Cấu trúc phân tử của Lactose
Lactose là đường rất quan trọng trong cơ thể. Nó không chỉ cung cấp năng lượng mà còn thúc đẩy các lợi khuẩn trong ruột phát triển, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên có rất nhiều người lại không hấp thu được loại đường này. Qua bài viết dưới đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vai trò của Lactose đối với sức khỏe cảu chúng ta và liệu có giải pháp nào cho hiện tượng không dung nạp đường Lactose hay không?
I. Lactose là gì?
Lactose là một loại đường chủ yếu có trong sữa và một số chế phẩm từ sữa. Thông thường, Lactose chiếm từ 2% – 8% tổng trọng lượng sữa. Lactose là dưỡng chất rất quan trọng, nó có khả năng cung cấp đến 40% năng lượng cho cơ thể, làm tăng mức hấp thu sắt và canxi.
Khi được đưa vào cơ thể, đường lactose sẽ phân tách thành hai phân tử đường là Glucose và Galactose để cơ thể hấp thu. Quá trình phân tách do enzyme lactase nằm trên bề mặt các tế bào lót của ruột non đảm nhiệm.
II. Vai trò của Lactose đối với cơ thể
1. Đối với người lớn
– Lactose có vai trò quan trọng, giúp cung cấp năng lượng cho não bộ và một số cơ quan trong cơ thể. Nhờ vậy mà cơ thể có đủ năng lượng để duy trì cho các hoạt động dài ngày.
– Bên cạnh đó, nếu cơ thể hấp thụ đủ lượng Lactose cần thiết thì đường ruột sẽ sản sinh ra rất nhiều vi khuẩn có lợi và đảm bảo các hoạt động của đường tiêu hóa diễn ra bình thường.
– Không chỉ vậy, lượng Lactose dung nạp vào cơ thể còn giúp cải thiện được các triệu chứng của bệnh huyết áp cao, béo phì hay tiểu đường.
2. Đối với trẻ em
– Lactose là một loại đường vô cùng cần thiết cho sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ nhỏ. Nó có khả năng cung cấp, dự trữ một lượng tương đối lớn năng lượng cho não bộ và một số hoạt động của các cơ quan khác trong ngày.
– Đối với trẻ em, Lactose còn có tác dụng hỗ trợ sự phát triển cho hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Loại đường này giúp bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, tránh được sự xâm nhập của những vi khuẩn có hại và giúp thành niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
– Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, Lactose còn giúp tăng sự hấp thu canxi, giúp hệ xương khớp phát triển. Đồng thời, làm tăng hấp thu phospho giúp hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển não bộ của trẻ.
– Đường Galactose được phân tách ra từ Lactose có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành mô não và hệ thần kinh trẻ sơ sinh.
III. Nguồn thực phẩm cung cấp Lactose
– Lactose chứa nhiều trong sữa mẹ và sữa của một số loài động vật như bò. Trong sữa mẹ có chứa khoảng 7,2% Lactose, còn trong sữa bò chỉ có 4,7%. Lượng Lactose của sữa mẹ có thể cung cấp khoảng 50% năng lượng cho hoạt động của trẻ sơ sinh. Trong khi đó, Lactose ở sữa bò cung cấp tới 30% nhu cầu năng lượng.
– Sữa tươi là nguồn thực phẩm cung cấp Lactose chủ yếu. Bên cạnh đó, có thể bổ sung từ một số chế phẩm từ sữa như bơ, sữa chua, phô mai,…
– Hiện nay, Lactose còn được các nhà sản xuất sữa thêm vào trong công thức của sữa bột với hàm lượng nhất định tùy theo từng loại sữa. Do đó, sữa công thức đã trở thành nguồn cung cấp Lactose phổ biến và hiệu quả cho trẻ nhỏ và cả người lớn.
Các loại thực phẩm cung cấp Lactose chủ yếu cho cơ thể.
IV. Không dung nạp Lactose là bệnh gì?
– Hội chứng không dung nạp Lactose là hiện tượng rối loạn tiêu hóa, xảy ra khá phổ biến ở khoảng 65% dân số thế giới và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay gặp nhất là người Châu Á, Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico.
– Hiện tượng này xảy ra do lượng enzyme Lactase tiết ra không đủ để tiêu hóa Lactose được nạp vào cơ thể. Lúc này, phần Lactose chưa tiêu hóa sẽ di chuyển xuống ruột già và tương tác với một số vi khuẩn bên trong ruột, gây ra phản ứng.
– Hội chứng không dung nạp Lactose có thể kiểm soát được mà không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ sữa ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.
Bệnh nhân mắc hội chứng không dung nạp Lactose.
V. Nguyên nhân của hội chứng không dung nạp Lactose
Nguyên nhân gây ra hội chứng này là do cơ thể không sản xuất đủ lượng enzyme Lactase để phân hủy Lactose. Dưới đây là 3 dạng không dung nạp Lactose phổ biến nhất, ở mỗi dạng khác nhau thì nguyên nhân gây ra cũng khác nhau.
1. Hội chứng không dung nạp Lactose nguyên phát
– Đây là hội chứng không nạp Lactose hay gặp nhất.
– Bình thường, cơ thể của trẻ sơ sinh sẽ sản xuất ra một lượng Lactase dồi dào giúp trẻ hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong sữa. Khi chuyển sang giai đoạn trẻ cai sữa và trong quá trình trưởng thành, sữa mẹ được thay thế dần bằng thức ăn thì lượng Lactase trong cơ thể bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, lượng enzyme vẫn đủ để tiêu hóa lượng thực phẩm từ bơ sữa trong khẩu phần ăn của người lớn.
– Tuy nhiên ở một số người lớn mắc hội chứng không dung nạp lactose thì lượng Lactase sản xuất bị giảm mạnh, dẫn đến việc phân hủy Lactose gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do gen di truyền, nó thường xảy ra phổ biến hơn trong quần thể người gốc châu Phi, châu Á hoặc vùng Nam Âu. Theo một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy hội chứng không dung nạp Lactose nguyên phát rất phổ biến. Đặc biệt, ảnh hưởng tới khoảng 5 – 17% dân số ở Châu Âu, 60 – 80% Châu Á và Châu Phi, 44% người Mỹ.
2. Hội chứng không dung nạp Lactose thứ phát
– Hội chứng này ít xảy ra hơn, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý như loét dạ dày, đau dạ dày,…chấn thương hay sau phẫu thuật ở vùng tiêu hóa và nhất là liên quan đến ruột non.
– Các bệnh có liên quan đến hội chứng không dung nạp Lactose thứ phát bao gồm bệnh Crohn, bệnh Celiac, hội chứng loạn khuẩn ruột non…Khi bị mắc các bệnh này dẫn đến phá hủy thành ruột non hay thành ruột bị viêm sẽ làm cản trở hấp thu Lactose vào trong cơ thể. Hoặc khi thành ruột bị tổn thương cũng giảm sản xuất enzym lactase làm chậm quá trình chuyển hóa của lactose.
– Ngoài ra khi điều trị ung thư đường tiêu hóa có sử dụng biện pháp xạ trị ở vùng bụng cũng dẫn đến nguy cơ cao mắc phải tình trạng không dung nạp Lactose.
3. Không dung nạp Lactose bẩm sinh hay tiến triển
– Đây là tình trạng rất hiếm gặp. Trẻ sơ sinh có thể mắc phải hội chứng này khi cơ thể không có enzyme Lactase.
– Hội chứng không dung nạp Lactose bẩm sinh có thể di truyền theo quy luật di truyền lặn, tức là truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở trẻ sinh non cũng dễ bị thiếu hụt enzyme Lactase bên trong ruột non dẫn đến mắc phải chứng không dung nạp Lactose.
VI. Hậu quả của không dung nạp Lactose
– Hội chứng không dung nạp Lactose không phải là một bệnh, không gây hại đến sức khỏe nhưng nó lại làm giảm chất lượng cuộc sống.
– Người mắc hội chứng này phải hạn chế hoặc tránh sử dụng sữa. Vì vậy, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng mà các sản phẩm từ sữa mang lại chẳng hạn như chất đạm, canxi, phospho…Theo Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, nếu lượng canxi trong cơ thể thấp sẽ làm giảm khả năng duy trì xương và răng bình thường. Khi đó chúng ta dễ bị loãng xương, gãy xương hơn hoặc giảm sức đề kháng của cơ thể.
Có thể tìm hiểu thêm và vai trò của canxi với cơ thể qua bài viết: Vai trò của Canxi. Top 5 thực phẩm giàu canxi nhất
VII. Triệu chứng của không dung nạp Lactose?
Các triệu chứng của việc không dung nạp Lactose thường xuất hiện trong khoảng 30 phút – 2 tiếng sau khi người bệnh sử dụng các sản phẩm từ sữa. Một số triệu chứng thường gặp như: Chuột rút, đầy hơi, đau dạ dày, buồn nôn và tiêu chảy.
Đối với trẻ nhỏ thì sẽ xuất hiện những triệu chứng hơi khác như:
– Tiêu chảy có bọt.
– Thỉnh thoảng bị nôn mửa.
– Chậm phát triển.
– Viêm da do hăm tã.
Đau bụng khi uống sữa do hội chứng không dung nạp Lactose
VIII. Mối liên quan giữa không dung nạp Lactose với dị ứng sữa
– Không có mối liên quan giữa hội chứng không dung nạp Lactose và tình trạng dị ứng sữa.
– Dị ứng là sự mẫn cảm của hệ thống miễn dịch trước một số yếu tố lạ từ môi trường đang xâm nhập vào trong cơ thể. Khi bị dị ứng sữa bò, hệ thống miễn dịch sẽ xảy ra phản ứng với một hay nhiều protein có trong sữa bò như whey protein, casein…và gây ra một số triệu chứng như sưng, buồn nôn, nổi mề đay, thở khò khè. Tình trạng này có thể phát sinh trong vòng một giờ hoặc tới 72 giờ sau khi uống sữa.
– Trong khi đó, tình trạng không dung nạp Lactose lại có sự liên quan đến đường sữa. Lactose là một loại đường tự nhiên có trong sữa và các chế phẩm từ sữa, không phải là protein. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không có khả năng tiêu hóa đường có trong sữa nên dẫn đến không tiêu, đầy hơi, tiêu chảy.
– Đối với những người mắc hội chứng không dung nạp Lactose thì không phải tránh xa sữa hoàn toàn mà nên điều chỉnh lượng sữa tiêu thụ cho phù hợp, tối đa 12g/lần uống hoặc tối đa 24g/ngày. Đồng thời, những đối tượng này được khuyến cáo nên sử dụng các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa đường sữa và các loại phô mai. Ngược lại, những người bị dị ứng sữa bò thì không nên sử dụng sữa và các loại thực phẩm được chế biến từ sữa.
IX. Lời khuyên khi bổ sung Lactose cho trẻ
– Đối với trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ thì nên tăng cường cho trẻ bú vì Lactose có trong sữa mẹ dễ dàng được hấp thu mà không cần tới enzyme Lactase.
– Khi bắt đầu tập cho trẻ uống sữa, mẹ nên cho trẻ uống sữa ít Lactose trước để làm quen trước và kiểm tra xem trẻ có bị mắc hội chứng không dung nạp Lactose hay không.
– Với những trẻ lớn mắc hội chứng này, đầu tiên các mẹ nên lựa chọn sữa không chứa Lactose. Việc này sẽ giúp trẻ vẫn hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ sữa và hạn chế xảy ra các triệu chứng khi không thể hấp thu được lactose trong sữa. Đồng thời có thể bắt đầu tập cho trẻ làm quen với các sữa chứa ít Lactose, rồi tăng liều lượng dần lên để cơ thể dần thích nghi. Một số các sản phẩm từ sữa mà các mẹ có thể chọn để sử dụng cho trẻ như: Sữa chua, phomai cứng như phomai Thụy Sĩ hay cheddar chứa một lượng nhỏ đường sữa và hầu như không gây phản ứng gì.
– Đường Lactose rất cần thiết và quan trọng đối với sức khỏe con người. Do vậy, hãy tập cho trẻ thói quen uống sữa từ sớm giúp cơ thể của trẻ dễ dàng thích nghi với Lactose. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để ruột sản sinh ra enzyme Lactase.
– Bên cạnh đó việc sử dụng men tiêu hóa cũng là một giải pháp khắc phục hội chứng không dung nạp Lactose. Tronng men tiêu hóa có chứa enzym Lactase sẽ giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn. Có thể sử dụng trước hoặc cùng lúc khi sử dụng các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên việc sử dụng chế phẩm này cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.
Tập cho trẻ uống sữa để cơ thể sớm thích nghi với Lactose.
Trên đây là những thông tin về Lactose và hội chứng không dung nạp Lactose. Mong rằng qua bài viết này cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích giúp cho độc giả có cái nhìn tổng quát về Lactose và cách sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp đối với cơ thể.