viêm ở vi thành đại tràng, bị phù nề chèn ép dẫn đến hẹp lòng đại tràng. Tắc ruột còn có thể đến từ một nguyên nhân khác nữa là lồng ruột, thường thấy u ở manh tràng lồng vào đại tràng lên.

– Phân biệt tắc ruột ở đại tràng và tắc ruột ở ruột non:

+ Trong tắc ruột ở ruột non, rối loạn nước và điện giải xuất hiện sớm hơn tắc ruột ở đại tràng.

+ Ở ruột non, các biểu hiện của toàn thân suy sụp nhiều đã xuất hiện chỉ sau 2 ngày bị tắc ruột. Trong khi đó, ở đại tràng, tình trạng toàn thân vẫn còn tốt ngay cả sau 3-4 ngày bị tắc.

+ Tắc ruột ở đại tràng nôn ít hơn vì tắc ruột càng thấp càng ít nôn.

Điều đó làm cho việc chẩn đoán bị muộn do các triệu chứng toàn thân không bao giờ suy sụp ngay, bệnh nhân đau nhưng vẫn chịu được. 

2.5 Độ tuổi ung thư đại tràng

Lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 30-60 tuổi, nam có nguy cao hơn nữ.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng

Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng

Để xác định chính xác ung thư đại tràng, người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm phân, xét nghiện hình thái cấu trúc để chắc chắn mình có bị mắc bệnh hay không.

III. Ung thư đại tràng có nguy hiểm không?

1. Ung thư đại tràng giai đoạn 1

Đây là giai đoạn đầu của bệnh ung thư đại tràng, nếu phát hiện được bệnh ở giai đoạn này sẽ rất thuận lợi trong công tác điều trị, vì lúc này các tế bào ung thư mới được hình thành và phát triển chỉ ở trong các lớp của đại tràng và có đặc điểm: 

– Không có di căn hạch cả hạch vùng lẫn hạch xa.

– Khối u đã xâm lấn lớp dưới niêm mạc và lớp cơ.

Do vậy giai đoạn này còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.

2. Ung thư đại tràng giai đoạn 2

– Các tế bào ung thư phát triển mạnh, các biểu hiện bệnh lý được bộc lộ rõ. Việc phát hiện sớm ở giai đoạn này vẫn đem đến những sự tích cực trong điều trị.

– Ở giai đoạn 2 được phân ra 3 nhóm nhỏ dựa trên việc xâm lấn của khối u, nhưng có đặc điểm chung là chưa có di căn cả hạch vùng lẫn hạch xa.

+ Giai đoạn 2A: Sự xâm lấn của khối u đã vào lớp dưới thanh mạc hoặc đến vùng mô quanh đại tràng (nơi không được phủ phúc mạc).

+ Giai đoạn 2B: Khối u lan qua lớp thanh mạc và vào phúc mạc tạng.

+ Giai đoạn 2C: Khối u xâm lấn cơ quan kế cận.

– Tuân thủ phác đồ điều trị là điểm mấu chốt trong điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 2, vì thời gian của phác đồ thường kéo dài và tốn kém cả về chi phí.

Ung thư đại tràng qua giai đoạn 1, 2, 3, 4

Ung thư đại tràng qua giai đoạn 1, 2, 3, 4

3. Ung thư đại tràng giai đoạn 3

Khối u đã bắt đầu xâm lấn qua các lớp của đại tràng, và hạch lân cận, không có di căn hạch xa. Đây là giai đoạn đã nhận biết được nhiều dấu hiệu của bệnh, việc điều trị cũng có nhiều khó khăn. Được chia ra 3 nhóm nhỏ dựa trên mức độ xâm lấn và di căn hạch. 

– 3A:

+ Khối u đã xâm lấn đến lớp dưới niêm mạc và cả lớp cơ.

+ Có di căn hạch vùng 1-3, hoặc 4-6 hạch.

– 3B:

+ Khối u đã phát triển và vượt quá lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc hoặc có thể xâm lấn đến vùng mô (nơi không được phúc mạc tạng bao phủ) quanh đại tràng.

+ Có di căn 4 hạch vùng hoặc nhiều hơn.

– 3C:

+ U xâm lấn qua thanh mạc (lớp ngoài cùng của đại tràng) và vào phúc mạc của tạng di căn 4-6 hạch.

+ Khối u đã vượt qua các lớp của đại tràng xâm lấn cơ quan kế cận, di căn 4-6 hạch vùng hoặc nhiều hơn nữa.

4. Ung thư đại tràng giai đoạn 4

Khối u đã có thể xâm lấn bất kỳ vị trí nào từ lớp dưới niêm mạc, quá lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc hoặc đến vùng mô quanh đại tràng không được phủ phúc mạc xâm lấn qua thanh mạc và thủng vào phúc mạc tạng u xâm lấn cơ quan kế cận

– Có di căn hạch vùng đạt mức độ cao nhất là từ 7 hạch trở lên.

– Chia thành 2 nhóm nhỏ dựa trên sự di căn xa:

+ 4A: Di căn xa chỉ ở một cơ quan.

+ 4B: Di căn từ 2 cơ quan/vùng hoặc di căn lan tràn phúc mạc.

5. Ung thư đại tràng sống được bao lâu, có chữa khỏi được không?

Ung thư đại tràng sống được bao lâu?

Ung thư đại tràng sống được bao lâu?

Từ xưa đến nay, bệnh ung thư vẫn luôn được gắn mác như một án tử hình đối với những ai thiếu may mắn mắc phải.

– Nếu ung thư được phát hiện và tiến hành điều trị ngay ở giai đoạn đầu, khi mà tế bào ung thư chỉ mới phát triển ở lớp niêm mạc đại tràng thì cơ hội sống của bệnh nhân lên tới 92%. Tiên lượng bệnh này được áp dụng trong khoảng 5 năm, sau đó bệnh nhân có thể không tái phát hoặc tái phát tùy theo thể trạng từng người.

– Khi các tế bào ung thư đã lan ra ngoài giới hạn của đại tràng, xâm lấn đến cơ quan kế cận như mô ở thành ruột nhưng chưa vào đến hạch bạch huyết thì tỷ lệ sống cho bệnh nhân là 84-89%.

– Ung thư đã xâm lấn đến hạch bạch huyết thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân chỉ là 53-87%.

– Điều tồi tệ nhất là việc phát hiện ra khi tế bào ung thư đã xâm lấn các cơ quan xa như phổi, buồng trứng, gan,…tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân chỉ khoảng 11-12%.

Vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là điều quan trọng hơn cả trong phát hiện và điều trị ung thư đại tràng.

IV. Khám ung thư đại tràng

1. Siêu âm có phát hiện ung thư đại tràng không?

Siêu âm là bước đầu để đánh giá chức năng của cả ổ bụng, để loại trừ các nguyên nhân gây đau có thể đến từ việc tổn thương của một cơ quan khác như ung thư gan, ung thư dạ dày,…

Độ nhạy của phương pháp này cũng không cao so với chụp cắt lớp vi tính, khó phát hiện ra các tổn thương nhỏ hay khối u mới hình thành. Siêu âm qua nội trực tràng là phương pháp quan trọng để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u và di căn hạch mạc treo trực tràng.

Siêu âm đại tràng phát hiện ung thư

Siêu âm đại tràng phát hiện ung thư

2. Nội soi đại tràng

Soi trực tràng ống mềm có giá trị quan trọng để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, cho biết vị trí, đặc điểm khối u và sinh thiết.

Chụp X-quang: được chỉ định trong cấp cứu hoặc khi có biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột.

Nội soi đại tràng phát hiện ung thư

Nội soi đại tràng phát hiện ung thư

Cần lựa chọn các bệnh viện, phòng khám uy tín để thực hiện các xét nghiệm nhằm đưa ra kết quả chính xác.

V. Nên làm gì khi bị ung thư đại tràng

Cẩm nang cần thiết cho người bị ung thư đại tràng:

– Vì là bộ phận thuộc hệ thống tiêu hóa tham gia trực tiếp vào quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, lại chịu tổn thương, nên chế độ ăn cũng phải hết sức chú ý để đảm bảo không gây thêm thương tổn nhưng vẫn cung cấp năng lượng duy trì hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

– Nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung thêm protein và chất xơ, uống nhiều nước, thực phẩm được chế biến từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, và nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

– Kiêng sử dụng cà phê, rượu, các chất kích thích, đường, các thực phẩm ăn dễ gây táo bón.

– Thường xuyên đi khám để đánh giá tiên lượng của bệnh.

Người bị ung thư đại tràng nên ăn gì?

Người bị ung thư đại tràng nên bổ sung thêm protein và chất xơ vào chế độ ăn

– Điều quan trọng nhất đó là bạn không được suy sụp tinh thần, bởi vì nếu duy trì tốt phác đồ điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có thể kéo dài số năm sống cũng như chất lượng cuộc sống tùy vào giai đoạn bệnh đang mắc phải.

Ung thư đại tràng là căn bệnh nguy hiểm và rất khó để nhận biết sớm do các dấu hiệu thường diễn biến âm thầm. Vậy nên hãy luôn duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Ngoài ra, nên đi khám sàng lọc và chú ý theo dõi, kiểm tra để phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *