Bệnh giun kim: Dấu hiệu nhận biết và điều trị hiệu quả

Hình ảnh giun kim

Hình ảnh giun kim

Bệnh giun kim là bệnh có tỷ lệ mắc nhiều nhất trong các bệnh nhiễm giun đường ruột. Cách chữa bệnh giun kim tốt nhất là dùng thuốc, mặc dù có thể tái nhiễm. Bài viết dưới đây sẽ giải thích đầy đủ cho độc giả về bệnh giun kim, các biểu hiện, cách chữa bệnh và biện pháp phòng chống hiệu quả.

I. Bệnh giun kim là gì?

Giun kim là tác nhân phổ biến gây nhiễm giun đường ruột trên con người. Đặc điểm giun kim là:

– Kích thước nhỏ, khoảng 10mm, đầu hơi phình, màu trắng đục.

– Trứng giun kim có hình bầu dục, vỏ nhẵn, vẹt một đầu.

– Ký sinh chủ yếu ở ruột non, ruột già.

Bệnh giun kim là bệnh gây ra do nhiễm ký sinh trùng giun kim và nó rất dễ lây lan. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ với lứa tuổi từ 5-10 tuổi và ở cả người lớn do có tiếp xúc với trẻ.

Để phòng ngừa bệnh giun kim tốt thì cần nắm được con đường lây nhiễm của giun kim để ngăn chặn bệnh lây từ người này sang người khác. Phần dưới đây sẽ giải thích cụ thể nguyên nhân mắc giun kim là do đâu và cách phòng bệnh tốt nhất.

II. Con đường lây nhiễm của bệnh giun kim

Trước hết, để nắm được con đường lây nhiễm của giun kim, nên tìm hiểu về chu trình sống của nó.

Vòng đời sống của giun kim

Vòng đời sống của giun kim

1. Chu trình sống của giun kim

– Một chu kỳ sống của giun đất léo dài trong 4-8 tuần.

– Trứng giun kim theo đường tiêu hóa đi vào cơ thể người ký sinh ở phần đầu của ruột non. Trứng phát triển thành ấu trùng, qua nhiều lần lột xác phát triển thành con trưởng thành gồm con đực, con cái.

– Giun đực và giun cái giao phối với nhau ở hồi tràng, sau đó giun đực chết, giun cái di chuyển đến đại tràng, trực tràng.

– Đến đêm, giun cái bò ra kẽ hậu môn để đẻ trứng

– Trứng dính vào chăn, chiếu, màn hoặc do trẻ em sờ tay vùng hậu môn mà trứng phát tán ra ngoài môi trường.

– Theo đường tiêu hóa, trứng giun kim xâm nhập vào cơ thể và tiếp tục một chu trình mới.

Số lượng trứng giun kim cái đẻ ra khoảng 11.000-16.000 trứng mỗi lần, hơn nữa quá trình phát triển của giun kim không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Vì vậy, bệnh giun kim rất dễ lây lan.

2. Phương thức lây nhiễm

Theo chu kỳ sống của giun kim, có 2 phương thức lây truyền bệnh giun kim gồm:

– Qua đường tiêu hóa: Khi giun cái di chuyển ra kẽ hậu môn đẻ trứng, gây ngứa. Nếu dùng tay để gãi hậu môn, trứng sẽ dính vào tay, chạm vào đồ vật sẽ dính vào các đồ vật. Tay dính trứng giun kim nếu đưa lên miệng, cầm nắm thức ăn thì trứng sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

– Đường truyền nhiễm khác: Tại nếp kẽ hậu môn, trứng giun kim phát triển thành ấu trùng giun kim. Ấu trùng giun kim không ra ngoài môi trường mà di chuyển ngược lên manh tràng. Tại manh tràng, phát triển thành giun kim trưởng thành, tuy nhiên kiểu này ít gặp hơn.

Trẻ có thói quen mút tay, nhiễm giun kim qua đường tiêu hóa

Trẻ có thói quen mút tay, nhiễm giun kim qua đường tiêu hóa

3. Đối tượng có nguy cơ nhiễm giun kim

Vì trứng giun kim rất nhỏ và chu trình sống ít ảnh hưởng bởi điều kiện ngoại cảnh nên dễ lây lan. Mặc dù ở lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiễm giun kim nhưng những đối tượng sau đây dễ bị nhiễm giun kim hơn:

– Trẻ đi học nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trường tiểu học.

– Thành viên gia đình hoặc người chăm sóc của những người đã bị nhiễm bệnh.

– Những cá nhân sống trong các tổ chức hoặc nơi ở đông đúc khác, chẳng hạn như ký túc xá.

– Trẻ em hoặc người lớn không thực hành rửa tay thường xuyên và cẩn thận trước khi ăn.

– Trẻ có thói quen mút ngón tay.

Thông qua con đường lây nhiễm của bệnh giun kim, có thể thấy bệnh rất dễ lây lan. Vậy dựa vào triệu chứng nào nhận biết được người mắc bệnh giun kim.

III. Triệu chứng khi mắc bệnh giun kim

Ngứa hậu môn đặc biệt vào ban đêm là triệu chứng khi nhiễm giun kim

Ngứa hậu môn đặc biệt vào ban đêm là triệu chứng khi mắc bệnh giun kim

Một số trường hợp bị nhiễm giun kim nhưng không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu mắc một số triệu chứng dưới đây thì có thể là đã nhiễm giun kim:

– Cảm giác ngứa mạnh và đau ở vùng hậu môn, đặc biệt vào ban đêm.

– Ngủ không ngon giấc do ngứa hậu môn, khó chịu. Trẻ hay quấy khóc ban đêm.

– Đau, phát ban hoặc kích ứng da khác xung quanh hậu môn.

– Quan sát thấy giun kim ở vùng hậu môn của trẻ.

– Quan sát thấy giun kim trong phân.

Bệnh giun kim tuy không nguy hiểm nhưng đôi khi có thể gây một số tác hại như:

– Quá trình ký sinh ở đường ruột, giun kim có thể làm tổn thương niêm mạc ruột gây rối loạn tiêu hóa. Mất ngủ do ngứa ngáy hậu môn cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh. Vậy nên, trẻ bị nhiễm giun kim có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn.

– Nhiễm một lượng đáng kể giun kim trong cơ thể có thể gây ra đau bụng, tắc ruột, tắc mật, Giun đi lung tung, chui vào ruột thừa, nó có thể gây nên tình trạng viêm ruột thừa, vô cùng nguy hiểm. Đôi khi giun kim chui vào đường sinh dục của phụ nữ gây viêm nhiễm, rối loạn kinh nguyệt.

– Một lượng lớn giun kim trong cơ thể sẽ hút mất các chất dinh dưỡng thiết yếu khi ký sinh, gây sụt cân, thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Bệnh giun kim tuy không nguy hiểm tức thì nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vậy điều trị như thế nào? 

IV. Cách chữa bệnh giun kim

Điều trị bệnh giun kim bằng thuốc là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Vì giun kim lây truyền từ người này sang người khác rất dễ dàng nên cần điều trị cùng lúc những người cùng gia đình để ngăn ngừa tái nhiễm. Những người chăm sóc và những người khác có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân cũng nên được điều trị đồng thời.

Một số loại thuốc điều trị giun kim thường được bác sĩ chỉ định gồm:

– Mebendazole

– Albendazole

– Pyrantel pamoate

Một đợt dùng bao gồm 2 liều, liều thứ hai cách liều đầu tiên 2-3 tuần. Có thể cần nhiều hơn một liệu trình để loại bỏ hoàn toàn trứng giun kim. Nên kết hợp kem bôi hoặc thuốc mỡ có thể làm dịu da ngứa ở khu vực xung quanh hậu môn. 

Lưu ý: Dùng thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ có chuyên môn. Không tự ý uống thuốc hay tăng liều thuốc.

Mebendazole là một thuốc thường được dùng chữa bệnh giun kim

Mebendazole là một thuốc thường được dùng chữa bệnh giun kim

V. Biện pháp phòng ngừa mắc bệnh giun kim

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng và tái nhiễm giun kim là thực hiện vệ sinh sạch sẽ đối với bản thân người bệnh và các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Vệ sinh môi trường sống xung quanh để hạn chế phát tán trứng giun kim.

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: 

– Người bệnh và các thành viên khác trong gia đình nên rửa tay bằng nước ấm và xà phòng sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt là sau khi đi đại tiện và thay tã ở trẻ. Trước khi chế biến thức ăn và ăn cũng phải rửa tay sạch sẽ. 

– Cắt móng tay, làm sạch móng tay thường xuyên.

– Không gãi vùng hậu môn. 

– Dừng ngay những thói quen có thể lây lan trứng giun kim, chẳng hạn như cắn hoặc cào móng tay.

– Thay quần áo lót và quần áo hàng ngày. Tốt hơn nữa là mọi người trong gia đình tắm rửa và thay quần áo lót mỗi sáng để loại bỏ trứng giun kim xuất hiện vào đêm hôm trước.

– Không cho trẻ tắm chung vì có thể khiến trứng giun kim phát tán trong nước tắm.

Rửa tay xà phòng thường xuyên phòng ngừa bệnh giun kim

Rửa tay xà phòng thường xuyên phòng bệnh giun kim

Giữ vệ sinh nhà cửa:

– Sử dụng nước nóng để giặt tất cả bộ đồ giường, khăn tắm, khăn mặt và quần áo nếu trong nhà có người nhiễm giun kim. 

– Tránh giũ quần áo và chăn ga gối đệm để tránh trứng giun kim phát tán vào không khí.

– Làm sạch kỹ bất kỳ bề mặt nào có thể dính trứng giun kim, bao gồm đồ chơi, sàn nhà, mặt bàn và bệ toilet.

– Giữ phòng thông thoáng, đủ ánh sáng vào ban ngày vì trứng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Vệ sinh môi trường xung quanh tránh tái nhiễm giun kim

Vệ sinh môi trường xung quanh tránh tái nhiễm giun kim

Mặc dù gây khó chịu nhưng nhiễm giun kim không gây nguy hiểm đến tính mạng. Có thể chữa bệnh giun kim bằng thuốc hiệu quả. Hiện tượng tái nhiễm vẫn xảy ra nhất là ở trẻ em, nên cần đảm bảo các biện pháp vệ sinh để phòng bệnh hiệu quả nhất.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *