Cấu trúc Acid uric
Tăng Acid uric máu xảy ra khi nồng độ Acid uric trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những cơn đau Gout cấp và mãn tính. Vậy đâu là nguyên nhân cũng như các biện pháp để khắc phục tình trạng này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Tăng axit uric máu có phải là bệnh?
Cơ chế chuyển hóa nhân purin trong cơ thể
1.1. Khái niệm Acid uric máu
Acid uric máu là chất chuyển hóa tự nhiên của cơ thể, có nguồn gốc cả nội sinh và ngoại sinh.
– Nguồn gốc nội sinh: Khi các tế bào trong cơ thể kết thúc chu trình sống sẽ chết đi, nhân của các tế bào này sẽ được chuyển hóa thành Acid uric và được đào thải ra khỏi cơ thể.
– Nguồn gốc ngoại sinh: Quá trình chuyển hóa các thức ăn chứa đạm (thịt, cá, trứng,…) cũng tạo ra Acid uric trong cơ thể.
Bình thường, lượng Acid uric dư thừa chủ yếu được bài tiết ở thận qua nước tiểu (80%), phần còn lại sẽ bài xuất qua đường tiêu hóa và mồ hôi.
Chỉ số acid uric máu ở người bình thường:
– Nam: 210 – 420 micromol/ lít.
– Nữ: 150-350 micromol/ lít.
1.2. Bệnh tăng Acid uric máu
Vì một nguyên nhân nào đó, Acid uric không được đào thải, nồng độ Acid uric máu tăng cao vượt mức bình thường sẽ gây ra bệnh tăng acid uric máu. Lúc này, nồng độ Acid uric trong máu quá cao dẫn đến sự lắng đọng muối urat, tạo thành các tinh thể urat. Chúng di chuyển tới các khớp và mô mềm, là nguyên nhân chính của bệnh Gout.
1.3. Tăng Acid uric máu nguy hiểm như thế nào?
Acid uric máu cao có thể gây ra nhiều bệnh lý như:
– Bệnh Gout: Nồng độ Acid uric cao kéo dài nhiều ngày, lâu dài sẽ khiến cho các tinh thể urat lắng đọng tại các khớp, gây sưng, viêm khớp, tổn thương các khớp, ảnh hưởng đến quá trình vận động.
– Khi Acid uric không đào thải hết ở thận, chúng lắng đọng và hình thành nên sỏi thận. Những viên sỏi có trọng lượng và thể tích lớn có thể gây bít tắc ống thận, ứ nước tiểu, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
– Nồng độ Acid uric cao còn ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tụy, làm nặng thêm tình trạng kháng Insulin, tăng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường.
– Ngoài ra, bệnh lý nay còn dẫn đến các nguy cơ về tim mạch, huyết áp…
2. Acid uric máu tăng cao bất thường do những nguyên nhân nào gây nên?
Nguyên nhân gây tăng acid uric
Bệnh tăng acid uric máu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể phân thành các nhóm chính:
2.1 Do rối loạn chuyển hóa nhân purin, tạo ra nhiều acid uric
Một số yếu tố gây rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến nồng độ Acid uric tăng cao:
– Thừa cân, béo phì.
– Ăn quá nhiều thức ăn chứa purin: các loại thịt, hải sản, nội tạng,…
– Tăng chuyển hóa tế bào: U lympho, ung thư.
– Tăng hủy hoại tổ chức.
– Nhịn ăn, chế độ ăn kiêng không hợp lý, tập thể dục quá sức.
– Thiếu máu do sốt rét, thiếu enzym G6PD
2.2 Do giảm đào thải acid uric
– Bệnh di truyền như thiếu hụt enzym HPRT1 cũng là tác nhân dẫn đến tăng Acid uric trong cơ thể.
– Suy thận và hội chứng suy giảm chức năng thận.
– Sử dụng thuốc gây giảm tải acid uric qua thận: thuốc lợi tiểu, aspirin, corticoid,…
2.3 Nguyên nhân khác
– Nghiện rượu, bia.
– Suy chức năng tuyến giáp.
– Tiểu đường.
– Nhiễm độc chì, thuốc trừ sâu.
– Chấn thương.
– Tăng huyết áp.
