Cảnh báo dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu ghi nhớ

Dấu hiệu chuyển dạ của mẹ như thế nào?

Dấu hiệu chuyển dạ của mẹ như thế nào?

Chuyển dạ là một quá trình sinh lý tự nhiên, giúp thai nhi và các phần phụ như bánh rau, dây rốn, màng ối được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Sự phối hợp giữa cơn co tử cung và sự mở cổ tử cung giúp thai và nhau được sổ ra ngoài. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ về quá trình này qua bài viết sau đây những dấu hiệu chuyển dạ để mẹ có thể chuẩn bị tốt nhất để đón bé ra đời.

I. Dấu hiệu chuyển dạ như thế nào?

Khi bước vào những ngày cuối của thai kỳ mẹ sẽ cảm nhận được những biển đổi trong cơ thể để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn của mẹ trong mấy ngày sắp tới. Những dấu hiệu chuyển dạ này sẽ bắt đầu xuất hiện trước khoảng 1-2 ngày để báo hiệu cho mẹ bầu chuẩn bị tâm lý cũng như vật dụng cần thiết.

1. Sa bụng, cảm giác bụng tụt xuống

Những tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ thấy hiện tượng bụng bầu sa xuống dưới do sự chuyển dịch vào khung xương chậu của thai nhi để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ.

Tuy nhiên, nếu đây không phải lần mang thai đầu tiên hoặc nếu bạn thường không chú ý đến hình dạng hoặc vị trí bụng bầu thì rất dễ bỏ qua dấu hiệu này.

Hiện tượng sa bụng giúp thai phụ cảm thấy dễ thở hơn do thai nhi không chèn ép phổi nữa. Tuy nhiên mẹ lại đi tiểu nhiều hơn bởi thai nhi bây giờ đang gây ra áp lực lên cổ tử cung và chèn ép bàng quang.

2. Cơn co tử cung

Các cơn co tử cung được biết đến là động lực của cuộc chuyển dạ. Biểu hiện cụ thể như sau:

– Đầu tiên là cảm giác đau vùng lưng, sau đó lan dần ra phía trước gây ra đau bụng và lan từ đáy tử cung xuống dưới.

– Cảm giác bụng co cứng và mức độ đau tăng dần ở mỗi cơn co. Các cơn co tử cung thường xuất hiện đều đặn theo chu kỳ và ngày càng mạnh dần.

– Mỗi cơn co tử cung cách nhau khoảng 5 phút và kéo dài trên 25 giây, diễn ra trong 1-2 giờ với cường độ và tần suất tăng dần.

      Cảm giác bụng co cứng và đau ở mỗi cơn co tử cung

Cảm giác bụng co cứng và đau ở mỗi cơn co tử cung

3. Dịch âm đạo xuất hiện máu

Khi cổ tử cung bắt đầu giãn mở ra, nút nhầy ở vị trí nối tử cung và âm đạo sẽ bong và thoát ra ngoài qua cửa âm đạo. Điều này làm cho dịch âm đạo trở nên nhầy nhớt và có màu hồng, nâu hoặc hơi có máu. Đây là một trong những báo hiệu mẹ sắp đến thời gian sinh đẻ.

Tuy nhiên, nếu dịch âm đạo xuất hiện nhiều máu, màu đỏ tươi, hãy đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu bất lợi cho cả mẹ và bé, cản trở việc sinh nở.

4. Chảy nước ối

Đây là hiện tượng ra nước ở âm đạo đột ngột. Lượng nước thường nhiều, loãng, màu trắng đục và tanh. Sau đó, lượng nước giảm, ra âm ỉ. Khi gặp tình trạng này tốt nhất nên đưa thai phụ nhập viện để chuẩn bị cho việc sinh đẻ. Cần thận trọng không để vỡ nước ối vì sẽ gây hại cho cả mẹ và con.

5. Các dấu hiệu chuyển dạ khác

– Đi ngoài: Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể do sự thay đổi Hormon, gây kích thích hoạt động đường tiêu hóa. Thai phụ nên uống nhiều nước để tránh mệt mỏi do mất nước.

– Chuột rút hoặc đau lưng: Các cơn chuột rút xuất hiện thường xuyên hơn. Thêm vào đó là cảm giác nhức mỏi vùng lưng hoặc hai bên háng do các cơ ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra, chuẩn bị cho sự ra đời của thai nhi.

– Người mẹ thường có cảm giác mệt mỏi.

II. Chuyển dạ thường diễn ra trong bao lâu?

Thời gian chuyển dạ trung bình có sự khác nhau giữa con so (con đầu lòng) và con rạ. Nghiên cứu cho thấy nếu như con so mất 16-24 giờ cho cuộc chuyển dạ thì con rạ lại chỉ mất khoảng 8-12 giờ. Quá trình chuyển dạ bao gồm các giai đoạn sau:

– Xóa mở cổ tử cung: Được chia thành 2 giai đoạn nhỏ. Từ khi bắt đầu cuộc chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở 4cm và khi cổ tử cung mở từ 4cm-10cm.

– Sổ thai: Bắt đầu từ khi cổ tử cung giãn nở hết cho đến khi sổ thai, kéo dài tối đa khoảng 1 giờ.

– Sổ rau: Kể từ khi thai sổ đến khi nhau sổ, kéo dài tối đa 1 giờ.

Thời gian cuộc chuyển dạ

Thời gian cuộc chuyển dạ

III. Khác biệt giữa cơn co tử cung thật và co tử cung giả

Ở những tháng cuối thai kỳ, có thể xuất hiện các cơn chuyển dạ giả, còn gọi là cơn co Braxton Hicks. Sự khác biệt so với cơn chuyển dạ thật được thể hiện ở những điểm sau:

– Các cơn co tử cung giả xuất hiện ngắn, đột ngột, không theo chu kỳ, không đều, có thể giảm hoặc hết khi thay đổi tư thế.

– Cảm giác đau thường xuất hiện phía trước bụng hoặc vùng xương chậu.

– Không làm cổ tử cung xóa mở.

Các mẹ cần ghi nhớ cách phân biệt dấu hiệu chuyển dạ này để chuẩn bị tốt nhất, không bị vội vàng khi gần đến ngày sinh.

IV. Những điều sản phụ cần làm khi chuyển dạ

Ở giai đoạn chuyển dạ, các cơn co tử cung thường xuất hiện với cường độ và tần suất tăng dần. Do đó không thể tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, đau nhức hoặc lo lắng trước khi bước vào cuộc sinh nở. Để giảm thiểu tối đa những điều này, sản phụ nên:

– Tập hít thở, vận động nhẹ nhàng khi có các cơn đau. Điều này giúp cho sự thông khí diễn ra tốt hơn, cung cấp đầy đủ oxy cho cả mẹ và thai nhi cũng như tiến triển tốt hơn đối với cổ tử cung.

– Thư giãn, nghe nhạc, massage vùng vai và thắt lưng sẽ giúp cải thiện đáng kể tinh thần cũng như giảm cảm giác đau mỏi.

– Ăn nhẹ, uống đủ nước để cung cấp thêm năng lượng.

– Nếu không thể chịu được cơn đau, gây ảnh hưởng đến tinh thần hoặc sức khỏe, có thể nhờ sự trợ giúp của các phương pháp giảm đau. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và không nên lạm dụng vì đôi khi nó có thể gây bất lợi cho cả mẹ và bé.

Mẹ bầu nên ăn nhẹ để lấy năng lượng cho cuộc sinh nở

Mẹ bầu nên ăn nhẹ để lấy năng lượng cho cuộc sinh nở

Lưu ý đặc biệt

Nếu trong các dấu hiệu chuyên dạ thấy hiện tượng song thị hoặc nhìn mờ, đột nhiên phù nề hoặc cảm giác đau đầu dữ dội, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí kịp thời bởi đây đều có thể là những dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.

V. Những hiện tượng nghiêm trọng trong những ngày cuối thai kỳ

Ở những ngày cuối thai kỳ, để chuẩn bị cho cuộc sinh nở, cơ thể sản phụ sẽ có những thay đổi nhất định. Chúng bao gồm:

– Cơn co thắt tử cung sẽ trở nên ngày càng mạnh và liên tục.

– Vỡ ối, cuộc sinh nở sẽ diễn ra sau đó chỉ vài giờ hoặc thậm chí ngay sau khi có dấu hiệu vỡ ối.

– Dịch nhầy âm đạo được coi là tín hiệu quan trọng cho cuộc vượt cạn. Bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để được theo dõi.

– Cổ tử cung bắt đầu mở ra.

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để chào đón bé yêu đến với thế giới

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để chào đón bé yêu đến với thế giới

Trên đây là những dấu hiệu chuyển dạ quan trọng nhất mà cơ thể báo hiệu cho bạn rằng cuộc sinh đẻ sắp diễn ra. Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời để được tư vấn, hướng dẫn và chào đón bé yêu một cách thuận lợi nhất nhé!

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *