Bệnh lao phổi – Những điều cần biết

Bệnh lao phổi (bệnh lao) là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bệnh lao phổi (bệnh lao) là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời!

1. Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đến nay, bệnh lao là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, hơn cả “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS và sốt rét. Theo thống kê, năm 2015 có 10,4 triệu người mắc bệnh và 1,8 triệu người chết do lao phổi. Ước tính mỗi năm có khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao nhưng có đến 3 triệu người không được điều trị y tế.

Bệnh lao phổi là một căn bệnh nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp

Bệnh lao phổi là một căn bệnh nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis tấn công và hủy hoại các mô trong phổi. Căn bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Vi khuẩn lao là một loại vi khuẩn ái khí, chúng ưa cư trú ở môi trường có nhiều oxy. Do đó, các vi khuẩn này thường cư trú và gây tổn thương nặng nhất ở phổi. Vi khuẩn lao có thể tồn tại được 3-4 tháng trong điều kiện tự nhiên, tồn tại nhiều năm trong phòng thí nghiệm ở điều kiện bảo quản. Tuy nhiên, chúng sẽ chết sau khoảng 1,5 giờ khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và sau 5 phút dưới tác động của tia cực tím.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh lao lây qua không khí, mầm bệnh không tồn tại trong tự nhiên và vật trung gian gây bệnh. Bệnh lây lan do trực khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ mà tiếp xúc gần với người khác. Một người bệnh lao có thể lây cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong khoảng 1 năm.

Bệnh lao lây qua không khí

Bệnh lao có thể lây truyền qua không khí

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh lao:

– Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

– Tiếp xúc với người bệnh lao hoặc các chất thải chứa vi khuẩn lao.

– Người có chứa vi khuẩn lao tiềm ẩn nhưng chưa phát bệnh.

– Sức đề kháng kém: Người bị tiểu đường, HIV, suy thận, ung thư đầu cổ…

– Dùng thuốc Corticoid kéo dài.

– Người sử dụng thuốc lá, rượu làm tăng tỉ lệ nhiễm trực khuẩn lao.

3. Triệu chứng bệnh lao

Tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người mà thời gian ủ bệnh cũng khác nhau. Khi ở giai đoạn ủ bệnh, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó rất khó để phát hiện bệnh trong giai đoạn này.

Khi ở giai đoạn phát bệnh, các dấu hiệu bệnh lao thường gặp có thể kể đến như sau:

– Ho: Các bệnh tổn thương phổi cấp và mạn tính đều có triệu chứng này. Ngoài bệnh lao phổi, ho có thể là dấu hiệu của viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi… Tuy nhiên, khi bị ho dai dẳng kéo dài, người bệnh đã sử dụng kháng sinh nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, cần nghĩ ngay đến bệnh lao phổi.

– Ho có đờm: Khi có tổn thương hoặc kích thích tại phổi, người bệnh thường bị ho có đờm. Nếu triệu chứng này cũng không giảm sau khoảng 2-3 tuần dùng kháng sinh, có thể nghi ngờ ho do bệnh lao.

– Ho ra máu: 60% người bệnh lao phổi bị ho ra máu do các tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.

Ho là triệu chứng phổ biến của lao phổi và nhiều bệnh lý hô hấp khác

Ho là triệu chứng phổ biến của lao phổi và nhiều bệnh lý hô hấp khác

– Sốt: Người bệnh có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ, gai lạnh về chiều cùng các triệu chứng khác như ho, ho có đờm, ho ra máu…

– Đau ngực, khó thở: Khi bị ho nhiều gây ức chế phế quản dẫn đến quá trình trao đổi khí khó khăn, người bệnh bị đau ngực, khó thở.

– Ra mồ hôi nhiều: Thường dễ nhận thấy ở trẻ em bị mắc bệnh lao phổi, do sự rối loạn thần kinh thực vật.

– Chán ăn, mệt mỏi: Do bị ho, khó thở nhiều khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực, thiếu ngủ, chán ăn. Đây là một dấu hiệu phổ biến ở người bệnh lao.

– Sụt cân: Hầu hết người bệnh lao thường có biểu hiện này. Do đó, nếu người bệnh gầy sụt cân và có những triệu chứng ở trên, cần nghĩ đến bệnh lao phổi.

4. Biến chứng của lao phổi

Bệnh lao phổi nếu không được phát hiện và điều trị sớm với đúng phác đồ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như sau:

– Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi: Dịch tiết, khí tràn ra nhiều sẽ ép khoảng trống trong phổi còn lại khoảng trống nhỏ, không đủ cung cấp khí lưu thông gây đau ngực, khó thở, thậm chí là tử vong. Nếu bị tràn dịch hay tràn khí màng phổi, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức.

Lao phổi có thể gây tràn dịch màng phổi

Lao phổi có thể gây tràn dịch màng phổi

– Rò thành ngực: Nếu không điều trị đúng phác đồ hoặc không được điều trị, vi khuẩn lao kháng thuốc có thể gây rò thông phế quản – thành ngực.

– Lao thanh quản: Khi bị lao thanh quản, người bệnh thường bị khàn tiếng, nói khó, đau khi nuốt nước bọt, đau tai. Khi khám bệnh thường phát hiện tình trạng loét dây thanh âm, loét đường hô hấp trên.

– Nấm Aspergillus phổi: Ở một số bệnh nhân, bệnh lao được chữa khỏi nhưng để lại các hang trong phổi không lành được, tạo điều kiện cho nấm Aspergillus fumigatus phát triển. Người bệnh bị nhiễm nấm này có thể bị ho ra máu, thậm chí là gây chết người.

5. Chẩn đoán lao phổi

Không phải cứ nhiễm khuẩn lao thì sẽ mắc bệnh lao. Chỉ những người có sức đề kháng kém, vi khuẩn lao mới sinh sôi và phát triển nhanh chóng gây ra bệnh lao phổi. Ở người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, vi khuẩn lao bị tấn công bởi các yếu tố miễn dịch, bệnh phát triển chậm hoặc là không phát bệnh.

Để chẩn đoán bệnh lao, ngoài các triệu chứng của bệnh, để xác định bệnh nhân có thực sự bị lao hay không, có thể thực hiện một số xét nghiệm sau:

– Chụp X-quang: Cho hình ảnh tổn thương chủ yếu ở đỉnh phổi.

Có thể chẩn đoán lao phổi qua chụp X-quang

Có thể chẩn đoán lao phổi qua chụp X-quang

– Nhuộm soi, nuôi cấy các mẫu bệnh phẩm (đờm, dịch màng phổi, dịch tiết phế quản) tìm thấy sự xuất hiện của trực khuẩn lao,

– Sinh thiết phổi, niêm mạc phế quản, hạch thấy các tổn thương nang lao.

– Xét nghiệm PCR-BK cho kết quả dương tính.

– Xét nghiệm Xpert MTB/RIF cho kết quả dương tính.

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt với ung thư phổi, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản.

6. Điều trị lao phổi

Hiện nay, lao phổi là bệnh có thể hoàn toàn chữa khỏi được. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị theo đúng phác đồ sẽ giúp bệnh chóng khỏi và không gây biến chứng.

Trong thời gian điều trị bệnh, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Không nên dùng các loại rượu, bia, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá… gây ảnh hưởng tác dụng của thuốc.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao

Tuân theo 4 nguyên tắc sau đây:

– Phối hợp các thuốc chống lao. Nếu lao chưa kháng thuốc thì phối hợp ít nhất 3 thuốc chống lao giai đoạn tấn công, ít nhất 2 thuốc giai đoạn duy trì. Với lao kháng thuốc, phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực, bao gồm Pyrazinamid và 4 thuốc lao hàng hai có hiệu lực.

– Dùng đúng liều. Thuốc chống lao tác dụng hiệp đồng, dùng đúng liều sẽ có hiệu quả tốt nhất, tránh nguy cơ kháng thuốc khi dùng liều thấp và tai biến khi dùng liều cao.

– Dùng đều đặn. Uống các thuốc chống lao cùng lúc, vào thời gian cố định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.

