[CẢNH BÁO] Viêm đại tràng co thắt – Chớ nên coi thường

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt là bệnh lý phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Bệnh tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng nhưng lại gây ra những phiền phức, triệu chứng kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Có cách nào cải thiện tình trạng này không? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về vấn đề này nhé!

I. Viêm đại tràng co thắt là gì?

Viêm đại tràng co thắt hay nói chính xác hơn là đại tràng co thắt, hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng chức năng, rối loạn chức năng đại tràng…

Khoảng 20% dân số bị bệnh, riêng tính ở nước ta có tới 30-40% người đến khám tại các cơ sở y tế gặp vấn đề về đại tràng co thắt. Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, trung bình cứ 4 nữ giới thì có 1 người nam mắc.

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng ống tiêu hóa với triệu chứng liên quan đến đại tràng. Đặc điểm nổi bật của bệnh là tái đi tái lại nhiều lần nhưng lại không tìm thấy bất cứ các tổn thương thực thể nào trong niêm mạc đường ruột. Khác hẳn với viêm đại tràng thực thể gây ra những vết viêm, loét ở niêm mạc đại tràng.

Có 3 cơ chế chính đặc trưng cho đại tràng co thắt:

– Thay đổi tính chịu đựng của ruột: ở một số đoạn ruột khả năng chịu áp lực của khối thức ăn bị giảm đi.

– Sự cảm thụ bất thường chức năng của ống tiêu hóa như tăng tính nhạy cảm và dễ bị kích thích.

– Rối loạn vận động: giảm nhu động ruột gây táo bón, ngược lại tăng nhu động ruột gây tiêu chảy.

II. Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt

triệu chứng của viêm đại tràng co thắt

Đau bụng – Triệu chứng của viêm đại tràng co thắt

Triệu chứng của đại tràng co thắt tương tự như một số bệnh lý khác đường tiêu hóa. Dấu hiệu điển hình nhất là đau bụng lan tỏa hoặc khu trú, kéo dài 12 tuần hoặc 12 tháng, không liên tục. Ngoài ra có thể xuất hiện thêm một số tác động tiêu cực khác, bao gồm:

– Thay đổi số lần khi đi đại tiện, 4-5 lần/ngày, tiêu chảy có thể kèm với táo bón.

– Thay đổi hình dạng khuôn phân: lỏng, nát, đầu rắn đuôi nát, nhỏ dẹt như phân mèo… Đi ngoài xong vẫn muốn đi tiếp, ăn xong là muốn đi cầu.

– Phân có nhầy nhưng không bao giờ có máu (khác với viêm đại tràng thực thể).

– Bụng chướng hơi, cảm giác tức bụng, đầy hơi, nhất là sau khi ăn, chỉ đi ngoài mới thấy dễ chịu.

– Đôi khi sờ thấy cục rắn nổi lên tại vị trí đau bụng.

– Ngoài triệu chứng ở hệ tiêu hóa, có một số biểu hiện toàn thân khác như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp…

Cần chú ý là triệu chứng có thể khác nhau ở từng người, chúng có thể thay đổi theo thời gian, liên quan đến cả chế độ và thức ăn đồ uống.

III. Khi nào viêm đại tràng co thắt cần đến thăm khám bác sĩ

Nếu người bệnh gặp phải những triệu chứng trong thời gian dài, nghiêm trọng không thể kiểm soát được thì cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Khi đã được chẩn đoán chính xác bệnh cũng dễ dàng được cải thiện hơn, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh và nhanh chóng làm giảm các triệu chứng.

Những triệu chứng của viêm đại tràng co thắt có thể dễ nhầm lẫn với viêm đại tràng nên thường được tiến hành nội soi niêm mạc. Kỹ thuật này sử dụng một ống mềm có gắn camera để kiểm tra niêm mạc ống tiêu hóa. Hình ảnh viêm đại tràng co thắt sẽ không có dấu hiệu của viêm loét như viêm đại tràng.

IV. Nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt

Hiện nay chưa biết rõ chính xác nguyên nhân gây đại tràng co thắt nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh. Chúng bao gồm:

1. Nhu động ruột hoạt động kém

Trong ống tiêu hóa có những cơn co thắt (nhu động ruột) với nhiệm vụ co bóp, trộn và vận chuyển thức ăn qua những bộ phận khác nhau. Người bị bệnh hội chứng ruột kích thích thường có nhu động ruột kém dẫn đến cường độ co bóp thay đổi thất thường, chậm hoặc nhanh tùy từng đối tượng.

2. Viêm ruột, nhiễm khuẩn

Trong ⅓ số người mắc đại tràng co thắt bị nhiễm vi khuẩn Brachyspira. Ở những người có hệ miễn dịch đường ruột suy giảm, vi khuẩn, virus dễ xâm nhập và khiến bệnh nguy hiểm hơn.

3. Tâm lý căng thẳng, lo lắng thường xuyên, kéo dài

Căng thẳng gây đại tràng co thắt

Căng thẳng gây đại tràng co thắt

Đây là yếu tố hàng đầu gây đại tràng co thắt và nhiều bệnh lý khác. Cuộc sống bận rộn, thời gian ăn uống rút ngắn, căng thẳng tăng, tâm lý bất ổn… thì các dấu hiệu lại càng rõ ràng.

Bởi những yếu tố này có thể khiến trục thần kinh não-ruột gặp vấn đề khiến sự phối hợp các tín hiệu giữa 2 cơ quan này kém đi gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Đây cũng chính là lý do tại sao người bệnh đi ngoài bất thường, có lúc tiêu chảy có lúc lại táo bón.

4. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ, thức ăn nhanh chứa chất bảo quản, không hợp vệ sinh… cũng là một yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích.

5. Rối loạn nội tiết tố

Sở dĩ phụ nữ thường có nguy cơ mắc cao hơn nam giới bởi sự thay đổi nội tiết tố. Nhiều người bệnh cảm thấy triệu chứng tồi tệ hơn trong thời gian kinh nguyệt, tiền mãn kinh…

V. Viêm đại tràng co thắt có nguy hiểm không?

Những triệu chứng gây ra bởi đại tràng co thắt thường không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên nó xảy ra thường xuyên sẽ gây phiền toái ảnh hưởng tới chất lượng công việc, sinh hoạt. Ngoài ra, việc triệu chứng xảy ra bất cứ lúc nào khiến người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng, kiêng khem, không dám ăn thoải mái… Những điều này lại kiến tình trạng của bệnh tồi tệ hơn, tạo vòng lặp luẩn quẩn khiến bệnh không khỏi hoàn toàn được.

VI. Điều trị viêm đại tràng co thắt nhanh chóng, hiệu quả

1. Điều trị bằng thuốc

Một số người bệnh sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng sau một khoảng thời gian triệu chứng tái phát. Người bệnh đi khám ở nhiều nơi khác nhau, nhưng luôn ngờ vực, lo lắng. Điều này là hoàn toàn sai lầm, do bệnh có thể tái diễn chỉ bởi một món ăn kích thích đường tiêu hóa, lo lắng, căng thẳng… Do đó, việc tuân theo điều trị bằng thuốc của bác sĩ là vô cùng cần thiết, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài quãng thời gian tái phát bệnh.

Một số nguyên tắc điều trị hội chứng ruột kích thích:

– Tập trung điều trị triệu chứng chính.

– Không có thuốc nào điều trị tất cả mọi triệu chứng nên việc phối hợp nhiều thuốc là cần thiết.

– Tuân thủ đúng thuốc, đúng thời điểm uống và thời gian sử dụng.

Một số loại thuốc thường được sử dụng:

– Thuốc giảm đau, giảm co thắt: No-spa, Duspataline, Spasfon…

– Thuốc chống táo bón: thuốc nhuận tràng như Duphalac, Forlax…

– Thuốc tiêu chảy: Smecta, Imodium…

– Thuốc giảm đầy hơi, chướng bụng: Pepsan, Meteospasmyl…

– Thuốc an thần kinh: Rotunda, Seduxen…

2. Chế độ dinh dưỡng

Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học ở người đại tràng co thắt cũng vô cùng quan trọng.

Những thực phẩm cần tránh:

Hạn chế thực phẩm sinh hơi

Hạn chế thực phẩm sinh hơi

– Thức ăn khó tiêu như bánh ngọt nhiều bơ, đồ ăn nhiều dầu mỡ, khoai sắn…

– Thực phẩm dễ sinh hơi: các loại đậu, súp lơ xanh, bắp cải…

– Đồ uống nhiều đường, chứa cồn và gas, chất kích thích như cà phê, gia vị chua cay…

– Nếu tiêu chảy cần tránh những thực phẩm nhiều chất cơ như dưa hấu, rau muống…

– Thức ăn để lâu, bảo quản không tốt.

Thay vào đó nên ăn những loại thực phẩm:

– Nếu bị táo bón: Tăng khối lượng chất xơ dễ tiêu hóa như khoai lang, gạo lứt, rau xanh…

– Nếu bị tiêu chảy: thịt nạc, các loại trái cây như chuối, cam, hồng xiêm…

– Trong cả hai trường hợp cần bổ sung đủ nước.

Những lưu ý trong chế độ ăn:

– Nên ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ để tránh không khí theo thức ăn vào gây sôi bụng.

– Thay vì ăn 3 bữa chính có thể chia thành nhiều bữa nhỏ hơn 4-6 bữa/ngày.

– Giữ tâm lý thoải mái trong khi ăn, hạn chế căng thẳng…

3. Chế độ sinh hoạt

Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi

Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi

– Xây dựng chế độ luyện tập thể dục thể thao là rất cần thiết. Điều này không chỉ cải thiện các triệu chứng của đại tràng co thắt mà còn cải nâng cao thể chất cơ thể nói riêng. Có thể thường xuyên đi bộ, đạp xe, bơi lội… hoặc bất cứ môn thể thao nào bạn yêu thích.

– Luyện tập đi đại tiện vào 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để làm dịu cảm giác muốn đi ngoài.

– Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng.

– Học cách thư giãn khi tiếp xúc với những áp lực trong cuộc sống.

Bài viết giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về viêm đại tràng co thắt, mong rằng với những kiến thức này có thể giúp ích của bạn cải thiện các triệu chứng, nâng cao sức khỏe. Mong rằng bạn luôn luôn nhiều sức khỏe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *