Công thức
Hương phụ (Rhizoma Cyperi) chế dấm 250 g
Ích mẫu (Herba Leonuri japonici) 800 g
Ngải cứu (Herba Artemisiae vulgaris) 200 g
Acid benzoic (Acidum Benzoicum) 2 g
Ethanol 90 % (Ethanolum 90 %) 180 ml
Đường trắng (Saccharum) 600 g
Nước vừa đủ (Aqua q.s) 1000 ml
Bào chế
Hương phụ chế dấm theo chuyên luận riêng. Ích mẫu, Ngải cứu loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái dài 5 cm đến 10 cm, trộn đều. Lấy một nửa lượng Ích mẫu và Ngải cứu xếp dưới đáy nồi, giữa để Hương phụ, trong cùng cho một phần Ích mẫu, Ngải cứu còn lại. Lấy vỉ ghìm chặt dược liệu, đổ nước ngập dược liệu 10 cm. Đun sôi đều trong 4 h (chú ý bù nước bay hơi). Gạn lấy dịch chiết, để lắng, lọc trong. Chiết tiếp như trên từ 2 đến 3 lần nữa. Gộp dịch chiết, cô đặc còn khoảng 600 ml, thêm đường trắng và đun sôi để hòa tan đường. Thêm ethanol 90 %, thêm acid benzoic và thêm nước vừa đủ 1000 ml. Lọc và đóng chai. Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Cao thuốc” (Phụ lục 1.1) và các yêu cầu sau:
Tính chất
Chất lỏng sánh màu nâu đen, thơm mùi dược liệu, vị ngọt hơi đắng.
Định tính cao Ích mẫu
A. Định tính Ích mẫu
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid formic (15:2:2: 1).
Dung dịch thử: Lấy 10 ml chế phẩm, pha loãng với 70 ml nước, chuyển vào bình gạn, lắc với 30 ml ethyl acetat (TT). Gạn lấy dịch chiết ethyl acetat, bốc hơi trên cách thủy đến cạn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol 96 % (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 6 g Ích mẫu (mẫu chuẩn) đã cắt nhỏ, thêm 100 ml nước, đun sôi nhẹ 1 h (chú ý bổ sung nước bay hơi), lọc. Cô dịch lọc trong cách thủy đến còn khoảng 30 ml, để nguội, chuyển vào bình gạn, lắc với 30 ml ethyl acetat (TT), Gạn lấy dịch chiết ethyl acetat, bốc hơi trên cách thủy đến cạn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol 96 % (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 14 cm đến 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch sắt (III) clorid 5 % trong ethanol (TT). Quan sát ở ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Cao hy thiêm – Dược điển Việt Nam 5
B. Định tính Ngải cứu
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid formic (15:2:2:1).
Dung dịch thử: Dùng dung dịch thử ở phần định tính Ích mẫu.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Ngải cứu (mẫu chuẩn) đã cắt nhỏ, thêm 100 ml nước, đun sôi nhẹ 1 h (Chú ý bổ sung bù nước bay hơi), lọc. Cô dịch lọc trong cách thủy đến còn khoảng 30 ml, để nguội, chuyển vào bình gạn, lắc với 30 ml ethyl acetat (TT). Gạn lấy dịch chiết ethyl acetat, bốc hơi trên cách thủy đến cạn. Hòa tan cắn trong 1ml ethanol 96 % (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 14 cm đến 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, quan sát dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ trong và độ đồng nhất
Chất lỏng sánh, đồng nhất, không được có váng mốc, bã dược liệu và vật lạ (Phụ lục 1.1).
Thêm cùng thể tích nước không được đục.
Tỷ trọng
Ở 20°C: Từ 1,20 đến 1.23 (Phụ lục 6.5, phương pháp dùng tỷ trọng kế).
Hàm lượng ethanol
14 % đến 17% (Phụ lục 10.12).
Xem thêm: Cao đặc diệp hạ châu đắng (Extractum Phyllanthi amari spissum) – Dược điển Việt Nam 5
Bảo quản
Trong lọ kín, để nơi mát.
Công năng, chủ trị
Công năng: Hoạt huyết, điều kinh.
Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới, rong huyết và băng huyết do huyết ứ, hành kinh đau bụng, làm cho tử cung chóng co lại như cũ sau khi sinh.
Cách dùng, liều lượng cao Ích mẫu
Ngày dùng 25 ml, chia làm 2 lần. Bệnh nặng dùng liều gấp đôi.
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai dùng nên thận trọng, kiêng ăn các thức ăn lạnh khi dùng thuốc