Viêm đường ruột – Cẩm nang những điều cần biết

Bệnh viêm đường ruột

Bệnh viêm đường ruột

Viêm đường ruột là bệnh lý thường gặp trên đường tiêu hóa. Ban đầu người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đi ngoài có máu… Nếu không điều trị sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây nguyên nhân gây bệnh cũng như các cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm ruột hiệu quả nhất.  

1. Viêm đường ruột là bệnh gì?

Viêm đường ruột (IBD) là một thuật ngữ chung để chỉ các tình trạng viêm trên đường ruột với nguyên nhân là do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Đặc trưng của viêm ruột là tình trạng viêm mạn tính tự tái phát rồi tự thuyên giảm tại các vị trí trong đường ruột. Hai thể bệnh chính của viêm ruột là viêm đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn.

Viêm đường ruột gặp ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người già nhưng tập trung nhiều ở 2 độ tuổi, đó là nhóm người trẻ từ 17 đến 25 tuổi hoặc nhóm người cao tuổi từ 50 đến 60 tuổi. Với những người cao tuổi bị viêm đường ruột tình trạng bệnh thường nhẹ, ít tiến triển thành thể nặng so với nhóm người trẻ.

Bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Không chỉ bệnh nhân điều trị ngoại trú mà đồng thời tỷ lệ người phải nhập viện với các ca viêm đường ruột mãn tính cũng tăng đáng kể. Điều đó tạo nên gánh nặng kinh tế, công tác chăm sóc y tế cũng như cảnh báo về tình trạng sức khỏe cộng đồng đang suy yếu. 

Viêm đường ruột là tình trạng viêm diễn ra trên đường ruột 

Viêm đường ruột là tình trạng viêm diễn ra trên đường ruột 

2. Phân loại viêm đường ruột

Với bệnh viêm đường ruột được chia ra thành 2 thể bệnh chính là viêm đại trực tràng và bệnh Crohn. Mặc dù giữa 2 bệnh có nhiều nét tương đồng nhưng vẫn có những điểm khác nhau giúp phân biệt. Hãy cùng quan sát bảng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về và có thể biết được điểm khác nhau giữa viêm đại trực tràng và bệnh Crohn.

 

Bệnh Crohn

Bệnh viêm loét đại trực tràng

Vị trí viêm

– Bất kỳ vị trí trên đường ruột nhưng phổ biến gây bệnh ở phần cuối ruột non (hồi tràng) và đầu đại tràng.

– Bệnh ăn sâu làm tổn thương nặng ở thành ruột.

– Tổn thương chỉ gặp ở đại trực tràng.

 

Sự phát triển của mẫu viêm

– Sang thương dạng nhảy, không liên tục

– Các tổn thương phát triển liên tục.

Triệu chứng đặc trưng

– Đau bụng dữ dội 

– Đi ngoài phân lẫn máu

Biến chứng

– Đường rò, khối u hạt dạng biểu mô, áp xe, tắc nghẽn ruột phổ biến.

– Có tổn thương quanh hậu môn.

– Xuất huyết, phình to đại tràng nhiễm độc, không có u hạt dạng biểu mô.. 

– Không có tổn thương quanh hậu môn. 

Hình ảnh X-quang

– Thành ruột tổn thương không có tính chất đối xứng, các vùng tổn thương bị gián đoạn.

– Thành ruột tổn thương đối xứng 2 bên và không bị gián đoạn từ đầu gần trực tràng trở đi. 

Nội soi

– Hình ảnh không đều, vết loét rời rạc xen kẽ với những chỗ niêm mạc bình thường. 

– Hình ảnh viêm đều và lan tỏa.

Nguy cơ ung thư

– Ung thư đại tràng tăng nhẹ

– Nguy cơ cao chuyển thành ung thư đại tràng.

