Polyp túi mật
Polyp túi mật là một bệnh thường gặp ở lứa tuổi trưởng thành. Bệnh gây ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người bệnh và có thể biến chứng thành ung thư.
1. Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là u nhú mọc ở bên trong lớp niêm mạc của thành túi mật. Nó có thể ở dạng đơn độc (đơn polyp) hay sự tập trung cùng lúc của nhiều polyp (đa polyp túi mật).
Theo một số thống kê, khả năng mắc bệnh của người trưởng thành khoảng 5%. Dựa theo nguyên nhân và tính chất của polyp, người ta thường chia polyp túi mật thành 5 loại sau:
– Polyp cholesterol: Chiếm 50% trong số các trường hợp mắc polyp túi mật. Đặc trưng là kích thước của polyp nhỏ, chỉ khoảng 2 đến 10mm, có cuống, nhìn giống như những đốm vàng trên niêm mạc túi mật.
– U cơ tuyến túi mật : Loại polyp phổ biến thứ 2 sau Polyp cholesterol, chiếm khoảng 25%. Polyp dạng này có thể mọc khu trú (dưới đáy túi mật) hoặc lan rộng ra khắp túi mật. Thông thường, kích thước polyp từ 10 đến 20mm, thành phần bao gồm các tinh thể cholesterol, bùn mật.
– Polyp viêm: Loại polyp này chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca mắc polyp túi mật. Đây thường là những polyp đơn độc, kích thước từ 5 – 10mm, được cấu tạo từ các mô hạt, mô xơ và tế bào viêm.
– Polyp tuyến: Loại polyp này chỉ chiếm 5%, đặc trưng của loại này là mọc đơn độc và không có cuống.
Một số dạng polyp hiếm gặp khác: U xơ, u mỡ, khối u tế bào hạt, các mô dị hình,…
2. Nguyên nhân gây bệnh
– Do quá dư thừa cholesterol: Một trong những nguyên nhân chính gây ra polyp túi mật là do các khiếm khuyết trong quá trình chuyển hóa cholesterol hay dư thừa cholesterol. Hiện tượng này xảy ra khi mắc các bệnh lý về gan hay chế độ ăn uống hàng ngày cung cấp quá mức lượng cholesterol.
– Suy giảm chức năng gan: Dịch mật do gan sản xuất ra. Trong dịch mật có chứa Lecithin và Acid mật giúp hòa tan Cholesterol. Khi chức năng gan bị suy giảm, Cholesterol không được hòa tan hết và tích tụ dần thành các polyp.
– Ngoài ra, những đối tượng bị viêm túi mật mạn tính, sỏi mật và mỡ máu, thừa cân, béo phì,… thì nguy cơ bị polyp túi mật cũng cao hơn.
3. Dấu hiệu để nhận biết polyp túi mật
Đa số các trường hợp mắc polyp túi mật không có bất cứ triệu chứng gì và thường phát triển thầm lặng. Bệnh chỉ được phát hiện thông qua khám sức khỏe hay siêu âm tổng quát. Polyp túi mật có thể gây tắc nghẽn dẫn đến dịch mật bị ứ trệ, từ đó có một số dấu hiệu đặc trưng như:
– Đau tức mạn sườn phải.
– Đầy bụng, khó tiêu.
– Buồn nôn và nôn, nhất là khi ăn đồ chiên xào, nhiều Cholesterol.
Đau tức mạn sườn phải – triệu chứng của polyp túi mật
4. Cách chẩn đoán bệnh
Phương pháp chẩn đoán polyp túi mật chính xác nhất là siêu âm. Vừa giúp phát hiện vị trí polyp, vừa đo được kích thước, hình dạng của polyp và từ đó dự đoán được nguy cơ tiềm ẩn của ung thư. Hình ảnh polyp túi mật thấy được từ siêu âm là hình ảnh tăng âm và không có bóng cản.
Tuy nhiên, một nhược điểm của siêu âm là không thể phân biệt được polyp lành tính hay ác tính. Do vậy, cần tiến hành song song cùng một số kỹ thuật khác để hỗ trợ trong việc chẩn đoán như:
– Nội soi để chụp đường mật ngược dòng.
– Chụp đường mật cản quang qua đường uống.
– Chụp cắt lớp vi tính có bơm thuốc cản quang giúp cho việc chẩn đoán chính xác tới 90%. Trường hợp polyp túi mật ác tính, hình ảnh tổn thương là khối lồi ra trong lòng túi mật.
– Chụp cộng hưởng từ: Khi thấy hình ảnh biểu hiện là khối tăng tín hiệu ở thì T2 chứng tỏ polyp ác tính.
– Một số xét nghiệm sinh hóa để đánh giá chức năng gan thận, miễn dịch u ( CEA, CA 19-9), kiểm tra virus viêm gan ( HCV, HbsAg…).
4 tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nguy cơ mắc polyp ác tính bao gồm:
– Kích thước polyp thường lớn hơn 1cm, đặc biệt đối với các polyp có kích thước > 1,5cm thì nguy cơ dẫn đến ung thư lên tới 46 – 70%.
– Polyp có hình dáng xù xì, các chân lan rộng và không nhìn thấy cuống.
Tăng nhanh đáng kể về kích thước và số lượng.
– Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như bị đau viêm túi mật, trướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau mạn sườn phải.
5. Những đối tượng có nguy cơ mắc polyp túi mật cao
Polyp túi mật thường xảy ra ở người trưởng thành. Cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến polyp túi mật chưa được xác định một cách rõ ràng và cụ thể. Một số yếu tố nguy cơ được chỉ ra:
– Người trên 60 tuổi.
– Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan.
– Người có thói quen ăn uống nhiều đồ ăn có hàm lượng dầu mỡ cao, làm tăng thêm lượng Cholesterol trong cơ thể.
– Chức năng gan mật suy giảm.
– Béo phì, thừa cân, nồng độ đường máu, mỡ máu cao.
– Người có tiền sử bị sỏi mật.
– Bệnh nhân mắc viêm đường mật nguyên phát.
Người béo phì tăng nguy cơ bị polyp túi mật
6. Cách điều trị polyp túi mật
Siêu âm polyp túi mật định kỳ
Phương pháp được áp dụng trong trường hợp kích thước của polyp túi mật dưới 10mm. Khi polyp có kích thước < 6mm, bệnh nhân cần siêu âm định kỳ 6 – 9 tháng/lần để kiểm tra kích thước polyp. Còn đối với polyp có kích thước từ 6 – 9mm, chưa cần thiết phải tiến hành mổ ngay lập tức, nhưng nên chăm chỉ đi khám 3 tháng/lần.
Trong quá trình theo dõi, nếu có các triệu chứng như đau hạ sườn phải thường xuyên, buồn nôn, sốt không nguyên nhân,…phải đến bệnh viện kiểm tra ngay để được điều trị kịp thời.
Phẫu thuật cắt túi mật
Đối với trường hợp kích thước của polyp túi mật lớn hơn 10mm, đặc biệt là >15mm thì có 46 – 70% khả năng tiến triển thành tế bào ung thư. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.
Đặc biệt, cắt túi mật sẽ được tiến hành ngay lập tức nếu kích thước của polyp tăng nhanh trong thời gian ngắn. Các chân polyp lan ra xung quanh, hình dạng không xác định, đa polyp. Đồng thời, bệnh nhân có các triệu chứng trướng bụng, chậm tiêu, viêm túi mật, đau vùng hạ sườn phải thường xuyên,…
Phẫu thuật theo phương pháp mổ hở hoặc mổ nội soi. Trong đó, phương pháp mổ nội soi được sử dụng phổ biến hơn do thời gian hồi phục sau phẫu thuật nhanh và ít xâm lấn vào các cơ quan lân cận.
Phẫu thuật cắt bỏ polyp túi mật ở bệnh nhân
Hỗ trợ điều trị polyp túi mật bằng Đông Y
Hiện nay, chưa có thuốc Tây y điều trị làm tan hoàn toàn polyp. Trong Đông y có 8 vị thảo dược quý bao gồm Diệp hạ châu, Chỉ xác, Kim tiền thảo, Uất kim, Chi tử, Sài hồ, Hoàng bá, Nhân trần, đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của polyp. Đặc biệt, Sài hồ và Hoàng bá được ví như “kháng sinh thiên nhiên”, có tác dụng hạn chế được tình trạng viêm polyp và biến chứng viêm túi mật.
7. Polyp túi mật có nguy hiểm không?
Hầu hết, polyp túi mật là lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí tiến triển thành tế bào ung thư. Do đó, đây là mối nguy cơ tiềm ẩn đối với tính mạng bệnh nhân. Việc phát hiện và xử lý polyp ác tính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân.
8. Chế độ ăn dành cho bệnh nhân polyp túi mật
Những thực phẩm cần phải kiêng
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị bệnh nhân cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học. Trong đó, nên kiêng các thực phẩm như: Da của các loại gia cầm như ngan, gà, vịt và mỡ, nội tạng động vật. Do đây là những thực phẩm có hàm lượng Cholesterol cao có thể làm tăng nhanh kích thước của polyp và khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân polyp túi mật cần hạn chế đồ ăn nhiều chất béo
Những loại thực phẩm nên lựa chọn
Để phòng ngừa polyp túi mật và tăng cường sức khỏe mọi người nên sử dụng các loại thực phẩm dưới đây:
– Hoa quả giàu vitamin (B, C, D, E), chất khoáng giúp giảm thiểu khả năng hình thành và phát triển polyp, đồng thời tăng cường sức khỏe.
– Rau củ quả giàu chất xơ như súp lơ, su hào, cà rốt,… Những loại rau này có tác dụng làm đường tiêu hóa vận động tốt hơn, giảm các triệu chứng khó tiêu, trướng bụng do polyp gây ra.
– Chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, đậu nành, hạnh nhân, hướng dương,… có thể làm giảm nguy cơ mắc polyp và tốt cho sức khỏe.
– Các loại sữa ít chất béo và đường.
Cần bổ sung hoa quả tươi vào chế độ ăn của người bị polyp túi mật
9. Lời khuyên dành cho người mắc polyp túi mật
– Nếu nghi ngờ polyp ác tính, phải theo dõi liên tục ít nhất 6 tháng để phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt là những người trên 50 tuổi cần được thăm khám thường xuyên khi có các triệu chứng bất thường.
– Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, ít cholesterol để làm chậm sự phát triển cả về số lượng lẫn kích thước của polyp.
– Đồng thời, người bệnh cần tăng cường tập luyện thể dục như đi bộ, chạy xe đạp, chơi quần vợt… đều đặn mỗi ngày từ 30 – 45 phút. Việc này sẽ tăng sự vận động của đường mật, hạn chế dịch mật bị ứ đọng, giảm tình trạng chậm tiêu, đầy bụng và đẩy lùi nguy cơ polyp.
– Cuối cùng, cần trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản để phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Đồng thời, luôn giữ cho tinh thần được thoải mái và kết hợp sử dụng thêm một số sản phẩm có tác dụng hỗ trợ tăng cường chức năng gan mật giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Polyp túi mật không phải là bệnh quá nguy hiểm nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Do vậy, hãy duy trì một thói quen sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho bản thân. Hi vọng những thông tin trên sẽ phần nào giúp bạn đọc trong việc nâng cao sức khỏe.