Dinh dưỡng ảnh hưởng đến chứng tăng động giảm chú ý như thế nào?

Chế độ dinh dưỡng cho người bị tăng động giảm chú ý

Chế độ dinh dưỡng cho người bị tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý được xem là một rối loạn phát triển của thần kinh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các trạng thái bốc đồng, biểu hiện cảm xúc thái quá, không tập trung. Tỷ lệ tăng động giảm chú ý ở người lớn sẽ ít hơn. Sử dụng thuốc để điều trị đang đóng vai trò quan trọng để giảm các triệu chứng. Cùng với đó việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng khi được dùng như liệu pháp thay thế hay hỗ trợ cũng đang được tiến hành và đem lại nhiều kết quả đáng mong chờ. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem dinh dưỡng có tác động như thế nào đối với chứng tăng động giảm chú ý qua bài viết dưới đây. 

I. Mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng với chứng tăng động giảm chú ý

Mặc dù chưa có kết luận rõ ràng nhưng nhiều ý kiến công nhận chế độ dinh dưỡng nghèo nàn khi mang thai là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý. Nếu trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, acid amin, acid béo cần thiết cho thấy giảm hành vi chống đối xã hội so với trẻ không được bổ sung. 

Thông qua một số nghiên cứu cũng cho thấy một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hành vi cư xử như:

– Những thực phẩm chứa chất caffein như trà, cà phê giúp trí óc tỉnh táo.

– Ăn chocolate có thể cải thiện được tâm trạng không vui.

– Rượu có thể thay đổi hành vi, cảm xúc, hành động nếu uống say…

Dựa vào những tác động trên các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng có thể dùng phương pháp can thiệp vào chế độ ăn để phối hợp cùng thuốc cải thiện các triệu chứng của tăng động giảm chú ý. Cũng vì lý do này mà có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bằng cách thêm hoặc bớt các nhóm chất để tìm ra loại thực phẩm nào nên thêm cũng như nên tránh trong khẩu phần ăn của người bị tăng động giảm chú ý. 

Thực phẩm nào tốt và không tốt cho trẻ bị tăng động giảm chú ý?

Thực phẩm nào tốt và không tốt cho trẻ bị tăng động giảm chú ý?

Qua nhiều đề tài nghiên cứu các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Việc điều chỉnh dinh dưỡng cần được thực hiện dưới sự quan sát của bác sĩ để phù hợp với bệnh nhân và đạt hiệu quả cao. Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết để biết được những thực phẩm nào nên ăn cũng như cần tránh.

II. Những nhóm chất nên bổ sung khi điều trị chứng tăng động giảm chú ý

Tuy chưa thực sự được công nhận nhưng qua nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những nhóm chất dinh dưỡng sau có tác dụng tích cực giúp kiểm soát các chứng tăng động của trẻ.  

1. Acid béo Omega 3 và Omega 6

Trong một nghiên cứu cho thấy nồng độ các acid béo chưa bão hòa PUFA thấp hơn nhiều ở trẻ bị tăng động giảm chú ý (ADHD) so với nhóm trẻ bình thường. Do đó các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm bổ sung các chất PUFA (gồm omega 3 và omega 6)  trong điều trị trẻ em có ADHD và các vấn đề về học tập. Kết quả cho thấy sau 3-6 tháng điều trị trẻ có giảm chứng tăng động và cũng cải thiện khả năng học tập. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là các nghiên cứu riêng lẻ và chưa có sự tương đồng giữa các điều kiện thực nghiệm nên cũng chưa thuyết phục được tất cả mọi người và cần có nhiều bằng chứng để chỉ rõ hơn.

Tuy vậy, omega 3 và Omega 6 đều là những chất cần thiết cho sự phát triển và duy trì hoạt động của não bộ. Trẻ được bổ sung đầy đủ Omega 3 và Omega 6 giúp tăng cường nhận thức, tăng khả năng tập trung học tập cũng như ít gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn hành vi và cảm xúc.

Chính vì đó, việc bổ sung 2 dưỡng chất này vẫn cho một tác dụng tích cực với người tăng động giảm chú ý. Trong các bữa ăn hàng ngày nhất là của trẻ em, phụ nữ mang thai đừng quên các nhóm thực phẩm giàu acid béo tốt: Đậu nành, các loại cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá trích… Ngoài ra có thể bổ sung thêm viên uống Omega với tư vấn của các chuyên gia về liều lượng hợp lý.  

Thực phẩm chứa Omega 3 

Thực phẩm chứa Omega 3 

2. Vitamin và khoáng chất

Các vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Trong các nghiên cứu trên trẻ bị ADHD cho thấy mối liên hệ giữa sắt và kẽm với các triệu chứng của tăng động giảm chú ý. 

– Với trẻ có nồng độ sắt và kẽm trong huyết thanh thấp, quan sát thấy trẻ dễ bị sao nhãng, không chú ý. 

– Hơn nữa việc bổ sung sắt và kẽm cũng tăng hiệu quả của thuốc Amphetamine trong điều trị. 

– Kẽm cũng có chức năng là yếu tố tham gia tạo thành nhiều enzym chuyển hóa trong cơ thể như các chất dẫn truyền thần kinh, các acid béo và còn điều hòa sự chuyển hóa dopamin trong ADHD. 

Chính vì vậy cha mẹ nên chú ý bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt và kẽm trong khẩu phần ăn với các thực phẩm như thịt đỏ, thịt lợn, gan, rau bina, rau mồng tơi, hạt khô, ngũ cốc, trứng… Bên cạnh đó nên cho trẻ ăn kết hợp với trái cây, rau xanh giàu vitamin C để đa dạng bữa ăn và tăng hấp thu sắt và kẽm tốt hơn.

Bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt

Bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt

3. Acid amin

Acid amin là một thành phần không thể thiếu được trong mọi hoạt động sống của con người. Acid amin có vai trò quan trọng khi là nguyên liệu tạo thành các chất dẫn truyền thần kinh. Với trẻ bị tăng động giảm chú ý có mối liên quan giữa các bất thường trong hoạt động của hệ dopaminergic và noradrenergic với sự giảm hoạt động hoặc giảm kích thích ở vùng thân não trên và các vùng trước của não giữa. Các acid amin tyrosine, tryptophan và phenylalanin là thành phần cấu tạo nên chất dẫn truyền thần kinh dopamin, serotonin và norepinephrine. Vì vậy việc bổ sung thêm các acid amin này trong chế độ dinh dưỡng cho người bị tăng động giảm chú ý là hoàn toàn có căn cứ. 

Acid amin có trong rất nhiều các nguồn thực phẩm, đa dạng trong lựa chọn và phối hợp như các loại đậu, thịt cá, trứng, sữa…

Bổ sung các acid amin cần thiết cho cơ thể

Bổ sung các acid amin cần thiết cho cơ thể

III. Những nhóm chất nên hạn chế với người rối loạn tăng động giảm chú ý 

1. Thực phẩm chứa chất phụ gia và salicylat

Những thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia và salicylat được khuyến cáo không nên sử dụng vì chúng có thể gây tăng động cho trẻ. Căn cứ cho khuyến nghị này bắt nguồn từ nghiên cứu thực hiện vào năm 1970 của tiến sĩ, bác sĩ Feingold khi ông cho tình nguyện viên áp dụng chế độ ăn kiêng không có salicylat. Kết quả thu được là với chế độ kiêng các chất phụ gia đã cải thiện được hành vi. Trong nghiên cứu sau đó ông cũng tuyên bố kết quả với chế độ ăn kiêng như này đã cải thiện được triệu chứng tăng động giảm chú ý cho 30-50% trẻ tham gia. 

Mặc dù nghiên cứu này chưa là bằng chứng thuyết phục cho luận điểm trên nhưng nó lại làm tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của chất phụ gia đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý. Vì vậy việc hạn chế sử dụng các chất phụ gia trong thực phẩm cũng nên được thực hiện với mọi người chứ không riêng những người bị chứng tăng động giảm chú ý.

Hạn chế chất phụ gia trong thực phẩm

Chất phụ gia trong thực phẩm không tốt cho trẻ tăng động giảm chú ý

2. Thực phẩm chứa nhiều chất tạo màu và bảo quản

Bên cạnh chất phụ gia thì màu thực phẩm và chất bảo quản cũng nhận được quan tâm không nhỏ về ảnh hưởng của chúng trên trẻ bị tăng động giảm chú ý. Trong một nghiên cứu theo dõi 800 trẻ bị ADHD thì khi áp dụng chế độ ăn kiêng không có chất tạo màu nhân tạo AFC thì 75% trong số đó giảm triệu chứng nhưng tái phát nếu như cho dùng lại AFC. Một nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương đồng khi sử dụng màu thực phẩm nhân tạo và chất bảo quản Natri benzoat làm tăng tính hiếu động trên hơn 1000 trẻ em tham gia thử nghiệm. 

Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận chính xác nhưng các cơ quan quản lý thực phẩm đều đã yêu cầu phải công bố các AFC được dùng trên thực phẩm và phải được ghi trên nhãn. Do đó các thực phẩm sạch, hữu cơ, tươi ngon nên là các lựa chọn ưu tiên hơn trong các bữa ăn hàng ngày. Không phải loại bỏ hoàn toàn nhưng những người bị tăng động giảm chú ý nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều màu thực phẩm cũng như chất bảo quản như bánh kẹo, đồ đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn… 

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất tạo màu và bảo quản

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất tạo màu và bảo quản

3. Thực phẩm gây dị ứng 

Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 2002 xem xét ảnh hưởng của chế độ ăn loại trừ (hạn chế các thực phẩm gây dị ứng) cho kết quả trẻ ăn nhiều các thức ăn lành mạnh, ít kháng nguyên gây dị ứng tăng điểm trên thang đánh giá ADHD và Conners. Nhưng sau đó sự tái phát các triệu chứng của ADHD lại không liên quan đến nồng độ IgG trong máu. Tuy vậy qua thử nghiệm thì xét nghiệm IgG trong máu vẫn được coi là chỉ báo cho ảnh hưởng của thức ăn đối với người bị ADHD. Chính vì vậy giảm thiểu và hạn chế nhiều nhất các món ăn dễ gây dị ứng vẫn mang một ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm các triệu chứng của ADHD. 

4. Chế độ ăn nhiều đường

Nhiều các bậc phụ huynh quan sát và thấy rằng trẻ sẽ có biểu hiện thái quá hơn các triệu chứng của tăng động giảm chú ý hơn nếu ăn nhiều kẹo và nước ngọt. Bên cạnh đó việc tiêu thụ các đường đơn cũng dễ khiến cơ thể tăng nguy cơ hạ đường huyết do khi cơ thể nạp nhiều glucose cùng một lúc sẽ kích thích tăng insulin để nhanh chóng làm hạ đường huyết. Tuy nhiên như vậy lại khiến cơ thể và nhất là não bộ thiếu glucose – nguồn năng lượng chính cho não bộ hoạt động. Và khi lượng đường huyết thấp lại kích thích vùng vỏ não có chức năng kiểm soát sự chú ý. 

Chính vì vậy người bị ADHD cần hạn chế tiêu thụ các thức ăn chứa quá nhiều đường mà cơ thể dễ hấp thụ như bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả sấy… Thay vào đó chuyển sang các loại thực phẩm chứa tinh bột chuyển hóa chậm để lượng đường trong máu được duy trì ổn định.
Hạn chế sử dụng nhiều đường

Hạn chế sử dụng nhiều đường

Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng cho người bị chứng tăng động giảm chú ý là một lĩnh vực mới đầy tiềm năng, mở ra cơ hội tìm ra giải pháp điều trị có giá trị kéo dài hơn là việc dùng thuốc chỉ có thể giảm triệu chứng tạm thời.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *