Men gan tăng do đâu?
Bạn đã thực sự biết về hội chứng men gan tăng, nó nguy hiểm như thế nào, đâu là dấu hiệu nhận biết sớm… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để được cung cấp thêm các thông tin chi tiết giúp điều trị và phòng ngừa tình trạng này xảy ra.
I. Men gan tăng là tình trạng gì?
Gan là một cơ quan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như:
– Đào thải độc tố.
– Chuyển hóa và dự trữ các chất.
– Cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể.
Men gan là hệ thống các enzym giúp tổng hợp và chuyển hóa các chất. Gan bị tổn thương sẽ dẫn đến men gan tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thường xuyên để kiểm soát chức năng gan cũng như phát hiện sớm tình trạng men gan tăng.
Có 4 loại men gan là AST, ALT, ALP và GGT. Khi chức năng gan bình thường, các chỉ số có giá trị trong khoảng:
– AST: 20 – 40UI/L.
– ALT: 20 – 40UI/L.
– GGT: 20 – 40UI/L.
– ALP: 30 – 110UI/L.
AST và ALT là 2 loại enzyme tồn tại trong máu, GGT và ALP là chỉ số men gan mật. Khi các chỉ số này cao hơn mức bình thường được gọi là men gan tăng.
Gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng
II. Nguyên nhân dẫn đến men gan tăng?
Có nhiều nguyên nhân làm men gan tăng cao. Có thể chỉ ảnh hưởng nhẹ, không đáng kể nếu men gan tăng có tính chất tạm thời, nhưng cũng có thể là mối đe dọa đối với sức khỏe nếu men gan tăng đột ngột, hoặc có tính chất trường diễn. Ta không thể phớt lờ hiện tượng này vì đây là dấu hiệu cảnh báo rằng tế bào gan đang bị tổn thương.
Một số nguyên nhân gây tổn thương tế bào gan làm men gan tăng cao như:
– Sử dụng thuốc, nhất là thuốc giảm đau paracetamol và thuốc hạ cholesterol.
– Uống quá nhiều bia rượu.
– Người bị thừa cân, béo phì làm chức năng gan suy giảm.
– Các bệnh về gan không do uống bia rượu, bệnh viêm gan virus A, B, C.
– Ngoài ra còn có thể do các bệnh khác như viêm gan do rượu, xơ gan, ung thư gan…
III. Các dấu hiệu nhận biết men gan tăng cao
Tăng men gan thường không có biểu hiện rõ ràng, men gan tăng càng cao thì triệu chứng càng rõ để nhận biết như:
– Chán ăn, nôn, buồn nôn, đau bụng.
– Sốt nhẹ, người mệt mỏi.
– Đau âm ỉ vùng bụng bên hạ sườn phải.
– Mẩn ngứa: Nổi các nốt sần, ngứa, ban đỏ trên da.
– Phân nhạt màu, nước tiểu sẫm.
– Vàng da: Đây là triệu chứng men gan tăng cao đặc trưng nhất. Tuy nhiên khi có sự thay đổi về màu da thì bệnh cũng khá nguy hiểm.
Men gan tăng càng cao triệu chứng lại càng rõ ràng
Mọi người thường không chú ý hoặc không thể phát hiện ra men gan tăng cao, vì vậy cách đơn giản mà hiệu quả nhất để phát hiện men gan tăng là xét nghiệm nồng độ enzym gan trong máu.
IV. Hậu quả của men gan tăng
Men gan tăng cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nguy hiểm hơn là tử vong nếu không kịp thời kiểm soát và chữa trị. Trong thời gian dài, men gan tăng cao sẽ dẫn đến viêm gan, xơ gan, lâu ngày sẽ thành ung thư gan.
Một nghiên cứu cho thấy, men gan cao làm tuổi thọ giảm, tăng nguy cơ tử vong từ 21 đến 78%. 30% người bị viêm gan virus B, viêm gan virus C làm men gan tăng cao, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Bệnh nhân bị viêm gan virus B có xác suất ung thư gan cao hơn gấp 200 lần so với người khỏe mạnh. Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc viêm gan virus cao trên thế giới, chiếm khoảng 10 % dân số. Tức là cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh viêm gan B hoặc viêm gan C.
Men gan cao có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan
V. Biện pháp điều trị men gan tăng cao
Tùy vào từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất để giải quyết tình trạng men gan tăng cao. Có thể cải thiện đơn giản chỉ là điều chỉnh chế độ sinh hoạt hoặc nặng hơn là cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
1. Điều trị men gan tăng không dùng thuốc
Chế độ ăn uống hợp lý
– Tuyệt đối không sử dụng các đồ uống có cồn như rượu bia, các chất kích thích như cafe, thuốc lá…
– Dùng các loại thực phẩm giúp hạ men gan và bảo vệ chức năng gan như các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, D, E, K,… có nhiều trong sữa tươi, lòng đỏ trứng, gan, ngũ cốc, rau xanh…
– Ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ giúp phá vỡ cholesterol và kiểm soát hàm lượng men gan.
– Thực phẩm có tính oxi hóa như: củ cải đường, hạt dẻ, bơ,… giữ cho men gan ổn định.
– Cung cấp thêm vitamin C: chất cần thiết để tăng sức đề kháng, giúp phục hồi tế bào gan, hạ men gan.
Nghỉ ngơi, rèn luyện hợp lý
– Ngủ đủ giấc, ngủ sớm, tránh thức khuya làm việc căng thẳng.
– Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ phục hồi chức năng gan. Nên đi bộ hàng ngày hoặc tập thể dục 10 – 15 phút/lần.
Cần có lối sống, sinh hoạt hợp lý để điều trị men gan tăng cao
Uống nhiều nước
Mỗi ngày nên uống ít nhất 1,5 lít nước giúp gan đào thải các chất thải hiệu quả. Uống nước khi thức dậy, sau khi ăn, trước khi đi ngủ.
Thường xuyên kiểm tra các chỉ số về gan
Những người mắc bệnh lý về gan, viêm gan virus nên kiểm tra định kỳ chức năng gan 6 tháng/lần.
Giảm cân
Người béo phì thường có nguy cơ men gan tăng cao. Chính vì vậy cần giảm cân để kiểm soát men gan và bảo vệ sức khỏe.
2. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc để điều trị men gan tăng cao cần phải tuân theo chỉ định bác sĩ.
– Với nguyên nhân là do bệnh lý tại gan thì điều trị bệnh sẽ giúp cải thiên tình trạng bệnh. Ví dụ men gan tăng do viêm gan virus cần sử dụng thuốc ức chế virus như Tenofovir, Interferon,…
– Phục hồi chức năng gan bằng các loại thuốc hỗ trợ giúp hạ men gan về mức bình thường.
– Bên cạnh đó cần hạn chế sử dụng thuốc Paracetamol và Ibuprofen do các thuốc này gây nguy cơ tổn thương gan. Trường hợp cần sử dụng lâu dài, phải trao đổi rõ ràng với bác sĩ.
Bên cạnh đó người bệnh có thể cân nhắc sử dụng kết hợp thêm một số bài thuốc nam để bồi bổ gan, hỗ trợ giảm nhanh tình trạng men gan tăng cao. Những thảo dược tự nhiên như nhân trần, diệp hạ châu, atiso…đã được sử dụng lâu đời trong các bài thuốc Đông y giúp mát gan, thải độc, phục hồi chức năng cho gan. Tuy nhiên việc sử dụng cần có sự đồng ý từ bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
Men gan tăng cao không có triệu chứng rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không may mắc phải. Vì vậy, nên kiểm tra, xét nghiệm các chỉ số men gan 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người xung quanh.