3. Người bị bệnh tăng acid uric máu có triệu chứng gì?
Đau sưng các khớp là triệu chứng điển hình của tăng acid uric máu
Tăng acid uric máu có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không. Đối với các trường hợp có triệu chứng rõ ràng, bệnh thường biểu hiện bằng các cơn Gout cấp, lâu dần biến chứng thành thể Gout mạn tính (tăng acid uric mạn).
Những biểu hiện đặc trưng của bệnh:
– Cơn Gout cấp: có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh, thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều đạm, bắt đầu vào khoảng nửa đêm, cơn đau dữ dội tập trung ở 1 khớp ( thường ở vị trí ngón chân cái).
– Xuất hiện các hạt tophi (có màu trắng bên trong) tại 1 số điểm: vành tai, mỏm khủy, cạnh các khớp. Các hạt này có thể vỡ ra, giải phóng chất nhão màu trắng.
– Sưng, đau khớp, đặc biệt tại các chi.
– Sỏi thận.
– Chức năng thận suy giảm.
Khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần thăm khám bác sĩ hoặc hỏi ý kiến các chuyên gia y tế để được điều trị kịp thời, duy trì nồng độ Acid uric ở mức bình thường, giúp cơ thể khỏe mạnh.
4. Đối tượng nào có nguy cơ dễ bị tăng acid uric máu?
Tăng acid uric máu thường gặp ở những người trưởng thành, nhất là từ độ tuổi trung niên trở lên.
Những đối tượng sau dễ bị tăng acid uric máu:
– Uống nhiều bia, rượu.
– Chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đạm lớn từ thịt, hải sản, nội tạng.
– Béo phì.
– Ít vận động và tập thể dục.
– Mắc các bệnh ác tính: ung thư, u lympho,…
– Điều trị dài ngày bằng Corticoid, thuốc lợi tiểu quai, Aspirin,…
– Suy giáp.
– Suy thận.
Chế độ ăn quá nhiều đạm dẫn đến tăng acid uric máu
5. Chẩn đoán tăng acid máu trong lâm sàng?
– Xét nghiệm máu: nếu nồng độ acid uric cao trên 420 umol/L (đối với nam) hoặc trên 360 umol/L (đối với nữ) thì chẩn đoán tăng acid uric máu.
– X-quang khớp bị đau.
– Chọc dịch ổ khớp tìm tinh thể urat chẩn đoán bệnh Gout.
– Xét nghiệm chức năng thận, phân tích nước tiểu.
Xét nghiệm acid uric trong máu
6. Phương pháp điều trị tăng acid uric máu?
Một số loại thuốc điều trị tăng acid uric máu
– Nếu không có các bệnh lý khác kèm theo và người bệnh bị tăng acid uric máu không biểu hiện triệu chứng thì có thể không cần điều trị bằng thuốc. Phương pháp tốt nhất là thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt: ăn ít đạm động vật, uống nhiều nước, tăng cường tập thể dục, làm việc kết hợp nghỉ ngơi khoa học.
– Nếu người bệnh bị tăng acid uric máu kèm theo các cơn Gout cấp: Cần thăm khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện, phòng khám uy tín để được khám chữa an toàn, hiệu quả bằng các liệu pháp phù hợp. Chỉ dùng thuốc hạ acid uric theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc tại nhà.
– Người bệnh cũng có thể kết hợp dùng thảo dược theo phương pháp đông y như tía tô, lá mơ, chè xanh… nhằm mục đích giảm Acid uric máu.
7. Bệnh tăng acid uric máu có thể phòng ngừa hay không?
Có thể cải thiện tình trạng tăng Acid uric và kiểm soát nồng độ Acid uric máu trong giới hạn cho phép bằng cách:
– Chế độ ăn uống lành mạnh: chứa nhiều rau xanh, hạn chế mỡ động vật và không ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, hạn chế các rượu bia, đồ uống chứa chất kích thích như cà phê.
– Tăng cường tập luyện thể dục: khoảng 30 phút mỗi ngày, 3-4 ngày/ tuần.
– Không uống hoặc hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia.
– Tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Rau xanh tốt cho người bị tăng Acid uric máu
Hiện nay, tăng Acid uric máu ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa về độ tuổi. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ về nó cũng như thực hiện những phương pháp phòng tránh hiệu quả, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình.