Bệnh mạch vành nên ăn gì?
Nguyên nhân chính của bệnh mạch vành do các mảng xơ vữa hình thành do sự lắng đọng lipid trong lòng động mạch vành. Do đó chế độ ăn có quan hệ mật thiết đến việc phát triển nhanh hay chậm của các mảng vữa xơ cũng như việc phòng ngừa cũng như điều trị giảm tái phát bệnh. Hơn nữa chế độ ăn khoa học cũng cải thiện các tình trạng bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, béo phì…nên cũng giảm nguy cơ gây dẫn đến bệnh mạch vành. Theo các chuyên gia khuyến cáo người bệnh mạch vành nên sử dụng các loại thực phẩm giúp làm giảm cholesterol, hạn chế hình thành cục máu đông và tăng cường sức khỏe cho tim hoạt động.
Vậy chế độ dinh dưỡng khoa học dành cho người bệnh mạch vành là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
I. Người bệnh mạch vành nên ăn gì?
Một chế độ ăn hợp lý vừa giúp bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể vừa có tác dụng tích cực ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa bệnh. Dưới đây là gợi ý những nhóm thực phẩm mà người bệnh mạch vành nên lựa chọn.
1. Thực phẩm giảm Cholesterol
Cholesterol máu cao làm tăng hình thành mảng xơ vữa, trong đó 20% lượng cholesterol đến từ các thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Do đó nếu kiểm soát tốt lượng cholesterol sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành hơn.
Các thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp cơ thể giảm hấp thu chất béo và tăng đào thải Cholesterol nên giảm nồng độ của chúng trong máu. Chất xơ có nhiều trong:
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bánh mì đen…
– Các loại đậu đỗ, rau có màu xanh đậm như súp lơ xanh, rau đay, rau ngót, mồng tơi…
– Hoa quả: Mận, cam, ổi, táo, đu đủ…
Đồng thời trong rau củ và trái cây có chứa nhiều vitamin và khoáng chất bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường miễn dịch nên giảm các tình trạng nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
Thực phẩm nhiều chất xơ
2. Thực phẩm chống oxy hóa
Các chất oxy hóa, gốc tự do kích thích sản sinh ra các thành phần bám dính, các chất hóa học gây viêm, góp phần tạo ra phản ứng viêm và mảng xơ vữa động mạch. Do đó bạn nên lựa chọn thực phẩm chống oxy hóa để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm bệnh tiến triển bệnh mạch vành, hạn chế các thất bại khi đặt stent….
Các thực phẩm chứa Omega 3, các vitamin A, D, E…rất giàu chất chống oxy hóa, như:
– Các loại dầu cá, cá biển như cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ…
– Các loại rau, hoa quả nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng như súp lơ xanh, ớt chuông, cải xoăn, cà chua, cà rốt, cam, quýt, táo, dưa hấu…
– Các loại ngũ cốc như yến mạch, gạo lứt…
– Các loại quả hạch như hạnh nhân, óc chó, hạt điều…
– Dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương…
Bạn cũng có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải rất tốt cho sức khỏe và có tác dụng chống oxy hóa. Chế độ ăn kết hợp các nguyên liệu sạch, bổ dưỡng cho cơ thể như ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các ngũ cốc tốt, ăn nhiều các và sử dụng dầu lành mạnh.
Thực phẩm giàu omega 3 có tác dụng chống oxy hóa
3. Thực phẩm giúp tăng cường lưu thông máu
Huyết khối là một tác nhân trực tiếp dẫn đến làm tắc mạch và gây thiếu máu không chỉ cơ tim mà còn ở mọi vị trí theo vòng tuần hoàn của cơ thể. Vì vậy giảm các yếu tố dẫn đến huyết khối, tăng lưu thông mạch máu cũng có hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh mạch vành. Với công dụng như vậy bạn không thể bỏ qua nhóm thực phẩm này.
– Chất salicylate có tác dụng giảm sự kết dính của tiểu cầu, làm chậm quá trình đông máu nên giảm hình thành cục máu đông. Hoạt chất này có nhiều trong một số loại trái cây như việt quất, nho, dâu tây…Trong các gia vị như gừng, tỏi, nghệ, quế, cam thảo…cũng có nhiều salicylate vừa giúp tăng lưu thông mạch máu vừa tăng hương vị cho món ăn.
Nhiều loại gia vị giúp tăng lưu thông máu
– Bên cạnh đó các acid béo tốt như omega 3 trong các loài cá biển, dầu oliu, các loại hạt…cũng ngăn ngừa cục máu đông.
4. Thực phẩm chứa chất béo có lợi, giàu protein tốt
Các chất béo tốt cho cơ thể là những chất béo không bão hòa giúp tăng vận chuyển cholesterol ra khỏi máu, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung, trong đó có bệnh mạch vành. Chất béo tốt bạn có thể tìm thấy trong:
– Các loại dầu thực vật: Dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hạt cải, dầu hạt nho.
– Các loại đậu: Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ…
– Các loại hạt: Hạt điều, hạnh nhân, óc chó..
– Quả bơ, bơ thực vật.
– Các loại cá.
– Sữa và các sản phẩm từ sữa được chế biến từ nguồn sữa tách kem hoặc sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%.
Đồng thời bạn nên lựa chọn bổ sung protein đúng cách:
– Ưu tiên ăn nhiều cá trong các bữa ăn, khoảng 2-3 lần/tuần.
– Nên chọn thịt nạc trắng như thịt lợn thăn, thịt gia cầm bỏ da như thịt gà, vịt, ngan…
Những thực phẩm giàu chất béo tốt
II. Người bệnh mạch vành nên tránh ăn gì?
1. Thực phẩm, món ăn nhiều muối và đường
Người bệnh mạch vành không nên ăn đồ ăn chứa nhiều muối và đường vì sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Ăn mặn giữ nước và làm tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của tim. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu giảm lượng muối ăn 6g/ngày có thể làm giảm nguy cơ biến cố mạch vành nặng đến 18%. Tuy đường không là yếu tố trực tiếp gây bệnh mạch vành nhưng nếu ăn nhiều đường, bánh kẹo, đồ ngọt sẽ tăng lượng đường trong cơ thể làm, khi dư thừa tích lũy dưới dạng mỡ. Nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng viêm. Vì vậy khi đang điều trị thuốc hay thực hiện các thủ thuật cấy ghép, trong ăn uống hàng ngày bạn nên chọn chế độ ăn nhạt, giảm đường.
Một số mẹo sau đây có thể giúp bạn:
– Trong khi chế biến món ăn nên hạn chế sử dụng muối, bột canh. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng ⅕ thìa cà phê muối. Thay vào đó nên sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên để tăng hương vị cho món ăn.
– Hạn chế sử dụng các món cần chấm với nước mắm, nước tương, muối.
– Không nên ăn các món muối như dưa muối, cà muối, thức ăn đóng hộp chế biến sẵn vì thường chứa hàm lượng muối cao.
– Hạn chế sử dụng đường hóa học, bánh kẹo, các loại mứt, siro…để giảm lượng đường.
Khuyến cáo chế độ ăn giảm muối với người bệnh mạch vành
2. Thực phẩm chứa nhiều tinh bột
Người bệnh mạch vành nói riêng và bệnh tim mạch nói chung nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều carbohydrate để kiểm soát đường huyết và tình trạng bệnh, Không nên dùng các tinh bột chuyển hóa nhanh vì khiến cơ thể nhanh đói và ăn càng nhiều hơn. Thay thế tinh bột trong cơm, bánh mì trắng thực phẩm chế biến bằng các thực phẩm chứa tinh bột chuyển hóa chậm, nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, khoai lang để giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
3. Thực phẩm chứa chất béo không tốt
Các thực phẩm, món ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa người bệnh mạch vành nên tránh vì chúng làm tăng tích tụ cholesterol, thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ .
– Không nên ăn nhiều các loại thịt đỏ như bò, trâu…, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng…vì chúng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Không nên dùng mỡ thực vật trong chế biến món ăn. Đồng thời khi đun nấu cũng cần lưu ý nhiệt độ vừa phải vì chất béo không bão hòa dễ chuyển thành chất béo bão hòa.
