Sỏi thận là một căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Dấu hiệu nhận biết của bệnh như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về sỏi thận với chúng tôi qua bài viết sau đây!
1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một loại bệnh xuất hiện khi muối và các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng ở thận và đường niệu quản. Các chất lắng đọng kết tinh lại với nhau tạo thành các tinh thể rắn, gọi là sỏi hay sạn thận, chủ yếu là tinh thể canxi. Kích thước của sỏi có thể tới vài cm.
Sỏi thận được tạo thành khi nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng và lượng nước tiểu giảm. Nếu 1 trong 2 hoặc cả 2 yếu tố thuận lợi trên kéo dài nhiều ngày, sẽ có nguy cơ cao hình thành sỏi thận.
Sỏi thận là gì?
Với các sỏi có kích thước nhỏ, có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu. Với sỏi có kích thước lớn di chuyển xuống ống niệu quản, bàng quang,…cọ xát làm tổn thương đường niệu hay tắc đường dẫn tiểu, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Đây là bệnh xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở quốc gia nhiệt đới như Việt Nam. Có khoảng 10% nam giới và 5% nữ giới mắc bệnh này trước 70 tuổi. Bệnh có nguy cơ tái phát cao ở những người có tiền sử mắc sỏi thận.
2. Sỏi thận được hình thành như thế nào?
Sỏi thận hình thành trên đường tiết niệu, do sự kết tinh chất khoáng trong nước tiểu và lắng đọng tại thận, lâu ngày tạo thành sỏi. Sỏi nhỏ có thể không có triệu chứng và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, sỏi lớn không đào thải ra ngoài được, gây bít tắc và những cơn đau quặn thận.
Sỏi lớn không được đào thải ra ngoài, gây bít tắc và những cơn đau quặn thận
Hầu hết các loại sỏi thận đều không nhìn được bằng mắt thường. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng sẽ lớn dần lên và gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
Các loại sỏi thận thường gặp là sỏi Calci, Oxalat, Phosphat, Acid uric và Cystin. Ở nước ta, sỏi Oxalat là phổ biến nhất.
2.1. Sỏi Calci
Một số yếu tố làm tăng nồng độ Calci trong nước tiểu, lâu ngày dẫn đến sỏi thận như:
– Di căn của ung thư đến xương, làm phá hủy xương.
– Gãy xương lớn như các xương chi và bất động lâu ngày.
– Cường tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp.
– Sử dụng các chế phẩm chứa hàm lượng Vitamin D và Corticoid cao.
Ngoài ra còn có nhiều trường hợp khác mà không rõ nguyên nhân (chiếm khoảng 40-60% trường hợp).
2.2. Sỏi Oxalat
Chiếm tỷ lệ cao ở các vùng khí hậu nhiệt đới như nước ta.
Sỏi có thể xuất hiện do ăn quá nhiều các thực phẩm có chứa Oxalat như đại hoàng, các loại hạt, hạt tiêu, chè,… hoặc do sự hấp thu Oxalat tăng khi mắc các bệnh về đường ruột như hội chứng loạn khuẩn ruột, viêm tụy mạn,…
Sỏi Oxalat là loại phổ biến nhất ở nước ta
2.3. Sỏi Phosphat
Có kích thước lớn, hình san hô và có đặc tính cản quang, hình thành do nhiễm khuẩn, thường là vi khuẩn Proteus.
2.4. Sỏi Acid uric
Xuất hiện khi chuyển hóa Purin tăng trong cơ thể. Các nguyên nhân có thể làm tăng chuyển hoá Purine:
– Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng Purin cao như nội tạng, cá khô, nấm,…
– Bệnh Gút.
– Phân hủy các khối ung thư do sử dụng các thuốc hóa trị liệu.
Acid uric tan được trong môi trường kiềm và dễ kết tinh trong môi trường acid, khi pH nước tiểu dưới 6. Để phòng ngừa sỏi Acid uric cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
– Chế độ ăn: ít đạm, không rượu, bia, thuốc lá.