– Dùng đủ thời gian, theo 2 giai đoạn tấn công & duy trì. Với lao chưa kháng thuốc, giai đoạn tấn công kéo dài 2-3 tháng, giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng. Với lao kháng thuốc, phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn 9-11 tháng có giai đoạn tấn công 4-6 tháng, còn phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có giai đoạn tấn công 8 tháng.

Có thể thay đổi thời gian sử dụng từng loại thuốc tùy thuộc vào đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.

Tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị lao

Tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị lao

Điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn

Ở giai đoạn này, hầu như không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rõ rệt. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài tùy thuộc tình trạng sức khỏe của từng người, co khi vài chục năm sau, thậm chí là không phát bệnh.

Do có ít vi khuẩn lao cư trú trong phổi nên quá trình điều trị bệnh cũng dễ dàng hơn. Có thể sử dụng các thuốc để trị lao bao gồm Isoniazid, Rifampicin, Pyrazinamide.

Điều trị bệnh lao tiến triển

Hiện nay, bệnh lao thường được điều trị bằng kháng sinh kết hợp trong vòng 6 – 9 tháng.

Các thuốc chống lao thiết yếu (hàng 1) là: Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S), Ethambutol (E). Ngoài ra, còn có Rifabutin (Rfb) và Rifapentine (Rpt) mới được bổ sung.

Thuốc chống lao hàng 2 được phân ra thành các nhóm như sau:

A. Fluoroquinolones (FQs)

Levofloxacin

Moxifloxacin

Gatifloxacin

Lfx

Mfx

Gfx

B.Thuốc tiêm hàng hai

Amikacin

Capreomycin

Kanamycin

Streptomycin

Am

Cm

Km

S

C. Các thuốc hàng hai chủ đạo khác

Ethionamide/Prothionamide

Cycloserine/Terizidone

Linezolid

Clofazimine

Eto/Pto

Cs/Trd

Lzd

Cfz

D. Các thuốc bổ sung

(không thuộc nhóm chủ đạo)

D1

Pyrazinamide

Ethambutol

H liều cao

Z

E

Hh

 

D2

Bedaquiline

Delamanid

Bdq

Dlm

 

D3

p-aminosalicylic acid

Imipenem-cilastatin

Meropenem

Amoxicillin-clavulanate

Thioacetazone

PAS

Ipm

Mpm

Amx-Clv

T

 

Một số phác đồ điều trị lao nhạy cảm với thuốc người bệnh có thể tham khảo:

– 2RHZE/4RHE:

+ Giai đoạn tấn công 2 tháng, gồm 4 thuốc R, H, Z, E.

+ Giai đoạn duy trì 4 tháng, gồm các thuốc R, H, E.

– 2RHZE/4RH:

+ Giai đoạn tấn công 2 tháng, gồm 4 thuốc R, H, Z, E.

+ Giai đoạn duy trì 4 tháng, gồm các thuốc R, H.

7. Phòng ngừa lao phổi

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do đó cần hạn chế tối thiểu nguy cơ lan truyền trong cộng đồng.

– Ngay từ tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ em đều được tiêm phòng vaccin BCG giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao phổi.

– Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần thăm khám bác sĩ ngay để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh.

– Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng.

– Rèn luyện thể dục thể thao, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật.

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa lao phổi

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa lao phổi

Bên cạnh đó, để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh, người mắc bệnh lao cần chú ý:

– Tích cực điều trị theo đúng nguyên tắc và phác đồ,

– Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, cần phơi chăn chiếu đồ dùng ra nắng hàng ngày. Dưới ánh nắng mặt trời 1,5 giờ, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt.

– Hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…

– Luôn đeo khẩu trang, che miệng, mũi khi tiếp xúc với mọi người xung quanh.

– Nằm nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái, giúp hô hấp dễ dàng, tránh tức ngực, khó thở.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh lao phổi. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc có thêm hiểu biết về căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này và biết cách phòng bệnh cho bản thân và mọi người xung quanh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số Hotline để được tư vấn thêm về bệnh và các thuốc điều trị lao phổi.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *