Khi mang thai, việc khám sức khỏe định kỳ vô cùng quan trọng, giúp kiểm tra sức khỏe của mẹ và em bé, phát hiện các vấn đề và ngăn ngừa chúng trong quá trình thai nghén. Sau đây là 10 mốc khám thai mẹ bầu cần ghi nhớ.
1. Lần khám thai đầu tiên: khoảng tuần thứ 3 – 8
Khi phát hiện mình bị trễ kinh từ 2 – 4 tuần và cảm thấy những thay đổi ở cơ thể như buồn nôn, mệt mỏi, đặc biệt dùng que thử thai cho kết quả 2 vạch thì người phụ nữ nên đến các cơ sở y tế khám thai càng sớm càng tốt. Lần khám thai này với mục đích chính kiểm tra xem người phụ nữ có thực sự mang thai không và thai có làm tổ đúng vị trí?
Ở lần khám đầu tiên, bà bầu sẽ được khám sức khỏe toàn diện, lấy máu xét nghiệm và tính ngày dự sinh. Ngoài ra, họ cũng có thể được khám vú, khám vùng chậu để kiểm tra tử cung (dạ con) và khám cổ tử cung, bao gồm cả xét nghiệm phết PAP. Trong lần khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi về lối sống, tiền sử gia đình và thói quen chăm sóc sức khỏe của thai phụ. Họ cần trả lời trung thực những câu hỏi trên để bác sĩ nắm rõ được tình hình của mình. Một số xét nghiệm, đánh giá sẽ được tiến hành như:
– Siêu âm tính toán xem thai được bao nhiêu tuần và dự đoán ngày sinh.
– Đo huyết áp, chiều cao và cân nặng.
– Xét nghiệm máu, bao gồm kiểm tra nhóm máu của thai phụ và thử nghiệm cho bệnh thiếu máu, rubella miễn dịch, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, chlamydia và HIV.
– Xét nghiệm nước tiểu để xem có bị nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu hay không.
– Kiểm tra cổ tử cung để kiểm tra vi rút u nhú ở người (HPV) hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư cổ tử cung.
– Nếu có nguy cơ thiếu vitamin D, có thể tiến hành xét nghiệm điều này.
Tính toán ngày dự sinh trong lần khám thai đầu tiên
2. Lần khám thai thứ 2: từ tuần 11 đến 13
Khi mang thai được khoảng 11 đến 13 tuần, người mẹ nên thường xuyên kiểm tra huyết áp và đo cân nặng. Khi mang thai, cân nặng cơ thể tăng khoảng 11 – 16 kg được coi là tốt cho người có chỉ số BMI bình thường (BMI thai kỳ từ 18,5 đến 24,9). Dựa vào sự tăng cân của người mẹ phần nào biết được sự phát triển của em bé. Ngoài ra, việc bổ sung sắt và canxi cũng sẽ được bắt đầu từ thời điểm này.
Siêu âm thai được gọi là chụp Nuchal Translucency (NT) là phần quan trọng nhất trong lịch trình kiểm tra từ tuần thứ 11 – 13. Quét màng trong suốt đo độ dày của chất lỏng để đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down. Quá trình quét sẽ xem xét và đo độ dày nếp gấp da gáy của bé. Độ dày tăng lên có thể chỉ ra sự bất thường về nhiễm sắc thể, nhưng nó không cho biết rằng đứa con có hay không có bất thường. Kết quả sẽ cho biết em bé có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cao hay thấp. Mục đích chính của việc quét NT là để kiểm tra các bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, bệnh Edward hay Patau.
Siêu âm tầm soát hội chứng Down ở trẻ
3. Lần khám thai thứ 3: từ tuần 14 đến 16
Trong lần khám thai ở tuần thứ 16, thai phụ sẽ được kiểm tra huyết áp và cân nặng, khám bụng để kiểm tra sự phát triển của em bé. Từ tuần này trở đi, có thể lắng nghe nhịp tim của thai nhi khi khám thai.
Có thể nghe được nhịp tim của thai nhi từ lần khám thai này
Người mẹ nên tiếp tục bổ sung sắt và canxi. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể cần nhiều sắt hơn bình thường để tạo ra lượng máu cần thiết cho thai nhi đang lớn. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều chất lỏng hơn trong cơ thể nên hemoglobin bị loãng. Sắt giúp tạo ra hemoglobin giúp các tế bào hồng cầu lưu trữ và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Không bổ sung đủ sắt từ chế độ ăn uống có thể dẫn đến thiếu máu, được gọi là thiếu máu do sắt. Vì vậy, bổ sung đủ sắt trong thai kỳ là điều quan trọng để giúp người mẹ và thai nhi khỏe mạnh.
4. Lần khám thai thứ 4: từ tuần 18 đến 22
Cũng như những lần thăm khám trước, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra huyết áp và cân nặng của bà bầu để hiểu được sự phát triển của em bé.
Từ tuần 18 đến 22 đánh dấu nửa chặng đường mang thai. Ở thời điểm này, hầu hết các cơ quan quan trọng của bé đã phát triển và có thể thấy rõ qua hình ảnh chụp siêu âm. Quá trình siêu âm giúp chúng ta hiểu được tình trạng phát triển của thai nhi, kiểm tra chuyển động, xem sự phát triển của các cơ quan nội tạng của bé và phát hiện các dị tật bẩm sinh.
Lần khám thai này là thời điểm thích hợp để phát hiện dị tật ở trẻ
Nhiều khía cạnh của các cơ quan nội tạng được kiểm tra bao gồm hình dạng và cấu trúc của đầu, mặt, chiều dài và mặt cắt của cột sống, thành bụng, tim, dạ dày, thận, cánh tay, chân, bàn tay và bàn chân. Ngoài những chi tiết này để xem em bé đang phát triển như thế nào, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm nhau thai, dây rốn và nước ối. Việc siêu âm kiểm tra dị dạng cũng rất quan trọng vì nếu phát hiện ra vấn đề, các biện pháp phòng ngừa cần thiết có thể được thực hiện.
5. Lần khám thai thứ 5: từ tuần 24 đến 26
Như thường lệ, thăm khám ở tuần 24 đến 26 sẽ bao gồm đo huyết áp, cân nặng và khám bụng để đảm bảo rằng thai nhi đang phát triển tốt. Thai phụ sẽ được thực hiện một xét nghiệm máu khác trong giai đoạn này để kiểm tra nồng độ hemoglobin. Dựa trên kết quả, việc thay đổi liều lượng bổ sung sắt thường xuyên sẽ được quyết định. Nếu cần, có thể được khuyên dùng thêm một loại thuốc bổ sung sắt khác.
Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm thử glucose để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên tiêm phòng cúm cho tất cả phụ nữ mang thai từ tuần 26 của thai kỳ.
Xét nghiệm máu để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ
6. Lần khám thai thứ 6: từ tuần 28 đến 32
Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi và sức khỏe thai nhi trong khoảng từ 28 đến 32 tuần. Trong quá trình siêu âm, kích thước của thai nhi được tính bằng cách đo chu vi đầu (HC) và bụng của (AC), chiều dài xương đùi (FL) và độ sâu của nước ối xung quanh. Nếu các phép đo đều nằm trong giới hạn bình thường, chứng tỏ thai nhi vẫn đang trong quá trình phát triển bình thường. Trong trường hợp, nếu thai nhi lớn hoặc nhỏ hơn so với dự kiến, sản phụ sẽ được khuyên nên chụp lại lần hai sau đó hai tuần. Ngoài ra, thời điểm này thai phụ sẽ được tiêm mũi thứ nhất vắc xin uốn ván Toxoid (TT).
Thời điểm tiêm vắc xin uốn ván lần 1
7. Lần khám thai thứ 7: từ tuần 32 đến 36
Khi thai nhi đang phát triển tốt và người mẹ đang ở rất gần ngày sinh nở, tần suất đi khám thai lúc này sẽ tăng lên, hai tuần một lần. Những lần thăm khám này sẽ bao gồm việc kiểm tra định kỳ như ghi lại huyết áp, cân nặng để hiểu được sự phát triển của em bé. Nhịp tim và vị trí của thai nhi sẽ được kiểm tra để xem hoạt động và tư thế của thai tốt hay không. Những lần thăm khám này cũng bao gồm khám vú và sẽ được tư vấn về cách chuẩn bị việc cho con bú. Đến tuần thứ 36, thai phụ đến phòng khám để tiêm mũi thứ 2 vắc xin giải độc tố uốn ván.
8. Lần khám thai thứ 8: từ tuần 37 đến 38
Khi gần đến ngày sinh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng xem thai nhi có ở tư thế ngôi mông hay không. Trong suốt thai kỳ, tư thế của thai nhi sẽ thay đổi liên tục, nhưng đến tháng thứ 8 của thai kỳ, vị trí thai sẽ cố định. Tư thế cúi đầu là một tư thế tốt, tuy nhiên vẫn có những trường hợp thai nhi ở vị trí ngôi mông. Khi thai được 38 tuần là thời điểm thích hợp để sinh mổ (LSCS). Trong trường hợp nếu thai nhi ở tư thế ngôi mông hoặc có bất kỳ bệnh lý nào khác cần phải tiến hành sinh mổ.
Các tư thế thai nhi có thể có
9. Lần khám thai thứ 9: tuần 39
Đây gần như đang là giai đoạn cuối của hành trình mang thai, việc hạ sinh sẽ xảy đến bất cứ lúc nào. Lần khám thai tuần thứ 39 sẽ bao gồm việc kiểm tra định kỳ như đo huyết áp, cân nặng để theo dõi sự phát triển của thai nhi, nhịp tim và vị trí thai cũng sẽ được kiểm tra. Nếu nhận thấy bất cứ điều gì bất thường, cần phải có những biện pháp can thiệp kịp thời.
10. Khám thai lần cuối: tuần 40
Nếu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa sinh con, cùng với việc khám định kỳ, sản phụ sẽ được tiến hành khám âm đạo để kiểm tra mức độ thuận lợi của cổ tử cung để sinh ngã âm đạo. Có thể được yêu cầu làm xét nghiệm như xét nghiệm non – stress, siêu âm và kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ. Một vài cuộc kiểm tra sẽ được thực hiện để xem liệu tất cả có ổn không và các phương án gây chuyển dạ sẽ được thực hiện. Hầu hết quá trình chuyển dạ bắt đầu tự nhiên, nhưng đôi khi quá trình sinh nở có thể cần đến sự can thiệp.
Một số phương pháp gây chuyển dạ được thực hiện
Trên đây là 10 mốc khám thai quan trọng nhất mà mỗi phụ nữ lúc mang thai cần phải biết. Tùy vào tình trạng sức khỏe trước sinh của mỗi người, quá trình phát triển và sức khỏe của thai nhi mà các mốc khám thai này có thể thay đổi đôi chút.