Mắt bình thường và mắt bị viêm kết mạc
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ), là tình trạng nhiễm trùng hoặc sưng tấy khiến mắt thường có màu đỏ hoặc hồng. Làm thế nào để phòng ngừa đau mắt đỏ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Viêm kết mạc mắt là gì?
Kết mạc là phần mô mỏng trong suốt, nằm trên phần lòng trắng của mắt và nằm bên trong mí mắt. Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm. Bệnh này lây lan rất nhanh, thường gặp nhiều ở trẻ em. Tuy nhiên, viêm kết mạc không phải là căn bệnh nghiêm trọng, có thể nhanh chóng khỏi chỉ sau 5-7 ngày.
2. Nguyên nhân gây nên đau mắt đỏ
Các nguyên nhân thường gặp như:
– Virus: Là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, trong đó Adeno virus chiếm 80% các trường hợp viêm kết mạc cấp tính. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc với nước mắt người bị đau mắt đỏ.
– Vi khuẩn: Gây viêm kết mạc thường do Staphylococcus, Haemophilus Influenzae… Có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không điều trị kịp thời. Đau mắt đỏ lây qua dịch tiết nước mắt hay các vật dụng dính dịch tiết như khăn mặt, kính áp tròng…
– Tác nhân dị ứng: Chiếm 15%- 40%, tình trạng này thường xảy ra theo mùa, có thể kéo dài hay tái phát.
Viêm kết mạc có thể do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus, các tác nhân dị ứng
Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus có thể lây lan nhưng không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh này xảy ra ở trẻ sơ sinh, cần báo ngay cho bác sĩ vì nó có thể đe dọa thị lực của bé.
3. Triệu chứng
Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm, cụ thể như sau.
3.1 Viêm kết mạc do virus
– Ghèn, ngứa, chảy nước mắt.
– Phù mi kết mạc, giả mạc.
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt.
– Giảm thị lực, chói sáng khi khô mắt.
3.2 Viêm kết mạc do vi khuẩn
Khác với viêm kết mạc do virus, nếu do vi khuẩn thì xuất hiện một số triệu chứng đặc trưng bao gồm:
– Ghèn vàng hoặc xanh nhạt làm dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.
– Ngứa, chảy nước mắt.
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt
– Trường hợp nặng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.
Xuất hiện ghèn làm dính 2 mi mắt khi bị viêm kết mạc
3.3 Viêm kết mạc do dị ứng
– Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, thường đi kèm viêm mũi dị ứng.
– Bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây nhiễm.
4. Biến chứng của viêm kết mạc
Đau mắt đỏ thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có thể gây biến chứng nguy hiểm:
– Viêm kết mạc do lậu cầu: Làm thủng, hoại tử giác mạc nếu điều trị muộn và không tích cực. Tỷ lệ này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
– Viêm kết mạc do virus: Điều trị tích cực, đúng phác đồ, bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi sau 5-10 ngày. Kéo dài có thể gây viêm giác mạc biểu mô.
5. Điều trị và chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ
Điều trị tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh:
– Đau mắt đỏ do virus gây ra thường kéo dài 5-10 ngày. Dạng viêm kết mạc này rất dễ lây lan, vì vậy hãy làm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của nó. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này.
– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nên dùng kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt, mỡ tra mắt hoặc thuốc viên. Bôi thuốc vào bên trong mí mắt 3-4 lần/ngày trong 5-7 ngày. Tình trạng viêm nhiễm sẽ dần cải thiện. Uống hoặc sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng biến mất.
Nên dùng kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn
– Viêm kết mạc do dị ứng sẽ cải thiện sau khi bệnh nhân điều trị dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo để rửa trôi và làm dịu bớt cảm giác ngứa.
Để giảm bớt tình trạng viêm kết mạc, nên thực hiện các biện pháp sau:
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt là trước khi ăn.
– Giữ mắt sạch sẽ. Rửa sạch dịch ở mắt nhiều lần trong ngày bằng bông hoặc khăn giấy sạch.
– Giặt, thay vỏ gối hàng ngày cho đến khi hết nhiễm trùng. Giữ khăn tắm, khăn mặt và gối của riêng bạn tách biệt với những người khác hoặc sử dụng khăn giấy.
– Không chạm hoặc dụi mắt bị nhiễm trùng bằng ngón tay, nên dùng khăn giấy để lau.
– Không đeo và dùng chung đồ trang điểm mắt, thuốc nhỏ mắt hoặc kính áp tròng.
– Sử dụng một miếng gạc ấm hoặc khăn mặt, ngâm trong nước ấm. Đặt lên trên mắt trong vài phút, 3-4 lần/ngày. Điều này giúp giảm sưng, viêm và làm dịu cơn đau.
– Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi bụi bẩn và những thứ khác gây kích ứng mắt.
6. Phòng ngừa
Để tránh sự lây lan và nhiễm bệnh cho bản thân và mọi người xung quanh, cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
– Sử dụng khăn mặt, vật dụng cá nhân riêng.
– Không dụi mắt.
– Đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc trong môi trường ô nhiễm khói bụi, mang kính khi bơi.
– Che miệng – mũi khi hắt hơi, sổ mũi.
– Rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, ở nơi công cộng.
– Bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E…
– Tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản…
Viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân và có thể gây nên giảm thị lực không hồi phục. Do đó, không nên tự ý điều trị tại nhà, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời!