Viêm phế quản và viêm phổi có điểm gì khác nhau?
Viêm phế quản và viêm phổi đều là những bệnh thường gặp khi có nhiễm trùng làm tổn thương các cơ quan trên đường hô hấp. Rất nhiều người đã nhầm lẫn 2 bệnh này dẫn đến việc điều trị bị gián đoạn, bệnh không thuyên giảm. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu sự khác nhau giữa 2 loại bệnh này qua bài viết sau đây:
1. Vị trí tổn thương
Viêm phổi được định nghĩa là sự tổn thương tại phế nang (túi khí) – là nơi trao đổi oxy giữa máu và không khí. Lúc này các phế nang sẽ sưng to, chứa nhiều mủ nhầy làm khó khăn việc trao đổi khí.
Viêm phế quản là sự tổn thương tại niêm mạc bên trong của phế quản. Viêm phế quản còn được gọi là viêm cuống phổi. Điều đó có nghĩa là sự tổn thương xuất hiện trên đường không khí đi trước khi vào phổi.
Nếu viêm phế quản không được điều trị triệt để sẽ hoàn toàn có thể chuyển sang viêm phế quản mạn, tiến triển thành viêm phổi. Song lại rất khó để viêm phổi tiến triển thành viêm phế quản.
Phân biệt giữa viêm phế quản và viêm phổi
2. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm phế quản
Với viêm phế quản cấp, bệnh thường gây ra bởi virus hoặc vi khuẩn bên ngoài. Chúng có sẵn trong khoang mũi họng hoặc xâm nhập từ bên ngoài và gây sưng viêm niêm mạc phế quản.
Khi không điều trị triệt để để, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn thì những tác nhân như khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất… kích thích phế quản, gây bùng phát đợt viêm cấp.
Viêm phổi
Nguyên nhân gây viêm phổi cũng đến từ vi khuẩn hoặc virus, phổ biến như Streptococcus pneumoniae, SARS, SARS Cov-2,… Bên cạnh đó viêm phổi cũng có nguyên nhân do nhiễm nấm hay nhiễm Mycoplasma pneumoniae…
3. Phân biệt dựa vào triệu chứng gây bệnh
Triệu chứng là một trong những yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán bệnh. Giữa viêm phế quản và viêm phổi có những biểu hiện giống nhau như cùng có ho, sốt, khó thở… và điều đó dẫn đến việc khó phân biệt. Tuy nhiên nếu để ý kĩ thì mức độ cũng như biểu hiện của những dấu hiệu này có sự khác nhau.
Triệu chứng viêm phế quản
Dựa vào thể cấp hay mạn mà các triệu chứng của viêm phế quản có sự khác biệt:
– Viêm phế quản cấp:
+ Các triệu chứng thường giống với viêm đường hô hấp trên, không kéo dài và thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến 1 tuần. Các triệu chứng này cũng ít khi tiến triển nặng hơn.
+ Dấu hiệu xuất hiện khá sớm như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, ớn lạnh, nghẹt mũi, ho (ho khan hoặc ho có đờm)… Với tác nhân vi khuẩn sẽ gây đờm có màu vàng, hay xanh lục đặc trưng, còn nếu tác nhân virus dịch hô hấp thường loãng và trong.
Triệu chứng viêm phế quản cấp tính
– Viêm phế quản mạn: Các dấu hiệu trên sẽ da dẳng hơn, kéo dài ít nhất vài tuần đến vài tháng. Bệnh nhân sẽ ho nặng nề hơn khi gặp các tác nhân kích ứng. Kèm theo đó là tình trạng khó chịu ở ngực, hụt hơi, thở nông, thở khò khè, cơ thể mệt mỏi…
Triệu chứng viêm phổi
Khi bệnh nhân bị mắc viêm phổi cũng sẽ có các biểu hiện như ho, sốt, ớn lạnh…tuy nhiên ở mức độ nặng hơn:
– Sốt, ớn lạnh: Thường cơ thể sẽ sốt cao, có khi lên đến 40 độ C và có co giật.
– Ho nhiều dai dẳng kéo dài, có thể kèm theo đờm xanh hoặc đờm vàng.
– Đau ngực nghiêm trọng nhất là khi ho hoặc hít thở sâu.
– Thường xuyên ớn lạnh, run người.
Ngoài ra có một số triệu chứng đặc trưng của viêm phổi:
– Thường xuyên buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa.
– Lú lẫn, thay đổi nhận thức, không tỉnh táo, thường xuyên lơ mơ, đặc biệt ở người cao tuổi.
– Thở nhanh, nông chứ không thở khò khè. Việc hít vào – thở ra cũng khó khăn hơn, nét mặt tím tái.
Triệu chứng của viêm phổi
Có thể thấy các triệu chứng của viêm phổi nặng hơn nhiều so với viêm phế quản nhất là ở trên đối tượng người cao tuổi, người sẵn có bệnh lý trên phổi.
4. Sự khác nhau trong phương pháp điều trị
Khi được chẩn đoán xác định mắc bệnh viêm phế quản hay viêm phổi thì phương pháp điều trị đều dựa theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Cụ thể là:
– Sử dụng các loại thuốc phù hợp để điều trị các trị triệu chứng như ho, đờm, sốt…. Các loại thuốc thường dùng như là thuốc ho, hạ sốt, các thuốc giảm viêm, giãn phế quản, thông thoáng đường thở nếu như bị kích ứng mạnh, khó thở…
– Với viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn, bệnh nhân còn được kê đơn sử dụng kháng sinh để điều trị và tránh bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên với đa phần nguyên nhân là do virus nên bệnh nhân sẽ dùng các thuốc điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ tự nghỉ ngơi tại nhà, bồi bổ sức khỏe.
– Với viêm phế quản mãn tính thì chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị giúp giảm nhẹ biểu hiện bệnh cũng như hạn chế bùng phát các đợt cấp và ngăn ngừa biến chứng.
– Viêm phổi nếu diễn biến trở nặng cần nhập viện theo dõi. Đồng thời bệnh nhân được truyền kháng sinh qua tĩnh mạch, cùng với các liệu pháp oxy tăng thông khí hay các biện pháp hỗ trợ khác cần thiết.
Việc phân biệt giữa viêm phế quản và viêm phổi rất quan trọng giúp bệnh nhân có được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Chính vì vậy khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc 2 bệnh trên hãy đi khám bác sĩ để có chẩn đoán bệnh để điều trị bệnh sớm tránh để tình trạng nặng hơn.