Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Huyết áp cao có thể ảnh hường tới bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên một trong những đối tượng cần được đặc biệt chú ý là phụ nữ mang thai. Lúc này, huyết áp cao được gọi là tăng huyết áp thai kỳ hay tăng huyết áp khi mang thai. Đây là bệnh lý thường xảy ra nhất trong giai đoạn thai kỳ, ảnh hưởng đến 5 – 10% phụ nữ mang thai. Nó nguy hiểm như thế nào, phòng ngừa và điều trị làm sao? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây?
1. Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Huyết áp là lực đẩy của máu lên thành động mạch khi tim bơm máu. Tăng huyết áp thai kỳ khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Có nhiều loại tăng huyết áp trong khi mang thai, bao gồm những trường hợp sau:
– Tăng huyết áp thai kỳ: Thường xuất hiện ở tuần thai thứ 20, thường không có bất cứ triệu chứng nào. Trong nhiều trường hợp được báo cáo, tình trạng này không tác động xấu đến bé và có thể biến mất sau khi sinh trong 12 tuần, tuy nhiên nó làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao trong tương lai. Một số khác thì phát triển thành chứng tiền sản giật.
– Tăng huyết áp mãn tính: Huyết áp cao bắt đầu trước tuần thứ 20 hoặc trước khi mang thai. Nhiều người không biết mình bị huyết áp cao cho đến khi khám tiền sản, do nó thường không có triệu chứng.
– Tiền sản giật: Là tình trạng huyết áp tăng đột ngột sau tuần thứ 20. Nó có thể gây ảnh hưởng đến một số cơ quan của cơ thể như thận, gan. Dấu hiệu bao gồm huyết áp tăng rất cao, trong nước tiểu tìm thấy Protein. Một số trường hợp nghiệm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
– Tiền sản giật trên bệnh nền tăng huyết áp mạn tính.
Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
2. Biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Với tỷ lệ mắc 5 – 10% phụ nữ mang thai, huyết áp cao nguy cơ gây ra nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm:
– Lượng máu đến nhau thai giảm: Khi nhau thai không được nhận đủ máu, thai nhi sẽ được ít oxy và chất dinh dưỡng hơn, dẫn đến chậm phát triển trong tử cung, bé sinh ra nhẹ cân hoặc sinh non. Nếu bé sinh non có thể gặp vấn đề về hô hấp, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc biến chứng khác.
– Bong nhau thai: Nhau thai sẽ tách khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Trường hợp nguy hiểm sẽ gây chảy máu nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi và cả người mẹ.
– Hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi trong tử cung.
– Tổn thương các cơ quan khác: Tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến não gây co giật, hôn mê. Hoặc gây tổn thương gan và tế bào máu, còn được gọi là hội chứng HELLP.
– Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
3. Làm gì khi bị tăng huyết áp trong khi mang thai?
Để thai nhi được khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý những thông tin dưới đây:
3.1. Chẩn đoán bệnh
Theo dõi huyết áp là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe mẹ và bé trong thai kỳ. Khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg, đặc biệt sau tuần thứ 20, bác sĩ tiến hành chẩn đoán bằng cách thực hiện một số xét nghiệm để khẳng định tình trạng bệnh lý.
3.2. Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ hầu như không gây biểu hiện bên ngoài, đa phần được chẩn đoán bằng các xét nghiệm kiểm tra thai định kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện dấu hiệu nhận biết như:
– Buồn nôn, nôn mửa (triệu chứng này giống với tình trạng bình thường trong thai kỳ).
– Đau đầu dữ dội.
– Lượng nước tiểu giảm.
– Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải.
– Gặp vấn đề về mắt như mất thị lực tạm thời, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt.
– Khó thở.
– Xuất hiện Protein trong nước tiểu.
– Tăng cân đột ngột, phù nề, nhất là ở mặt và tăng thường đi kèm với tiền sản giật. Tuy nhiên chúng cũng xuất hiện trong nhiều trường hợp mang thai bình thường. Do đó, dấu hiệu này không thật sự có ý nghĩa.
Khi nhận thấy một trong những triệu chứng trên, mẹ bầu nên đi kiểm tra lại để tìm ra được nguyên nhân của chúng.
Khó thở là một trong những triệu chứng của bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ
4. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc huyết áp tăng trong khi mang thai
Ở một số đối tượng sẽ cần đặc biệt quan tâm tình trạng này, do nguy cơ mắc phải cao hơn, bao gồm:
– Đang mang thai nhiều hơn 1 bé.
– Trên 40 tuổi.
– Tiền sử tăng huyết áp trong thai kỳ hoặc có gia đình mắc bệnh lý này.
– Là người Mỹ gốc Phi.
– Huyết áp cao trước khi mang thai.
– Đang gặp một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, bệnh huyết khối, lupus.
Đang mang thai nhiều hơn 1 bé cần chú ý đến bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ
5. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Huyết áp cao làm nguy hiểm đến tính mạng như đau tim, đột quỵ hoặc biến chứng khác. Dựa vào mức độ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng thuốc trong thai kỳ và chế độ ăn, tập thể dục thể thao hợp lý.
5.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy từng tình trạng bệnh của mẹ bầu mà người bệnh có phương pháp điều trị bằng thuốc cho hợp lý.
– Trường hợp nặng:
+ Một số thuốc được cho là an toàn hoặc ít ảnh hưởng đến mẹ và bé như Methyldopa, Nifedipin đường uống hoặc Labetalol đường tĩnh mạch.
+ Thuốc chống chỉ định bao gồm ức chế men chuyển, ức chế hệ Renin, ức chế thụ thể Angiotensin.
+ Việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
– Trường hợp nhẹ và trung bình:
+ Thuốc được khuyến cáo như: Chẹn kênh Canxi, ức chế Beta, Methyldopa, tuy nhiên thuốc chẹn kênh Canxi có thể gây chậm tăng trưởng, chậm nhịp tim cho thai nhi.
+ Tiền sản giật gây giảm thể tích huyết tương nên thuốc lợi tiểu không được chỉ định, Furosemid liều thấp có thể được xem xét.
Chỉ sử dụng thuốc trong thai kỳ khi có sự chỉ định của bác sĩ
5.2. Điều trị bằng biện pháp khác
Ngoài việc sử dụng thuốc, bà bầu nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể dục thể thao hợp lý. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá và không uống rượu, bia.
Xem thêm: Tăng huyết áp có nên tập thể dục?
6. Cao huyết áp sinh thường được không?
– Dựa vào nhiều yếu tố mà bác sĩ khuyên bà bầu nên sinh mổ hay sinh thường, bao gồm thời điểm khởi phát tăng huyết áp và việc kiểm soát nó có tốt hay không, ảnh hưởng đến các cơ quan khác, biến chứng của thai nhi có thể xảy ra,…
– Một số khuyến cáo trong khi sinh như:
+ Không sinh sớm trước 37 tuần ở phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính có huyết áp < 160/100 mmHg, có/không điều trị bằng thuốc hạ huyết áp, trừ khi có chỉ định khác. Nên chăm sóc chặt chẽ mẹ và bé, có thể xét nghiệm nước tiểu, máu cho mẹ bầu và siêu âm, theo dõi nhịp tim, kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
+ Phụ nữ tăng huyết áp mạn tính sau 37 tuần, có/không điều trị bằng thuốc, thời gian sinh nên được thỏa thuận giữa người mẹ và bác sĩ khoa sản.
+ Nếu cần thiết phải sinh sớm, cần có liệu trình điều trị thích hợp, phù hợp với khuyến cáo của Bộ y tế.
7. Chăm sóc cho mẹ bầu và phụ nữ sau khi sinh
Sau khi sinh, cả mẹ và bé cũng cần chăm sóc đặc biệt như trước khi sinh, nên tiến hành đo huyết áp:
– Hằng ngày trong 2 ngày đầu sau sinh.
– Ngày thứ 3 – 5: Ít nhất 1 lần.
Đối với tăng huyết áp thai kỳ, các triệu chứng thường biến mất trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Nếu trong trường hợp, triệu chứng vẫn không hết, cần đến bệnh viện để chuyên gia kiểm tra lại ngay và có biện pháp xử trí kịp thời.
Kiểm tra huyết áp mẹ và bé sau khi sinh
Xem thêm: Huyết áp cao nên ăn gì? Kiêng gì?
Trên đây là những nội dung để cung cấp thông tin cần thiết về tăng huyết áp thai kỳ. Mong rằng bài viết như là cẩm nang giúp ích được cho mẹ và những người thân trong gia đình. Chúc các bà mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.