Khi mắt bị co giật, nháy mắt liên tục, nhiều người cho rằng đây là điềm báo cho một điều bất thường gì đó sắp xảy ra. Tuy nhiên, đây có thể là cảnh báo của một vấn đề bệnh lý nào đó. Cùng tìm hiểu ngay với chúng tôi qua bài viết sau đây.
1. Mắt co giật biểu hiện như thế nào?
Mắt co giật (co giật mí mắt) là tình trạng mí mắt co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ. Triệu chứng này thường xảy ra với mí mắt trên, hiếm khi xuất hiện ở mí mắt dưới.
Phần lớn trường hợp, sự co thắt này rất nhẹ, chỉ giống như sự co kéo nhẹ mí mắt. Tuy nhiên ở một số đối tượng, thì sự co giật có thể mạnh đến mức khiến mắt phải nhắm lại ngay lập tức. Một số người lại không nhận thấy dấu hiệu nào.
Mắt co giật là tình trạng mí mắt co thắt lặp đi lặp lại không tự chủ
Co giật mí mắt thường xảy ra trong một vài giây cho đến 1 – 2 phút. Các đợt co giật không dự đoán trước được. Triệu chứng này có thể biến mất và uất hiện nhiều ngày sau đó hoặc có thể không nhận thấy bất cứ sự co giật nào trong vòng vài tuần, thậm chí vài tháng.
Co giật mí mắt hầu hết không gây đau đớn hay ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới sinh hoạt hàng ngày. Các cơn co giật thường tự biến mất mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, ở một vài trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh nguy hiểm, do đó, chúng ta cần lưu ý những điều cơ thể muốn nói để nhanh chóng phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân co giật ở mắt
Khi nhận thấy mí mắt co giật một cách bất thường, hãy đừng chủ quan bỏ qua mà nên cẩn thận do có thể mắc phải vấn đề sức khỏe nào đó như:
Mắt có khối u
Mặc dù tỉ lệ xảy ra là vô cùng thấp nhưng không được coi thường tới hiện tượng này. Nếu mắt có khối u sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe thị giác.
Nếu gặp phải triệu chứng này, cần đi khám chuyên khoa để được các bác sĩ, chuyên gia kiểm tra tình trạng của mắt và đưa ra nhận định chính xác. Mắt co giật liên tục rất có thể là do có khối u đang được hình thành, chèn ép lên dây thần kinh, gây ra co giật mắt.
Nguy cơ mắt có khối u là rất thấp nhưng chúng ta cần thăm khám sớm để phát hiện nguyên nhân gây co giật mí mắt và có biện pháp điều trị kịp thời.
Uống nhiều cà phê
Cà phê có chứa Caffeine dễ khiến nhịp tim tăng cao, từ đó kích thích quá trình trao đổi chất, hoạt động của các cơ, bao gồm mắt. Uống cà phê hàng ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến mí mắt co giật liên hồi.
Các vùng cơ ở mắt rất nhỏ và nhạy cảm, chỉ cần một chút tác động nhỏ từ yếu tố môi trường bên ngoài hay bên trong cũng khiến chúng phản ứng lại bằng hiện tượng co giật.
Uống nhiều cà phê mỗi ngày cũng dẫn đến mí mắt co giật liên hồi.
Cà phê là thức uống cung cấp năng lượng rất tốt, nhưng cái gì “quá” cũng không tốt, chúng ta không nên uống quá 3 ly mỗi ngày.
Căng thẳng quá mức
Co giật mí mắt cũng là sự báo hiệu cho tình trạng căng thẳng, mệt mỏi quá mức của đôi mắt khi cơ thể làm việc quá sức.
Căng thẳng, lo âu quá mức có thể phản ứng bằng nhiều biểu hiện khác nhau như thở dài, ngáp, uể oải, co giật mí mắt…
Chỉ cần điều chỉnh lại thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý sẽ cải thiện tình trạng này đáng kể. Ngoài ra, nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý cũng giúp tinh thần thoải mái, bớt lo âu, đau đầu, tăng cường miễn dịch và phòng bệnh hiệu quả.
Mất ngủ
Thiếu ngủ thường xuyên khiến cho cơ thể bị mệt mỏi, căng thẳng, hệ miễn dịch làm việc với hiệu suất thấp hơn bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khi thiếu ngủ, mắt là nơi phản ánh tình trạng này rõ rệt nhất, có thể xuất hiện quầng thâm, nhức mỏi mắt và cả co giật mí mắt.
Dị ứng
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, ngạt mũi, nổi mẩn đỏ, ngứa, co giật mí mắt… rất có thể do dị ứng với một tác nhân nào đó.
Khi bị dị ứng, cơ thể giải phóng Histamin và kích hoạt cơ chế chống lại các tác nhân gây dị ứng, các biểu hiện ngạt mũi, nổi mẩn đỏ, co giật mí mắt… là phản ứng đáp lại của cơ thể với tác nhân gây dị ứng đó.
Nhiều người cho rằng, các dầu hiệu này là bình thường, nhưng nếu không có điều trị sớm, để mắt co giật kéo dài, nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm ở mắt là rất cao. Hậu quả là mắt bị khô, viêm giác mạc, thậm chí là mù tạm thời.
Dị ứng có thể gây co giật mí mắt
Nếu bị co giật do dị ứng, cần hỏi ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích nhất. Nên sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giảm kích thích, êm dịu cho mắt.
Đồ uống chứa cồn
Tương tự như đồ uống chứa nhiều Caffeine, thức uống chứa hàm lượng cồn lớn như bia, rượu cũng là một trong các nguyên nhân khiến mắt co giật.
Hạn chế sử dụng loại đồ uống này để giảm bớt nguy cơ co giật mắt.
Khô mắt
Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 50 tuổi thường dễ bị khô mắt. Đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ co giật mắt. Tuy nhiên hiện nay chứng khô mắt cũng rất thường gặp ở đối tượng thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử hay ở người đang sử dụng một số thuốc gây khô mắt như thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm.
Cần sử dụng các sản phẩm bổ sung dưỡng ẩm cho mắt để ngăn ngừa khô mắt, giảm co giật mắt.
Thiếu chất
Một vài nghiên cứu cho rằng, thiếu hụt các vi chất, ví dụ như Magie cũng khiến mắt bị co giật.
Để khắc phục, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, cung cấp đủ dưỡng chất cần cho cơ thể, phục hồi thị giác. Áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh sẽ giúp cải thiện tình trạng mắt giật.
Thống kê cho thấy, co giật mí mắt lành tính thường gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới. Tình trạng này thường nặng hơn theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến thị lực. Do đó, cần theo dõi và điều trị sớm, tránh gây nguy hiểm cho mắt.
3. Biến chứng của co giật mắt
Đa phần co giật mí mắt không gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người. Tuy nhiên, ở một số trường hợp rất hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn thần kinh, não và đi kèm với các triệu chứng khác.
Các rối loạn thần kinh, não gây co giật mắt có thể được kể đến như:
– Liệt dây thần kinh mặt.
– Bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson hay hội chứng Tourette.
– Loạn trương lực cơ cổ, khiến cổ co giật bất ngờ, đầu quay ở vị trí gây khó chịu cho cơ thể.
– Loạn trương lực cơ, co thắt cơ không tự chủ, một phần cơ thể có khả năng bị xoay hoặc biến dạng.
– Giác mạc trầy xước. Nếu bị chấn thương mí mắt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ nhãn khoa ngay, vết xước giác mạc có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở mắt không thể phục hồi.
Vết xước giác mạc có thể gây ra các tổn thương mắt không phục hồi
Khi co giật mí mắt nghiêm trọng, xuất hiện các triệu chứng sau thì cần cấp cứu ngay lập tức:
– Mắt sưng, đỏ, chảy dịch.
– Mí mắt trên bị rũ xuống hoặc sụp xuống hoàn toàn sau mỗi lần co giật.
– Tình trạng co giật kéo dài trong nhiều tuần, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên khuôn mặt.
4. Điều trị mắt co giật
Thông thường, khi bị co giật không do nguyên nhân bệnh lý, mắt sẽ tự hết co giật mà không cần điều trị.
Nếu tình trạng này không cải thiện, nên đến khám tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín để tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả mắt co giật.
Để làm giảm co giật mí mắt, có thể thực hiện các biện pháp sau:
– Uống ít cà phê hơn, không quá 3 ly/ngày.
– Ngủ đủ giấc, thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý.
– Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng.
– Giữ ẩm cho mắt, chườm ấm mắt khi bị co giật.
– Ở một vài trường hợp, tiêm Botox có thể được sử dụng để làm giảm co giật mí mắt lành tính. Khi tác dụng Botox giảm, cần phải tiêm bổ sung thêm.
– Ngoài ra, có thể phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt khi co giật mí mắt nghiêm trọng.
– Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.
– Các phương pháp điều trị khác cũng được sử dụng như thôi miên, châm cứu, massage, dinh dưỡng, tâm lý trị liệu…
5. Phòng ngừa co giật mí mắt
Nếu thường xuyên xảy ra hiện tượng mắt co giật, cần lưu ý thời gian và các triệu chứng đi kèm mỗi lần xảy ra.
– Nếu co giật mí mắt nhiều hơn khi không ngủ đủ giấc, cố gắng đi ngủ sớm hơn 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày, ngủ đủ 8 giờ/ngày để làm giảm sức căng của mí mắt, giảm tình trạng xuất hiện cơn co giật mắt xảy ra.
– Tập thể dục đều đặn, có thể lựa chọn yoga, ngồi thiền để thư giãn cơ thể.
– Thư giãn mắt bằng phương pháp chườm lạnh hoặc đắp dưa chuột lên mắt.
– Cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho mắt, bao gồm vitamin D, B12 và magie…
– Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
– Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến mắt như rượu, chè, cà phê…
– Tập thể dục cho mắt, vệ sinh mắt thường xuyên.
Co giật mí mắt có rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh nào đó. Đây không phải là một dấu hiệu tâm linh hay điềm báo gì cho mỗi người. Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu thêm về tình trạng co giật ở mắt và khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường sẽ có phương án xử trí hiệu quả, kịp thời.