Lupus ban đỏ là một bệnh mãn tính có thể gây viêm và đau ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Đây là một bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính các mô khỏe mạnh trong cơ thể.
Bệnh Lupus ban đỏ nguy hiểm như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay với chúng tôi những thông tin cơ bản về bệnh để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả.
1. Tổng quan về bệnh lupus ban đỏ
1.1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?
Lupus ban đỏ được biết đến là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan của cơ thể. Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống khác nhau trong cơ bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi. Bệnh có 2 thể chính là lupus ban đỏ hệ thống và lupus ban đỏ dạng đĩa.
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa
1.2. Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không?
Một số người khi sinh ra đã phát triển bệnh lupus ban đỏ, có thể do nhiễm trùng, một số loại thuốc hoặc thậm chí ánh sáng mặt trời. Mặc dù không có cách nào chữa khỏi bệnh, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tái phát.
1.3. Ai có thể bị lupus ban đỏ?
Hiện chưa rõ nguyên nhân và cơ chế chính xác gây lupus ban đỏ, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh ở một số đối tượng có thể cao hơn. Phụ nữ có tỉ lệ mắc phải cao hơn nam giới, đặc biệt những phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 44 tuổi. Ngoài ra, bệnh có thể di truyền, nếu trong gia đình có một thành viên mắc lupus ban đỏ hay một bệnh tự miễn nào khác thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao hơn nam giới
2. Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ
Không có trường hợp lupus ban đỏ nào hoàn toàn giống nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể đến đột ngột hoặc phát triển chậm, có thể nhẹ hoặc nặng, và có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hầu hết người bệnh đều mắc bệnh nhẹ, đặc trưng bởi các đợt bùng phát, với các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian, sau đó cải thiện hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn.
Các dấu hiệu và biểu hiện của bệnh sẽ phụ thuộc vào đặc điểm cơ quan bị ảnh hưởng, chúng là sự cảnh báo cơ thể đang có bất thường, do đó cần thăm khám bác sĩ, hỏi ý kiến chuyên gia ngay nếu như xuất hiện các triệu chứng sau:
– Mệt mỏi.
– Sốt.
– Đau khớp, cứng khớp và sưng tấy.
– Phát ban hình cánh bướm bao phủ má và sống mũi hoặc phát ban ở những nơi khác trên cơ thể.
Phát ban hình cánh bướm trên mặt khi mắc Lupus ban đỏ
– Tổn thương da xuất hiện và trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (nhạy cảm với ánh sáng).
– Ngón tay và ngón chân chuyển sang màu trắng hoặc xanh khi tiếp xúc với lạnh hoặc trong thời gian căng thẳng (hiện tượng Raynaud).
– Hụt hơi.
– Đau ngực.
– Khô mắt.
– Nhức đầu, lú lẫn và mất trí nhớ.
3. Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như:
– Thận: Cứ 3 người thì có khoảng 1 người mắc bệnh lupus có vấn đề về thận, ví dụ viêm thận.
– Phổi: Một số người bệnh có biến chứng viêm màng phổi, tình trạng viêm niêm mạc của khoang ngực gây đau ngực, đặc biệt là khi thở.
– Hệ thần kinh trung ương: Lupus ban đỏ đôi khi ảnh hưởng đến não hoặc hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, trầm cảm, rối loạn trí nhớ, các vấn đề về thị lực, động kinh, đột quỵ hoặc thay đổi hành vi.
– Mạch máu: Có thể xảy ra viêm mạch, hoặc viêm mạch máu.
– Máu: Lupus có thể gây thiếu máu, giảm số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu.
– Tim: Nếu tình trạng viêm ảnh hưởng đến tim, nó có thể dẫn đến viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc và viêm màng ngoài tim.
– Biến chứng nguy hiểm khi mang thai: Phụ nữ bị lupus ban đỏ có nguy cơ cao bị sẩy thai, sinh non và tiền sản giật. Để giảm nguy cơ mắc các biến chứng này, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi bệnh được kiểm soát ít nhất 6 tháng.
Lupus ban đỏ có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch
4. Chẩn đoán và hướng điều trị bệnh lupus ban đỏ
4.1. Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ
Các triệu chứng của bệnh có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh về da khác gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh. Bác sĩ cần khai thác các biểu hiện và tiền sử bệnh của cá nhân cũng như gia đình họ, ngoài ra có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ
Nếu một người đáp ứng 4 trong số 11 tiêu chí sau, người đó có thể bị bệnh. Các tiêu chí bao gồm:
– Phát ban Malar: Phát ban hình cánh bướm xuất hiện trên má và mũi.
– Phát ban dạng đĩa: Phát triển các mảng đỏ nổi lên.
– Nhạy cảm với ánh sáng: Ban da xuất hiện sau khi tiếp xúc với ánh nắng.
– Loét miệng hoặc mũi: Thường không đau.
– Viêm khớp không ăn mòn: Không phá hủy xương xung quanh khớp, nhưng có biểu hiện đau, sưng hoặc tràn dịch ở 2 hoặc nhiều khớp ngoại vi.
– Viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi: Tình trạng viêm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc xung quanh tim (viêm màng ngoài tim) hoặc phổi (viêm màng phổi).
– Rối loạn thận: Các xét nghiệm cho thấy mức độ cao của protein hoặc phôi tế bào trong nước tiểu nếu một người có vấn đề về thận.
– Rối loạn thần kinh: Người bị co giật, rối loạn tâm thần hoặc các vấn đề về suy nghĩ và suy luận.
– Rối loạn huyết học (máu): Thiếu máu tan máu, với số lượng bạch cầu thấp hoặc số lượng tiểu cầu thấp.
– Rối loạn miễn dịch: Các xét nghiệm cho thấy có kháng thể đối với DNA sợi đôi (dsDNA), kháng thể đối với Sm, hoặc kháng thể đối với cardiolipin.
– ANA dương tính: Xét nghiệm ANA dương tính và người đó chưa sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra chứng này.
4.2. Hướng điều trị bệnh lupus ban đỏ
Hiện tại, không có cách nào chữa khỏi bệnh lupus. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng của mình. Điều trị bệnh lupus tập trung vào một số yếu tố:
– Điều trị các triệu chứng lupus ban đỏ.
– Ngăn ngừa bùng phát lupus xảy ra.
– Giảm mức độ tổn thương xảy ra cho khớp và các cơ quan trong cơ thể.
Dùng thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát bệnh lupus bao gồm:
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID không kê đơn, ví dụ naproxen sodium (Aleve), ibuprofen (Advil), có thể được sử dụng để điều trị đau, sưng và sốt liên quan đến bệnh lupus ban đỏ.
– Thuốc trị sốt rét: Hydroxychloroquine (Plaquenil), ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và có thể giúp giảm nguy cơ bùng phát bệnh lupus ban đỏ.
– Thuốc corticoid: Prednisolon và các loại corticosteroid khác có thể chống lại tình trạng viêm lupus. Liều cao steroid như Methylprednisolone (A-Methapred, Medrol) thường được sử dụng để kiểm soát các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến thận và não.
– Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc có thể hữu ích trong các trường hợp bệnh lupus ban đỏ nghiêm trọng. Ví dụ azathioprine (Imuran, Azasan), mycophenolate mofetil (CellCept) và methotrexate (Trexall).
– Thuốc khác: Chẳng hạn như Belimumab (Benlysta) được tiêm tĩnh mạch, cũng làm giảm các triệu chứng lupus ở một số người. Rituximab (Rituxan) có thể có lợi trong trường hợp lupus kháng thuốc.
Dùng thuốc giúp kiểm soát bệnh lupus ban đỏ
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Các biện pháp đơn giản có thể giúp bệnh nhân bị lupus ban đỏ ngăn ngừa các đợt bùng phát và nếu chúng xảy ra, có thể phòng ngừa tốt hơn với các dấu hiệu và triệu chứng gặp phải của căn bệnh này:
– Đi khám bác sĩ da liễu thường xuyên: Kiểm tra sức khỏe thường xuyên thay vì chỉ gặp bác sĩ khi các triệu chứng xấu đi có thể giúp phòng ngừa các đợt bùng phát và có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
– Bảo vệ làn da: Vì tia cực tím có thể gây bùng phát bệnh lupus ban đỏ nên hãy mặc quần áo bảo vệ như mũ, áo dài tay, quần dài và sử dụng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài.
– Lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên giúp cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ đau tim và tăng cường sức khỏe nói chung.
– Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của bệnh lupus đối với tim và mạch máu.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Đôi khi bệnh nhân có thể bị hạn chế về chế độ ăn uống, đặc biệt nếu bị huyết áp cao, tổn thương thận hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa.
– Bổ sung vitamin D và canxi: Có một số bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh lupus ban đỏ có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin D. Bổ sung 1.200 – 1.500 mg canxi mỗi ngày có thể giúp giữ cho xương khỏe mạnh.
Người bị lupus ban đỏ nên có các biện pháp bảo vệ da
Bệnh lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh của mỗi người. Nếu không điều trị hợp lý, bệnh có thể tái phát và nặng hơn, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.