Sai lầm khi xử lý đột quỵ
Đột quỵ (còn được gọi là tai biến mạch máu não) là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, do đó làm những gì ngay sau khi có dấu hiệu đột quỵ là điều vô cùng quan trọng. Những sai lầm do xử lý sai cách có thể để lại những điều tiếc nuối cho cả người bệnh lẫn người thân trong gia đình.
I. 5 sai lầm chết người trong cấp cứu người bị đột quỵ
Sau đây là 5 sai lầm phổ biến nhất dẫn, mọi người cần phải tránh:
1. Bế thốc bệnh nhân lên xe máy đưa đi cấp cứu
Rất nhiều người cảm thấy lúng túng, không biết làm thế nào khi gặp người bất ngờ đột quỵ. Mọi người có suy nghĩ rằng không nên di chuyển người bệnh do sẽ rất nguy hiểm. Thực tế cần nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa người bị đột quỵ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị nhanh nhất có thể.
Thời gian vàng để giảm thiểu tử vong và hạn chế biến chứng để lại là khoảng 3 tiếng từ khi bắt đầu khởi phát triệu chứng. Chính vì vậy, để nhanh chóng đưa người đột quỵ đến bệnh viện rất nhiều trường hợp đã đưa bằng xe máy, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quá trình di chuyển. Do khi di chuyển bằng xe máy, gây xóc có thể làm chất nhầy, đờm dãi chặn đường thở, dẫn đến thiếu oxy.
Chúng ta cần di chuyển bằng các phương tiện có thể giữ bệnh nhân nằm trên một mặt phẳng, nghiêng người sang một bên, đồng thời nới bớt quần áo cho thoáng. Lưu ý tuyệt đối không được đưa bằng xe máy đi cấp cứu.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng để thông thoáng đường thở
2. Xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lễ hoặc cúng bái
Dấu hiệu của tai biến rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của trúng gió như méo mặt, đột ngột không còn sức lực, cảm thấy mệt mỏi, miệng méo, mắt mờ, mất khả năng nhận biết… Từ đó dẫn đến những cách xử trí như cạo gió hay xoa dầu nóng để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
Đột quỵ cần sơ cấp cứu tại chỗ ngay lập tức. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại hơn chính là hủ tục mê tín dị đoan, tin vào cắt lễ, cúng bái. Nhiều người ở xung quanh cũng khiến không khí trở nên bí bách hơn. Chính những điều này đã vô tình bỏ lỡ cơ hội sống và hồi phục cho bệnh nhân, bỏ qua từng phút giây quan trọng của “thời gian vàng” trong điều trị để lấy sự sống. Không ít các trường hợp khi người thân nhận ra và đưa đến bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn.
Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ
3. Uống thuốc hạ huyết áp nhanh quá mức
Rất nhiều trường hợp được báo cáo rằng: Khi thấy người nhà bị đột quỵ, thay vì gọi cấp cứu, họ lại tự đo huyết áp, thấy huyết áp tăng cao đột ngột, rồi vội vàng cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên chính vì cho uống thuốc hạ huyết áp nhanh quá mức dẫn đến huyết áp tụt xuống, khiến lượng máu đến não càng yếu đi, làm ổ nhồi máu càng rộng hơn, bệnh diễn biến xấu, để lại biến chứng nặng nề hơn.
4. Chích máu 10 đầu ngón tay, dái tai để cứu người đột quỵ
“Có bệnh thì vái tứ phương”, đây chính là quan điểm của rất nhiều người khi có người thân bị bệnh. Điều này nhiều khi làm mất đi sự tỉnh táo trong việc đưa ra quyết định, ai mách gì cũng làm theo mà không biết có tác dụng hay không, cả những phương pháp phản khoa học không theo nguyên tắc nào của y khoa. Phương pháp không bác sĩ chỉ định, người này truyền tai người kia trong xử trí bị đột quỵ như bấm huyệt, chích máu 10 đầu ngón tay.
Trong y học cổ truyền, chích 10 đầu ngón tay thường được dùng trong trường hợp sốt cao, co giật, nó làm giảm nguyên khí, khiến máu không lưu thông. Tuy nhiên đối với trường hợp bị đột quỵ đừng làm vì sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Chỉ có nhân viên y tế mới biết nên làm thế nào mới đúng đối với từng bệnh nhân cụ thể.
Không nên chích 10 đầu ngón tay để điều trị đột quỵ
5. Mua dự trữ thuốc An cung ngưu hoàng hoàn cho người đột quỵ uống
Biết được những hậu quả, di chứng của đột quỵ nguy hiểm đến mức nào nên rất nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng cho bố mẹ, ông bà mình mà mua dự trữ thuốc an cung ngưu hoàng hoàn. Nếu được dùng đúng cách để ngăn ngừa cục máu đông thì việc sử dụng sẽ vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, khi đã bị đột quỵ thì thuốc hoàn toàn không có tác dụng, thậm chí còn nguy hiểm hơn với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não (nó chỉ có hiệu quả đối với đột quỵ liên quan đến hình thành cục máu đông).
Trong một số trường hợp, khi bị đột quỵ, bệnh nhân rơi vào tình trạng khó nuốt, nếu cho bệnh nhân uống bất cứ thuốc gì, an cung hay thuốc huyết áp sẽ khiến bệnh nhân có thể bị sặc, thuốc rơi vào phổi, tăng nguy cơ viêm phổi. Chính vì vậy, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để xác định tình trạng bệnh do thiếu máu não hay xuất huyết não để có cách xử trí hiệu quả nhất.
II. Sơ cứu người bị đột quỵ như thế nào là đúng cách?
Từ những sai lầm trên mà rất nhiều người đã bỏ lỡ thời gian vàng để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Sau đây là quy trình các bước sơ cứu người bị đột quỵ đúng cách để tăng khả năng sống và hồi phục:
– Đầu tiên, nhất định gọi điện thoại ngay đến số cấp cứu 115 để nghe nhân viên y tế (điều dưỡng, bác sỹ…) hướng dẫn xử lý đúng cách. Cung cấp địa chỉ người bệnh, điện thoại liên hệ, tình trạng hiện tại của bệnh nhân, nơi đón thuận tiện nhất.
– Tiếp theo, đặt bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng người sang 1 bên. Tư thế này giúp bệnh nhân không hít phải đờm rãi, chất nôn, làm thông thoáng đường thở hơn, tránh những tổn thương không đáng có. Nếu ở nơi xa trung tâm, cho bệnh nhân nằm trên cáng hoặc xe có mặt phẳng đưa đến nơi hẹn 115 ở trên.
– Sau đó nghe theo hướng dẫn của nhân viên y tế, trợ giúp bệnh nhân nếu được yêu cầu. Tuyệt đối không được cấp cứu đột quỵ bằng những phương thức sai lầm như đã trình bày ở phần trên.
– Nếu đột quỵ xảy ra vào buổi tối hoặc nửa đêm về sáng, lúc này nhiệt độ xuống thấp, có thể là nguyên nhân gây nên đột quỵ. Cần đưa người bệnh vào phòng ấm, cho bệnh nhân nằm nghiêng và đắp chăn giữ ấm. Đồng thời gọi ngay xe cấp cứu.
Khi có dấu hiệu đột quỵ cần gọi ngay 115
Thông qua những thông tin ở trên của chúng tôi, những người thân trong gia đình nên trang bị cho mình những kiến thức để có thể xử lý đột quỵ đúng cách, từ đó tạo điều kiện cho việc điều trị hiệu quả, hạn chế những hậu quả, biến chứng nguy hiểm do đột quỵ để lại.
Bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.