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ
– Hạn chế các loại bơ cứng dạng thỏi, các loại đồ hộp, chế biến sẵn, mì ăn liền…vì có chứa rất nhiều chất béo chuyển hóa ( loại chất giúp thực phẩm thơm ngon hơn, để được lâu hơn)/ Chất này làm thành mạch trở nên xơ cứng, tăng mảng xơ vữa làm tắc mạch, gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Theo nghiên cứu đưa ra thì nếu tăng sử dụng chất béo chuyển hóa 2% thì tăng nguy cơ bệnh mạch vành 23%.
– Không nên ăn nhiều đồ chiên xào, rán ngập dầu mỡ mà nên thay bằng những món hấp, luộc thanh đạm hơn và giữ được chất dinh dưỡng vốn có.
3. Thực phẩm chứa chất kích thích
Các chất kích thích đều gây tổn hại đến sức khỏe tim mạch.
– Đồ uống có cồn, bia, rượu là tăng huyết áp, tăng nồng độ Triglyceride, tăng hình thành mảng xơ vữa.
– Cà phê kích thích làm tim đập nhanh hơn. Điều này không có lợi cho người bệnh mạch vành.
– Các chất trong thuốc lá, đặc biệt là nicotin làm tim đập nhanh hơn, tăng huyết áp, tăng kết tập tiểu cầu, huyết khối, co thắt mạch vành khiến tình trạng xơ vữa trầm trọng hơn, tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong ở người mắc bệnh mạch vành.
Do đó để đảm bảo sức khỏe người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch nên:
– Bỏ thói quen hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Hạn chế uống quá nhiều, nghiện rượu bia hay chất kích thích như cà phê, nước tăng lực… Có thể vẫn được uống rượu nhưng nên chuyển sang các loại tốt cho sức khỏe như rượu vang đỏ với 1 ly nhỏ mỗi ngày và dùng cách 1-2h so với khi dùng thuốc để tránh gây tương tác, giảm hiệu quả điều trị.
– Nên uống nhiều nước, khoảng 1-2l mỗi ngày theo khuyến cáo hoặc sử dụng thêm các loại trà thảo dược như trà xanh, lá sen, atiso…
Không sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích
4. Thực phẩm ảnh hưởng đến thuốc, liệu pháp điều trị
Một lưu ý nữa người bệnh mạch vành cần lưu ý là chọn những sản phẩm không tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và của việc đặt stent:
– Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin K có thể ảnh hưởng của các thuốc chống đông kháng vitamin K mà bệnh nhân đang sử dụng. Vẫn có thể sử dụng nhưng cần thận trọng hơn những thực phẩm có chứa vitamin K bao gồm cải xoăn, súp lơ xanh, củ cải, rau bina, mùi tây, rau muống, măng tây và rau diếp; mù tạt; trà xanh; bơ; gan động vật, thịt đỏ; dầu đậu nành…
– Nước bưởi chùm có thể gây tương tác thuốc với nhóm statin làm giảm tác dụng điều trị rối loạn lipid máu.
Lưu ý các thực phẩm chứa vitamin K làm giảm hiệu quả thuốc chống đông
Ngoài ra để kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh mức cholesterol, tuyệt đối không bỏ bữa mà phải ăn đúng giờ, đúng bữa. Tuyệt đối không ăn quá nhiều trong 1 bữa bởi việc tích tụ nhiều thức ăn cùng lúc khiến dạ dày làm việc quá sức, huy động nhiều máu hơn nên giảm cấp máu cho các vùng khác. Nếu ở người có bệnh mạch vành sẽ càng nguy hiểm hơn, dễ dẫn đến cơn tắc nghẽn, co thắt đe dọa tính mạng. Việc ăn nhiều nhất là vào bữa tối gần giờ đi ngủ cành tăng tích mỡ trong cơ thể tăng hình thành mảng vữa xơ.
Bên cạnh việc tuân thủ điều trị thì có một chế độ ăn dinh dưỡng cũng là một điều quan trọng đối với người bệnh mạch vành. Chọn lựa thực phẩm sạch, lành mạnh cùng một lối sống lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh tim mạch hiệu quả. Hy vọng bài viết trên giúp bạn xây dựng được thực đơn cho người bệnh mạch vành để ngăn ngừa hình thành và phát triển của bệnh cho bản thân và gia đình nhé.