Đau mắt hột – Cẩm nang những điều cần biết!!!

Tìm hiểu về bệnh đau mắt hột

Tìm hiểu về bệnh đau mắt hột

Đau mắt hột là một bệnh khá là phổ biến trên mắt có khả năng lây lan. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em từ 3-6 tuổi và phổ biến hơn ở các quốc gia kém, đang phát triển khi điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo như châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á… Đau mắt hột có thể tiến triển thầm lặng và gây ra nhiều thương tổn trên mắt và là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thị lực và dẫn đến mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời. 

1. Đau mắt hột là bệnh gì? 

Đau mắt hột (Trachoma) được định nghĩa là một bệnh viêm kết mạc đặc hiệu, tiến triển mãn tính trên người do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây nên. 

Bệnh gây ra các tổn thương đặc trưng trên mắt như các hạt nhỏ gây cộm mắt, sẹo giác mạc, mắt nhạy cảm với ánh sáng, loét, thủng giác mạc… làm suy giảm và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Theo thống kê trên thế giới có ít nhất 2 triệu người bị mù lòa do biến chứng của bệnh mắt hột gây nên. 

2. Phân loại đau mắt hột

Hiện nay theo cách phân loại của Tổ chức  Y tế Thế giới, bệnh đau mắt hột có các dạng sau:

– Bệnh mắt hột có hột (Trachomatous inflammation Follicular – TF): Quan sát thấy trên sụn mi trên mắt có ít nhất 5 hạt với kích thước khoảng 0,5mm hoặc lớn hơn. Giai đoạn này bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. 

– Bệnh mắt hột viêm nặng (Trachomatous inflammation Intense – TI): Tình trạng này khiến kết mạc sụn mi trên dày lên, ửng đỏ và che lấp ½ các mạch máu. 

– Sẹo kết mạc do mắt hột (Trachomatous Scarring – TS): Hình thành sẹo trên mi sụn trên với hình dạng thành dải, vạch hay hình sao.

– Lông xiêu, lông quặm do mắt hột (Trachomatous Trichiasis – TT): Bệnh nhân có ít nhất 1 lông mi mọc ngược và chọc vào nhãn cầu được gọi là lông xiêu. Còn khi cả bờ mi bị cuộn vào trong được gọi là lông quặm. Khi ở tình trạng này bệnh đã chuyển sang giai đoạn biến chứng.

– Sẹo đục giác mạc do mắt hột (Corneal Opacity – CO): Đây là tình trạng nặng nhất của đau mắt hột, gây tổn thương nặng cho mắt và hậu quả có thể dẫn đến mù lòa.   

Sẹo đục giác mạc do mắt hột (Corneal Opacity)

Sẹo đục giác mạc do mắt hột (Corneal Opacity)

3. Nguyên nhân của bệnh đau mắt hột

Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis được coi là nguyên nhân chính của bệnh đau mắt hột. Đây là một vi khuẩn Gram âm thuộc họ Chlamydiaceae gây nhiễm trùng trên mắt và viêm đường tiết niệu sinh dục. Loại vi khuẩn này có 15 tuýp khác nhau, trong đó có tuýp A, B, Ba,C gây bệnh đau mắt hột có khả năng truyền bệnh từ mắt sang mắt. Do đó bệnh nguy hiểm một phần cũng do có khả năng lây lan khó kiểm soát. Bệnh lây từ người này qua người khác qua con đường trực tiếp qua tiếp xúc mắt – mắt, tay- mắt hay gián tiếp do côn trùng đậu vào mắt, dùng chung các vật dụng cá nhân (khăn mặt, khăn tắm, dụng cụ trang điểm mắt…)

Chlamydia Trachomatis gây bệnh đặc hiệu trên người, chưa tìm thấy bằng chứng chúng gây bệnh trên động vật. Khi ở ngoài cơ thể người chúng không thể tồn tại quá 24h. Khả năng phát triển và lây lan của bệnh phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm: con người, độc lực của vi khuẩn và điều kiện môi trường xung quanh. 

Chlamydia Trachomatis là nguyên nhân chính gây đau mắt hột

Chlamydia Trachomatis là nguyên nhân chính gây đau mắt hột

– Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt trong độ tuổi từ 3-6 tuổi, hiếm gặp khi nhỏ hơn 6 tháng tuổi. 

– Tại những nơi y tế phát triển, điều kiện vệ sinh tốt thì bệnh thường nhẹ hơn, ít gây biến chứng và kiểm soát tốt việc lây lan.

– Ngược lại khi điều kiện môi trường kém, điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn thì việc chữa trị thường muộn, tình trạng bệnh nặng hơn, tỷ lệ gặp biến chứng mù lòa cũng cao hơn, tốc độ lây lan cũng lớn và có thể bùng thành dịch. Bệnh mắt hột không được chữa trị triệt để nên tái phát lại nhiều lần, tồn tại qua nhiều năm. Sống trong điều kiện đông đúc, người lành lại tiếp xúc nhiều với người mang bệnh, lây từ người này sang người khác…tạo thành vòng tái nhiễm luẩn quẩn khó kiểm soát. 

4. Triệu chứng của bệnh đau mắt hột

Đau mắt hột thường xuất hiện đồng thời ở cả 2 bên mắt. Khi bị đau mắt hột, người bệnh có những triệu chứng đặc trưng cho từng giai đoạn mắc bệnh:

Giai đoạn 1:

– Sau khi nhiễm, vi khuẩn thường ủ bệnh trong 7 ngày mới có những triệu chứng đầu tiên. Mắt bắt đầu ngứa ở vùng mí mắt, mắt thường ướt, có chảy gỉ nhoèn màu vàng. Vùng góc mí trên sưng đỏ, có bị phù. Mắt nhạy cảm và sợ ánh sáng.

– Giai đoạn này diễn ra hiện tượng thẩm lậu do các tế bào gây viêm lympho, plasmo làm kết mạc dày lên che lấp hệ mạch ở dưới và làm rìa giác mạc bị phù ở lớp nông và đục ở rìa trên.   

Giai đoạn 2:

–  Sau 7 đến 10 ngày, tình trạng nhiễm trùng nặng hơn gây đau mắt.

– Xuất hiện các hột trên kết mạc sụn mi trên của mắt. Ban đầu chỉ là các vết cộm nhỏ nhưng trong khoảng 3-4 tuần tiếp theo sẽ hình thành các hạt hình tròn, màu xám trắng, nổi trên bề mặt kết mạc hay rìa giác mạc. Số lượng hạt cũng tăng với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau từ 0,5mm trở lên. 

– Các nhú viêm cũng hình thành dễ nhận thấy với hình ảnh các khối đa giác, màu hồng có trục máu với các mao mạch tỏa ra xung quanh.

– Màng máu giác mạc xâm nhập tại phần nông nửa trên giác mạc bắt đầu cho quá trình tân mạch hóa giác mạc. Giai đoạn này có thể diễn ra từ vài tháng cho đến 1 năm tùy theo đáp ứng điều trị từng bệnh nhân. 

Một số triệu chứng của đau mắt hột

Một số triệu chứng của đau mắt hột

Giai đoạn 3:

– Nhú viêm và hột dần dần co lại và được thay thế bởi các dải xơ dài, trắng có nhánh, hình sao.

– Nếu không điều trị triệt để sẽ dẫn đến sẹo giác mạc làm suy giảm thị lực. 

– Cùng lúc có thể xảy ra các bội nhiễm khác trên mắt làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Giai đoạn 4:

– Các sẹo kết mạc dẫn đến lông mi mọc ngược vào bên trong, chọc vào giác mạc. Cọ sát lâu ngày khiến giác mạc bị đục và có thể gây loét. Tại các vị trí bị loét nhỏ lại càng kích thích việc tân tạo mạch hình thành sẹo hơn. 

– Nếu được điều trị tích cực có thể phục hồi độ trong của giác mạc, kết mạc cũng trở lại mịn màng và màu xám trắng. Nếu không thì bệnh gây suy giảm thị lực, dễ tiến triển thành mù lòa với tỷ lệ 5% số người mắc bệnh. 

5. Chẩn đoán bệnh đau mắt hột

Để chẩn đoán bệnh đau mắt hột bác sĩ sẽ dựa vào đồng thời biểu hiện lâm sàng và kết quả từ xét nghiệm tế bào. 

– Chẩn đoán lâm sàng dựa vào các dấu hiệu sau:

+ Hạt lympho ở sụn trên, dọc theo rìa giác mạc.

+ Sẹo kết mạc.

+ Màng máu giác mạc.

– Các chẩn đoán cận lâm sàng: Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm từ dử mắt hay nạo hột trên kết mạc sụn mi trên để làm các xét nghiệm tế bào

+ Xét nghiệm vi khuẩn: Bệnh phẩm được nhuộm Giemsa, soi tìm thể vùi trong nguyên sinh chất tế bào biểu mô (CPH (+))

+ Tế bào lympho non, nhỡ, già.

+ Đại thực bào Leber.

+ Thoái hoá của tế bào biểu mô.

Đau mắt hột cũng cần chẩn đoán phân biệt với các thể viêm kết mạc khác không do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây nên. 

+ Phân biệt với viêm kết mạc cấp: Có nhiều dử mắt, không có hột trên kết mạc sụn mi trên. 

+ Phân biệt với viêm kết mạc dị ứng: Không có hột ở mí trên. Trên kết mạc có nhú gai phẳng, màu trắng sữa, tìm thấy bạch cầu ái toan trong mẫu nạo kết mạc. 

Chẩn đoán phân biệt đau mắt hột

Chẩn đoán phân biệt đau mắt hột

6. Điều trị đau mắt hột

Để điều trị bệnh đau mắt hột hiệu quả và hạn chế các biến chứng thì ở mỗi giai đoạn sẽ có phác đồ khác nhau. Phương pháp điều trị hiện nay gồm dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa.

Điều trị nội khoa: Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn nên bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị giúp tiêu diệt ổ nhiễm khuẩn và ngăn chặn tình trạng lây lan.

– Uống thuốc kháng sinh Azithromycin: 

+ Uống liều duy nhất 1 lần/năm đối với tình trạng đau mắt hột không biến chứng. Uống liều nhắc lại trong vòng 6 – 12 tháng.

+ Thuốc thấm tốt vào trong tế bào, hiệu quả nhanh, có tác dụng kéo dài nên chỉ dùng liều 1 lần/năm. Thuốc được chỉ định cho cả gia đình có người mắc đau mắt hột hoạt tính nằm ở vùng mà ở đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi có tỷ lệ TI ≥ 5% và TF ≥ 20%.

+ Thuốc khá đắt và chống chỉ định cho phụ nữ có thai và đang cho bú, trẻ < 1 tuổi và cân nặng < 8kg, bệnh nhân bị suy gan và suy thận nặng.

Thuốc kháng sinh Azithromycin 

Thuốc kháng sinh Azithromycin 

– Thuốc mỡ tra mắt:

+ Bệnh đau mắt hột hoạt tính: Tra thuốc mỡ Tetracyclin 1% (hoặc erythromycin) mỗi lần cách 8h, trong ít nhất 6 tuần. 

+ Ở vùng dịch đang lưu hành mạnh, điều trị dự phòng bằng việc tra thuốc mỡ mắt Tetracyclin 1% 2 lần/ngày trong 5 ngày liền hoặc 1 lần/ngày trong 10 ngày liền. Mỗi năm dùng liên tục 6 tháng liền. 

+ Chi phí điều trị rẻ hơn và thuốc cũng được dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em < 1 tuổi nhưng thời gian điều trị dài nên người bệnh dễ từ bỏ. 

Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1%

Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1%

Can thiệp ngoại khoa: Được chỉ định để khắc phục biến chứng.

– Mổ viêm mủ túi lệ để nối thông lệ mũi. 

– Đốt lông mọc ngược để tránh gây chọc, loét giác mạc.

– Phẫu thuật mổ quặm: Khi có trên 5 lông xiêu bệnh nhân được chỉ định mổ quặm mắt ngay để đề phòng mù lòa.

– Ghép giác mạc: Khi giác mạc bị tổn thương quá nặng thi ghép giác mạc là phương pháp được cân nhắc. 

7. Phòng ngừa đau mắt hột hiệu quả 

Song song với các biện pháp điều trị, để ngăn bệnh lan rộng và giảm tỷ lệ mắc cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh:

– Xác định vùng có nguy cơ bùng dịch cao để có các chương trình điều trị bệnh phù hợp.

– Tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bảo vệ sức khỏe. 

– Giáo dục ý thức vệ sinh cá nhân: Rửa mặt sạch 3 lần/ngày với khăn mặt dùng riêng. 

– Cải thiện vệ sinh chung ngoài môi trường: Xử lý rác thải, chất thải theo quy định, cải tạo nguồn nước. 

– Nếu bị bệnh cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Không tự ý chữa trị với các phương pháp truyền miệng tránh gây chấn thương nặng nề cho kết mạc, tạo sẹo giác mạc, dẫn đến mù lòa. 

Phòng và điều trị đau mắt hột theo phương pháp SAFE

Phòng và điều trị đau mắt hột theo phương pháp SAFE

Đau mắt hột là một bệnh có khả năng lây lan mạnh và bùng phát thành dịch nếu không được chữa trị kịp thời và triệt để. Để nâng cao sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa các biến chứng làm suy giảm thị lực, mù lòa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức chăm sóc bản thân và thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.  

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *