Nứt gót chân – Cẩm nang những điều cần biết

Nứt gót chân là bệnh da liễu thường gặp vào mùa hanh khô

Nứt gót chân là bệnh da liễu thường gặp vào mùa hanh khô nhưng thường không nguy hiểm và dễ điều trị. Tìm hiểu ngay nguyên nhân gây bệnh, cách phòng và điều trị qua bài viết dưới đây.

I. Nứt gót chân là gì? Nguyên nhân do đâu?

Nứt gót chân là một căn bệnh da liễu, thường gặp ở đối tượng da khô. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hanh khô, ở những đối tượng có làn da khô. Nứt gót chân gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là khi di chuyển, đứng lâu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều tác động xấu.

Một vài nguyên nhân gây ra tình trạng nứt gót chân có thể kể đến như:

– Đứng quá lâu: Khi bạn thường xuyên phải đứng trong một thời gian dài sẽ khiến áp lực lên đôi chân tăng, vùng da chân căng thẳng gây nứt gót. Nếu bắt buộc phải đứng nhiều, nên thực hiện một số bài tập đơn giản để phân phối áp lực cho bàn chân, gót chân.

– Thừa cân, béo phì: Chân nâng đỡ trọng lượng của cả cơ thể. Khi bị thừa cân, béo phì, trọng lượng cơ thể sẽ đè nặng lên chân, tăng áp lực cho cả bàn chân và lớp mỡ dưới gót chân.

– Thiếu vitamin: Nếu không được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, da sẽ bị khô, bong tróc, bao gồm cả da ở gót chân. Để hạn chế nguy cơ này, cần chú ý bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, C, E, B, kẽm và nhiều chất khác.

– Chọn giày không phù hợp: Thường xuyên đi các loại giày cao gót, dép xỏ ngón hở gót chân, khiến lớp mỡ gót chân giãn nở rộng để cân bằng trọng lượng cơ thể, tăng nguy cơ nứt gót. Không phải cứ đi giày cao gót là bị nứt nẻ gót chân, các chị em phụ nữ không cần từ bỏ sở thích đi giày cao gót. Chỉ cần lựa chọn những đôi giày gót chân kín, phù hợp với kích cỡ chân để giảm nguy cơ nứt gót chân.

Thường xuyên đi giày cao gót cũng có thể dẫn đến nứt gót chân

Thường xuyên đi giày cao gót cũng có thể dẫn đến nứt gót chân

– Tắm sai cách cũng là nguyên nhân gây nứt gót chân. Tắm với nước nóng, tắm lâu hay tắm nhiều lần trong ngày không tốt cho gót chân. Hành động này sẽ làm mất lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da khô, sần sùi. Xà phòng, các chất tẩy rửa có hoạt tính mạnh cũng sẽ làm hỏng hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, gây nứt da chân và cả ở những nơi khác như tay, mặt.

– Phụ nữ độ tuổi mãn kinh thường dễ bị rối loạn nội tiết, có thể bị dày sừng quang hóa dẫn đến nứt da chân.

– Một số bệnh lý như nấm chân, chàm, tiểu đường… cũng có thể gây ra tình trạng nứt gót chân.

II. Triệu chứng nứt gót chân

Nếu nhận thấy có những dấu hiệu sau, rất có thể bạn đang bị nứt gót chân:

– Phần da gót chân dày hơn, cảm nhận được khi dùng tay sờ vào.

– Xuất hiện nhiều đường sọc nứt nẻ ở gót chân.

– Da bong tróc, ngứa, đỏ, có thể xuất hiện vết loét.

– Vết nứt có thể nông, sâu tùy mức độ bệnh, thậm chí là chảy máu, đau rát khi chạm vào nước, hóa chất.

Tùy vào mức độ của bệnh mà vết nứt có mức độ nông sâu khác nhau

Tùy vào mức độ của bệnh mà vết nứt có mức độ nông sâu khác nhau

Để khắc phục tình trạng này, cần thay đổi thói quen đi lại nhằm giảm áp lực lên gót chân. Đồng thời, bổ sung các dưỡng chất giúp da chân mềm mại hơn. Tuy nhiên dù bị nứt gót chân do bất kỳ nguyên nhân nào thì người bệnh cũng nên thăm khám bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc điều trị để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, hỗ trợ cho việc chữa trị được tốt hơn.

III. Biến chứng nứt gót chân

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, do không điều trị đúng cách, nứt gót chân có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Mất cảm giác ở chân.

– Viêm mô tế bào.

– Loét chân: Khi bị nứt gót chân, đặc biệt là ở bệnh tiểu đường, do sức đề kháng của người bệnh thấp, nguy cơ bị viêm loét ở chân và các bộ phận khác của cơ thể tăng.

IV. Điều trị nứt gót chân

1. Kem dưỡng gót chân

Để cải thiện tình trạng nứt gót chân, kem dưỡng gót chân là lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Nên sử dụng các loại sản phẩm chứa chất dưỡng ẩm, làm mềm da, tẩy tế bào chết như:

– Acid salicylic: Làm mềm da, bong tróc da chết, sát khuẩn nhẹ, giúp làm giảm dày sừng ở gót chân.

– Vaselin: Dưỡng ẩm cho da, giúp da mềm mại.

– Axit alpha-hydroxy (AHA): Tẩy tế bào chết, tiêu sừng, giữ ẩm, giúp vùng da gót chân hồng hào, mềm mại hơn.

Kem dưỡng ẩm là lựa chọn của nhiều người để giảm bớt tình trạng nứt gót chân

Kem dưỡng ẩm là lựa chọn của nhiều người để giảm bớt tình trạng nứt gót chân

Các loại kem trị nứt gót chân có thể dễ dàng tìm thấy ở các nhà thuốc, cửa hàng dược mỹ phẩm hay các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, người dùng cần phải cẩn trọng khi lựa chọn các loại kem và sử dụng. Cần chú ý:

– Một số loại kem có thể gây ra cảm giác kích ứng nhẹ, trường hợp kích ứng nghiêm trọng nên lựa chọn phương pháp điều trị khác.

– Nếu sau khi sử dụng kem bôi khoảng 2 tuần nhưng không cải thiện mà còn có triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh nên dùng hỏi ý kiến bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.

– Nên thoa kem dưỡng vào buổi sáng để tăng độ đàn hồi cho da.

– Dưỡng ẩm gót chân 2-3 lần/ngày.

– Nên đi giày để bảo vệ gót chân.

2. Thường xuyên tẩy tế bào chết cho chân

Vùng da xung quanh thường bị khô hơn các vùng khác trên cơ thể. Ngâm chân và tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần sẽ giúp ích cho bàn chân rất nhiều.

Ngâm chân trong nước ấm khoảng 20 phút, dùng dụng cụ chà chân để loại bỏ lớp da dày sừng. Để chân khô, thoa kem dưỡng lên vùng da bị nứt. Tránh để chân bị trầy xước khi đang bị nứt gót, làm tăng nguy cơ tổn thương gót chân.

Thường xuyên tẩy tế bào chết ở gót chân để loại bỏ lớp da dày sừng

Thường xuyên tẩy tế bào chết ở gót chân để loại bỏ lớp da dày sừng

Ngoài ra, có thể sử dụng máy chà gót chân để làm sạch da chết, da chai sần ở gót chân, sau đó thoa kem dưỡng ẩm, giúp vùng da dưới gót chân mềm mại, hồng hào, không lo bị nứt gót.

3. Băng dán cá nhân dạng lỏng

Băng dán cá nhân dạng lỏng là một giải pháp trị nứt gót chân được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là khi tình trạng nứt gót nặng, chảy máu. Sử dụng băng dạng lỏng dán lên vết nứt giúp làm kín, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn gây nhiễm trùng và nứt sâu thêm.

Băng dán dạng lỏng có hiệu quả nhanh chóng, không gây đau đớn cho người bệnh, cải thiện nứt gót chân chỉ sau 5 -7 ngày sử dụng tùy thuộc vào mức độ nứt gót. Tuy nhiên, các loại băng dán này có thể gây độc hại tùy vào nguyên liệu sản xuất. Do đó, cần báo với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng chúng.

4. Sử dụng các dược liệu thiên nhiên

Mật ong

Mật ong có thể được xem như thần dược trong làm đẹp, dưỡng da của các chị em. Mật ong có tính chất kháng khuẩn, dưỡng ẩm tốt, do đó là một phương pháp vô cùng hiệu quả trong điều trị nứt gót chân.

Có thể sử dụng mật ong trong điều trị gót chân nứt nẻ

Có thể sử dụng mật ong trong điều trị gót chân nứt nẻ

Chỉ cần trộn mật ong với nước ấm, ngâm chân và massage nhẹ trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch. Ngoài ra, có thể trộn mật ong với giấm táo và bột gạo, tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi bôi lên gót chân, massage khoảng 5-10 phút rồi rửa lại với nước ấm.

Kiên trì thực hiện 2-3 lần mỗi tuần để có được đôi gót sen đẹp như mong muốn.

Chanh

Chanh có chứa nhiều acid hữu cơ, có công dụng làm sạch bụi bẩn, kháng khuẩn hiệu quả. Có thể sử dụng chanh làm mềm, chống nứt nẻ hiệu quả. Vắt 1/2 quả chanh vào chậu nước ấm rồi ngâm chân. Có thể dùng đá mài chà nhẹ gót chân giúp phần da chai bị lấy đi dễ dàng. Thực hiện 2-3 lần/tuần giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng nứt gót chân.

Chanh có công dụng chống nứt nẻ hiệu quả

Chanh có công dụng chống nứt nẻ hiệu quả

Dầu dừa

Dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm da và dịu các vết nứt gây đau đớn. Để trị nứt gót chân hiệu quả, nên sử dụng dầu dừa nguyên chất. Có thể pha muối, chanh, dầu dừa với nước ấm để ngâm chân, giúp tẩy tế bào chết, phục hồi và tái tạo da.

Ngoài ra, có thể kết hợp dầu dừa với mật ong, trộn thành hỗn hợp để thoa lên chân. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương pháp này, cần ngâm chân bằng nước ấm trước, để da mềm hơn, giúp các dưỡng chất thấm nhanh vào da. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên để hỗn hợp qua đêm và rửa lại vào sáng hôm sau.

Nha đam

Nha đam cũng là một thảo dược được dùng phổ biến trong dưỡng da với khả năng sát khuẩn, kháng viêm, làm dịu làn da bị tổn thương.

Trước khi sử dụng gel nha đam thoa lên vết nứt chân, bạn nên ngâm chân trong nước ấm khoảng 10 phút, có thể pha thêm 1 chút muối để gel thấm sâu hơn, giúp nuôi dưỡng, tái tạo da hiệu quả.

Nha đam cũng được dùng làm mềm da, giảm nứt nẻ

Nha đam cũng được dùng làm mềm da, giảm nứt nẻ

Có nhiều mẹo trị nứt gót chân tại nhà khác, chủ yếu là dưỡng ẩm, làm mềm da như bơ, chuối, dầu oliu, bột yến mạch, giấm…

V. Phòng tránh nứt gót chân

Để ngăn ngừa nứt gót chân, giữ cho gót chân luôn hồng hào, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:

– Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng khô da.

– Lựa chọn giày dép phù hợp, tránh đi các loại giày dép quá chật. Chị em phụ nữ cũng nên hạn chế đi giày cao gót và nhọn.

– Không đứng lâu ở một tư thế. Trường hợp công việc bắt buộc, nên thực hiện các động tác đơn giản để thay đổi tư thế, giảm áp lực cho bàn chân.

– Thoa kem dưỡng ẩm để giữ ẩm cho da chân.

– Sử dụng miếng lót giày phù hợp để giảm lực tác động lên gót chân.

– Kiểm tra gót chân mỗi ngày, nếu thấy dấu hiệu khô da, nứt gót cần điều trị ngay.

Gót chân nứt nẻ không phải là bệnh quá nghiêm trọng đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu không nhanh chóng điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh da liễu này và có biện pháp điều trị nhanh chóng khi mắc phải.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *