Cận thị: Cẩm nang những điều cần biết

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Cận thị: Cẩm nang những điều cần biết

Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở người dưới 40 tuổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ cận thị đang gia tăng ở mức báo động. Tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về cận thị dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này và biết cách phòng tránh nó.

1. Cận thị là gì?

Trong những năm gần đây, tỉ lệ trẻ mắc cận thị ở nước ta đang tăng rất nhanh.

Cận thị là tật khúc xạ mắt rất phổ biến. Người bị cận thường chỉ nhìn rõ các vật ở gần, khó khăn khi quan sát vật ở xa và thường phải nheo mắt khi nhìn chúng.

Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài, chùm tia sáng đi vào mắt và hội tụ tại một điểm không nằm trên võng mạc. Căn bệnh này ảnh hưởng đến thể thủy tinh của mắt, công suất hội tụ của giác mạc.

Giác mạc hoặc thể thủy tinh quá cong so với nhãn cầu cũng có thể gây cận thị.

Cận thị xảy ra khi hình ảnh của một vật truyền đến mắt không nằm trên võng mạc

Cận thị xảy ra khi hình ảnh của một vật truyền đến mắt không nằm trên võng mạc

2. Nguyên nhân gây cận thị

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cận thị, tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng tỉ lệ xuất hiện cận thị:

– Yếu tố di truyền: Cận thị thường bắt đầu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có nguy cơ cao hơn nếu cha mẹ cũng bị cận thị.

– Yếu tố môi trường:

+ Ở thời đại 4.0, việc sử dụng nhiều các thiết bị điện tử kết hợp cường độ học tập cao cũng là yếu tố dẫn đến tỷ lệ cận thị tăng.

+ Một nghiên cứu ở Mỹ cho rằng, ngủ đêm khi có đèn sáng dễ gây cận thị.

3. Triệu chứng của cận thị

Cận thị gây khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:

– Mắt nhìn mờ khi nhìn xa.

– Thường xuyên nheo mắt khi nhìn xa.

– Nhức đầu do mỏi mắt.

– Khó nhìn thấy vào ban đêm.

Cận thị gây khó khăn khi quan sát các vật ở xa

Cận thị gây khó khăn khi quan sát các vật ở xa

Có thể nhận biết cận thị ở trẻ nhờ các dấu hiệu:

– Xem tivi ở khoảng cách gần, cúi gần khi đọc sách.

– Lại gần bảng mới nhìn thấy chữ, đọc bài dễ bị nhảy hàng, cần dùng tay để dò chữ.

– Viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn.

– Sợ ánh sáng, bị chói mắt, không thích các hoạt động phải nhìn xa…

– Nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn xa.

– Thường dụi mắt, mỏi mắt nhiều, dễ bị nhức đầu, chảy nước mắt.

4. Phân loại cận thị

Theo thể bệnh, cận thị được chia thành các loại sau:

– Cận thị đơn thuần (Simple Myopia):

+ Loại cận thị phổ biến, thường bắt đầu khi còn là học sinh, 6 – 18 tuổi. Độ tuổi này chiếm đến hơn 70% tỷ lệ người mắc bệnh.

+ Loại cận thị này thường có độ cận nhỏ hơn 6 Điốp, có thể kèm theo loạn thị. Cận thị đơn thuần phát triển qua nhiều năm và ngừng ở một mức độ nhất định.

– Cận thị thứ phát (Induced Myopia Hay Acquired Myopia): Cận thị thứ phát có thể xuất hiện do các nguyên nhân như xơ hóa thủy tinh thể, đường huyết tăng cao do tiểu đường hoặc một số nguyên nhân khác, tác dụng phụ của thuốc kê đơn.

– Cận thị ban đêm (Nocturnal Myopia): Mắt yếu đi về ban đêm, tầm nhìn kém, khó quan sát được các vật như khi có ánh sáng. Đồng tử sẽ điều tiết để nhận được thêm nhiều ánh sáng nếu mắt bị cận thị ban đêm.

– Cận thị giả (Pseudomyopia): Xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, khiến mắt không nhìn rõ được như bình thường. Tình trạng này không phải vĩnh viễn, chỉ làm mất tạm thời và mắt có thể hồi phục sau một thời gian nghỉ ngơi nhất định.

– Cận thị thoái hóa hay cận thị bệnh lý (Degenerative Myopia Hay Pathological Myopia):

+ Loại này khá hiếm gặp và nguy hiểm, thường phát triển từ khi bệnh nhân còn nhỏ và tiếp tục năng hơn ngay cả khi bệnh nhân trưởng thành.

+ Mắt có thể cận hơn 6 Điốp và kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu. Mắt liên tục tăng độ cận, khiến những hình ảnh xung quanh bị mờ, nhòe.

Tùy thuộc loại cận thị để có phương pháp điều trị đúng

Tùy thuộc loại cận thị để có phương pháp điều trị đúng

Theo mức độ cận thị, có thể chia thành 2 loại:

– Cận thị nhẹ: Dưới 6 diop, không có tổn thương ở mạch võng mạc đáy mắt. Độ cận tăng dần từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành rồi cố định không tăng thêm.

– Cận thị nặng: Trên 7 diop, thị lực vẫn không đạt được mức bình thường mặc dù đã đeo kính, mắt có vẻ như hơi lồi, có tổn thương ở mạch mạc và võng mạc đáy mắt.

Trước khi điều trị cận thị, cần thăm khám để xác định chính xác loại cận thị cũng như mức độ cận thị để có biện pháp điều trị kịp thời.

5. Cách đo độ cận

Cách đo độ cận thị thông dụng nhất được sử dụng là dùng bảng đo. Ngày nay, để chính xác hơn, có thể sử dụng máy móc để xác định nhanh chóng độ cận thị của mỗi người.

– Đo cận bằng bảng:

+ Người cần đo độ cận ngồi trước bảng, cách khoảng 5 m, sau đó bác sĩ/kỹ thuật viên chỉ vào bảng, người đo che một bên mắt rồi đọc các ký tự trên bảng theo yêu cầu.

+ Có nhiều bảng đo thị lực của mắt như bảng vòng tròn hở Landolt, bảng chữ E của Armaignac, bảng chữ cái của Snellen, ngoài ra còn có bảng thị lực hình (đồ vật/con vật) cho trẻ em hoặc đối tượng người lớn không biết chữ.

Cách đo độ cận thị thông dụng nhất là dùng bảng đo

Cách đo độ cận thị thông dụng nhất là dùng bảng đo

– Đo cận bằng máy tính: Nhờ vào công nghệ hiện đại, cách tính độ cận có thể tiến hành nhanh chóng, chính xác bằng máy điện tử và đo mắt bằng lắp kính mẫu.

6. Tác hại của cận thị

Một số tác hại của cận thị có thể kể đến như:

– Cận thị có thể gây khô mắt, cay, đau, ngứa, mỏi, mờ, nhức mắt… tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa, bong, tróc võng mạc, đục thủy tinh thể… thậm chí là mù lòa.

– Không điều trị cận thị có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh ít tham gia các hoạt động xã hội hơn sau khi gặp khó khăn trong thực hiện một vài nhiệm vụ.

– Giảm an toàn khi tham gia giao thông hay vận hành máy móc, các thiết bị nặng.

– Giảm thị lực cũng làm ảnh hưởng đến công việc, nguồn thu nhập cá nhân do chi phí điều trị đục thủy tinh thể, khám mắt và điều trị bệnh.

Cận thị có thể gây nhức mỏi mắt, đau đầu và nhiều tác hại khác

Cận thị có thể gây nhức mỏi mắt, đau đầu và nhiều tác hại khác

7. Cách khắc phục cận thị

Nhiều người thắc mắc: Cận thị có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Câu trả lời là .

Cận thị có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật mắt. Tuy nhiên, Không thể phẫu thuật khi dưới 18 tuổi. Vì vậy phương pháp điều trị tối ưu nhất là dùng kính gọng hoặc kính Ortho-k (kính áp tròng đêm).

Một số giải pháp khắc phục cận thị có thể kể đến hiện nay:

– Đeo kính gọng:

+ Giải pháp thông dụng nhất, ít tốn kém nhất để khắc phục tật cận thị. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị triệt để cận thị.

+ Một số nhược điểm của kính gọng: Ít tham gia được các hoạt động thể thao mạnh, tầm nhìn bị mờ khi trời mưa, cần khám lại 3-6 tháng/lần để kiểm tra độ cận và thay kính đúng độ khi tăng độ cận.

– Đeo kính áp tròng:

+ Đây cũng là giải pháp được nhiều người ưa chuộng do tính thẩm mỹ cao.

+ Tuy nhiên, nếu mắt mẫn cảm, dễ bị khô, có thể bị dị ứng với kính áp tròng. Không vệ sinh kính áp tròng đúng cách có thể gây viêm nhiễm mắt.

+ Khi kính hết hạn sử dụng cần phải thay kính và chi phí mỗi lần thay khá cao.

– Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K

+ Phương pháp này dùng cho người dưới 18 tuổi, chưa đủ tuổi phẫu thuật hoặc người không muốn phẫu thuật.

+ Ortho K là kính áp tròng ban đêm, có công dụng khử độ cận tạm thời nhờ vào khả năng chỉnh hình giác mạc. Khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ dần trở lại trạng thái như ban đầu, không điều chỉnh triệt để cận thị.

+ Biện pháp này ít hiệu quả khi cận nặng, chỉ có tác dụng tạm thời. Ngoài ra, giá kính Ortho K tương đối cao và vẫn có nguy cơ viêm nhiễm mắt.

– Phẫu thuật tật khúc xạ: Giải pháp này có thể điều trị triệt để tật khúc xạ, độ an toàn cao, thời gian phục hồi ngắn. Tuy nhiên giá phẫu thuật cao và nhiều người còn e ngại việc phẫu thuật ở vùng mắt, lo sợ các rủi ro khi phẫu thuật.

Phẫu thuật tật khúc xạ là giải pháp có thể điều trị triệt để cận thị

Phẫu thuật tật khúc xạ là giải pháp có thể điều trị triệt để cận thị

– Phẫu thuật Phakic: Còn được gọi là đặt kính nội nhãn, áp dụng cho đối tượng có độ cận cao nhưng lại không được phép phẫu thuật do không đủ điều kiện. Giải pháp này không điều trị triệt để cận thị, có nguy cơ tăng nhãn áp, thời gian phục hồi lâu hơn phẫu thuật khúc xạ.

– Phẫu thuật thay thủy tinh thể: Áp dụng khi độ cận quá cao, không thể áp dụng các phương pháp phẫu thuật khác.

8. Cách chăm sóc mắt bị cận thị

Cận thị không chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để tăng cường sức khỏe cho mắt và giảm nguy cơ tăng độ, nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

– Sử dụng kính đúng cách:

Việc đeo kính khi bị cận là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần đeo kính. Nếu cận dưới 0,75 độ thì không cần đeo kính thường xuyên, cận 1-2 độ thì chỉ cần đeo kính khi nhìn xa.

Cần phải có sự tư vấn của bác sĩ và đo khám cẩn thận để đeo kính đúng độ. Không nên đeo kính thường xuyên. Nếu liên tục đeo kính cả ngày, mắt sẽ lệ thuộc vào kính dù nhìn xa hay gần. Vậy nên, khi không làm việc hoặc chỉ làm những công việc đơn giản, không nên đeo kính và để mắt được thư giãn.

Đeo kính đúng cách, thăm khám và điều trị kịp thời để hạn chế nguy cơ thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.

Đeo kính đúng độ để làm giảm nguy cơ cận thị nặng hơn

Đeo kính đúng độ để làm giảm nguy cơ cận thị nặng hơn

– Tập thể dục mắt:

Không chỉ cơ thể, mắt cũng cần tập thể dục để luôn khỏe mạnh. Có thể chăm sóc mắt bằng cách:

+ Xoa 2 lòng bàn tay vào nhau để tạo hơi ấm, úp lên mắt nhiều lần. Massage nhẹ xung quanh mắt 5 – 10 phút cho mắt đỡ mỏi.

+ Nhắm mắt 4 – 5 giây, thả lỏng hoàn toàn để mắt thư giãn, bớt mệt mỏi. Thực hiện nhiều lần trong khoảng 3 – 5 phút.

– Để mắt nghỉ ngơi hợp lý:

Theo khuyến cáo, cứ sau 30 – 45 phút nên để mắt nghỉ ngơi khoảng 5 phút. Nên nhắm mắt lại khoảng 10 giây, tránh nhìn vào màn hình điện thoại, tivi, máy tính… nguồn sáng có hại cho mắt. Ngoài ra, có thể đứng lên đi bộ 5-10 phút, để cơ thể cũng được thư giãn sau một khoảng thời gian làm việc.

– Đeo kính chống nắng:

Ánh sáng mặt trời chứa tia UV không chỉ gây hại cho da mà còn ảnh hưởng đến mắt. Khi tiếp xúc thường xuyên, tia UV có thể làm biến đổi cấu trúc của mắt, các thành phần Protein của thủy tinh thể, thậm chí là đục thủy tinh thể.

Sử dụng kính chống nắng để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, hạn chế khói bụi, hóa chất, dị vật.

– Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt: Một công việc không thể thiếu khi chăm sóc mắt là bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, B, kẽm, canxi… như gan động vật, sữa bò/cừu, cà rốt, gấc, thịt nạc, lạc, gạo lứt, các loại đậu, rau lá xanh, lòng đỏ trứng, bơ, rau câu, hải sản các loại, tỏi, hành tây…

– Khám mắt định kỳ:

Nhức mắt, mắt nhìn mờ, mỏi mắt, khô mắt… có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng cùng nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh ở mắt, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Khi bị cận thị, cần kiểm tra định kỳ để  xác định lại độ cận, tránh đeo kính không đúng độ và phát hiện sớm các bệnh về mắt.

– Chăm sóc mắt thường xuyên: Rửa mắt sau mỗi khi đi đường, đi bơi, tiếp xúc với bụi bẩn, gió, cát hoặc sau khi làm việc một thời gian dài với máy tính.

9. Một số quan niệm sai về cận thị

Hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm không đúng nhưng đã tồn tại từ lâu về cận thị:

– Không dùng kính khi bị cận thị:

+ Trường hợp cận nhẹ dưới 0,75 độ, có thể không cần đeo kính thường xuyên.

+ Trong nhiều trường hợp, không đeo kính sẽ gây nhược thị, làm tổn hại thị lực.

Trường hợp cận nhẹ không cần đeo kính thường xuyên

Trường hợp cận nhẹ không cần đeo kính thường xuyên

– Đeo kính với số độ thấp hơn:

+ Báo cáo cho thấy, đeo kính với số độ thấp hơn 0,5 điop trở lên sẽ làm thị lực đã chỉnh kính rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu học tập, làm việc.

– Bổ sung quá nhiều Vitamin A: Khi bị cận thị, việc bổ sung thêm là rất cần thiết, tuy nhiên cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Nếu dùng quá liều thì có thể gây hại cho mắt.

– Các bài tập mắt, bấm huyệt, tập nhìn chỉ giúp mắt đỡ mệt mỏi hơn và được thư giãn,  không có hiệu quả chữa khỏi cận thị.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về cận thị, mong rằng qua bài viết này, bạn đọc có thêm kiến thức về căn bệnh đang ngày càng gia tăng trong xã hội và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Từ đó, phát hiện sớm các dấu hiệu của cận thị và ngăn ngừa nguy cơ bệnh năng hơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *