Viêm nang lông là bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi và gây mất thẩm mỹ làn da. Làm thế nào để cải thiện tình trạng viêm nang lông? Tìm hiểu ngay về nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và cẩm nang điều trị bệnh qua bài viết dưới đây!
1. Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là tình trạng xuất hiện những nốt đỏ hoặc nhọt trắng ở tất cả các vùng da trên cơ thể trừ vùng lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên thường gặp hơn ở người trẻ. Các nốt này thường sẽ biến mất sau vài ngày, có một vài trường hợp tổn thương có thể kéo dài và để lại sẹo trên da gây mất thẩm mỹ.
Viêm nang lông thường gặp ở người trẻ tuổi
2. Có những loại viêm nang lông nào?
Viêm nang lông được chia làm hai loại là viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu. Những trường hợp viêm nang lông sâu thường nghiêm trọng hơn viêm nang lông nông.
2.1. Viêm nang lông nông
– Do vi khuẩn: Biểu hiện thường là các nốt sưng ngứa và có mủ trắng. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu). Bình thường tụ cầu sống trên da, khi da có những tổn thương, tụ cầu sẽ xâm nhập vào sâu bên trong và gây viêm.
– Do tắm bằng bồn tắm nước nóng (viêm nang lông pseudomonas): Biểu hiện thường là phát ban mẩn đỏ, tròn, ngứa từ một đến hai ngày. Nguyên nhân do vi khuẩn Pseudomonas gây ra. Vi khuẩn này thường được tìm thấy ở các bồn tắm không được vệ sinh sạch sẽ hoặc ở những bể bơi không kiểm soát tốt pH và nồng độ Clo.
– Do lông mọc ngược: Loại này chủ yếu gặp ở nam giới có râu và ria xoăn. Đôi khi những người tẩy lông ở vùng kín cũng có thể gặp phải và có thể để lại sẹo thâm và lồi.
– Viêm nang lông do Pityrosporum hay còn gọi là viêm nang lông Malassezia: Malassezia là một loại nấm men. Cũng giống như tụ cầu, loại này có sẵn trên da. Khi da bị tổn thương loại này xâm nhập vào trong và gây những biểu hiện mụn đỏ, ngứa, có mủ ở những vùng như lưng, cánh tay, ngực,…
2.2. Viêm nang lông sâu
– Viêm nang lông ở cằm: Thường bắt gặp ở nam giới mới bắt đầu cạo râu.
– Do vi khuẩn Gram âm: Thường bắt gặp ở những người đang dùng kháng sinh dài hạn để trị mụn. Khi đó sẽ mất cân bằng hệ vi sinh vật, những vi khuẩn này thường phát triển mạnh và gây viêm.
– Mụn nhọt: xảy ra khi tụ cầu xâm nhập vào sâu trong nang lông và gây bệnh. Thường xuất hiện mụn nhọt gây đau.
– Do tăng bạch cầu ưa acid: Thường gặp ở những người nhiễm HIV/AIDS. Những người mắc phải thường cảm thấy ngứa ngáy dữ dội và xuất hiện các mảng mẩn ngứa ở gần các nang lông. Các mảng này sau khi khỏi cũng thường khiến cho các vùng da đó thâm hơn bình thường.
Viêm nang lông sâu thường nặng hơn viêm nang lông nông
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm nang lông
Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm nang lông là do tụ cầu vàng. Ngoài ra nó cũng có thể do các nguyên nhân khác như:
– Virus, nấm, vi khuẩn Gram âm
– Do lông mọc ngược.
– Người suy giảm miễn dịch.
– Ngâm mình trong bồn tắm không được vệ sinh sạch sẽ quá lâu.
– Mặc quần áo không thấm hút mồ hôi quá lâu.
– Dùng một số kháng sinh để trị mụn kéo dài.
– Gây tổn thương da do cạo râu hoặc các hoạt động khác.
Ngâm mình trong bồn tắm quá lâu có thể gây viêm nang lông
4. Biểu hiện của viêm nang lông
Một số triệu chứng điển hình giúp nhận biết viêm nang lông bao gồm:
– Các nốt mụn nhọt đỏ, có thể có mủ trắng ở xung quanh các nang lông.
– Ngứa hoặc đau, rát.
Các triệu chứng hầu như chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Ở một số trường hợp nặng hơn hãy liên hệ bác sĩ để nhận được sự tư vấn và điều trị. Tuy nhiên những trường hợp nặng mà không được điều trị đúng cách có thể để lại một vài biến chứng như:
– Nhiễm khuẩn lan rộng ra các vùng khác trên cơ thể hoặc lây lan ra những người xung quanh.
– Bệnh nhọt.
– Để lại các tổn thương vĩnh viễn như sẹo và các vết thâm trên da gây mất thẩm mỹ.
– Các nang lông, tóc có thể bị phá hủy khiến cho lông và tóc không thể mọc trở lại.
Viêm nang lông nặng khiến tóc không thể mọc lại
Nếu xuất hiện các dấu hiệu của viêm nang lông, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được chữa trị kịp thời, giúp bệnh được điều trị hiệu quả hơn.
5. Điều trị viêm nang lông như thế nào?
Tùy từng mức độ khác nhau mà mỗi trường hợp sẽ cần điều trị khác nhau. Có thể sử dụng các biện pháp chăm sóc cá nhân kết hợp với các biện pháp dùng thuốc. Những thuốc được sử dụng chủ yếu là những thuốc giúp giảm viêm, chống nhiễm khuẩn. Ngoài ra có thể trích rạch các vết để tháo mủ.
Người bị viêm nang lông cũng có thể sử dụng các bài thuốc dân gian thay vì sử dụng thuốc tây y để hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, dù điều trị theo phương pháp nào, người bệnh cũng nên đến khám bác sĩ hoặc các chuyên gia da liễu để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời, phòng tránh nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn khi tự ý dùng thuốc.
6. Phòng ngừa viêm nang lông
Để ngăn ngừa viêm nang lông và phòng trường hợp bệnh tái phát, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Không mặc quần áo chật để hạn chế việc ma sát giữa da và quần áo.
– Nếu sử dụng găng tay cao su nhiều lần thì sau mỗi lần sử dụng hãy rửa sạch bằng xà phòng và phơi khô phần trên trong găng tay trước khi sử dụng lần tiếp.
– Nếu là người râu mọc xoăn thì không nên cạo râu quá sát. Mỗi lần cạo râu cũng chú ý tránh gây tổn thương da.
– Cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm triệt lông cũng như các phương pháp tẩy lông khác.
– Sử dụng bồn tắm nước nóng sạch sẽ và bơi ở những nơi nước được khử trùng tốt.
Cạo râu cẩn thận để tránh làm tổn thương da mặt
– Giữ môi trường sống, sinh hoạt sạch sẽ, vệ sinh bề mặt các vật dụng trong gia đình như bàn ghế, tủ…
Tóm lại, viêm nang lông là một bệnh không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu thấy tình trạng bệnh kéo dài hoặc có xu hướng nặng thêm, hãy tới gặp bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ nhằm hạn chế việc để lại sẹo gây mất thẩm mỹ cho da và các biến chứng khác.