Loạn thị là một bệnh lý khúc xạ phổ biến
Loạn thị là một trong những vấn đề hay gặp ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mọi người và gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì sao chúng ta lại bị loạn thị? Bị loạn thị bẩm sinh có chữa được không? Có nên đeo kính thường xuyên để khắc phục tình trạng này?… Đây là những câu hỏi mọi người hay hỏi khi tìm hiểu về bệnh. Hãy cùng chúng tôi giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Loạn thị là gì? Biểu hiện của loạn thị
Loạn thị là một tật khúc xạ ở mắt, xảy ra khi bề mặt của giác mạc hoặc thủy tinh thể bị thay đổi độ cong khiến ánh sáng từ vật phản xạ lại mắt ta không hội tụ đúng tại một điểm trên võng mạc.
Giác mạc là bộ phận trong suốt nằm phía trước nhãn cầu có hình chỏm cầu, cho ánh sáng đi vào trong mắt và hội tụ tại 1 điểm trong võng mạc. Tại đó sẽ có các tế bào cảm thụ ánh sáng và biến đổi từ tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu thần kinh để não tiếp nhận được và tạo ra hình ảnh.
Ở mắt người khỏe mạnh giác mạc hoặc thủy tinh thể sẽ mịn và cong đều theo mọi hướng. Tuy nhiên ở người loạn thị bề mặt giác mạc không bằng phẳng, có thể hơi lồi lên hoặc dốc tại một số điểm. Do đó các tia sáng đến mắt bị hội tụ theo các phương khác nhau tại các điểm khác nhau dẫn đến hình ảnh vật tạo ra bị nhòe, mờ.
Loạn thị làm mắt nhìn vật bị nhòe, mờ
Loạn thị được chia thành 2 loại chính: Loạn thị giác mạc xảy ra khi giác mạc bị dị dạng và loạn thị thấu kính xảy ra khi thủy tinh thể bị dị hình. Loạn thị có thể ở dạng đơn thuần hoặc có thể phối hợp với cận thị, viễn thị tạo dạng hỗn hợp như loạn cận kép, loạn viễn kép, loạn viễn đơn thuần…
Dù bạn mắc loạn thị ở thể nào đều sẽ có biểu hiện:
– Nhìn vật bị mờ, hình dạng méo mó.
– Dù vật ở khoảng cách gần hay xa vẫn phải nheo mắt để nhìn rõ hơn.
– Khó chịu ở mắt, nhìn lâu gây mỏi nhức mắt. chảy nước mắt.
– Thêm vào đó người loạn thị hay bị đau đầu, đau cổ.
Loạn thị có nguy hiểm không? Ở mức độ nhẹ loạn thị có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến thị lực Tuy nhiên khi bệnh nặng hơn (loạn thị từ 1,5D trở lên) sẽ làm giảm thị lực và khiến mắt bị nhược thị nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
2. Nguyên nhân dẫn đến loạn thị?
Loạn thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, người già, có thể gặp từ khi sinh ra hoặc tại phát triển sau này trong cuộc sống.
– Loạn thị có liên quan đến di truyền. Trong gia đình từng có người bị tật loạn thị thì con sinh ra cũng mắc bệnh với khả năng cao hơn. Nếu con bị loạn thị ngay từ khi sinh ra thì đó được gọi là loạn thị bẩm sinh.
– Trường hợp khác loạn thị xảy ra sau các chấn thương tại mắt hoặc sau các cuộc phẫu thuật ở mắt.
Đọc sách tại nơi thiếu ánh sáng dẫn đến loạn thị
Nguy cơ xuất hiện loạn thị cao hơn ở một số đối tượng:
– Môi trường làm việc bị thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng quá chói, loại ánh sáng không phù hợp.
– Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại. Ánh sáng từ các thiết bị trên gây hại cho mắt khiến chúng ta dễ mắc các tật khúc xạ hơn.
– Tuổi cao khiến cơ thể lão hóa cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn thị hơn.
– Người bị cận thị hoặc viễn thị ở mức nặng cũng dễ đi kèm với loạn thị.
3. Chẩn đoán loạn thị
Khi có các biểu hiện nhìn mờ người bệnh nên đến các phòng khám nhãn khoa để được kiểm tra để xác định liệu bạn có bị loạn thị hay không. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này.
Một số phương pháp giúp chẩn đoán loạn thị như là:
– Kiểm tra thị lực bằng việc đo thị lực bằng máy hoặc đọc các chữ cái trên bảng thị lực.
– Kiểm tra độ tập trung ánh sáng.
– Kiểm tra độ cong của giác mạc.
– Kiểm tra khúc xạ.
4. Loạn thị có chữa khỏi được không?
Tùy thuộc mức độ loạn thị ở mắt bạn nhẹ hay nặng mà phác đồ điều trị khác nhau. Nếu trong trường hợp nhẹ hầu như không cần điều trị. Khi ở mức độ nặng để tránh các biến chứng và tình trạng suy giảm thị lực, người bệnh sẽ phải có phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh loạn thị nên đeo kính hoặc thực hiện phẫu thuật khúc xạ sẽ là 2 phương pháp điều trị phổ biến.
Điều trị loạn thị bằng kính thuốc
Các trường hợp bị loạn thị đều có thể điều chỉnh bằng việc đeo kính. Hầu hết các bệnh nhân đều lựa chọn phương pháp này vì cách thực hiện đơn giản, chi phí thấp và ít để lại biến chứng. Đeo kính hỗ trợ điều chỉnh độ cong của giác mạc giúp các tia ảnh hội tụ tại cùng 1 điểm trên võng mạc. Có thể chọn giữa đeo kính gọng thông thường hoặc sử dụng kính áp tròng.
Đeo kính để điều chỉnh thị lực
Trên thị trường hiện nay rất đa dạng về mẫu mã cũng như các loại thấu kính khác nhau nên để lựa chọn được kính có độ phù hợp bạn cần đến khám và được các bác sĩ tư vấn kỹ càng. Nếu sử dụng kính áp tròng cần vệ sinh kính thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn và cẩn thận trong quá trình đeo kính để tránh làm xước giác mạc. Tuy nhiên nếu ngừng sử dụng kính thì mắt sẽ lại trở về tình trạng ban đầu. Do đó nếu bị loạn thị bạn nên đeo kính thường xuyên.
Điều trị loạn thị bằng phẫu thuật
Trong trường hợp nặng không thể điều chỉnh thị lực bằng việc đeo kính hoặc gặp nhiều bất tiện, nhiều người sẽ lựa chọn phẫu thuật để điều chỉnh lại hình dạng của giác mạc. Mục tiêu của phẫu thuật là giảm sự phụ thuộc và kính và khoảng 95% những người trải qua phẫu thuật có thể nhìn bình thường mà không sử dụng kính.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị tật khúc xạ như phương pháp can thiệp độ cong giác mạc Smile, Lasik, PRK, LASEK…hoặc phương pháp can thiệp nội nhãn như Phakic ICL…
Phẫu thuật để điều trị loạn thị
– Phương pháp LASIK: Đây là phương pháp phẫu thuật nhiều người lựa chọn nhất. Bác sĩ sẽ sử dụng femtosecond laser hoặc dao rạch để tạo 1 vạt giác mạc. Sau đó lật vạt lên và dùng laser excimer để làm mỏng nhu mô bên dưới, vạt sau đó được đậy lại và không cần khâu. Phương pháp này bệnh nhân hồi phục khá nhanh và đỡ đau hơn sau phẫu thuật. Nhưng nhược điểm có thể gây biến chứng như tạo vạt không đều, giãn phình giác mạc kéo dài gây nhìn mờ, tăng độ cận…
– Phương pháp PRK: Thường ưu tiên khi bệnh nhân có giác mạc mỏng hoặc loạn dưỡng màng đáy trước. Biểu mô giác mạc sẽ được loại bỏ trước khi sử dụng laser excimer để điều chỉnh độ cong của giác mạc. So với LASIK thì PRK không có biến chứng liên quan đến vạt, làm giảm nguy cơ mắc giãn phình giác mạc. Nhưng sẽ dễ bị đục giác mạc trung tâm và ở bệnh nhân đang sử dụng corticoid có khả năng gặp glaucoma.
Phụ nữ có thai không nên điều trị loạn thị bằng phẫu thuật
Điều trị bằng phẫu thuật chi phí sẽ cao hơn và nguy cơ gặp biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, xuất hiện các bệnh về mắt, bị loạn thị lại…Đồng thời phẫu thuật cũng hạn chế ở những đối tượng:
– Người chưa đủ 18 tuổi.
– Người có bệnh lý mắc kèm như như tiểu đường, các bệnh liên quan đến miễn dịch, bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tầm nhìn không ổn định trong một năm…
– Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
– Đang sử dụng một số thuốc thuốc như isotretinoin hoặc amiodaron…
5. Phòng ngừa loạn thị
Ngoài trường hợp loạn thị bẩm sinh hoặc do các chấn thương ở mắt thì chúng ta có thể phòng ngừa loạn thị và hạn chế bệnh nặng hơn bằng việc tăng cường sức khỏe cho mắt và thay đổi các thói quen không tốt.
– Không nên đọc sách, làm việc tại nơi thiếu ánh sáng, quá tối. Tránh tiếp xúc trong thời gian dài, quá sát với các thiết bị điện tử, không cúi gằm mặt khi ngồi viết, đọc sách. Nên chọn các thiết bị có ánh sáng vàng để tốt cho mắt.
– Không nên đọc sách, xem điện thoại..khi đang di chuyển, ngồi trên tàu, xe…
– Dành thời gian nghỉ ngơi để mắt điều tiết lại sau khi nhìn lâu vào màn hình, đọc sách, hay các công việc tỉ mỉ khác.
– Nếu có bệnh về mắt cần đi khám sớm và điều trị để tránh biến chứng dẫn đến loạn thị.
– Cần đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe và tình trạng của mắt. Nếu phát hiện mình bị loạn thị nên điều trị ngay.
– Bổ sung dưỡng chất cho mắt như vitamin A, lutein, zeaxanthin, kẽm, omega-3…giúp tăng cường thị lực, giảm thoái hóa võng mạc, điểm vàng…Có thể sử dụng các viên uống tổng hợp, kết hợp với các thực phẩm bổ dưỡng như cá, các loại quả màu đỏ giàu vitamin A (gấc, cà chua, ớt chuông, cà rốt…).
Bổ sung những thực phẩm tốt cho mắt
– Thực hiện một số bài tập rèn luyện thị lực:
Bài tập yoga cho mắt: Giúp khỏe cơ mắt, giảm các triệu chứng của loạn thị. Động tác rất đơn giản:
+ Đứng thăng hoặc ngồi trên ghế thẳng lưng, vắt chéo 2 chân.
+ Nhắm mắt lại, thiền định và hít thở theo cảm xúc. Sau đó di chuyển nhãn cầu qua lại từ bên này sang bên kia một cách chậm rãi và nhẹ nhàng.
+ Thực hiện lặp lại một số lần và kết thúc bằng việc nhắm mắt và thư giãn.
Bài tập cho cổ:
+ Thực hiện động tác này thường xuyên giúp tăng lưu thông máu ở động mạch cổ giúp cung cấp máu tốt hơn đến vùng đầu, cung cấp nhiều dưỡng chất nuôi dưỡng cho mắt.
+ Để thực hiện bài tập này bạn cần đứng thẳng người, sau đó di chuyển cổ gập ra phía trước, phía sau hoặc sang 2 bên. Cũng có thể xoay tròn nhẹ nhàng theo cả 2 hướng.
Massage nhãn cầu:
+ Bài tập này rất tốt cho người bị loạn thị nghiêm trọng, giúp duy trì hình dạng tự nhiên cho thấu kính mắt.
+ Khi thực hiện bạn nhắm mắt và đặt các ngón tay lên phía trên mí mắt. Lưu ý đảm bảo áp lực không làm đau mắt. Massage nhẹ nhàng cho mắt theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại đều được. Có thể thực hiện đồng thời cho cả 2 mắt hoặc di chuyển lần lượt từ mắt này sang mắt kia. Mỗi lần massage nên kéo dài trong 1 phút và thực hiện chuyển động 10 lần.
Thực hiện các bài tập cho mắt để phòng ngừa loạn thị
Loạn thị không còn là bệnh hiếm gặp và mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Do đó cần trang bị kiến thức về bệnh loạn thị giúp khắc phục và giảm nguy cơ mắc bệnh cho mình và người thân.