Tim nói riêng và hệ tuần hoàn nói chung là cơ quan có vai trò đặc biệt trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe của mỗi người. Nhịp tim là chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng hoạt động của cơ tim. Vậy nhịp tim là gì? Chỉ số bình thường là bao nhiêu? Cùng tìm hiểu ngay với chúng tôi qua bài viết sau đây!
I. Tổng quan về sinh lý nhịp tim
1. Nhịp tim là gì?
Nhịp tim là số lần tim co bóp trong thời gian một phút, có vai trò bơm máu đến tất cả các cơ quan, duy trì cơ thể hoạt động bình thường. Vì thế, nhịp tim thường thay đổi tùy từng trường hợp để đáp ứng nhu cầu cần thiết. Giá trị cụ thể phụ thuộc vào trạng thái vận động hay nghỉ ngơi, những thay đổi về sức khỏe, tuổi tác, hệ thần kinh hay một tác động bất thường nào đó.
Nhịp tim thể hiện số lần tim co bóp trong thời gian một phút
2. Chu kỳ hoạt động của tim
Tim là một cơ quan hoạt động nhịp nhàng, đều đặn, có tính chu kỳ. Mỗi chu kỳ tim gồm có 3 giai đoạn chính là tâm trương giãn, đổ đầy thất, và tâm thu co. Mỗi chu kỳ tim được tính là khoảng thời gian từ đầu tiếng tim này cho đến tiếng tim tiếp theo. Trong khi nhịp tim là khoảng thời gian ở giữa 2 tiếng tim. Khi nhịp tim thay đổi nghĩa là thời gian giữa tâm trương và tâm thu thay đổi.
II. Như thế nào là nhịp tim chuẩn đối với một người khỏe mạnh?
Tùy theo từng trường hợp, yêu cầu về lượng oxy cần thiết cho cơ thể khác nhau mà có các tiêu chuẩn đánh giá nhịp tim lý tưởng khác nhau.
Nhịp tim thể hiện tình trạng sức khỏe của con người
1. Nhịp tim khi ở trạng thái nghỉ ngơi
Một yếu tố sinh lý quan trọng tác động đến nhịp đập của tim đó là độ tuổi. Vì thế, ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có giới hạn nhịp tim riêng cần lưu ý. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã nghiên cứu và đưa ra công bố bảng nhịp tim khi nghỉ ngơi ở người có sức khỏe bình thường như sau:
Độ tuổi |
Nhịp tim bình thường (bpm) |
Dưới 1 tháng tuổi |
70 – 190 |
Từ 1 đến 11 tháng tuổi |
80 – 160 |
Từ 1 đến 2 tuổi |
80 – 130 |
Từ 3 đến 4 tuổi |
80 – 120 |
Từ 5 đến 6 tuổi |
75 – 115 |
Từ 7 đến 9 tuổi |
70 – 110 |
Trên 10 tuổi |
60 – 100 |
Bảng nhịp tim bình thường theo độ tuổi
Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ, nhịp tim dao động trong phạm vi trên được coi là bình thường. Nó có thể thay đổi nếu nhiệt độ tăng hay giảm, tâm trạng bị kích động hoặc đang ngồi đột ngột đứng lên.
2. Nhịp tim khi đang tập luyện thể dục, thể thao
Trong trường hợp cơ thể bạn cần cung cấp thêm oxy và năng lượng để đáp ứng nhu cầu hoạt động thể lực, tim sẽ co bóp nhiều hơn, nhịp tim tăng lên rõ rệt ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nhịp tim khi nghỉ ngơi lại có xu hướng giảm đi, hạ bớt áp lực làm việc căng thẳng cho tim. Điều này có ý nghĩa đặc biệt giúp nâng cao sức khỏe tim mạch và kéo dài tuổi thọ.
Vì vậy, chúng ta nên xây dựng và duy trì cho mình một kế hoạch luyện tập hợp lý, nhất là các bài tập cardio có vai trò tốt trong việc giảm nhịp tim mục tiêu. Nhưng cần chú trọng không tập quá sức sẽ dẫn đến tim bị chèn ép quá nhiều.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra bảng phân vùng nhịp tim mục tiêu phù hợp với từng lứa tuổi cho những người tập luyện ở cường độ 50 – 80% và gắng sức 100% như sau:
Độ tuổi |
Nhịp tim mục tiêu khi gắng sức 50 – 85% (bpm) |
Nhịp tim tối đa trung bình khi gắng sức 100% (bpm) |
20 |
100 – 170 |
200 |
30 |
95 – 162 |
190 |
35 |
93 – 157 |
185 |
40 |
90 – 153 |
180 |
45 |
88 – 149 |
175 |
50 |
85 – 145 |
170 |
55 |
83 – 140 |
165 |
60 |
80 – 136 |
160 |
65 |
78 – 132 |
155 |
70 |
75 – 128 |
150 |
Bảng nhịp tim mục tiêu cho những người luyện tập thể lực
Như vậy, nhịp tim tối đa nên bằng 220 nhịp/phút trừ đi số tuổi của cá nhân đó. Mỗi người có phản ứng cơ thể khác nhau, tuy nhiên nhịp tim dao động trong khoảng giới hạn trên thì được coi là bình thường.
III. Cách xác định nhịp tim
Thông thường, nhịp tim hay bị nhầm lẫn với nhịp mạch. Về bản chất, nhịp mạch là số lần co giãn của động mạch trong thời gian một phút nhằm thực hiện quá trình vận chuyển máu đi. Tuy nhiên, nhịp mạch thường bằng với nhịp tim hoặc có sự khác biệt nhỏ, không đáng kể. Vì vậy, bác sĩ có thể kiểm tra nhịp tim thông qua việc xác định nhịp mạch.
Cách đo được tiến hành như sau:
Dùng 2 ngón tay gồm ngón trỏ và ngón giữa đặt lên vị trí động mạch ở cổ tay hoặc dưới hàm người cần kiểm tra, ấn nhẹ để cảm nhận mạch đập. Giữ nguyên trong 60 giây để đếm chính xác giá trị hoặc có thể đếm trong 10 giây rồi nhân với 6 trong trường hợp nhịp mạch đều. Đây là một phương pháp rất đơn giản mà người bình thường cũng có khả năng tự áp dụng với bản thân.
Có thể đo nhịp tim thông qua xác định nhịp mạch
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể xác định nhịp tim bằng dụng cụ nghe tim chuyên dụng hoặc dùng điện tâm đồ.
IV. Nhịp tim bất thường có biểu hiện gì?
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý ngày càng phổ biến, xảy ra khi tần số nhịp đập của tim trở nên bất thường, không ổn định, không nằm trong mức giới hạn cho phép như ở trên.
Rối loạn nhịp tim
Các triệu chứng điển hình hay gặp khi bị rối loạn nhịp tim bao gồm:
– Chóng mặt, có thể choáng dẫn đến ngất xỉu.
– Người khó thở ở nhiều mức độ khác nhau, thở hụt hơi, phải rướn người để thở.
– Có cảm giác bồn chồn, hồi hộp, đổ mồ hôi.
– Cảm nhận rõ nhịp tim quá nhanh hay quá chậm.
– Đau thắt vùng ngực.
Khi nhịp tim cao hay thấp bất thường và xuất hiện các dấu hiệu trên, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
IV. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Tình trạng nhịp tim nằm ngoài phạm vi khuyến cáo có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân phổ biến trong cuộc sống hàng ngày như: Tâm lý căng thẳng, stress, lao động gắng sức, hoặc chế độ sinh hoạt không phù hợp, hay thức khuya, dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động co bóp, bơm máu của tim như: Bệnh tim bẩm sinh, suy tim, thiếu máu cơ tim, viêm cơ tim, hẹp van tim, hở van tim,…
Ngoài ra, nhịp tim bất thường còn có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý ngoài tim như:
– Huyết áp cao.
– Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc kém (suy giáp).
– Rối loạn lipid máu.
– Viêm phế quản (cấp hay mạn tính).
– Rối loạn nước – điện giải, rối loạn cân bằng acid – base.
– Bệnh tiểu đường, thừa cân béo phì.
– Thiếu máu, thiếu hụt chất dinh dưỡng.
– Chứng ngưng thở khi ngủ.
– Do yếu tố di truyền.
– Đôi khi chính các thuốc chống loạn nhịp tim lại gây bệnh theo chiều hướng ngược lại.
V. Điều trị rối loạn nhịp tim
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ có những biện pháp chữa trị khác nhau nhằm mục đích duy trì lại nhịp tim ổn định theo tiêu chuẩn. Thông thường, khi rối loạn nhịp tim không liên quan đến tình trạng bệnh lý thì chỉ cần điều chỉnh lại lối sống cho lành mạnh, tâm lý thoải mái, kết hợp tập luyện thể dục điều độ là đã có thể kiểm soát được nhịp tim tốt hơn.
Điều trị rối loạn nhịp tim nặng bằng các can thiệp ngoại khoa
Trường hợp tim loạn nhịp do các bệnh lý khác thì cần tới gặp bác sỹ để có phương pháp điều trị chuyên biệt, an toàn, sử dụng thuốc đặc hiệu. Nếu ở mức độ nghiêm trọng, các biện pháp nội khoa không còn phù hợp thì có thể phải can thiệp ngoại khoa bằng cách sốc điện tim, đốt điện sinh lý hoặc đặt máy tạo nhịp,…
VI. Các biện pháp giúp phòng ngừa rối loạn nhịp tim
Để có thể ngăn ngừa và cải thiện rối loạn nhịp tim trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người cần tự thiết lập và thực hiện một lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên hữu ích sau đây:
1. Duy trì lối sống lành mạnh
– Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, giảm stress: Hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái, hạn chế tối đa áp lực đè nén, tránh cảm xúc lo âu, căng thẳng. Các hoạt động tích cực có thể kể đến như: Hít thở sâu, ngồi thiền, tập yoga hoặc nghe những bản nhạc nhẹ nhàng,…
Giảm stress giúp ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
– Giảm mỡ, tránh thừa cân, béo phì: Khi trọng lượng cơ thể lớn, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn mới đủ cung cấp oxy và năng lượng cho toàn bộ các cơ quan, dẫn đến tăng nhịp tim. Đồng thời, nồng độ cholesterol trong máu cũng tăng cao, nguy cơ gây các bệnh tim mạch khác.
– Hạn chế thuốc lá: Do thành phần chứa hàm lượng Nicotin cao, có tính chất gây nghiện, kích thích sản sinh Adrenaline là một hormone khiến tim đập nhanh.
Tránh thuốc lá giúp ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
– hường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng: Tùy theo thể trạng của từng cơ thể mà thực hiện các bài tập phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát nhịp tim, bảo vệ cho trái tim khỏe mạnh.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
– Bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu khoáng chất như: Magie (Mg), Natri (Na), Canxi (Ca),… Vì sự thiếu hụt chúng sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nhất là Mg còn có ý nghĩa duy trì đường dẫn truyền thần kinh và sự co của cơ tim.
Thực phẩm giàu khoáng chất giúp ổn định nhịp tim
– Thức ăn giàu acid béo Omega-3 như: cá hồi, hàu, quả óc chó,… giúp ngăn chặn rối loạn nhịp tim hiệu quả và giảm tỷ lệ tử vong, đột quỵ ở người bị bệnh lý tim mạch.
– Các thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ: Trái cây, rau quả là nguồn thức ăn không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày. Chất xơ còn giúp giảm hấp thu chất béo có hại, từ đó ngăn ngừa rối loạn nhịp tim ở bất kỳ ai.
Thực phẩm giàu vitamin và chất xơ giúp phòng ngừa rối loạn nhịp tim
Như vậy, nhịp tim chuẩn giữ vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe hệ tim mạch nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung. Từ những thông tin trên, mọi người hãy tự biết cách theo dõi và bảo vệ mình khỏi căn bệnh nguy hiểm đang ngày càng phổ biến.