Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết là tình trạng bệnh lý thường gặp xảy ra khi thời tiết thay đổi có sự chuyển giao giữa các mùa. Ở mỗi người mức độ biểu hiện có thể khác nhau nhưng đều gây ra các khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này như nào? Có phương pháp nào hữu hiệu giúp điều trị cũng như phòng tránh dị ứng thời tiết không? Hãy cùng chúng tôi giải đáp những thắc mắc trên nhé.
I. Tìm hiểu chung về dị ứng thời tiết
1. Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là hiện tượng cơ thể chúng ta có những phản ứng quá mạnh mẽ đối với sự biến động về độ ẩm không khí, nhiệt độ giữa nóng và lạnh. Bệnh thường gặp vào các thời điểm giao mùa.
Thời tiết chuyển giao đột ngột khiến các dị nguyên như bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa…biến đổi bất thường. Khi đó sẽ làm khởi phát các phản ứng dị ứng, cơ thể sinh ra các chất hóa học chống lại các yếu tố kích thích từ bên ngoài. Rối loạn hệ miễn dịch được coi là nguyên nhân chính làm xuất hiện các biểu hiện của dị ứng thời tiết. Một trong những chất hóa học ấy là histamin. Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí sẽ khởi phát rất nhanh các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, nổi mẩn đỏ trên da, mề đay, xuất huyết…
Thường gặp 2 loại là dị ứng thời tiết nóng và dị ứng thời tiết lạnh.
– Đối với dị ứng thời tiết nóng: Thường xảy ra vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao làm da tăng tiết mồ hôi nên luôn trong tình trạng ẩm ướt dễ dẫn đến viêm nhiễm khiến các triệu chứng dị ứng trên da nặng hơn.
– Đối với dị ứng thời tiết lạnh: Hay gặp vào mùa đông, nhiệt độ giảm, không khí thường khô hanh khiến da trở nên khô ráp và dễ nhạy cảm hơn làm xuất hiện dị ứng thời tiết. Hoặc chỉ cần tự nhiên gặp mưa hoặc cơn gió thổi qua cũng có thể dẫn đến nổi dị ứng.
Dị ứng thời tiết thường xảy ra khi chuyển mùa
2. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Sự nhạy cảm của mỗi cơ thể với các kháng nguyên bên ngoài không khí khác nhau nên mức độ dị ứng thời tiết cũng có khác biệt. Do nguyên nhân chính là sự thay đổi của thời tiết nên khi thời tiết ổn định trở lại thì các triệu chứng trên cơ thể cũng từ đó mà dần biến mất. Thông thường các phản ứng dị ứng thời tiết thường ở mức độ nhẹ và trung bình và sẽ thuyên giảm trong thời gian ngắn.
Tùy theo thời gian kéo dài triệu chứng mà chia dị ứng thời tiết thành hai thể cấp tính và mạn tính.
– Dị ứng thời tiết cấp tính: Thường diễn ra trong 24h cho đến dưới 6 tuần. Các triệu chứng khởi phát thường nhanh và ồ ạt nhưng cũng thuyên giảm khá nhanh, Ta sẽ hay gặp biểu hiện ngứa, nghẹt mũi, hắt hơi, nổi mẩn đỏ, mề đay trên da…
– Dị ứng thời tiết mạn tính: Khi các triệu chứng ở thể cấp kéo dài trên 6 tuần, không được chữa trị kịp thời thì bệnh sẽ chuyển sang mạn tính. Các triệu chứng sẽ diễn ra dai dẳng và âm ỉ nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho cơ thể với các biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, sốc phản vệ hay nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Dị ứng thời tiết kéo dài cũng dễ khiến cơ thể mắc các bệnh mãn tính như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
3. Những ai dễ mắc dị ứng thời tiết?
Dị ứng thời tiết có thể gặp ở mọi người cũng như mọi lứa tuổi. Bản chất của dị ứng thời tiết là phản ứng quá mức của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết. Do đó những người có cơ địa nhạy cảm sẽ dễ mắc dị ứng thời tiết hơn những người khỏe mạnh.
Một số yếu tố thuận lợi dễ làm xuất hiện dị ứng thời tiết là:
– Người có cơ địa dị ứng hoặc có sẵn các bệnh lý dị ứng như bị hen suyễn, viêm da cơ địa, mề đay mãn tính…thì hệ miễn dịch sẽ nhạy cảm hơn nên ngay khi chỉ có sự thay đổi nhỏ của thời tiết cũng sẽ dễ sinh ra các phản ứng và mức độ cũng nặng hơn.
Người có bệnh lý dị ứng dễ mắc dị ứng thời tiết
– Khi sức đề kháng suy giảm là điều kiện thuận lợi làm các triệu chứng dị ứng thời tiết bùng phát mạnh mẽ và kéo dài hơn.
– Yếu tố di truyền: Nếu như bố mẹ gặp các bệnh lý dị ứng thì nguy cơ con mắc các bệnh tương tự cũng tăng lên khá cao.
– Sống trong môi trường thời tiết có nhiều sự thay đổi, chuyển mùa khiến cơ thể chưa kịp thích nghi và dễ gây ra dị ứng thời tiết.
– Một số yếu tố khác như hay gặp căng thẳng, stress, rối loạn nội tiết, ăn các thức ăn dễ gây dị ứng vào giai đoạn chuyển mùa…
II. Các triệu chứng xuất hiện khi bị dị ứng thời tiết
Các biểu hiện của dị ứng thời tiết thường hay gặp trên da và trên hệ hô hấp.
Ho, khó thở hoặc thở khò khè
Hô hấp bệnh nhân gặp khó khăn khi thay đổi thời tiết, nhịp thở ngắn, nhiều khi phải gắng sức để thở. Tình trạng này tái diễn lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi đó bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán phát hiện sớm bệnh hen phế quản để có các biện pháp kiểm soát kịp thời tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Viêm mũi dị ứng
Triệu chứng này thường gặp khi bị dị ứng thời tiết. Thông thường người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt trong khoảng 20-30 phút với các biểu hiện như hắt hơi nhiều, sổ mũi, ngứa vùng mũi, mắt khó chịu, khô vùng mũi và họng, nặng hơn có thể gây mất ngủ, cơ thể mệt mỏi cả ngày, khó tập trung…Tùy thuộc vào người bệnh bị dị ứng thời tiết nặng hay nhẹ mà tần suất gặp viêm mũi dị ứng khác nhau.
Viêm mũi dị ứng
Phát ban
Trên da xuất hiện các mảng đỏ, thường gặp ở vùng da cánh tay, chân và có khi ở cả trên mặt. Chúng gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khiến chúng ta sinh ra hành động gãi làm các nốt mẩn đỏ càng lan rộng hơn. Hơn nữa, khi gãi làm da bị tổn thương dễ khiến da bị nhiễm khuẩn hơn.
Chàm bội nhiễm
Kèm theo các mảng đỏ thì trên da xuất hiện thêm các mụn nước nhỏ li ti. Sau một thời gian mụn nước vỡ ra, chảy dịch vàng, da trở nên thô ráp, nứt nẻ, đóng vảy gầu ở đầu gối, đầu khuỷu tay, trên mặt. Mỗi đợt chàm bội nhiễm thường kéo dài không chỉ gây tổn thương mà còn làm da mất tính thẩm mỹ. Do đó cần phải điều trị để ngăn ngừa chàm bội nhiễm lan rộng ra các vùng da khác.
Nổi mề đay cấp tính
Đây là biểu hiện đặc trưng nhưng cũng là nặng nhất khi gặp dị ứng thời tiết. Khi nổi mề đay cấp tính người bệnh gặp các nốt sần phù to nhỏ ở khắp mọi nơi trên cơ thể. Nếu không may bị phù mạch ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ rơi vào trạng thái khó thở, đau bụng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch, sốc phản vệ và có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Nổi mề đay
III. Nên làm gì khi bị dị ứng thời tiết?
Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hay dài thì các triệu chứng của dị ứng thời tiết đều khiến cơ thể người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy không thể trị dứt điểm dị ứng thời tiết vì nó liên quan đến hệ miễn dịch trong cơ thể nhưng cần có các giải pháp làm giảm các triệu chứng mỗi đợt khởi phát tránh để chuyển sang thành dị ứng thời tiết mãn tính.
1. Sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng dị ứng
Các loại thuốc chống dị ứng sẽ làm giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt trong các trường hợp nặng bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế để có phác đồ điều trị cụ thể. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
Một số nhóm thuốc chống dị ứng được dùng hiện nay gồm:
– Thuốc kháng Histamin H1 giúp giảm nhanh các triệu chứng thông thường như hắt hơi, sổ mũi, khó chịu vùng mắt,…Một số hoạt chất tiêu biểu như Loratadine, Cetirizine…
– Thuốc kháng viêm Corticoid: Thường được sử dụng để tránh các triệu chứng kéo dài và phòng tái phát. Nếu bệnh nhân có biểu hiện của mề đay hay phù mạch sẽ được các bác sĩ điều trị bằng Prednisolon.
– Khi bệnh nhân gặp các triệu chứng mề đay nặng bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng thụ thể Histamin H2 (cimetidin) hoặc kết hợp thuốc kháng Histamin H1 kết hợp Doxepin.
– Ngoài ra có thể sử dụng một số thuốc khác tùy theo triệu chứng của bệnh nhân như: thuốc giảm ho, long đờm, thuốc co mạch…
Thuốc điều trị dị ứng thời tiết
Bệnh nhân cần vệ sinh vùng da bị mẩn đỏ cẩn thận và tuyệt đối không được gãi, chà sát mạnh vì sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Bên cạnh các loại thuốc Tây y bệnh nhân có thể tham khảo, xin tư vấn từ bác sĩ sử dụng một số phương pháp dân gian để làm giảm triệu chứng dị ứng.
2. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Tránh tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát dị ứng giúp giảm nhẹ mức độ cũng như thời gian xuất hiện các triệu chứng. Đây được coi là biện pháp quan trọng khi là giảm tiến triển cũng như phòng tránh dị ứng thời tiết. Các yếu tố mà người hay bị dị ứng thời tiết cần lưu ý như:
– Tránh tiếp xúc với phấn hoa, bụi mịn, khói thuốc lá hay các chất dị ứng khác có trong không khí. Khi ra ngoài người bệnh nên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, đeo kính.
– Nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa tránh tích tụ bụi bẩn, lông vật nuôi. Có thể sử dụng các thiết bị lọc không khí để giảm các kích ứng trên da và đường hô hấp.
– Giữ cho cơ thể ở nhiệt độ ổn định, tránh các thay đổi của nhiệt độ làm khởi phát các phản ứng dị ứng .Mặc ấm vào mùa đông. Và ngược lại chọn các loại quần áo mềm mại, mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi giúp da thông thoáng vào mùa hè. Không chọn các quần áo quá chật hay chất vải thô ráp vì sẽ cọ xát vào trong da làm các mẩn đỏ hay các mụn nước bị vỡ và lan rộng hơn.
Tránh tiếp xúc với phấn hoa để giảm nguy cơ dị ứng thời tiết
– Không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, các loại đậu, bơ sữa…, các đồ uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cafe…Đu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết nhưng chúng lại khiến khởi phát triệu chứng, tăng mức độ quá mẫn cũng như khiến các triệu chứng dai dẳng hơn.
3. Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch, cùng với chế độ nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý nâng cao sức đề kháng. Từ đó giúp phòng tránh dị ứng thời tiết tốt hơn.
– Ăn uống đầy đủ chất. Nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể. Nên chọn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như trái cây họ cam, quýt, ớt chuông, táo, súp lơ xanh…Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch cũng như hạn chế các phản ứng miễn dịch gây ra bởi Histamin.
– Có thể sử dụng các viên uống bổ sung các vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng.
– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày, phù hợp với sức khỏe bản thân. Ví dụ như bơi lội là môn thể thao giúp cải thiện tình trạng hen suyễn hiệu quả.
– Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh căng thẳng, mệt mỏi vì stress là một trong các yếu tố khiến cơ thể dễ bị dị ứng hơn.
Bổ sung Vitamin C tăng sức đề kháng
Tình trạng dị ứng thời tiết có thể gặp ở bất kỳ ai và nếu không điều trị cẩn thận dễ gây ra các biến chứng nặng nề. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như mọi người có thể nắm được các kiến thức về bệnh cũng như cách điều trị, phòng ngừa và thực hiện chúng thật tốt.