Điều trị

– Phẫu thuật khi có biến chứng

– Ưu tiên điều trị nội khoa

Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng

Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng

3. Nguyên nhân gây viêm đường ruột

Nguyên nhân chính xác gây nên viêm đường ruột vẫn đang còn nhiều giả thuyết được đưa ra. Hiện nay các nhà khoa học cho rằng bệnh viêm đường ruột có mối liên hệ với một số yếu tố như môi trường, sự di truyền, nhiễm vi khuẩn/virus gây bệnh đường ruột, bất thường trong hệ thống miễn dịch…

Nhiễm vi khuẩn/virus

Những tác nhân gây bệnh này sẽ được lây nhiễm nếu như việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh và tiếp xúc giữa người bệnh và người khỏe mạnh qua vật dụng dùng chung, quần áo, chân tay.  

Một số loại vi khuẩn, virus gây viêm ruột như:

– Salmonella: Vi khuẩn gây bệnh thương hàn, phó thương hàn, ngộ độc thực phẩm, viêm đường ruột….Bệnh nhân thường bị tiêu chảy nặng, buồn nôn, nôn…

– Shigella: Tác nhân gây ra bệnh lỵ trực khuẩn và là nguyên nhân gây tiêu chảy hành đầu theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới.

– Campylobacter jejuni: Vi khuẩn này thường gây viêm ruột cấp tính, xâm nhập qua thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, tiếp xúc động vật. Bệnh phổ biến ở trẻ em và các khách du lịch đến các nước vùng nhiệt đới.

– Escherichia coli (E. coli): Bình thường vi khuẩn E.Coli vẫn tồn tại trong hệ đường ruột và không gây ảnh hưởng. Tuy nhiên vì một sự bất thường của cơ thể tạo điều kiện cho E. Coli tăng trưởng về số lượng, tiết độc tố gây đau bụng, sốt, tiêu chảy…

– Rotavirus: Là nguyên nhân phổ biến gây viêm ruột ở trẻ em.

Vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường ruột

Vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường ruột

Yếu tố di truyền

Bệnh viêm ruột phần nào có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu như trong gia đình có người mắc viêm ruột thì họ hàng cấp 1 của những bệnh nhân đó (ba, mẹ, con cái, anh chị em ruột) có nguy cơ bị bệnh từ 4 đến 20%. 

– Khuynh hướng gia đình thường xảy ra ở bệnh Crohn cao hơn so với viêm loét đại trực tràng. 

– Một số đột biến gen đã được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. 

– Những người gốc Đông Âu có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nhưng gần đây tăng nhiều ca mắc trên cả người gốc Á và người Mỹ gốc Phi. 

Bất thường miễn dịch: Trong một số trường hợp chính hệ miễn dịch của cơ thể lại tấn công các tế bào đường tiêu hóa thay vì tiêu diệt các tác nhân có hại dẫn đến gây loét, viêm trên đường ruột.

Yếu tố môi trường

– Chế độ ăn uống: Các thực phẩm giàu tinh bột, chất béo hay chế độ ăn kiêng không khoa học làm tăng nguy cơ gây viêm ruột.

– Vệ sinh an toàn thực phẩm kém làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.

– Điều kiện khí hậu ở miền Bắc làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn miền Nam. 

Nguyên nhân khác

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác cũng làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn bệnh đường ruột như:

– Hút thuốc lá, thuốc ngừa thai đường uống khiến bệnh Crohn nặng hơn.

– Sử dụng các thuốc NSAIDs tăng nguy cơ gây loét tiêu hóa.

– Sử dụng kháng sinh dài ở trẻ em gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. 

– Người hay đi du lịch. 

– Theo một theo dõi thống kê, những người ở nước phát triển thường có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn. 

4. Các dấu hiệu nhận biết viêm đường ruột

Vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường ruột

Một số dấu hiệu về bệnh viêm đường ruột

Các dấu hiệu đặc trưng giúp phát hiện bệnh viêm đường ruột là:

– Triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng và tiêu chảy, đôi khi đi ngoài kèm máu. Các cơn đau bụng có thể ở mức độ vừa hoặc đau dữ dội. Tình trạng tiêu chảy có thể nhẹ nhưng có trường hợp đi ngoài 20 lần/ngày. Nếu tiêu chảy kéo dài người bệnh dễ dẫn đến mất nước, tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim. Nếu đi ngoài ra máu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến thiếu máu. 

– Tình trạng táo bón gặp nhiều hơn ở người mắc bệnh Crohn do tắc nghẽn ở một phần nào đó của ruột.

– Người bệnh có sốt, mệt mỏi, sụt cân, có dịch nhầy từ trực tràng. 

– Cảm giác chán ăn, hay bị buồn nôn, nôn.

– Ngoài ra tùy từng thể bệnh, bệnh nhân có thể gặp các trường hợp viêm nhiễm ở bộ phận khác trên cơ thể như mắc một số bệnh ngoài da, viêm xương khớp hay viêm mắt. 

5. Biến chứng nguy hiểm của viêm đường ruột

Khi bị viêm đường ruột gây tổn thương cho đường tiêu hóa, gây các vết loét. Tình trạng viêm càng tạo cơ hội cho các yếu tố như vi khuẩn, virus tấn công. Ngoài ra bệnh viêm ruột còn có thể gây ra các biến chứng khác nếu không được chữa trị kịp thời.

– Tắc nghẽn đường ruột: Khi đường ruột tổn thương, các mô tân sinh mới  gây hẹp lòng ruột, ngăn cản dòng chảy của ống tiêu hóa. Nếu như tình trạng tái diễn thường xuyên thì bác sĩ cần cắt bỏ đoạn ruột bị viêm.

– Kém hấp thu, suy dinh dưỡng: Các chức năng của ruột bị ảnh hưởng khiến chúng không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Cùng với đó tình trạng táo bón và tiêu chảy, chán ăn khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, sụt cân, suy dinh dưỡng. Ở trẻ nhỏ khiến trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến quá trình dậy thì. 

–  Ung thư: Biến chứng gây ung thư ruột kết gặp cả ở người mắc bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng. Nếu không điều trị thì có thể còn có thể gây ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn. 

6. Chẩn đoán viêm đường ruột

Các triệu chứng của viêm đường ruột có thể dễ bị nhầm lẫn với các nhiễm khuẩn tiêu hóa, hơn nữa bệnh tái phát nhiều lần cũng gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Để xác định người bệnh viêm đường ruột ngoài việc khám lâm sàng với các triệu chứng bệnh thì các bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng

– Nội soi đại tràng, nội soi dạ dày – ruột để nhìn rõ hình ảnh,lấy mẫu sinh thiết và xác định mức độ của bệnh.

– Phương pháp chụp X-quang, chụp CT hay cộng hưởng từ MRI.

– Xét nghiệm máu để sàng lọc thiếu máu, hạ albumin máu hay bất thường về điện giải. Các xét nghiệm bổ sung phát hiện thiếu hụt các chất dinh dưỡng như nồng độ vitamin B12, A, D, kẽm, đồng…

– Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu bệnh phẩm (phân) để xác định vi khuẩn gây bệnh. 

7. Điều trị viêm đường ruột

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm đường ruột. Bệnh sẽ trở thành dạng mạn tính, tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần nên các biện pháp hiện nay mục đích chủ yếu là điều trị triệu chứng, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng cho bệnh nhân. Điều trị y khoa hiện nay cho các bệnh nhân viêm đường ruột bao gồm việc sử dụng thuốc và có thể chỉ định phẫu thuật. Nếu được điều trị tích cực thì hầu hết các bệnh nhân đều đảm bảo chức năng và có thể thích nghi tốt.

Các thuốc điều trị viêm đường ruột

– Thuốc điều trị tiêu chảy như loperamide để giảm các triệu chứng bệnh. Bệnh nhân tiêu chảy kéo dài, mất nước sẽ được chỉ định bổ sung thêm các dung dịch điện giải dạng uống hoặc qua đường tiêm truyền. 

 Loperamid điều trị triệu chứng tiêu chảy

Loperamid điều trị triệu chứng tiêu chảy

– Các thuốc chống viêm: 

+ Nhóm 5-ASA (Mesalamine, Olsalazine, Balsalazide).