– Uống nhiều nước, trên 2 lít/ngày.
– Kiềm hóa nước tiểu bằng các loại thuốc Bicarbonate, Allopurinol.
2.5. Sỏi Cystin
Hình thành do tăng tái hấp thu Cystin ở ống thận, ít gặp ở nước ta. Sỏi Cystin là sỏi không cản quang.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh sỏi thận?
Thói quen sinh hoạt hằng ngày là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh sỏi thận. Một số thói quen có nguy cơ mắc bệnh cao như sau:
– Tùy tiện sử dụng thuốc: việc tùy ý sử dụng thuốc bừa bãi mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến bệnh sỏi thận. Lạm dụng thuốc kháng sinh kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số nhóm kháng sinh có thể kể đến: Penicillin, Cephalosporin,…
– Uống ít nước: lượng nước đưa vào cơ thể ít, gây ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận. Điều này làm cho nước tiểu đậm đặc, nồng độ ion và muối khoáng cao, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành sỏi.
– Chế độ ăn uống bất hợp lý: thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ thường xuyên là tăng thể tích tuần hoàn, các chất khoáng lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn chứa nhiều gốc muối ở một số thực phẩm (rau cải, cần tây, rau muống,…) cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.
– Mất ngủ kéo dài: khi bạn ngủ, các mô thận sẽ tự tái tạo tổn thương. Do đó, khi mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng đến chức năng này của thận, lâu dần sẽ gây ra sỏi thận.
Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận
– Nhịn ăn sáng: dịch mật tiết ra từ túi mật, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt là vào buổi sáng, cơ thể cần cung cấp nhiều năng lượng sau một đêm ngủ dài. Vì vậy, nếu nhịn ăn sáng, dịch mật sẽ bị tích tụ ở túi mật và đường ruột, dẫn đến sỏi thận.
– Nhịn tiểu: việc nhịn tiểu thường xuyên làm cho các chất khoáng không được thải ra ngoài mà bị lắng đọng tại thận. Khi lượng canxi tích tụ đủ lớn sẽ hình thành sỏi thận.
Ngoài nguyên nhân do chế độ sinh hoạt bất hợp lý, sỏi thận còn có thể do dị tật bẩm sinh đường tiết niệu gây cản trở đường niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục,…
4. Triệu chứng của bệnh sỏi thận là gì?
Đau lưng là một trong các triệu chứng của sỏi thận
Tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí của sỏi mà người bị sỏi thận có thể gặp các tiệu chứng khác nhau như:
– Đau lưng, đau mạn sườn phía dưới.
– Đau khi đi tiểu, tiểu khó và buốt.
– Tiểu ra máu.
– Tiểu dắt, tiểu són.
– Buồn nôn và nôn.
– Sốt và ớn lạnh.
Xem thêm: 6 Dấu hiệu nhân biết sớm bệnh sỏi thận
5. Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
Viên sỏi không di chuyển được do bám dính vào niêm mạc. Sỏi nằm lâu trong đường tiết niệu dẫn đến niệu quản bị xơ dày, hẹp lại.
Chức năng thận giảm dần, thận ứ nước, ứ mủ nếu có nhiễm trùng. Sỏi ở trong đường tiết niệu, không được tống ra ngoài là một yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng. Lâu ngày sẽ gây viêm thận mạn tính và dẫn đến suy thận mạn. Sỏi niệu quản hai bên có thể gây vô niệu do tắc nghẽn.
Các biến chứng thường gặp và nguy hiểm:
– Tắc nghẽn: Là biến chứng cấp tính nặng. Trường hợp tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra:
+ Niệu quản, bể thận giãn to, sau 6 tuần nhu mô thận có thể không hồi phục.
+ Ứ nước tiểu còn làm huỷ hoại về cấu trúc, chức năng, thận.
– Suy thận cấp:
+ Do tình trạng tắc nghẽn nặng cả hai bên niệu quản gây ra.
+ Một số trường hợp cũng có thể xảy ra khi chỉ có sỏi niệu quản một bên nhưng kích thích phản xạ co mạch ở cả hai bên gây vô niệu.
+ Biểu hiện là vô niệu, xét nghiệm Ure, Creatinin, K+ máu tăng nhanh, nhiễm Acid chuyển hóa.
– Suy thận mạn: Đây là hậu quả nặng nề nhất của sỏi thận vì thận xơ hoá dần, không hồi phục được.
6. Chẩn đoán bệnh sỏi thận
Các phương pháp được sử dụng hiện nay để chẩn đoán bệnh:
– Khám lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu.
– Chụp X quang phát hiện sỏi.
– Siêu âm ổ bụng phát hiện sỏi và các tổn thương ở đường tiết niệu.
– Chụp cắt lớp vi tính phát hiện sỏi và các tổn thương.
– Xét nghiệm X – quang chụp thận thuốc tĩnh mạch UIV.
7. Điều trị bệnh sỏi thận như thế nào?
7.1. Điều trị nội khoa
Có thể làm giảm cơn đau quặn thận do sỏi bằng các giải pháp sau:
– Giảm lượng nước uống khi đang có cơn đau quặn thận.
– Giảm đau: Sử dụng các thuốc kháng viêm không Steroid như Diclofenac (Voltaren ống 75mg) tiêm tĩnh mạch. Nếu không có hiệu quả, có thể sử dụng Morphin.
– Giãn cơ trơn: tiêm tĩnh mạch các thuốc Buscopan, Drotaverin,…
– Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh có tác dụng trên vi khuẩn Gram âm như Cephalosporin thế hệ 3, Quinolone và các Aminoside.
– Một số trường hợp cần chỉ định can thiệp phẫu thuật.
Tuỳ thuộc tình trạng người bệnh, số lượng, kích thước sỏi và chức năng thận để đưa ra quyết định điều trị hợp lý nhất.
7.2. Điều trị ngoại khoa
– Mổ lấy sỏi.
– Phẩu thuật nội soi lấy sỏi.
– Lấy sỏi niệu quản qua da.
Điều trị sỏi thận bằng phương pháp phẫu thuật nội soi
– Áp dụng với trường hợp sỏi thận < 15mm, sỏi niệu quản 6 – 25mm và với sỏi niệu quản < 5mm khi điều trị nội khoa 1 tuần mà các triệu chứng không được cải thiện hay sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản.
– Tán sỏi ngoài cơ thể ít gây ảnh hưởng đến thận, chức năng hoạt động của thận hơn so với các phương pháp khác, không gây đau đớn như mổ lấy sỏi thận.
– Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng có độ an toàn cao và không xâm lấn.
7.3. Những lưu ý khi điều trị bệnh sỏi thận
– Sỏi có kích thước nhỏ và trơn láng: Viên sỏi có thể được tống ra ngoài một cách tự nhiên.
– Sau khi đã điều trị, sỏi có thể tái phát do:
+ Còn sót sau phẫu thuật.
+ Tồn tại chỗ hẹp trên đường tiết niệu
+ Nhiễm trùng niệu không điều trị dứt điểm.
– Không tự ý bổ sung các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
8. Cách phòng tránh sỏi thận hiệu quả nhất
Để phòng ngừa sỏi thận và các biến chứng của nó, chúng ta cần thay đổi các thói quen không tốt, thực hiện lối sống khoa học:
– Uống đủ nước: 2 – 3l mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.
Uống nhiều nước giúp phòng ngừa sỏi thận hiệu quả
– Chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ.
– Hạn chế sử dụng thực phẩm làm tăng nguy cơ tạo sỏi như dâu tây, trà đá, soda,..
– Không nhịn tiểu.
– Ngủ đủ giấc, ăn sáng đầy đủ.
– Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý.
Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, bệnh tiến triển âm thầm khiến cho người bệnh khó phát hiện ra. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, biến chứng của bệnh là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, cần thiết phải trang bị các kiến thức về sỏi thận cho mỗi người để có thể phòng bệnh một cách hiệu quả.