Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh thường gặp có liên quan đến cột sống, xương khớp. Phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp tăng khả năng phục hồi của cơ thể. Đừng bỏ lỡ những thông tin cơ bản về thoát vị đĩa đệm qua bài viết sau giúp nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu của bệnh từ đó thăm khám và có biện pháp xử trí kịp thời.
1. Tổng quan về bệnh thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, được bao quanh bởi những lớp vỏ, bên trong là nhân nhầy. Đĩa đệm chịu áp lực từ cột sống đè lên, tạo nên sự mềm dẻo cho cột sống.
Nghiên cứu cho thấy, bất cứ khi nào đĩa đệm cũng phải chịu áp lực nội đĩa đệm, cụ thể như sau:
– Nằm ngửa thoải mái: Lực kéo Nachemson của các cơ và các dây chằng tác động lên những đĩa đệm thắt lưng dưới 25kg lực.
– Tư thế thẳng đứng: Áp lực tăng lên 100kg lực. Khi cúi người về trước là 140kg lực, còn khi vừa cúi vừa xách tay thêm 20kg thì tăng đến 200kg lực.
– Tư thế ngồi không tựa: 140kg lực.
– Tư thế ngồi thoải má: Dưới 80kg.
– Khi ho, rặn, cười: Áp lực trong các đĩa đệm lên đến 50kg lực.
Áp lực lên đĩa đệm
Do đó, khi xảy ra tổn thương ở đĩa đệm thì người bệnh cần nằm xuống nghỉ ngơi giúp làm giảm áp lực của cột sống.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường ban đầu, xuyên qua dây chằng và chèn ép các rễ thần kinh dẫn đến hiện tượng tê bì, đau nhức.
Thoát vị đĩa đệm có thể do sang chấn, thoái hóa, nứt, rách đĩa đệm, xảy ra ở bất kì vị trí nào của cột sống. Thực tế, thường xuất hiện cơn đau từ thắt lưng xuống chân do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng.
2. Nguyên nhân gây thoát vị địa đệm là gì?
Một số nguyên nhân thoát vị đĩa đệm chính có thể gặp phải như sau:
– Làm việc, vận động, lao động quá sức/sai tư thế khiến đĩa đệm, cột sống bị tổn thương:
+ Người làm những công việc nặng, trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên tác động lên cột sống cũng ảnh hưởng đến đĩa đệm.
+ Những người làm văn phòng, thường xuyên ngồi nhiều, ngồi lâu cũng khiến đĩa đệm bị tổn thương.
Thường xuyên ngồi lâu, ít vận động là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
– Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, quá trình thoái hóa tự nhiên diễn ra càng nhanh, đĩa đệm và cột sống bị mài mòn dần, mất nước, dẫn đến thoái hóa xơ cứng và tăng tỉ lệ bị tổn thương đĩa đệm. Đây là nguyên nhân phổ biến, chiếm tỉ lệ lớn ở người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
– Chấn thương ở vùng lưng, các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải ở cột sống như thoái hóa cột sống, gù lưng, vẹo lưng…
– Cân nặng: Cân nặng càng lớn, áp lực lên các đĩa đệm cột sống càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng.
Do đó, đối tượng có tỉ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao như người cao tuổi, tính chất công việc, người thừa cân, béo phì. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích hay tâm lý căng thẳng, stress, ăn uống thiếu chất cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 30% dân số bị thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng, chiếm tỉ lệ lớn và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp khi 20-55 tuổi. Ngoài ra thoái hóa cột sống cổ cũng là bệnh lý hay gặp.
Nhiều đối tượng thường phát hiện bệnh muộn và chữa trị không đúng cách, khiến bệnh tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, nguy hiểm hơn là gây mất khả năng vận động.
Thoát vị đĩa đệm nếu không điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Một số triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:
– Đau nhức tay, chân: Xuất hiện những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay, sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay. Triệu chứng đau có thể kéo dài vài ngày, vài tuần đến vài tháng, đau dữ dội, nặng hơn khi vận động, đi lại và giảm hơn khi nghỉ ngơi.
– Tê bì tay chân: Vùng thắt lưng có cảm giác đau nhức, tê bì do nhân nhầy của đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí ban đầu của nó, chèn ép rễ thần kinh. Người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác, cảm giác kiến bò trong người…
– Yếu cơ, bại liệt: Bệnh ở giai đoạn nặng, thường sau một thời gian dài mới phát hiện được. Người bệnh đi lại vận động khó khăn, lâu dần khiến teo chân, teo cơ, liệt các chi.
– Hội chứng đuôi ngựa: Rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép, có thể làm mất kiểm soát khi đi đại tiện.
– Rối loạn cơ vòng: Gây mất kiểm soát tiểu tiện, dẫn đến tiểu són, tiểu nhiều, tiểu không kiểm soát…
Tuy nhiên, cũng có trường hợp không có triệu chứng gì. Do đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần tới bệnh viện để được khám chữa bệnh kịp thời, tránh để lại biến chứng nặng nề.
4. Các giai đoạn của bệnh thoát vị đĩa đệm
Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn chính, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Phình đĩa đệm
Đây là giai đoạn đầu tiên, người bệnh khó có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Đĩa đệm phình to hơn với bình thường dẫn đến suy giảm các chức năng của đĩa đệm.
Đến một mức độ nào đó, sự lớn lên của đĩa đệm đến sẽ chèn ép lên các rễ thần kinh, gây đau dây thần kinh. Tuy nhiên, chúng dễ bị nhầm lẫn với bệnh đau lưng thông thường.
Giai đoạn 2: Lồi đĩa đệm
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể cảm thấy đau lưng cục bộ, một số trường hợp có thể nhận thấy sự chèn ép thần kinh với những cơn đau dữ dội ở khu vực lưng dưới, lan xuống hông và hai chân. Lúc này, nhân nhầy có xu hướng thoát ra ngoài, gia tăng những cơn đau ở chân.
Bệnh không được điều trị sớm, có thể khiến cơ thể di chuyển lệch sang một bên trái/phải, làm mất thẩm mỹ và khó khăn khi vận động.
Giai đoạn 3: Thoát vị đĩa đệm thực thụ
Bao xơ bị rách hoàn toàn, nhân nhầy cùng các thành phần khác thoát ra ngoài. Chúng không tách ra mà vẫn bám với nhau thành 1 khối, chèn ép các rễ thần kinh gây đau dữ dội, khiến người bệnh đau đớn khi vận động.
Đây là giai đoạn tương đối nguy hiểm của bệnh. Nếu không được điều trị sớm, các tổn thương có thể vĩnh viễn không thể phục hồi.
Giai đoạn 4: Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
Ở giai đoạn này, bệnh biểu hiện rõ ràng, các nhân nhầy thoát hết ra ngoài, chèn ép lên các rễ thần kinh gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bại liệt, teo cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.
Thoát vị đĩa đệm nặng hơn theo từng giai đoạn, do đó, phát hiện bệnh sớm sẽ tăng khả năng phục hồi cũng như giảm chi phí điều trị.
5. Biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm
Cơn đau do thoát vị đĩa đệm rất dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau xương khớp thông thường. Nếu không được phát hiện sớm và nhanh chóng điều trị, thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tổn thương hệ thần kinh
Thoát vị đĩa đệm khiến cho nhân nhầy và các chất khác khi thoát ra ngoài chèn lên dây thần kinh chạy dọc cột sống khiến chúng bị tổn thương. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, đau đớn dọc theo đường đi của dây thần kinh, lâu dần hình thành các cơn đau ở thắt lưng, sau đó lan xuống tay chân. Con đau cũng nặng hơn khi vận động mạnh.
Rối loạn đại tiểu tiện
Thoát vị đĩa đệm khiến cho cơ vòng bị rối loạn. Điều này dẫn đến mất tự chủ trong việc đại tiện, tiểu tiện.
Biến chứng của thoát vị đĩa đệm
Rối loạn cảm giác
Các dây thần kinh bị tổn thương khiến những vùng da tương ứng với rễ dây thần kinh thường bị mất đi cảm giác, tê bì tay chân, nóng lạnh thất thường.
Teo cơ
Thoát vị đĩa đệm chèn ép diện rộng gây ra tình trạng máu kém lưu thông đến các cơ. Nếu không có phương pháp khắc phục kịp thời khả năng teo cơ là rất cao.
Tàn phế, bại liệt
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh khi người bệnh mất đi khả năng vận động, lao động, không thể đi lại được và chỉ nằm yên một chỗ.
6. Các biện pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Khi nhận ra cơ thể có những dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ. Nên lựa chọn phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện có độ uy tín cao, các bác sĩ, chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp khi mắc bệnh.
Trong quá trình kiểm tra, người bệnh có thể được yêu cầu nằm xuống và thực hiện các tư thế khác nhau để xác định nguyên nhân gây đau. Ngoài ra, có thể thực hiện các test về thần kinh để kiểm tra trương lực cơ, mức độ thả lỏng, khả năng đi lại, cảm nhận kích thích. Nếu còn nghi ngờ chưa đưa ra được kết luận hoặc xác định rõ vị trí tổn thương, có thể thực hiện thêm các xét nghiệm:
– Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, chụp cản quang. Các phương pháp này đều cung cấp những hình ảnh có giá trị chẩn đoán khác nhau, phục vụ việc kết luận chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Chụp Xquang, CT hay các phương pháp khác để xác định chính xác vị trí thoát vị đĩa đệm
– Test thần kinh: Thực hiện phương pháp đo điện cơ xác định mức độ lan truyền của xung thần kinh, giúp xác định phần dây thần kinh bị tổn hại.
7. Điều trị thoát vị đĩa đệm nhanh chóng, an toàn
Điều trị thoát vị đĩa đệm chủ yếu tránh các tư thế gây đau, hướng dẫn người bệnh các bài tập bổ trợ và dùng thuốc theo đúng chỉ định để giảm triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn.
Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, giãn cơ, Corticoid đường tiêm. Nếu sau vài tuần dùng thuốc nhưng không các triệu chứng không được cải thiện, cơn đau vẫn kéo dài, nên cân nhắc vật lý trị liệu.
Các bác sĩ cũng có thể gợi ý cho người bệnh các liệu pháp thay thế hoặc kết hợp với thuốc giúp giảm đau lưng như: Massage, kéo nắn xương khớp, châm cứu, yoga.
Một số trường hợp cần được phẫu thuật khi dùng thuốc hay vật lý trị liệu không có hiệu quả sau 6 tuần điều trị, đặc biệt là ở các đối tượng yếu cơ, đi lại khó khăn, mất kiểm soát cơ vòng.
Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp trong suốt quá trình điều trị:
– Hạn chế các hoạt động mạnh, tăng cường nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
– Nếu thấy các triệu chứng không thuyên giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn (tiểu khó, đại tiện khó, tê liệt chân tay, đau vùng bàn tọa, yếu đột ngột ở bộ phận nào đó, đặc biệt là chân) cần báo ngay cho bác sĩ.
– Nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn, thỉnh thoảng cần vận động nhẹ như đi lại, làm việc nhà. Tránh nằm quá nhiều gây cứng khớp cột sống và yếu cơ.
8. Phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm
Các biện pháp phòng tránh bệnh có thể kể đến như sau:
– Thực hiện các bài thể dục vừa sức, tăng độ dẻo dai, linh hoạt của các cơ cạnh cột sống, giúp ổn định cột sống, giảm nguy cơ tổn thương đĩa đệm.
– Không mang vác, vận động quá sức hay sai tư thế.
– Duy trì cân nặng phù hợp, tránh béo phì, thừa cân làm tăng áp lực lên cột sống, dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm cũng tăng lên.
Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, người bệnh không được lơ là chủ quan, nên thăm khám ngay để được điều trị nhanh chóng và hiệu quả phục hồi cao.