Rối loạn tiền đình
Bệnh rối loạn tiền đình ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Hãy cùng tìm hiểu đầy đủ về những điều cần phải biết, để tự chăm sóc bản thân và những người xung quanh mình tốt nhất.
1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Trước hết, tiền đình được biết đến là một bộ phận thuộc hệ thống thần kinh, vị trí nằm ở phía sau ốc tai cả hai bên. Vai trò chính giúp giữ thăng bằng cho cơ thể, kết hợp với các cử động mắt, đầu, chân tay và toàn bộ thân mình. Mỗi khi chúng ta di chuyển qua lại, cúi hay xoay người,… tiền đình sẽ nghiêng lắc phù hợp theo từng động tác.
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là hiện tượng đường dẫn truyền, tiếp nhận thông tin và truyền lại của tiền đình bị tắc nghẽn, không hoạt động bình thường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch làm nhiệm vụ nuôi dưỡng não bộ bị tổn thương, hay bất kỳ tổn thương nào khác bên trong hốc tai và não. Hậu quả dẫn đến cơ thể mất khả năng giữ thăng bằng, biểu hiện điển hình là chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi lại loạng choạng, vấp ngã,…
Bệnh tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, khả năng đi lại, sinh hoạt trở nên khó khăn.
2. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiền đình, trong đó chia ra làm 2 nhóm chính, bao gồm:
2.1 Nguyên nhân từ tiền đình trung ương
Xuất phát từ một số tổn thương ở hệ thống thần kinh tiền đình trung ương như sau:
– Nhồi máu tiểu não, u tiểu não, xơ cứng rải rác.
– Hội chứng Wallenberg, nhức đầu Migraine.
– Bệnh giang mai thần kinh, thiểu năng tuần hoàn sống nền.
– Bệnh Parkinson.
– Hạ huyết áp thế đứng.
2.2 Nguyên nhân từ tiền đình ngoại biên
– Viêm dây thần kinh tiền đình ngoại biên là một yếu tố dẫn đến rối loạn, xuất phát do tác động của virus Zona, thủy đậu và quai bị gây ra (chiếm khoảng 5%).
– Các chứng rối loạn chuyển hóa khác nhau như: tiểu đường, suy giáp, tăng ure huyết,…
– Hội chứng Meniere gây phù nề hay dị dạng tai trong và các chấn thương vùng tai trong khác.
– Viêm tai giữa cấp tính hoặc mãn tính.
– Sỏi nhĩ.
– U dây thần kinh số VIII.
– Tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc (như streptomycin, gentamycin,..).
– Uống nhiều rượu hay sử dụng ma túy.
– Say tàu xe
– Chứng nhãn cầu (nhìn đôi).
2.3 Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh khác
– Tuổi tác: Bệnh rối loạn tiền đình có thể mắc phải ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, tỷ lệ người lớn tuổi mắc bệnh cao hơn những người trẻ tuổi khác. Cứ khoảng 100 người có độ tuổi từ 40 trở lên thì có khoảng 35 người mắc bệnh.
Người cao tuổi có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn
– Người có tiền sử chóng mặt: Những trường hợp đã từng bị chóng mặt do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ làm tăng khả năng hoa mắt, choáng váng, lảo đảo, mất thăng bằng… trong tương lai. Vì vậy, dẫn đến gia tăng nguy cơ rối loạn tiền đình.
– Do đó, khi thấy những dấu hiệu tiềm tàng này, mọi người nên chú ý bảo vệ sức khỏe, theo dõi cơ thể để có các biện pháp xử trí kịp thời khi cần thiết.
3. Triệu chứng nhận biết rối loạn tiền đình
Triệu chứng của rối loạn tiền đình
Tùy vào mức độ của bệnh mà cơ thể sẽ có các biểu hiện riêng biệt. Trong đó có một số dấu hiệu nhận biết cụ thể gồm:
– Chóng mặt kèm với hoa mắt: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất, xuất hiện gần như trước tiên với mọi trường hợp bệnh.
– Mất thăng bằng cơ thể, choáng váng, lảo đảo, đứng không vững, đứng lên ngồi xuống khó khăn, đi lại loạng choạng.
– Nôn hoặc buồn nôn.
– Người mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, khó tập trung và tập trung.
– Rối loạn thính giác: ù tai, nghe kém, nếu để kéo dài có thể dẫn đến suy giảm thính lực, thậm chí là điếc.
– Rung giật nhãn cầu dọc hoặc nhiều hướng.
– Huyết áp cao, nhịp tim, nhịp thở nhanh, hay hồi hộp, đánh trống ngực, dễ xúc động. Hoặc cũng có thể do huyết áp thấp.
– Đi đứng giống như người say rượu, bệnh nhân hay đi theo hình zíc zắc, không theo đường thẳng.
– Phối hợp động tác khó khăn, không làm chủ được các cử động chân, tay.
– Giọng nói cũng có thể bị thay đổi phát âm.
4. Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Trong một vài trường hợp, rối loạn tiền đình chỉ diễn biến trong vài ngày rồi hết nhưng cũng có khi kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Khi đang trong cơn bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại, vận động thì dễ bị ngã, gây ra trầy xước da hoặc thậm chí là tổn thương phần cứng như: gãy tay, chân, chấn thương sọ não,…
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình diễn biến dài ngày có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm nhất là đột quỵ do máu lưu thông kém, não không được nuôi dưỡng đầy đủ. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng bệnh như trên, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực, kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình
5.1 Điều trị rối loạn tiền đình bằng thuốc
Khi được điều trị hợp lý và kịp thời, rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi hoàn toàn, phòng ngừa tái phát hoặc các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc mà phải tuân thủ theo sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Điều trị rối loạn tiền đình bằng thuốc
Một số loại thuốc điển hình có thể thấy trong các đơn kê của bác sĩ bao gồm: Cinnarizin, Flunarizine, Vinpocetin, Duxil, Tanganil, Ginkgo biloba,… Thuốc giúp cải thiện nhanh các triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra, tuy nhiên chúng thường đem lại rất nhiều tác dụng phụ khác cho cơ thể. Vì vậy, cần tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ liều đã được kê trong mỗi trường hợp bệnh nhân nhất định.
5.2 Bài tập giúp điều trị rối loạn tiền đình
Để nâng cao hiệu quả điều trị, bệnh nhân nên kết hợp việc dùng thuốc với tập luyện các bài tập giúp thư giãn, tăng cường sức khỏe, giữ thăng bằng cơ thể.
Các bài tập hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình
Có thể tham khảo một số bài tập dưới đây:
– Tập yoga: rèn luyện sự tập trung, nâng cao thể trạng, trí não cho người bệnh.
– Tập luyện cho mắt: Giúp cải thiện tầm nhìn hiệu quả. Bạn nhìn thẳng về trước, tập trung mắt vào một vật cụ thể trong một thời gian. Có thể tăng hiệu quả bằng cách giữ nguyên điểm nhìn còn đầu thì di chuyển chậm.
– Bài tập vẩy tay giúp hỗ trợ điều trị chóng mặt. Người bệnh đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai và giữ chặt trên mặt sàn. Sau đó, giơ tay lên trước mặt, đồng thời cánh tay thẳng, bàn tay khép kín, rồi vung thật mạnh ra phía sau. Lặp lại như thế nhiều lần.
– Bài tập cho phần đầu và cổ: Phần thân dưới phải được giữ cố định, cổ và đầu thực hiện gập – ngửa, lên – xuống, trái – phải theo ngược chiều kim đồng hồ. Hoặc bạn cũng có thể dùng hai tay giữ cằm và đầu, rồi vặn nhẹ sang trái, sang phải luân phiên nhau.
Bài tập đầu – cổ chữa rối loạn tiền đình
– Tập thể dục nhẹ nhàng: Là phương pháp giúp tăng cường sức khỏe toàn diện, cả về tinh thần và thể chất mọi cơ quan trong cơ thể, như: đi bộ, chạy bộ, bài vận động chân, tay, lưng, bụng nhẹ nhàng,…
– Các bài tập toàn thân đặc hiệu khác giúp điều trị rối loạn tiền đình để duy trì thăng bằng khi đứng yên, khi đi lại, khi lắc lư với sự trợ giúp, theo dõi sát sao của bác sĩ hay các nhân viên y tế.
6. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân rối loạn tiền đình
Để tăng nhanh hiệu quả của phác đồ điều trị rối loạn tiền đình như trên, bạn cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống và duy trì thói quen sống lành mạnh.
Rối loạn tiền đình nên ăn gì?
– Các thức ăn mà người bệnh nên bổ sung đầy đủ cho cơ thể mỗi ngày bao gồm:
+ Những thực phẩm giàu chất xơ, sắt, acid folic hay các loại vitamim cần thiết (nhất là vitamin B6). Chúng được tìm thấy nhiều trong các loại rau xanh, củ quả, trái cây, đậu và hạt. Bên cạnh đó, một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho người bệnh giúp cung cấp năng lượng đầy đủ, giảm nhanh các triệu chứng của rối loạn tiền đình đó là các loại thịt, cá, trứng, sữa.
Các thực phẩm giàu vitamin B6 tốt cho bệnh nhân rối loạn tiền đình
+ Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên uống đủ nước hàng ngày, từ 2 – 2,5 lít nước có tác dụng giúp tinh thần tỉnh táo, hạn chế đến mức tối đa tình trạng mất nước, từ đó cơ thể khỏe khoắn hơn nhiều.
– Đặc biệt, nên chú ý những loại thực phẩm mà người bị rối loạn tiền đình không hoặc hạn chế ăn bao gồm:
+ Thực phẩm giàu chất béo: chất béo không tốt tăng lượng cholesterol máu, dễ làm tắc mạch máu như: mỡ động vật, kem bơ, sữa dừa, bánh kem,…
+ Thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt: làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh.
+ Các chất kích thích: tác động đến hệ thần kinh, gây đau đầu, mệt mỏi, gia tăng tình trạng bệnh, gồm: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, thức uống có ga,…
+ Thực phẩm chứa nhiều axit amin Tyramine như: rượu vang đỏ, thịt xông khói, gan gà cũng không tốt cho sức khỏe người bệnh.
Các thực phẩm rối loạn tiền đình không nên ăn
Như vậy, rối loạn tiền đình là một tình trạng bệnh lý thường xuyên gặp phải. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần dễ gây ra các hậu quả, biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, cần điều trị dứt điểm bằng các loại thuốc đặc hiệu kết với với chế độ ăn uống và luyện tập thích hợp.