Cao lỏng hoắc hương chính khí – Dược điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
cao-long-hoac-huong-chinh-khi

Công thức

Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae)                              240 g
Hậu phác (Cortex Magnoliae officinalis) chế gừng           160 g
Bán hạ (Rhizoma Pinelliae) chế                                        160 g
Hoắc hương (Folium Pogostemonis)                                240 g
Cam thảo (Radix Glycyrrhizae)                                           80 g
Bạch linh (Poria)                                                                240 g
Thương truật (Rhizoma Atractylodis)                                160 g
Đại phúc bì (Pericarpium Arecae catechi)                         240 g
Tía tô (Folium Perillae frutescesis)                                    240 g
Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne)                  160 g
Đại táo (Fructus Ziziphi jujuhae)                                        130 g
Cát cánh (Radix Platycodi grandiflori)                                160 g
Nước vừa đủ (Aqua q.s)                                                2000 ml

Điều chế Cao lỏng hoắc hương chính khí

Hậu phác chế gừng, Bán hạ chế gừng theo quy định trong chuyên luận riêng.

Hậu phác: Chiết hồi lưu với 300 ml ethanol 60 % trong 1 h, lọc lấy dịch chiết.

Thương truật, Trần bì, Bạch chỉ, Hoắc hương, Tía tô: Chiết bằng cất kéo hơi nước, thu được dịch cất chứa các chất bay hơi.

Bạch linh: Cho nước vừa ngập dược liệu, đun đến sôi và giữ nóng ở 80 °C, tiến hành 2 lần, lần 1 trong 3 h, lần 2 trong 2 h, lọc, gộp các dịch lọc.

Ngâm Bán hạ chế, Đại phúc bì đến trương nở, sắc trong 3 h và lọc, tiến hành làm 2 lần. Cam thảo được sắc kỹ, lọc. Gộp các dịch lọc trên và cô đến còn khoảng 1000 ml. Để nguội, thêm ethanol 96 % đến khi tủa hoàn toàn (để yên 24 h) và lọc. Thêm dịch chiết của Hậu phác. Phối hợp các dịch cất có chứa các chất bay hơi ở trên, trộn kỹ và thêm nước tới khoảng 1900 ml, để nơi mát 24 h và lọc. Thêm chất bảo quản, thêm nước vừa đủ tới 2000 ml. Lọc, đóng lọ 10 ml.

Chế phẩm phải đạt các yêu cầu trong chuyên luận “Cao thuốc” (Phụ lục 1.1) và các yêu cầu sau:

Tính chất

Dung dịch nâu trong, vị cay, đắng.

Xem thêm: Cao bổ phổi – Dược điển Việt Nam 5

Định tính cao lỏng hoắc hương chính khí

A. Định tính Thương truật

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa – ethyl acetat (20 : 1).

Dung dịch thử: Lấy 30 ml chế phẩm cho vào bình nón có nút mài, thêm 40 ml n-hexan (TT) lắc kỹ 15 min, để qua đêm, gạn lấy dịch chiết n-hexan, cho bay hơi hết dung môi. Hòa cắn vào 1 ml ethanol (TT) được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Thương truật (mẫu chuẩn) đã tán nhỏ và tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử bắt đầu từ “thêm 40 ml n-hexan (TT)“.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, bay hơi dung môi, sấy nhẹ ở 70 °C đến 80 °C rồi phun dung dịch p-dimethyl aminobenzadehyd 5%, sấy bản mỏng ở 120°C cho đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

B. Định tính hoắc hương

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Toluen.

Dung dịch thử: Lấy 50 ml chế phẩm, bốc hơi đến còn 10 ml, thêm 20 ml n-hexan (TT), lắc kỹ, gạn lấy dịch n-hexan, bay hơi hết dung môi. Hòa cắn vào 1 ml ethanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 6 g Hoắc hương (mẫu chuẩn) tán nhỏ. Tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử bắt đầu từ “thêm 20 ml n-hexan (TT)“.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để bay hơi hết dung môi, sấy nhẹ ở 70 °C đến 80 °C rồi phun dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 120 °C cho đến khi hiện màu rõ vệt. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

C. Định tính Bạch chỉ

Lấy khoảng 10 ml chế phẩm cho vào cốc sứ, dùng phễu thủy tinh cuống dài đậy lên cốc sứ, nút cuống bằng bông ẩm. Đun cách tâm amian trong khoảng 10 min, để nguội cho nước bay hơi, quan sát trên cuống phễu thủy tinh, phải có bột trắng hoặc các tinh thể hình trụ bám vào.

Độ trong và độ đồng nhất

Sánh, đồng nhất, không được có váng mốc, bã dược liệu và vật lạ (Phụ lục 1.1)

Tỷ trọng

Ở 20 oC: ≥1,01 (Phụ lục 6.5, phương pháp dùng tỷ trọng kế).

pH

4,5 đến 6,5 (Phụ lục 6.2).

Chất chiết được

Hàm lượng chất chiết được trong cao không được dưới 5,3 % (kl/kl) (Phụ lục 12.15).
Cân chính xác 10 g chế phẩm để thử.

Bảo quản

Trong lọ màu nâu kín, để nơi mát.

Công năng, chủ trị Cao lỏng hoắc hương chính khí

Công năng: Giải biểu hoá thấp, điều khí để điều hòa khí trung tiêu.

Chủ trị: Ngoại cảm phong hàn, nội thương thấp trệ hay trúng thử gây nên đau đầu, chóng mặt, cảm giác nặng đầu, tức ngực, thượng vị đau trướng, nôn mửa, tiêu chảy, tỳ vị hàn.

Xem thêm: Cao hy thiêm – Dược điển Việt Nam 5

Cách dùng, liều lượng Cao lỏng hoắc hương chính khí

Dùng 5 ml/lần đến 10 ml/lần, 2 lần một ngày.

Lắc kỹ trước khi dùng.

Kiêng kỵ

Không nên ăn các thứ lạnh, khó tiêu. Thận trọng khi dùng cho người tân dịch thiếu, háo khát âm hư.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *