Viêm tai giữa là tình trạng ứ dịch trong tai xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách thì bệnh sẽ chuyển sang mãn tính rất khó điều trị.
1. Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đôi khi còn gặp ở cả người lớn. Đây là tình trạng viêm nhiễm và tổn thương ở hệ thống hòm nhĩ – xương chũm (nằm ngay sau màng nhĩ).
Bệnh thường gây tích tụ dịch trong hòm nhĩ, do đó có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, khiến bệnh nhân khó chịu, đau đớn.
Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể kể đến một số biến chứng như giảm thính lực, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, viêm xương chũm,… Đặc biệt nguy hiểm nếu gặp các biến chứng trong sọ não bao gồm áp xe não, viêm màng cứng, thậm chí là tử vong.
2. Triệu chứng của bệnh
Bệnh thường khởi đầu với một số triệu chứng sau đây:
– Đau tai, đặc biệt là khi nằm xuống.
– Giảm thính giác.
– Chảy các dịch lỏng từ tai.
– Một số các triệu chứng ít gặp hơn như ù tai, khó ngủ, chóng mặt, sốt,…
Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa
3. Nguyên nhân gây viêm tai giữa
Viêm tai giữa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phải kể đến hai tác nhân chính gây ra bệnh là virus và vi khuẩn. Ngoài ra, còn có một số nguồn gây bệnh khác như:
Vòi nhĩ chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng. Đây là nơi rất dễ bị vi khuẩn hay virus xâm nhập do vòi nhĩ thông giữa họng và tai giữa.
– Ở trẻ em, hệ thống bạch huyết vùng hầu họng yếu nên hay bị viêm nhiễm.
– Viêm nhiễm đường hô hấp, các biến chứng của bệnh viêm V.A, viêm amidan.
– Môi trường sống bị ô nhiễm.
– Thời tiết thay đổi.
– Vệ sinh tai không sạch sẽ, khi tắm nước lọt vào tai.
– Không khí, môi trường sống ô nhiễm, thay đổi thời tiết
– Vòi nhĩ bị tắc hay do mở vòi nhĩ bất thường.
– Một số chấn thương gây thủng màng nhĩ.
Nguyên nhân chính gây viêm tai giữa là virus và vi khuẩn
4. Cách chẩn đoán viêm tai giữa
4.1 Kiểm tra tai bằng đèn soi khí nén (pneumatic otoscope)
Dụng cụ này có tác dụng hỗ trợ bác sĩ trong việc quan sát và đánh giá lượng chất lỏng có trong tai. Đèn soi khí nén sẽ thổi một luồng không khí vào trong màng nhĩ, làm cho màng nhĩ di chuyển. Nếu tai giữa có chứa đọng các chất lỏng thì màng nhĩ sẽ chuyển động rất ít và đôi khi là không chuyển động.
4.2 Các xét nghiệm khác
Khi có nghi ngờ về kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số các xét nghiệm bổ sung như:
– Đo nhĩ lượng đồ (Tympanometry): Đây là xét nghiệm được sử dụng để đo phản ứng của màng nhĩ trong điều kiện có các điều chỉnh về áp suất không khí trong ống tai.
– Phản xạ âm thanh (Acoustic reflectometry): Thử nghiệm này có khả năng đo lường mức độ âm thanh phản xạ thu được từ màng nhĩ. Khi ở trạng thái khỏe mạnh thì màng nhĩ sẽ hấp thụ toàn bộ âm thanh. Tuy nhiên, khi áp lực từ dịch trong tai giữa tăng thì màng nhĩ sẽ phản xạ cao hơn. Đây là cách gián tiếp dùng để xác định trong tai giữa có dịch tích tụ hay không.
– Phân tích dịch nhầy (Tympanocentesis): Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ xuyên qua màng nhĩ để hút phần dịch từ tai giữa. Sau đó, sẽ đem phần dịch này đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nếu ở các phương pháp điều trị áp dụng trước đó bệnh nhân không đáp ứng thì xét nghiệm này có thể rất hữu ích.
– Đối với trẻ bị viêm tai giữa, bác sĩ sẽ giới thiệu đến các chuyên gia thính lực để kiểm tra thính lực, kỹ năng nghe, nói, hiển ngôn ngữ của trẻ.
5. Phương pháp điều trị viêm tai giữa
5.1 Phương pháp điều trị nội khoa
– Sử dụng thuốc Tây y:
+ Được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa ở mức độ nhẹ.
+ Các thuốc kháng sinh sẽ là lựa chọn đầu tiên dùng để điều trị. Nên lựa chọn thuốc dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai. Thông thường, thời gian sử dụng dành cho người lớn bị viêm tai giữa là 8 – 10 ngày.
+ Trong trường hợp viêm tai giữa cấp tính sẽ phối hợp thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề cùng với các loại thuốc nhỏ tai có tác dụng kháng viêm. Trong đó, kháng sinh uống là loại thuốc được bác sĩ lựa chọn hàng đầu để điều trị cho bệnh nhân.
+ Nếu như màng nhĩ của bệnh nhân không thủng, có thể điều trị bằng thuốc nhỏ tai.
+ Còn khi màng nhĩ bị thủng thì dùng thuốc nhỏ trong 3 đến 4 ngày đầu để hạn chế sự hình thành mủ làm bít đường dẫn lưu. Sau đó, có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước oxy già. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.
+ Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh, phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tự ý ngưng dùng thuốc khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm vì có thể làm tăng nguy cơ bệnh tái phát.
Dùng các thuốc Tây y để điều trị viêm tai giữa
– Dùng các thuốc Đông y:
+ Một số bài thuốc và phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa khá hiệu quả có thể kể đến như: Châm cứu, hơ huyệt bằng mồi ngải, xông hơi bằng khói hương,…
+ Các phương pháp này khá an toàn nhưng hiệu quả mang lại thường chậm và phải sử dụng trong thời gian dài.
5.2 Phương pháp điều trị ngoại khoa
– Phẫu thuật
+ Được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa đã áp dụng không mang lại hiệu quả; xuất hiện các biến chứng xương chũm chảy mủ hôi thối; màng nhĩ bị thủng quá lớn, không còn khả năng liền, gây ảnh hưởng đến thính lực của bệnh nhân.
+ Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch màng nhĩ sau đó đặt ống thông nhĩ Diablo.
+ Ngoài ra, còn có thể thực hiện nạo viêm amidan nếu như viêm tai giữa kèm theo triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên, nguyên nhân là tắc nghẽn vì viêm amidan phì đại.
+ Bên cạnh đó, các phẫu thuật hòm nhĩ và khoét xương chũm sẽ được chỉ định khi xuất hiện các biến chứng và việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả.
– Thổi bóng bơm vòi nhĩ otovent: Đây là một phương pháp khá an toàn, không cần phẫu thuật hay dùng thuốc. Khí được bơm vào tự động làm mở thông vòi Eustache. Lúc này, sẽ tăng áp lực ở khoang mũi, giúp đưa không khí vào tai giữa. Vì vậy, áp lực được cân bằng làm cho thoát dịch tốt hơn.
– Đặt ống thông khí qua màng nhĩ: Giúp thông khí giữa tai giữa và tai ngoài. Phương pháp này giúp hạn chế chất ứ dịch sau màng nhĩ nên làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai.
Phẫu thuật điều trị viêm tai giữa
6. Cách phòng bệnh hiệu quả
– Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tai thì nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
– Đảm bảo môi trường xung quanh, nhà ở sạch sẽ.
– Thực hiện vệ sinh tai đúng cách bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch chuyên dụng khác, luôn giữ cho tai khô, sạch.
– Không nên bơi lội khi tai đau.
– Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bị cảm cúm, cảm lạnh.
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cung cấp đầy đủ nước và khoáng chất cho cơ thể.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng các loại thực phẩm chứa vitamin A, B, C,…
Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp cho bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bệnh viêm tai giữa và cách điều trị bệnh.