+ Corticoid sử dụng khi nhóm 5-ASA không đạt hiệu quả để kiểm soát các đợt bùng phát cấp tính viêm đường ruột. 

– Thuốc điều hòa miễn dịch: Azathioprine, 6-mercaptopurine, Methotrexate, Cyclosporin và tacrolimus.

– Các tác nhân sinh học: Thuốc kháng TNF (infliximab, certolizumab, adalimumab và golimumab), một số interleukin ức chế miễn dịch và các kháng thể kháng interleukin (vedolizumab, natalizumab)

– Nhóm kháng sinh: Có hiệu quả trong điều trị bệnh Crohn nhưng hạn chế hơn ở người viêm đại tràng. 

Tùy thuộc vào bệnh nhân mắc bệnh Crohn hay viêm loét đại trực tràng mà chế độ dùng thuốc sẽ được chỉ định sao cho phù hợp. Đa số bệnh nhân được điều trị ngoại trú nhưng đôi khi trường hợp nặng thì việc lưu lại viện điều trị là cần thiết.

Phẫu thuật

Khi các thuốc điều trị không đạt hiệu quả như mong đợi hoặc xuất hiện các biến chứng trên đường ruột thì các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc làm phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân viêm đường ruột sau cùng đều cần phẫu thuật. Tuy nhiên việc tiến hành phẫu thuật chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết mà không có giải pháp thay thế.

Phẫu thuật trong viêm đường ruột

Phẫu thuật trong viêm đường ruột

– Với người bệnh Crohn chỉ định phẫu thuật nếu tắc ruột tái diễn, có áp xe hay có lỗ rò. phẫu thuật cắt bỏ ruột có thể cải thiện triệu chứng nhưng không chữa khỏi bệnh, tỷ lệ tái phát khá cao. Ở người bệnh Crohn tránh phẫu thuật do tính chất diễn ra định kỳ của bệnh. 

– Với người viêm loét đại trực tràng hầu như sẽ điều trị tích cực bằng thuốc. Tuy nhiên vẫn có chỉ định phẫu thuật như phẫu thuật cắt đại tràng cấp cứu (khi xuất huyết lan rộng, viêm đại tràng nhiễm độc thể kịch phát, hoặc thủng), nối túi nhỏ hậu môn (IPAA)…Khi cắt đại tràng bệnh sẽ gần như không tái phát, nguy cơ ung thư giảm đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhỏ chưa thể loại bỏ.

Tuy phẫu thuật giúp cải thiện chất lượng sống nhưng không sau đó vẫn cần cẩn thận các biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, cắt ruột sẽ giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt ở trẻ nhỏ gây chậm phát triển…

8. Các biện pháp phòng tránh bệnh viêm đường ruột

Viêm đường ruột là một bệnh mạn tính, tái diễn nhiều lần gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó người dân cần năng cao ý thức phòng tránh bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như người thân, gia đình. Các phương pháp phòng bệnh mà mọi người cần thực hiện là:

– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: 

+ Nên ăn chín, uống sôi.

+ Chọn lựa nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. 

+ Sử dụng nguồn nước sạch, không dùng nước trực tiếp từ ao, hồ, sông, suối cho sinh hoạt…

+ Bảo quản thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến phù hợp.

+ Rửa tay sạch với xà phòng trước khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh.

– Vệ sinh môi trường xung quanh khu nhà ở sạch sẽ. 

– Không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia.

– Cẩn trọng khi sử dụng các thuốc như NSAIDs, aspirin, corticosteroid vì tác dụng không mong muốn có thể gây loét trên đường tiêu hóa.

Ăn chín uống sôi - Phòng bệnh viêm đường ruột

Ăn chín uống sôi – Phòng bệnh viêm đường ruột

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp mọi người có cái nhìn tổng quát về bệnh viêm đường ruột. Đây là bệnh mạn tính nên cần phát hiện sớm và điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng cần thực hiện nghiêm túc các chỉ định điều trị của bác sĩ. Đồng thời các biện pháp phòng tránh bệnh, nâng cao ý thức của người dân cũng rất quan trọng. 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *