Những lưu ý khi vắt sữa mẹ

“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” do đó, nhiều mẹ luôn mong muốn có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Để nguồn sữa luôn đầy đủ cho bé, vắt sữa mẹ để sẵn là một phương pháp được nhiều bà mẹ sử dụng. Vậy khi vắt sữa cần chú ý những gì, bảo quản như thế nào mới đúng cách? Đừng bỏ lỡ những thông tin trong bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Vai trò của sữa mẹ đối với sự phát triển trẻ

Sữa mẹ có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và cả kháng thể, giúp cung cấp đầy đủ các chất cho trẻ phát triển, đồng thời giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh do tác nhân bên ngoài môi trường gây ra.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ, mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé:

– Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong 6 tháng đầu.

– Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa.

– Chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng dễ hấp thu, phù hợp với đường tiêu hóa non nớt của trẻ.

– Đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trí não.

– Đối với các bà mẹ cho con bú sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ ung thư, làm tăng tình cảm mẹ con, tăng cường khả năng phục hồi sau sinh của mẹ.

2. Khi vắt sữa mẹ cần chú ý điều gì?

Khi vắt sữa mẹ bằng tay hay bằng máy, mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để đựng sữa sau khi vắt (cốc, bình đựng sữa đã rửa sạch, tráng nước sôi, để ráo hoặc túi đựng chuyên dụng để bảo quản lạnh). Nếu vắt sữa bằng máy, mẹ cần lựa chọn phễu chụp vừa với bầu vú để quá trình vắt sữa diễn ra dễ dàng hơn.

– Rửa tay sạch sẽ, dùng khăn mềm, sạch để lau bầu vú trước khi vắt sữa.

– Để sữa dễ chảy hơn, có thể tiến hành massage ngực trước và trong khi hút.

– Nếu dùng máy vắt sữa, có thể tiết kiệm thời gian bằng cách hút cả hai bên cùng lúc.

Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy

– Các bước hút sữa bằng tay:

+ Có thể ngồi hoặc đứng thoải mái nhất, giữ bình đựng sữa/cốc ở gần vú.

+ Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón trỏ ở phía dưới núm vú, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C, các ngón tay khác nâng đỡ vú.

+ Ấn nhẹ ngón cái và ngón trỏ vào trong, không ấn quá mạnh sẽ gây đau và tắc tia sữa. Thực hiện động tác này liên tục cho đến khi sữa chảy ra.

+ Vắt sữa tối thiểu 3-5 phút mỗi bên cho đến khi sữa chảy ra chậm thì đổi sang bên vú còn lại, vắt tiếp cho đến khi hết sữa.

– Lưu ý sau khi vắt sữa xong, nếu mẹ thấy còn sữa nhưng không vắt ra được,  hãy cho bé bú tiếp để hấp thu những giọt sữa chứa nhiều chất béo, giúp trẻ tăng cân nhanh chóng.

3. Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?

Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, khi để bên ngoài môi trường quá lâu rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, bé uống vào có nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn tiêu hóa.

Sữa mẹ vắt ra để ở nhiệt độ thường, 25 – 35 độ C có thể giữ được ngoài môi trường 6 – 8 giờ. Nếu để ngăn mát tủ lạnh thì giữ được 3-5 ngày, để ngăn đá sẽ giữ được trong 3 tháng còn nếu lưu trữ trong tủ đông chuyên biệt ở nhiệt độ dưới -18 độ C thì để được tận 6 tháng. Trước khi sử dụng, chỉ cần làm ấm sữa, không đun sôi hoặc làm ấm bằng lò vi sóng.

Sữa mẹ có thể để ở nhiệt độ thường trong khoảng 6 – 8 giờ

4. Bảo quản sữa mẹ

Nếu mẹ vắt sữa để bé sử dụng trong ngày thì không cần cho vào ngăn mát hay ngăn đá tủ lạnh. Sữa mẹ có nhiều chất béo, khi trữ sữa có thể tự tách thành các lớp. Trước khi cho bé uống, cần lắc nhẹ chai để tạo thành hỗn hợp đồng nhất.

Sữa mẹ muốn bảo quản lâu cần sử dụng các túi lưu trữ, chai thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA.

Sau khi vắt sữa xong cần chú ý:

– Cho sữa vào các túi, chai nhỏ vừa đủ một lần uống của trẻ để tránh lãng phí.

– Sữa đã vắt ra cần làm lạnh ngay.

– Không trộn lẫn sữa mới vắt và sữa đã trữ đông.

– Khi cho sữa vào tủ lạnh, nên đánh dấu ngày vắt, số thứ tự sử dụng, bao nhiêu ml để tiện cho việc quản lý, theo dõi sử dụng mỗi ngày.

– Nếu trẻ uống dư sữa, không được bảo quản lạnh tiếp, nên vứt bỏ vì vi khuẩn từ môi trường, tay, miệng của trẻ đã xâm nhập vào sữa.

Lưu trữ sữa mẹ trong các túi, bình chuyên dụng để tránh vi khuẩn xâm nhập

Mẹ chỉ nên trữ sữa trong trường hợp có nhiều sữa, nếu không vắt sữa có thể gây đau, tức ngực, tắc tia sữa. Việc cố trữ sữa nhiều mỗi ngày có thể gây thiếu sữa, không đủ sữa cho trẻ bú.

5. Cách rã đông sữa mẹ

Sữa trữ lạnh sau khi rã đông có thể bị đổi màu, hơi vàng, xanh hoặc nâu nhẹ hay bị tách lớp. Ngoài ra còn có thể có mùi như xà phòng. Tuy nhiên do sữa mẹ có chứa các chất béo, để lâu bị tách lớp và có mùi xà phòng nên nếu bảo quản đúng cách, mẹ cứ yên tâm rã đông sữa rồi cho trẻ uống. Sữa hoàn toàn dùng được nếu còn hạn sử dụng. Sữa mẹ trữ đông quá ngày sử dụng có thể bị biến đổi một số thành phần trong đó, không nên cố cho trẻ uống.

Sữa mẹ nếu bảo quản ở ngăn mát, mẹ chỉ cần để ở nhiệt độ phòng cho bớt lạnh hoặc ngâm trong nước ấm là sử dụng được.

Nếu trữ sữa ở ngăn đá, cần để sữa xuống ngăn mát tủ lạnh để ra đông, sau đó cho ra ngoài đun nóng ở 40 độ C. Nên dùng máy hâm sữa hoặc ngâm bình, túi trữ sữa trong nước nóng.

Cần hâm sữa từ từ để rã đông, không làm thay đổi nhiệt độ sữa đột ngột, không dùng lò vi sóng, đun sữa trực tiếp, làm phá hủy các thành phần trong sữa. Nếu không có máy hâm sữa, xả nước ấm làm ấm bình sữa từ từ cho tới khi nhiệt độ sữa phù hợp.

Nếu ngửi thấy sữa có mùi chua, vón cục, sữa có thể bị hỏng. Mẹ không nên cho bé dùng sữa này bởi chúng có thể gây hại đến hệ tiêu hóa non nớt của bé. Nếu trẻ uống phải sữa hỏng, cần cho uống thật nhiều nước và đưa đến bệnh viện thăm khám để được điều trị kịp thời.

Có thể dùng máy hâm sữa để làm nóng sữa từ từ, tránh biến chất

Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp cho những bà mẹ bỉm sữa biết được cách vắt sữa đúng và bảo quản sữa phù hợp với mục đích sử dụng của mình, nhằm chăm con đúng cách để trẻ khỏe mạnh, nhanh lớn.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *