Viêm lợi trùm – Cẩm nang từ A đến Z

Viêm lợi trùm là căn bệnh liên quan đến sự phát triển của răng khôn

Viêm lợi trùm là căn bệnh liên quan đến sự phát triển của răng khôn. Bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của mỗi người. Tìm hiểu ngay để biết thêm thông tin về bệnh, cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả.

1. Viêm lợi trùm là gì?

Lợi trùm là phần lợi bao phủ trên bề mặt của răng. Thông thường, khi răng mọc lên thì phần lợi này sẽ tiêu biến dần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, phần lợi trùm không biến mất khi răng mọc lên, chúng che phủ và cản trở sự phát triển của răng, gây đau đớn. Khi răng mọc lên, đẩy một phần lợi trùm tạo ra khoảng trống bên dưới. Nếu không vệ sinh cẩn thận, có thể gây ra tình trạng viêm, sưng nặng.

Viêm lợi trùm là bệnh lý về răng miệng liên quan đến sự phát triển của răng khôn. Phần lợi phía trên răng khôn không tự biến mất, gây cản trở sự phát triển của răng khôn, khiến nó mọc chậm hoặc không thể phát triển được. Răng khôn mọc lên đâm vào phần lợi phía trên, gây đau. Trong quá trình mọc răng khôn, nhiều người gặp phải tình trạng này, lợi sưng phồng gây đau đớn trong quá trình ăn uống, thậm chí là sốt vì mọc răng.

Viêm lợi trùm là tình trạng dễ gặp phải khi lên răng khôn

Viêm lợi trùm là tình trạng dễ gặp phải khi lên răng khôn

2. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm có thẻ nhận biết bằng mắt thường với các triệu chứng sau:

– Lợi trùm lên răng khôn sưng to, trùm che lấp một phần hoặc toàn bộ răng khôn.

– Phần lợi quanh răng khôn chuyển từ màu hồng sang màu đỏ thẫm, dễ chảy máu khi có lực tác động. Ngoài ra có thể xuất hiện mủ, trường hợp này được gọi là viêm lợi trùm có mủ.

– Người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống, giao tiếp, thậm chí đến cả há miệng cũng cảm thấy đau đớn.

– Có thể bị sốt một vài ngày, mệt mỏi, khó chịu, sưng miệng, nổi hạch ở cổ.

Ngay khi có những dấu hiệu này, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp, tránh để bệnh chuyển biến nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

3. Tác hại của viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm gây tác động nhiều đến răng miệng nếu không được điều trị sớm, có thể kể đến một số ảnh hưởng sau:

– Chảy máu chân răng: Máu dồn về khu vực sưng viêm, chỉ cần một tác động nhẹ thôi như chải răng, dùng chỉ nha khoa, tăm để vệ sinh răng miệng cũng gây chảy máu.

Chỉ cần chải răng nhẹ cũng có thể gây chảy máu quanh chỗ viêm

Chỉ cần chải răng nhẹ cũng có thể gây chảy máu quanh chỗ viêm

– Hôi miệng: Viêm lợi trùm tạo khoảng trống phía dưới, che lấp thức ăn thừa khiến khó vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thức ăn thừa bám lại ở khoang miệng bị các vi sinh vật phân hủy, tạo ra khí có mùi hắc, nồng. Hôi miệng do viêm lợi trùm gây ra khó che giấu được bằng các dung dịch súc miệng khử mùi thông thường.

– Mưng mủ: Khi viêm lợi trùm tiến triển nặng hơn, vi khuẩn, nấm phát triển quanh ở viêm, xâm nhập vào cả các tổ chức bên trong và máu gây viêm và mưng mủ.

4. Nguyên nhân gây viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm gây sưng, đau và có thể có mủ. Một số yếu tố dẫn đến viêm lợi trùm bao gồm:

– Lợi trùm không tiêu biến khi mọc răng: Khi răng mọc lên, bình thường lợi trùm sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho chiếc răng mới. Nếu lợi trùm không biến mất, răng ở dưới gặp khó khăn khi mọc lên, ngoài ra nó cọ sát, đâm vào phần lợi trùm bên trên gây sưng đau, hình thành viêm lợi trùm.

Lợi trùm không tiêu biến khi mọc răng là một trong những nguyên nhân gây viêm

Lợi trùm không tiêu biến khi mọc răng là một trong những nguyên nhân gây viêm

– Nhiễm khuẩn: Răng khôn hay răng sữa khi mọc lên, đẩy phần lợi trùm nhô lên, tạo ra những khe hở bên dưới. Thức ăn thừa dễ bị kẹt lại ở phía dưới, khó vệ sinh hết được, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Điều này sẽ dẫn đến vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ, xâm nhập vào bên trong gây viêm nhiễm.

– Răng khôn mọc lệch, đâm vào phần lợi xung quanh cũng gây ra viêm lợi trùm. Trường hợp này, biện pháp giải quyết hữu ích nhất là nhổ răng khôn.

5. Phương pháp điều trị viêm lợi trùm

Trường hợp lợi bị sưng, viêm nhẹ do răng khôn mọc nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, phần lợi viêm có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, khi răng khôn tiếp tục phát triển, phần lợi trùm lại tiếp tục có nguy cơ bị viêm trở lại. Do đó, cần đi khám bác sĩ để có giải pháp điều trị triệt để tình trạng này.

Kháng sinh

Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên khi bệnh trở nặng với công dụng điều trị nhiễm khuẩn, trường hợp viêm lợi trùm mưng mủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh, đặc biệt là ở trẻ em.

Cắt lợi trùm

Sau khi thăm khám cụ thể, nếu nhận thấy tình trạng của người bệnh cần phải cắt lợi trùm, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lợi trùm.

Các bước thực hiện:

– Gây tê phần lợi trùm, đợi thuốc tê ngấm vào lợi, cắt đi phần lợi trùm phủ lên răng khôn để nó có thể mọc bình thường.

– Sát khuẩn, giữ vệ sinh đúng cách sau khi cắt lợi trùm và sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Thủ thuật cắt lợi trùm là một tiểu phẫu đơn giản, dễ thực hiện nhưng chỉ thực hiện được khi răng khôn không mọc lệch, đâm vào những răng khác. Bác sĩ cũng cần cẩn thận, tỉ mỉ vì khi cắt lợi trùm có thể gây tổn thương dây thần kinh lưỡi, dẫn đến tê bì lưỡi.

Nhổ răng khôn

Khi răng khôn mọc lệch thì việc cắt lợi trùm không có hiệu quả. Khi cắt lợi trùm vẫn có nguy cơ bị sâu răng, viêm tủy răng, ảnh hưởng đến răng xung quanh. Biện pháp được khuyến cáo lúc này là nhổ răng khôn.

Giải pháp này giải quyết tất cả các vấn đề, bao gồm cả răng khôn mọc lệch và viêm lợi, do đó thường được bác sĩ khuyên nên thực hiện sớm.

Cần nhổ răng khôn khi răng khôn mọc lệch

Cần nhổ răng khôn khi răng khôn mọc lệch

Cần lựa chọn địa chỉ phòng khám nha khoa, bệnh viện uy tín để nhổ răng khôn, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe răng miệng sau nhổ.

6. Những lưu ý khi điều trị viêm lợi trùm

Để đẩy lùi viêm lợi trùm hiệu quả, nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau đây:

– Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Giúp giảm sưng đau, loại bỏ thức ăn thừa và các mảng bám răng trong miệng, hạn chế vi khuẩn phát triển gây mùi hôi. Nên đánh răng ít nhất 2 lần sáng – tối để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

– Súc miệng bằng các dung dịch kháng khuẩn: Ngoài việc đánh răng 2 lần sáng tối, việc súc miệng cũng không nên bỏ qua. Súc miệng sẽ giúp hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, thức ăn thừa ra khỏi khoang miệng, đồng thời giúp hơi thở thơm mát hơn, ngăn ngừa hôi miệng.

Súc miệng thường xuyên để hỗ trợ điều trị viêm lợi trùm

Súc miệng thường xuyên để hỗ trợ điều trị viêm lợi trùm

– Không nên ăn các đồ ăn cứng, cay nóng, gây kích ứng niêm mạc miệng, khiến tình trạng sưng đau, khó chịu càng nặng hơn.

– Người bệnh nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các loại thực phẩm giàu protein, đồ uống có nhiều vitamin C như cam, chanh giúp làm bền thành mạch, giảm nguy cơ chảy máu chân răng, giảm viêm hiệu quả.

– Ở trẻ em bị viêm lợi trùm, người lớn không cần quá lo lắng, quá trình viêm lợi thường không kéo dài và có thể tự hồi phục được. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý sức khỏe răng miệng của con và thăm khám bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu bất thường. Khi viêm lợi trùm ở người lớn do mọc răng khôn mới cần phải cắt lợi trùm hoặc nhổ răng khôn.

Trên đây là những thông tin cơ bản về viêm lợi trùm. Mong rằng qua bài viết này, người bị viêm lợi trùm sẽ biết thêm một số thông tin bổ ích, giúp chăm sóc răng miệng tốt hơn và có biện pháp điều trị bệnh phù hợp, giúp đẩy lùi căn bệnh oái oăm này!

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *