Bệnh quai bị – Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu chủ quan

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm gặp phổ biến ở trẻ nhỏ

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm gặp phổ biến ở trẻ nhỏ

Quai bị là căn bệnh lây cấp tính có nguyên nhân từ virus gây quai bị (Mups virus). Người lành có thể bị nhiễm từ việc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh. Bệnh có thể trở thành dịch và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan, không chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cho đến nay trên thế giới vẫn chưa phát minh ra thuốc đặc trị bệnh này. Vậy làm cách nào để có thể nhận biết và phòng bệnh kịp thời, hiệu quả và an toàn?

I. Tổng quan về bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh không còn xa lạ đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh thường bắt gặp ở những khu vực tập trung dân cư đông đúc, thu nhập thấp và khí hậu lạnh. Ở Việt Nam, bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu vào dịp thu – đông tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ mắc rơi vào khoảng 10 – 40 trường hợp trong 100 ngàn người dân.

Mặc dù đã có vacxin cho loại virus này nhưng việc phòng bệnh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân. Số người mắc trong 10 năm trở lại đây vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời có thể làm cho bệnh trở nặng và nhiều biến chứng nguy hiểm.

II. Nguyên nhân gây bệnh

Paramyxovirus -  tác nhân gây bệnh quai bị

Paramyxovirus –  tác nhân gây bệnh quai bị

Virus Paramyxo chính là thủ phạm gây nên căn bệnh nhiễm trùng này. Đây là chủng virus có thể sống lâu trong môi trường bên ngoài cơ thể.

Ở điều kiện nhiệt độ 15 đến 20 độ C, chúng có thể tồn tại từ 30 – 60 ngày và ở nhiệt độ -25 đến -70 độ C sau 1 – 2 năm vẫn có thể gây bệnh. Tuy nhiên, virus quai bị không thể sống trong nhiệt độ lớn hơn 56 độ C, dưới ánh nắng mặt trời hay những hoạt chất khử khuẩn sử dụng tại bệnh viện hoặc thành phần chứa Clo.

III. Con đường lây bệnh và thời gian phát bệnh

Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh gây lây nhiễm quai bị

Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh gây lây nhiễm quai bị

Đường hô hấp là cách thức chủ yếu để lan truyền bệnh ra cộng đồng khi người lành tiếp xúc nuốt phải nước bọt, dịch tiết mũi họng mang virus từ người bệnh trong trường hợp:

– Người bệnh ho hoặc hắt hơi.

– Sử dụng chung thìa, đũa, dao kéo với người bệnh.

– Cắn hay uống chung thức ăn, nước của người bệnh.

– Hôn nhau.

Ngoài ra, cũng có thể lây qua trung gian khi người bệnh để miệng hay mũi vào một vật gì đó rồi người bình thường lại chạm vào.

Sau khi đã xâm nhập được vào vật chủ, virus sẽ bám vào niêm mạc miệng, mũi và bắt đầu di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể bằng đường máu để gây bệnh. Giai đoạn khởi phát chính là thời điểm có khả năng lây lan mạnh mẽ nhất, kể cả khi người bệnh không có biểu hiện triệu chứng điển hình (tức là quai bị thể tiềm ẩn).

– Giai đoạn ủ bệnh: Thông thường từ 2 – 3 tuần, trung bình là 18 ngày.

– Giai đoạn lây nhiễm: Virus gây bệnh tồn tại ở nước bọt người trước khi phát bệnh khoảng 3 – 5 ngày và khởi phát sau đó 7 – 10 ngày. Đây chính là giai đoạn lây nhiễm của bệnh. Ngoài vị trí nước bọt, các nhà y khoa còn phát hiện chủng virus này ở nước tiểu bệnh nhân trong vòng 2 tuần.

IV. Biểu hiện lâm sàng của bệnh quai bị

Các dấu hiệu điển hình của bệnh gồm:

– Sốt cao đột ngột, nhức đầu, chán ăn.

