Bệnh mạch vành – Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh tim mạch
Hiện nay các bệnh lý tim mạch đang chiếm tỉ lệ lớn trong dịch tễ học ở các nước đang phát triển. Trong đó bệnh mạch vành chiếm khoảng > 6% người mắc bệnh ở độ tuổi trên 50 với tỉ lệ tử vong là 120-125/100000 người mắc ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, theo số liệu của Viện Tim mạch Quốc gia tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành là 11-36%, đang tăng dần số người mắc qua từng năm và độ tuổi người mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Việc phát hiện sớm để điều trị và phòng bệnh là việc làm cần thiết để giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
I. Bệnh mạch vành là gì?
Để hiểu được bệnh mạch vành là như thế nào đầu tiên ta hãy sơ lược qua về hoạt động, cấu tạo của mạch vành của tim. Cơ tim cũng như các bộ phận khác cũng cần được cung cấp máu giàu oxy để có thể hoạt động và hệ thống mạch vành làm nhiệm vụ vận chuyển máu nuôi dưỡng tế bào cơ tim.
Bắt nguồn từ động mạch chủ hệ động mạch vành chia thành 2 nhánh lớn là động mạch vành trái và động mạch vành phải, sau đó sẽ chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn để đến được tất cả các vùng sâu bên trong của cơ tim. Nếu bị hẹp hay xuất hiện các mảng xơ vữa mạch máu sẽ cứng và trở nên hẹp hơn, không giữ được sự dẻo dai và đàn hồi vốn có. Nếu bị co thắt hay có sự nghẽn tắc ở bất kỳ vị trí nào trên hệ thống mạch vành sẽ làm máu ứ đọng, phần cơ tim ở đó sẽ không được cung cấp máu nên không thể trao đổi oxy, gây tổn thương tế bào cơ tim và gây ra tình trạng được gọi là bệnh mạch vành. Khi đường kính trong mạch vành bị hẹp chỉ còn khoảng 50% thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Bệnh động mạch vành
Như vậy bệnh mạch vành là một bệnh lý tim mạch gây ra do mạch máu vành tim bị tắc nghẽn dẫn đến các cơ tim bị thiếu oxy gây đau đớn. Bệnh mạch vành còn có nhiều tên gọi khác như bệnh tim mạch vành, bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch hay bệnh tim thiếu máu cục bộ.
II. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Theo ghi nhận từ nhiều bệnh viện lớn thì bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch ở nước ta. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị bệnh mạch vành sẽ tiến triển nặng nề và gây các biến chứng nguy hiểm như:
– Hội chứng mạch vành cấp (ASD) do tắc nghẽn ở động mạch vành gây hậu quả phụ thuộc vào mức độ và vị trí tắc nghẽn. Bao gồm đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim và tử vong đột ngột do ngừng tim.
– Khi tim không được cung cấp đủ oxy dẫn đến rối loạn chức năng hoạt động trong đó có có sự tạo nhịp nên gây ra rối loạn nhịp tim. Nếu tình trạng này càng kéo dài, cơ tim phải gắng sức lâu, giảm sức co bóp, tim sẽ suy yếu và gây nên suy tim.
Bệnh mạch vành gây biến chứng nhồi máu cơ tim
III. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh mạch vành là do các mảng xơ vữa, một phần nhỏ là do co thắt mạch vành.
Mảng xơ vữa là sự tích tụ cục bộ của các tế bào bọt có thành phần lipid trong lớp nội mạc động mạch vành lớn và trung bình. Sự lắng đọng này gây viêm nội mạc và dẫn đến hoạt hóa cùng các tế bào chống viêm đến. Sự hình thành mảng xơ vữa là kết hợp của cholesterol, các tế bào viêm + các tế bào cơ trơn và canxi làm giảm đường kính bên trong lòng động mạch. Các mảng xơ vữa có thể ở 2 dạng ổn định và không ổn định.
– Dạng ổn định: Mảng xơ vữa từ từ phát triển, tĩnh tại cho đến khi đủ lớn có thể hẹp và tắc mạch.
– Dạng không ổn định: Khi các mảng xơ vữa bị vỡ ra gây huyết khối, tắc mạch, nhồi máu cấp tính. Đây là nguyên nhân chính của các biến cố hay gặp trên lâm sàng. Khi mảng xơ vữa bong ra di chuyển theo dòng máu và có thể gây tắc các mạch máu nhỏ hơn (gọi là thuyên tắc mạch). Hơn nữa khi vỡ ra chúng hoạt hóa các tế bào tiểu cầu đến vị trí mảng xơ vữa vừa tách ra trên động mạch hình thành nên các nút, hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch (gọi là huyết khối). Khi sự tắc nghẽn ở động mạch vành gây bệnh mạch vành, ở động mạch não gây tai biến mạch máu não thiếu máu cục bộ, ở động mạch chi gây thiếu máu cục bộ chi.
Mảng xơ vữa là nguyên nhân chính của bệnh mạch vành
IV. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mạch vành gần như là các yếu tố nguy cơ cho việc hình thành các mảng xơ vữa.
1. Các yếu tố không thay đổi được
– Yếu tố gia đình: Bệnh tim mạch có liên quan đến sự di truyền. Do đó nếu trong gia đình cha mẹ có tiền sử mắc bệnh tim mạch thì nguy cơ ở con sẽ cao hơn.
– Tuổi: Tuổi càng cao thì cơ thể có nhiều lão hóa, chức năng bắt đầu suy giảm nên nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch cũng cao hơn. Do đó bệnh mạch vành có bệnh nhân nhiều nhất ở độ tuổi trên 50.
Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn
– Giới tính: Theo thông kế tỉ lệ mắc bệnh mạch vành ở nam giới cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên phụ nữ sau tuổi mãn kinh tốc độ gia tăng mắc bệnh cũng tăng dần và từ 70 tuổi trở lên tỷ lệ mắc bệnh ở cả 2 giới là tương đương nhau.
2. Các yếu tố có thể thay đổi được
– Tăng nồng độ Cholesterol và triglycerid trong máu.
– Huyết áp cao (≥ 140/90 mmHg).
– Bệnh đái tháo đường (đặc biệt là đái tháo đường tuýp II).
– Lười vận động (lối sống tĩnh tại)
– Thừa cân, béo phì.
– Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác.
– Căng thẳng kéo dài
– Chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít phytochemicals, chất xơ (từ thực vật)…
Người huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh mạch vành
V. Biểu hiện bệnh mạch vành
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh mạch vành là xuất hiện cơn đau thắt ngực (chiếm khoảng 50%). Khi đó bệnh nhân sẽ có cảm giác đau như bị bó chặt (như ai đó đang bóp chặt lấy tim mình) hoặc đau nhói như châm. Đôi khi có thể có cảm giác nóng rát, bốc hỏa ở ngực bóp nghẹt lấy cổ gây cảm giác ngạt thở. Cơn đau thường xuất hiện ở sau xương ức, vùng tim, thường lan lên cổ, hàm, lên phía hai vai hoặc dọc cánh tay; ít khi lan ra phía sau lưng, cột sống. Nhưng có thể bệnh mạch vành chưa biểu hiện triệu chứng lâm sàng nên người bệnh đôi khi thấy hồi hộp, hụt hơi, mệt ở ngực kèm theo chóng mặt, hoảng hốt và những cơn đau tim nhẹ. Cũng vì thế mà họ hay bỏ qua và bệnh tiến triển thành thể nặng mới phát hiện ra. Các cơn đau thắt ngực thường chỉ diễn ra trong 30s – 1 phút nhưng nếu kéo dài trên 15 phút sẽ có khả năng gây nhồi máu cơ tim.
Đau thắt ngực là biểu hiện đặc trưng của bệnh mạch vành
Đau thắt ngực chia 2 loại là ổn định và không ổn định:
– Đau thắt ngực ổn định là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch, xuất hiện cơn đau khi bệnh nhân gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc.
– Đau thắt ngực không ổn định là do sự bong ra của các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch máu. Dạng này nguy hiểm hơn vì dễ gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ tử vong. Và bệnh nhân xuất hiện cơn đau thắt ngực ngay cả khi gắng sức và cả lúc nghỉ ngơi.
VI. Chẩn đoán bệnh mạch vành
Khi xuất hiện các cơn đau thắt ở ngực hoặc có bất kỳ biểu hiện khác như hay hồi hộp, mệt mỏi, hụt hơi…bệnh nhân cần đến các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để được thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác.
Phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành gồm có:
– Khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử của bệnh nhân.
– Thực hiện các xét nghiệm:
+ Điện tâm đồ (ECG).
+ Siêu âm tim.
+ Chụp CT tim.
+ Chụp xạ hình tưới máu cơ tim (SPECT, PET).
+ Chụp cộng hưởng từ tim.
+ Chụp động mạch vành xâm lấn: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xâm lấn.
VII. Điều trị bệnh mạch vành
Các phương pháp để điều trị bệnh mạch vành hiện nay gồm có dùng thuốc, thực hiện các thủ thuật y khoa. Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện lưu thông máu trong động mạch, làm tăng cung cấp oxy cho tim và làm chậm, ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch trong thời gian dài.
1. Bệnh mạch vành uống thuốc gì?
Việc điều trị bệnh mạch vành bằng thuốc tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng, chức năng của tim và các rối loạn đi kèm. Các nhóm thuốc được dùng trong điều trị gồm có:
– Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
– Thuốc điều trị rối loạn lipid máu: Giúp giảm nồng độ cao của các cholesterol LDL và triglycerid giúp giảm hình thành các mảng xơ vữa.Thường sử dụng là các statin.
Thuốc statin điều trị rối loạn lipid máu
– Thuốc chẹn beta giao cảm: Có tác dụng giúp giảm co bóp và nhịp tim, giảm mức tiêu thụ oxy nên hiệu quả trong giảm các triệu chứng của đau thắt ngực. Bên cạnh đó còn giảm tỷ lệ tử vong khi có rối loạn chức năng thất trái khi xảy ra nhồi máu cơ tim.
– Thuốc chẹn kênh Canxi: Làm chậm nhịp và giảm hoạt động của tim, tăng tưới máu vùng nội tâm mạc. Giãn mạch vành nên tăng cung cấp oxy cho tim. Phối hợp với chẹn beta để điều trị đau thắt ngực.
– Nhóm nitrat hữu cơ: Giúp giãn mạch vành tăng cung cấp oxy, giảm nhu cầu sử dụng oxy của tim và phân bố lại máu tới vùng thiếu oxy của cơ tim.
– Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) và chẹn thụ thể angiotensin II: Điều trị huyết áp cao, giảm tiến triển mắc bệnh mạch vành. Điều trị hiệu quả ở bệnh nhân mạch vành có rối loạn chức năng thất trái.
2. Can thiệp mạch vành qua da (PCI)
Là thủ thuật dùng các dụng cụ đặc biệt để nong động mạch bị chít hẹp giúp dòng máu được lưu thông trở lại qua chỗ mạch vành bị hẹp. Ban đầu chỉ là thủ thuật nong bóng động mạch nhưng sau đó bệnh nhân bị tái hẹp lại rất nhiều. Nên sau đó chuyển sang đặt stent động mạch. Hầu hết các stent động mạch hiện nay là stent phủ thuốc (thuốc chống nội mạc hóa). Khi đặt stent thì các bệnh nhân không có biến chứng nguy hiểm, chưa bị nhồi máu cơ tim có thể hoạt động bình thường nhưng tránh các hoạt động gắng sức trong 6 tháng đầu. Đặt stent không thể chữa khỏi hoặc giảm tiến triển của bệnh mạch vành nên bệnh nhân nên sử dụng thêm các thuốc statin điều trị.
Nong và đặt stent mạch vành
3. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
Phương pháp này sẽ lấy một đoạn mạch (động hoặc tĩnh mạch) để tạo cầu nối mới giữa nơi cấp máu với động mạch phía sau nơi bị hẹp/tắc, bỏ qua đoạn động mạch bị tổn thương. Như vậy máu sẽ lại được lưu thông bình thường qua cầu nối mới. Phương pháp CABG hiệu quả hơn PCI khi áp dụng cho bệnh nhân đái tháo đường và tổn thương nhiều mạch máu. Sau khi thực hiện phẫu thuật bệnh nhân vẫn cần sử dụng thuốc statin để điều trị.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
VIII. Phòng ngừa bệnh mạch vành
Để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm các nguy cơ bệnh mạch vành tái diễn bệnh nhân cần làm giảm các yếu tố dẫn đến hình thành mảng xơ vữa.
– Điều trị hiệu quả các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tim mạch, chuyển hóa như: Cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
– Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
– Giảm cân tích cực.
Giảm cân phòng ngừa bệnh mạch vành
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo xấu như các loại thức ăn nhanh và thực hiện chế độ ăn giảm muối và đường, lựa chọn các thực phẩm tốt cho hệ tim mạch như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, hoa quả, thực phẩm chứa chất béo tốt…
– Tăng cường luyện tập thể dục thể thao đều đặn để giảm cân và nâng cao sức khỏe tim mạch. Cân nhắc lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể lực của mình và tập theo cường độ hợp lý.
– Luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng, stress nặng. Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn.
– Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe cũng như phát hiện sớm nếu như mắc bệnh.
– Cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị bệnh như chế độ dùng thuốc hay các lưu ý sau khi làm thủ thuật can thiệp hoặc phẫu thuật.
Bệnh mạch vành đang trở thành gánh nặng cho y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển. Chính vì vậy phòng ngừa cũng như chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm của bệnh, tiết kiệm công sức cũng như tiền bạc để chữa bệnh. Hy vọng những thông tin qua bài viết trên cung cấp thông tin hữu ích, giúp ích cho độc giả có cái nhìn tổng quan về bệnh mạch vành.