Mề đay, hay còn gọi là mày đay, là tình trạng nổi sẩn mụn trên da, gây ngứa. Tỉ lệ mắc bệnh này khá cao và xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới. Vậy các triệu chứng của bệnh là gì, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Mề đay là gì? Triệu chứng của bệnh mề đay
Mề đay (mày đay) là hiện tượng da nổi sẩn mụn nhiều hoặc ít, thành từng đám trên da, không đều, có màu hồng hoặc xanh trắng. Khi bị nổi mày đay thường bị ngứa. Tình trạng này thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng với thức ăn, nhiệt độ lạnh (dị ứng thời tiết), do nhiễm virus hay một số tác nhân khác.
Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có khoảng 15-20 người mắc bệnh. Tỷ lệ bị mày đay ở nữ giới cũng nhiều hơn so với nam giới.
Khi bị mày đay, người bệnh thường xuất hiện những biểu hiện sau:
– Ngứa trên da: Đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Người mắc phải bị nổi da gà kèm những cơn ngứa, rát khó chịu. Da bong tróc và chảy máu nếu gãi nhiều, có thể để lại sẹo.
– Nổi mẩn đỏ, mụn nước: Xuất hiện thành từng đám trên da, xuất hiện mụn nước li ti, có thể lây lan rộng hơn khi vỡ ra.
– Khi bệnh tiến triển nặng mà không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách sẽ gây ra khó thở, sốt cao, rối loạn tiêu hoá…
– Các vết mụn nước, mẩn đỏ trên da gây ngứa, nếu gãi nhiều bị vỡ ra, không điều trị kịp có thể gây nhiễm trùng, thậm chí là hoại tử.
Người bệnh thường bị ngứa khi nổi mày đay
2. Phân loại bệnh mề đay
Dựa trên thời gian, tần suất và nguyên nhân có thể chưa thành các dạng mày đay như:
– Mày đay cấp: Thời gian xuất hiện triệu chứng và biến mất dưới 6 tuần.
– Mày đay mạn tính: Kéo dài trên 6 tuần.
+ Mày đay mạn tính nguyên phát.
+ Mày đay mạn tính cảm ứng: Tìm thấy các yếu tố gây khởi phát cụ thể như nhiệt độ, áp lực…
3. Biến chứng của mề đay
Bệnh mày đay tuy không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời nó có thể kéo dài dai dẳng và dễ tái phát.
Cơn mề đay cấp tính có thể gây phù mạch, sốc phản vệ nhưng nếu điều trị sớm bệnh thường giảm nhanh và tồn tại chỉ trong thời gian ngắn.
– Phù mạch: Tình trạng dịch tích tụ trong cơ thể, các mạch máu dưới da bị sưng phù lên, kèm theo cảm giác đau, bỏng rát ở khu vực bị phù, họng bị sưng đau, khó thở.
– Sốc phản vệ: Mề đay có thể gây sốc phản vệ ở cả trẻ em và người lớn, gây giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp và các biến chứng nguy hiểm khác.
Mề đay có thể gây phù mạch, sốc phản vệ và nhiều tổn thương da không phục hồi
Mày đay mãn tính thường gây ra những nguy hiểm như sau:
– Thâm nhiễm da: Do bệnh mạn tính có tính chất kéo dài và ngứa nên thường cào gãi lên các vết mụn sẩn. Điều này khiến cho da bị dày sừng, thâm nhiễm, để lại sẹo khó xoá.
– Chàm da: Da tổn thương do nổi mề đay, có nhiều lớp dày sừng, khô ráp như dấu hiệu của bệnh chàm làm mất thẩm mỹ, để lại thâm sẹo và tăng nguy cơ bội nhiễm.
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác: Mề đay mãn tính không được điều trị sớm khiến hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều kháng nguyên IgE hơn làm tăng nguy cơ bị dị ứng, bao gồm viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, chàm, hen suyễn…
4. Nguyên nhân gây bệnh
Khi xác định người bệnh bị mày đay, cần tìm hiểu căn nguyên gây bệnh để có giải pháp điều trị đúng cách. Một số nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay có thể kể đến như sau:
– Dị ứng thức ăn: Một số trường hợp cơ địa dị ứng có thể gây phản ứng với các thực phẩm như hải sản, tôm, trứng, sữa…
– Dị ứng thuốc: Mẫn cảm với thành phần của bất kỳ thuốc, kháng sinh nào đó có thể khiến cơ thể nổi mẩn đỏ, ngứa rát.
Dị ứng thuốc cũng có thể gây mày đay
– Côn trùng cắn: Nọc độc của côn trùng cũng là tác nhân gây mày đay.
– Dị ứng với mỹ phẩm: Do tình trạng mỹ phẩm tràn lan trên thị trường, nên nguy cơ người dùng mua phải các sản phẩm không rõ thành phần, nguồn gốc hoặc mỹ phẩm không phù hợp với da làm tăng nguy cơ nổi mề đay mẩn ngứa.
– Di truyền: Theo các thống kê đã được báo cáo, gia đình có người cơ địa dị ứng, đã từng bị nổi mề đay thì tỷ lệ thế hệ sau mắc bệnh cao gấp 2 lần so với bình thường.
– Ngoài ra, một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây nổi mề đay như viêm da, Lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp tự miễn…
5. Chẩn đoán bệnh mề đay
Để xác định người bệnh bị mề đay thì khá đơn giản, tuy nhiên, xác định nguyên nhân gây bệnh thì rất khó, đặc biệt là mày đay mạn tính.
Thông thường, bác sĩ thường dựa vào tiền sử bệnh, các triệu chứng của bệnh, tần suất, thời gian xuất hiện và biến mất của các tổn thương cùng với thực hiện các test chẩn đoán để xác định nguyên nhân dẫn đến mề đay.
Mề đay có thể nhầm lẫn với các bệnh như hồng ban đa dạng, tổn thương da do viêm mạch, nấm da…
6. Điều trị mề đay
Mày đay không có biện pháp phòng bệnh tiên phát. Ở người xuất hiện mề đay, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích phát bệnh hoặc làm nặng thêm triệu chứng của bệnh khi đang trong đợt cấp của mày đay.
Điều trị không dùng thuốc
Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm như: thức ăn, thuốc, môi trường sống và làm việc… Ngoài ra, có thể thực hiện một số mẹo sau đây để cải thiện bệnh.
Chườm lạnh
Dùng đá lạnh, bọc vào một mảnh vải mỏng rồi chườm lên vùng da đang nổi sẩn đỏ, ngứa để hạ nhiệt, làm dịu da khiến người bệnh giảm các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu.
Chỉ nên chườm lạnh khoảng 15-20 sau đó lấy ra, lặp lại trong khoảng 10-15 phút để tránh làm da bị bỏng lạnh.
Chườm lạnh là biện pháp hiệu quả để làm dịu vùng da nổi sẩn mụn, sưng ngứa
Dầu dừa
Dầu dừa giúp đào thải tế bào da chết và tăng cường mô biểu bì dưới da, giảm viêm sưng da, cải thiện các triệu chứng của mề đay.
Vệ sinh sạch vùng da bị tổn thương, bôi dầu dừa lên da, massage nhẹ nhàng, đợi khoảng 10 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Có thể dùng kết hợp dầu dừa với nha đam, mật ong, chanh… để tăng hiệu quả trị bệnh.
Bơ
Bơ chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, E và D có khả năng thẩm thấu sâu vào da, làm dịu sưng viêm, ngứa ngáy do nổi mề đay, làm lành các tổn thương trên da.
Xay nhuyễn bơ, trộn đều với mật ong, dầu dừa. Làm sạch da, đắp hỗn hợp lên rồi đợi khô, rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện 2 lần/ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chè xanh
Lá chè xanh có công dụng giảm sẩn đỏ trên da, giúp cấp ẩm, giảm ngứa và sưng tấy trên da, làm dịu da nhờ các hoạt chất chống dị ứng, kháng histamin có trong lá trà.
Rửa sạch, vò nát lá trà, đun sôi với 1 lít nước. Cho thêm muối biển. Pha thêm nước để dùng tắm hoặc lau vùng da bị bệnh nổi mề đay. Áp dụng 1 lần/ngày cho đến khi bệnh cải thiện.
Chè xanh giúp làm giảm sưng đỏ, ngứa da
Mật ong
Mật ong chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, khoáng chất và acid amin, có công dụng chống oxy hóa, dưỡng ẩm, chữa lành vết thương, phục hồi làn da bị tổn thương và giảm các triệu chứng nổi mề đay. Mật ong còn ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại, ngăn ngừa nhiễm trùng da.
Làm sạch da bằng nước ấm, dùng khăn lau khô, thoa đều lên vùng da bị tổn thương, chờ khô lại thì rửa sạch bằng nước ấm.
Baking soda
Trong baking soda có chứa khoáng chất tự nhiên, công dụng làm sạch và kháng khuẩn hiệu quả, ngoài da nó còn giúp làm dịu và giảm sưng trên da.
Pha Baking soda với nước ấm, dùng tắm hàng ngày, không pha quá nóng, chỉ dùng nước vừa đủ ấm.
Bột Baking soda
Các mẹo trị mày đay này rất an toàn, không gây tác dụng phụ, đơn giản và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chúng chỉ đạt hiệu quả khi mề đay nhẹ và cần kiên trì áp dụng trong thời gian dài. Người bệnh cũng có thể dùng các thảo dược khác để trị bệnh như lá trầu không, lá hẹ… hay xà phòng giúp bệnh nhanh chóng cải thiện.
Thuốc không kê đơn
Khi bị mày đay, để các triệu chứng của bệnh nhanh chóng được cải thiện, người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ và sử dụng một số thuốc sau đây:
– Thuốc bôi Calamine: Giúp làm mát da, giảm sưng, ngứa. Làm sạch da, sau đó bôi kem lên vùng da bị nổi mề đay, mẩn ngứa. Có thể bôi trực tiếp hoặc cho 1 ít thuốc vào miếng bông gòn, thấm lên vùng da bị nổi mề đay rồi để khô.
– Thuốc Benadryl (thuốc uống): Thuốc kháng Histamin có công dụng giảm các triệu chứng bệnh và mẩn ngứa. Thuốc thường có hiệu quả nhanh chóng, các triệu chứng mề đay thường sẽ giảm ngay chỉ trong 1 giờ sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên người bệnh cần chú ý, thuốc có thể gây buồn ngủ, ảnh hưởng tới sự tập trung, tỉnh táo khi làm việc.
– Thuốc Fexofenadin, Loratadin và Cetirizine: Các thuốc kháng Histamin có hiệu quả chống mẩn ngứa trong vòng 12 – 24h. Chúng ít gây buồn ngủ hơn Benadryl.
Cấp cứu
Khi các triệu chứng của mày đay không thuyên giảm sau 48h điều trị và xuất hiện các dấu hiệu như khô lưỡi, sưng họng, sốt cao, mề đay gây đau đớn, khó thở, tức ngực, choáng váng, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh các hậu quả không mong muốn xảy ra.
Một số lưu ý khác
Để nhanh chóng cải thiện bệnh, nên chú ý một số vấn đề sau đây:
– Tránh các đồ ăn, thức uống dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm nhiều đường hoặc muối, đồ cay nóng, chiên rán…
– Không hút thuốc lá, uống rượu bia, Cafe, hạn chế nước ngọt có ga…
– Tránh tiếp xúc với các chất dễ kích ứng như hóa chất, mỹ phẩm, khói bụi…
– Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, che chắn cẩn thận với gió và nắng khi hoạt động ngoài trời.
7. Phòng bệnh mề đay
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về mày đay, mong rằng qua bài viết này, mọi người được hiểu thêm về bệnh, có thể cải thiện nhanh chóng các triệu chứng của bệnh và làm giảm nguy cơ gây biến chứng có thể xảy ra.