– Sau khi sốt 1 – 3 ngày, tuyến nước bọt sẽ sưng tấy, khó chịu, có thể chỉ ở 1 hoặc cả 2 bên, làm cho khuôn mặt bị thay đổi, gây khó khăn cho việc nhai, nuốt.

– Buồn nôn, nôn.

– Cơ thể mệt mỏi, đau cơ, yếu sức.

– Bìu và tinh hoàn có thể sưng đau.

Tuy nhiên, khoảng 25% người mang virus quai bị không xuất hiện bệnh lý rõ ràng. Đây chính là nguồn lây mà mọi người xung quanh không thể phòng tránh được. Bệnh quai bị tạo ra kháng thể bền vững, do đó, khi đã mắc loại virus này thì rất ít khả năng bị lại lần nữa.

Triệu chứng thường gặp của bệnh quai bị

Triệu chứng thường gặp của bệnh quai bị

V. Biến chứng nguy hiểm của bệnh

Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như:

1. Tinh hoàn và mào tinh hoàn bị viêm

Trình trạng này xuất hiện ở khoảng 20 – 35% người mắc bệnh ở độ tuổi sau dậy thì với biểu hiện tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh hoàn căng phù. Triệu chứng viêm và nhiệt độ cơ thể cao kéo dài trong 3 – 7 ngày, sau đó có đến 50% khả năng tinh hoàn sẽ trở nên teo dần, gây giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

2. Nhồi máu phổi

Đây là dấu hiệu của một vùng phổi đang thiếu máu, có thể dẫn đến hoại tử mô phổi. Biểu hiện này có thể xuất hiện ngay sau biến chứng viêm tinh hoàn, là hậu quả của việc hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

3. Viêm buồng trứng

Ở chị em phụ nữ, nếu phát hiện bệnh mà không chữa trị đúng cách cũng có thể để lại biến chứng như viêm buồng trứng. Tuy nhiên, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ viêm tinh hoàn ở nam giới.

4. Viêm tuyến tụy

Trường hợp này chiếm 3 – 7% tổng số ca được chẩn đoán có biến chứng. Người bệnh đau bụng liên tục, buồn nôn, có thể hạ huyết áp gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

5. Tổn thương hệ thần kinh

Viêm não có thể xuất hiện ở 0,5% người bệnh với các triệu chứng như tính khí thay đổi, khó chịu, bồn chồn, đau đầu, co giật, rối loạn tri giác và thị giác, đầu phình to do não úng thủy. Ngoài ra, những tổn thương thần kinh có thể gây điếc, thị lực suy yếu, viêm tủy ngang hay hội chứng Guillain – Barre.

6. Bệnh quai bị ở bà bầu

Những chị em đang mang thai mắc virus quai bị trong vòng 12 tuần đầu có khả năng làm hư hoặc quái thai, gây sinh thiếu tháng hay chết thai ở tuần 35 trở đi.

7. Một số biến chứng khác

Đã có báo cáo trên lâm sàng về các biến chứng khác như viêm cơ tim, tuyến giáp, tuyến lệ, phổi,…rối loạn chức năng gan, tiểu cầu thấp gây xuất huyết.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị

Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị

VI. Chẩn đoán bệnh quai bị

1. Các xét nghiệm cận lâm sàng

– Kiểm tra công thức máu: Bạch cầu bình thường hoặc giảm một chút, Lympho tăng.

– Tốc độ lắng máu: Không thay đổi. Tuy nhiên, tăng trong tổn thương tụy trạng và tinh hoàn.

– Amylase/máu: Tăng nhẹ hoặc vừa trong 14 – 21 ngày, nếu có biểu hiện viêm tụy sẽ tăng cao.

– Lipase/máu: Cao khi viêm tụy.

– Dịch não tủy: Thực hiện ở những người bệnh viêm màng não siêu vi. Trong xét nghiệm này nên chú ý đến dấu ấn của bệnh quai bị nếu quan sát thấy Amylase máu lên cao.

2. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm tuyến nước bọt gây ra bởi chủng virus khác như Parainfluenza, Influenza,…Do đó cần dựa vào xét nghiệm máu và PCR để chẩn đoán phân biệt.

– Viêm nhiễm vi khuẩn: Sưng tấy, nóng đỏ ở tuyến nước bọt. Khi thăm khám lỗ ống Stenon thấy xuất hiện mủ, bạch cầu tăng.

– Sỏi tuyến nước bọt: Chẩn đoán qua ảnh chụp cản quang ống Stenon.

– Viêm hạch góc dưới hàm: Biểu hiện viêm điển hình, bạch cầu tăng cao, trong đó bạch cầu hạt trung tính tăng rõ nhất.

VII. Phòng ngừa và điều trị bệnh quai bị

Hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng của quai bị

Hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng của quai bị

1. Điều trị quai bị

Cho đến hiện nay, nền y học thế giới vẫn chưa tìm ra được thuốc đặc trị bệnh này, các phương pháp điều trị chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra:

– Hãy đến thăm khám tại cơ sở y tế ngay nếu có biểu hiện đau vùng mang tai để được chẩn đoán xác định bệnh.

– Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

– Bổ sung nhiều nước hoặc chất điện giải để phòng cơ thể bị mất nước, tốt nhất nên dùng Oresol.

– Có thể làm bớt sưng và đau tuyến nước bọt bằng cách chườm đá.

– Kiêng các loại thực phẩm cứng, thức ăn chứa nhiều gia vị, cay nóng hoặc có tính acid. Nên chọn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt như súp hay cháo.

– Không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

– Nghỉ ngơi thoải mái, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.

– Nếu có biến chứng viêm tinh hoàn hay buồng trứng, nên tới bệnh viện sớm để được theo dõi và xử lý kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

2. Phòng ngừa quai bị

– Vệ sinh cá nhân thường xuyên, dùng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác để làm sạch khoang miệng.

– Giữ môi trường sống gọn gàng, thông thoáng, thường xuyên lau dọn các đồ chơi, vật dùng của trẻ nhỏ.

– Không để trẻ lại gần người bị bệnh.

– Chủ động tiêm vacxin phòng bệnh.

Vacxin phòng Sởi - Quai bị - Rubella

Vacxin phòng Sởi – Quai bị – Rubella

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều bộ ngành y khoa khác trên thế giới đã bổ sung vacxin quai bị vào chương trình tiêm chủng quốc gia để phòng ngừa bệnh. Hiện nay, vacxin quai bị thường được đưa vào cơ thể trong cùng 1 mũi tiêm với vacxin sởi và Rubella (MMR). Không chỉ trẻ nhỏ mà việc tiêm phòng cũng được khuyến cáo ở người lớn, nhất là người phụ nữ trước khi mang thai.

– Người lớn: Tiêm bắp tay một liều duy nhất 0,5ml.

– Trẻ em: Mũi đầu tiên khi con được 12 – 18 tháng và lần tiếp theo khi trẻ 3 – 5 tuổi hoặc trước khi trẻ đi mẫu giáo, 2 lần tiêm nên cách nhau tối thiểu 1 tháng. Tuy nhiên, loại vacxin này có thể tiêm ở bất kỳ độ tuổi nào nên bố mẹ đừng lo lắng nếu đã bỏ lỡ độ tuổi trên.

– Phụ nữ có kế hoạch sinh con: Cần xét nghiệm chẩn đoán mang bầu trước khi tiêm vacxin quai bị. Trong vòng 1 tháng sau khi tiêm, chị em không được phép mang thai. Đối với phụ nữ đã mang thai hoặc đang có con bú thì việc sử dụng vacxin cần phải có sự đồng ý của bác sĩ.

Tóm lại, bệnh quai bị là tình trạng nhiễm trùng tuyến nước bọt gây ra bởi chủng virus Paramyxo với các triệu chứng sưng đau ở vùng cổ, má và hàm. Bất kì ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này, do đó, tiêm vacxin quai bị là cách phòng tránh tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *