Rụng rốn và các vấn đề về rốn ở trẻ sơ sinh

Rụng rốn và các vấn đề về rốn ở trẻ sơ sinh

Rốn trẻ sơ sinh là phần còn lại của dây rốn sau khi sinh. Dây rốn sẽ bị cắt đi sau khi trẻ sinh ra. Có rất nhiều vấn đề về rốn trẻ sơ sinh khiến cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, các bệnh lý liên quan đến rốn thường lành tính và tự khỏi được nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách. Tìm hiểu ngay để biết thêm thông tin chi tiết.

1. Chức năng của dây rốn

Dây rốn như là sợi dây liên kết giữa thai nhi và mẹ, đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho thai nhi. Đến cuối thai kỳ, nhau thai truyền kháng thể từ cơ thể mẹ vào thai nhi qua dây rốn. Những kháng thể này sẽ bảo vệ bé khỏi một số tác nhân gây bệnh trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh. Sau 3 tháng, hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện dần và tự sản xuất kháng thể, giúp phòng ngừa bệnh tật.

2. Quá trình rụng rốn

Ngay sau khi chào đời, dây rốn của trẻ sẽ được cắt bỏ:

– Kẹp dây rốn, cách khoảng 3-4 cm từ rốn của bé bằng kẹp nhựa. Đặt một cái kẹp khác ở đầu kia của dây rốn về phía nhau thai.

– Cắt giữa hai kẹp, để dư lại 2-3cm trên bụng của trẻ.

Do dây rốn được tạo thành từ đoạn tĩnh mạch, động mạch mà không có dây thần kinh nên khi cắt sẽ không gây đau cho mẹ và bé.

Ban đầu, dây rốn có màu vàng, sáng bóng, sau 5-15 ngày khi trẻ chào đời, gốc rốn khô đi, chuyển sang màu nâu, xám hoặc xanh và tự rụng xuống. Sau đó mất khoảng 7-10 ngày thì rốn lành lại hoàn toàn.

Cần chú ý vệ sinh cuống rốn cho trẻ

Cần chú ý vệ sinh cuống rốn cho trẻ

Cha mẹ cần chú ý vệ sinh khu vực rốn cho trẻ được khô ráo, tránh nhiễm trùng. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào rốn, gây ra nhiễm trùng rốn, dẫn đến có mùi hôi.

Rốn khỏe mạnh thường có phần lỗ rốn và cuống rốn khô, không bị chảy dịch, tuy nhiên nếu có mùi hôi và các dấu hiệu bất thường khác như chảy dịch, ướt thì có thể là dấu hiệu của các bệnh như:

– Viêm rốn.

– Nhiễm khuẩn rốn.

– Hoại tử rốn.

3. Dấu hiệu bất thường khi rụng rốn cha mẹ cần chú ý

Cha mẹ cần cảnh giác với những vấn đề về rốn của trẻ sơ sinh khi mới chào đời. Có thể kể đến một số vấn đề thường gặp như sau:

Chảy máu rốn

Sau khi rụng rốn, một vài giọt máu sẽ rỉ ra. Máu thường tự cầm hoặc có thể cầm được khi ấn nhẹ vào vùng rốn bằng miếng bông/gạc sạch.

Nếu máu chảy dai dẳng hoặc chảy nhiều, sau khoảng 10 phút ấn nhẹ bằng miếng gạc sạch máu vẫn còn chảy máu, cần đưa trẻ đi khám ngay, rất có thể trẻ bị mắc bệnh lý gây chảy máu rốn, nguy hiểm hơn là bệnh máu khó đông.

Rốn rỉ dịch

Khi vệ sinh rốn cho trẻ, phát hiện thấy có dịch, ít mủ trên bề mặt, thường xảy ra sau khi rốn đã rụng, trẻ có thể bị nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý khác như u hạt rốn, ống niệu rốn… 

Mẹ nên để rốn thoáng, không tự ý bôi thuốc kháng sinh hay sát trùng lên rốn và mang trẻ đi khám để được tầm soát các bệnh lý về rốn cũng như hướng dẫn cách chăm sóc rốn của bé.

Không tự ý bôi thuốc khi rốn rỉ dịch

Không tự ý bôi thuốc khi rốn rỉ dịch

Rốn rụng muộn

Nếu sau 3 tuần mà dây rốn vẫn chưa rụng nhưng khu vực rốn của trẻ vẫn khô ráo bình thường, cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đời, có thể em bé của bạn rụng rốn chậm hơn so với bình thường.

Tuy nhiên, nếu sau 6 tuần mà rốn vẫn chưa rụng, trẻ có các biểu hiện sốt, nhiễm trùng, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến các phòng khám nhi khoa, bệnh viện uy tín để được kiểm tra.

Mẹ cũng chú ý, không được dùng các chất sát khuẩn, cồn bôi lên rốn hay mặc tã đè lên rốn.

Nhiễm trùng rốn

Tình trạng rốn và mô xung quanh rốn gây sưng, đỏ, chảy dịch mủ. Khi trẻ có các triệu chứng nhiễm trùng rốn, mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nếu trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải nhập viện. Nhẹ có thể cho trẻ uống thuốc và chăm sóc tại nhà, tái khám lại ngay cả khi tình trạng bệnh cải thiện.

U hạt rốn

Sau khi rụng rốn, còn lại 1 mảnh mổ màu đỏ trên chân rốn, nếu không được điều trị sớm, nó sẽ rỉ dịch và gây viêm kéo dài cả tháng.

Khi gặp tình trạng này, cần mang trẻ đi khám để được xử trí đúng cách. Có thể sử dụng thuốc bôi để làm nó khô đi, rụng xuống, bôi thuốc làm đông mô hạt hay đốt điện cắt bỏ mô hạt. U hạt rốn không chứa dây thần kinh, do đó mẹ hoàn toàn yên tâm những phương pháp này không gây đau cho bé.

Sau khi cắt bỏ u hạt rốn hay bôi thuốc cho nó tự rụng, cần chú ý vệ sinh 3-4 lần ngày vùng rốn bằng nước sạch để rốn nhanh lành.

Cắt bỏ u hạt rốn hoặc để rốn tự rụng

Cắt bỏ u hạt rốn hoặc để rốn tự rụng

Thoát vị rốn

Là tình trạng khi trẻ bị khiếm khuyết một phần cơ thành bụng và một phần quai ruột chui ra từ chỗ khuyết đó, tạo thành khối phồng.

Thoát vị rốn thường gặp với tỉ lệ 10 – 20% trẻ sơ sinh. Thoát vị rốn không đau và tự vỡ ra, khối phồng này thường tự cải thiện sau khi trẻ lên 4. Nếu sau 4 tuổi khối thoát vị không tự tiêu biến hoặc kích thước lớn hơn 2,5cm, có thể can thiệp bằng phẫu thuật.

Lưu ý không dùng tay đẩy khối thoát vị vào, điều này sẽ gây đau, nôn cho trẻ. Cần khám bác sĩ để có chỉ định phù hợp.

4. Chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh

Trước khi rụng rốn

Hằng ngày, sau khi tắm bé xong, mẹ nên vệ sinh rốn cho bé mỗi ngày 1 lần. Nếu rốn bị nhiễm bẩn do nước tiểu, phân, mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ vào, nhẹ nhàng vệ sinh bằng vải mềm hoặc gạc.

Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước và sau khi vệ sinh rốn. Tránh để cho tã của bé đè lên rốn gây đau, chảy máu.

Để cuống rốn tự do, che bằng quần áo, tránh mặc quần áo quá chật làm trầy xước cuống rốn, gây chảy máu, đặc biệt là khi cuống rốn chưa khô.

Không vệ sinh cuống rốn bằng các dung dịch có tính sát khuẩn mạnh như cồn

Không vệ sinh cuống rốn bằng các dung dịch có tính sát khuẩn mạnh như cồn

Sau khi rụng rốn

Sau khi cuống rốn rụng mẹ không nên băng rốn, đắp bất cứ thứ gì lên cuống rốn hay dùng các dung dịch có tính sát khuẩn cao để vệ sinh rốn. Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh cho trẻ.

Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng, do đó cha mẹ cần chú ý những vấn đề của rốn để chăm sóc và bảo vệ bé tốt nhất. Chúc các bé yêu luôn bình an và khỏe mạnh.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *