Chắc hẳn nhiều ông bố bà mẹ đã nghe nói đến Wonder week – tuần khủng hoảng của trẻ. Có lẽ ai cũng nghĩ, đây là thời kỳ rất khó khăn để vượt qua. Vậy Wonder week là gì? Tìm hiểu ngay để biết thêm chi tiết.
I. Wonder week (tuần khủng hoảng) là gì?
Wonder week là khái niệm được đưa ra bởi hai nhà khoa học nổi tiếng người Hà Lan, tên là Hetty Van De Rijt và Frans Plooij trong cuốn sách cùng tên được họ xuất bản năm 1922.
Cuốn sách này là cẩm nang gối đầu giường của nhiều ông bố bà mẹ về quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và gợi ý cho chúng ta cách để hỗ trợ chúng trong thời điểm khủng hoảng.
Wonder week là thuật ngữ dùng để mô tả các giai đoạn phát triển nhanh, mạnh mẽ của trẻ sơ sinh về kỹ năng và trí tuệ trong 2 năm đầu đời. Sự khủng hoảng này là bước khởi đầu để bé học hỏi những kỹ năng mới như tập lẫy, tập bò, tập đứng…. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ có bước nhảy vọt về kỹ năng, trí não.
Wonder week là bước khởi đầu để bé học những kỹ năng mới
II. Thời gian diễn ra Wonder week là khi nào?
Thời gian bắt đầu Wonder week phụ thuộc vào sự phát triển của từng trẻ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều này như môi trường, điều kiện sống, di truyền, sinh non…
Tuần khủng hoảng của trẻ thường xảy ra vào các giai đoạn 5 tuần – 8 tuần – 12 tuần – 17 tuần – 26 tuần – 36 tuần – 44 tuần – 53 tuần. Sau những giai đoạn này, trẻ sơ sinh sẽ có sự phát triển mạnh mẽ do não bộ của trẻ ngày càng hoàn thiện. Sau khi trải qua Wonder week, trẻ sẽ tiếp tục đến với thời kỳ Sunny weeks. Đây là giai đoạn bé có vẻ dễ tính hơn nhiều, xảy ra vào các tuần 6 tuần – 10 tuần – 13 tuần – 21 tuần – 31 tuần – 39 tuần – 49 tuần – 58 tuần.
Wonder week ở mỗi bé là khác nhau, có thể sớm hoặc muộn hơn. Do đó, khi chăm sóc bé, cần theo dõi bé các dấu hiệu của bé để dự đoán và quan sát tâm lý, tránh tình trạng lo lắng, căng thẳng khi bé đến wonder week sớm hay muộn.
Wonder week thông thường của trẻ
1. Wonder week 5 tuần tuổi
Khủng hoảng tuần đầu xảy ra khi trẻ bắt đầu có sự phát triển về giác quan, thường quấy khóc nhiều hơn bình thường. Sau giai đoạn này, chúng quan sát được nhiều thứ hơn, nhạy cảm hơn với mùi hương, đặc biệt là mùi sữa mẹ.
2. Wonder week 8 tuần tuổi
Khi trẻ được khoảng 7 tuần rưỡi đến 9 tuần, đầu cổ cũng trở nên cứng cáp hơn, trẻ bắt đầu nhạy cảm với âm thanh, tỏ ra thích thú với đồ chơi, khám phá xung quanh. Bé cũng biết tạo ra những âm thanh gầm gừ nhỏ.
3. Wonder week 12 tuần tuổi
Đây chính là sự đánh dấu các chuyển biến lớn đầu tiên của trẻ. Những ngày này, trẻ thường xuyên quấy khóc, chán ăn. Bé biết lật, lẫy, ngóc đầu lên và cười nhiều hơn.
4. Wonder week 17 tuần tuổi
Trẻ học được cách cầm nắm đồ vật xung quanh, thường đưa tay vào miện mút, cầm nắm đồ vật trong tầm với cho vào miệng. Trẻ cũng biết nhận ra bố mẹ và có sự thân thiết hơn với cha mẹ. Khi no thường tự đẩy núm ti ra.
5. Wonder week 26 tuần tuổi
Sau khủng hoảng tuần 26, trẻ thường học các kỹ năng cầm, nắm, ngồi dậy. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nhiều để chúng thực hành nhiều hơn, quen thuộc với các kỹ năng mới của mình.
6. Wonder week 36 tuần tuổi
Sau thời kỳ khủng hoảng này, trẻ biết được cách phân chia đồ vật, sắp xếp chúng theo nhóm khác nhau. Ngoài ra trẻ cũng tập thêm kỹ năng bò, trườn. Cha mẹ cần chú ý giám sát trẻ, không để con bò ra ngoài tầm mắt của mình.
7. Wonder week 44 tuần tuổi
Trẻ bắt đầu hiểu về khái niệm đơn giản, học những từ ngữ mới, trả lời những câu hỏi ngắn của người lớn. Ngoài ra trẻ cũng có khả năng chơi các trò chơi tháo lắp, mô hình.
8. Wonder week 53 tuần tuổi
Sau khi khủng hoảng tuần 53 biến mất, bé sẽ tập đứng, tập đi chập chững, cũng có thể cầm nắm đồ vật chắc hơn, thậm chí tự cởi hoặc mặc quần áo.
III. Các dấu hiệu nhận biết Wonder week
Khi đến tuần khủng hoảng, trẻ thường có một số biểu hiện như sau:
– Chán ăn, bỏ ăn.
– Quấy khóc cả ngày, đang ngủ ngon dậy khóc, càng dỗ càng khóc.
– Sợ người lạ, nhút nhát.
– Thay đổi tâm trạng nhanh chóng, có thể khóc bất cứ lúc nào.
– Ghen tị khi bố mẹ quan tâm đến các em bé khác, kể cả anh chị của bé.
– Mút tay nhiều.
– Bảo vệ quyền sở hữu, không cho người khác đụng đến đồ vật của mình.
– Đôi khi bé cũng trở nên nũng nịu hơn, muốn được bố mẹ quan tâm, bám ba mẹ hơn, đòi bế nhiều.
Biểu hiện đặc trưng của wonder week là sự quấy khóc và thay đổi tâm trạng của bé
VI. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới tâm trạng của trẻ ngoài tuần khủng hoảng
Không chỉ trong thời gian Wonder week, một số nguyên nhân sau đây cũng khiến trẻ dễ quấy khóc và khó chăm sóc hơn thường ngày:
– Thay đổi môi trường sống như chuyển nhà, thời tiết thay đổi…
– Mọc răng khiến trẻ bị đau, có thể bị sốt, gây mệt mỏi, chán ăn.
– Thay đổi nơi ngủ: Khi bé đang được ôm ngủ, nằm cũi, chuyển sang giường cũng có thể là nguồn cơn gây ra sự khó chịu, mất ngủ của trẻ.
– Ốm đau, thời tiết quá nóng hay quá lạnh, cảm cúm… là những nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và quấy khóc nhiều.
V. Phương pháp đồng hành cùng con vượt qua wonder week
Làm thế nào để xoa dịu trẻ trong những tuần khủng hoảng? Dưới đây là một số mẹo mẹ có thể tham khảo để có thể hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn này:
1. Quan tâm bé nhiều hơn
Tâm lý của bé ở giai đoạn này khá thất thường, đang vui có thể khóc hay đang chơi lại ném đồ chơi…
Bé con rất bám bố mẹ, đòi ôm, đòi bế, muốn được bố mẹ chơi cùng nhiều hơn khiến ta không thể làm được việc gì. Chỉ cần dành thời gian nói chuyện, vui đùa với trẻ nhiều hơn sẽ giúp con bạn vượt qua giai đoạn này này dễ dàng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bé được bố mẹ ở bên cạnh nhiều sẽ có chỉ số IQ, EQ cao hơn so với trẻ ít ở gần bố mẹ. Vì vậy, hãy kiên nhẫn với bé hơn ba mẹ nhé.
Dành nhiều thời gian cho bé hơn trong tuần khủng hoảng
2. Cho trẻ đi ngủ sớm
Tuần wonder week có thể làm bé khó ngủ, ngủ ít, dễ bị giật mình. Cho trẻ đi ngủ sớm và tạo không gian thoải mái, dễ chịu cho trẻ là điều rất cần thiết. Để tránh tình trạng quấy khóc, giật mình, đang ngủ dậy khóc… các bậc phụ huynh cần chú ý nên cho trẻ đi ngủ sớm từ 30 – 45 phút so với bình thường.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp sau:
– Cho trẻ ăn no trước khi ngủ.
– Tạo không gian thoải mái, yên tĩnh giúp dễ ngủ hơn.
– Tạo sự mềm mại và nhẹ nhàng, có thể tạo mùi hương nhẹ nhưng không làm bé bị dị ứng, giúp bé cảm thấy an tâm ở nơi ngủ.
– Hát ru và vỗ về trẻ khi ngủ.
3. Chia nhỏ bữa ăn
Khi đến tuần Wonder week, lượng thức ăn của trẻ có thể sẽ giảm đi, trẻ trở nên biếng ăn hơn. Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày sẽ làm giảm áp lực của cả mẹ và bé, giúp bé vẫn bổ sung đủ dưỡng chất cần cho cả ngày mà mẹ cũng không cần lo lắng bé ăn quá ít.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống 60 – 80 ml sữa mỗi lần ăn, trong khoảng thời gian ngắn 1 – 2 giờ.
Trường hợp bé được hơn 6 tháng tuổi, có thể ăn dặm được, mẹ nên áp dụng chế độ “ăn dặm chỉ huy”. Bên cạnh đó, có thể cho con ăn một chút bánh, cơm… trong khi đang chơi, trong một khoảng thời gian nhất đinh.
Chia nhỏ bữa ăn để bổ sung đủ dinh dưỡng cho bé
4. Đáp ứng nhu cầu của bé
Tâm lý của trẻ ở thời điểm Wonder week rất nhạy cảm, tâm trạng thay đổi thất thường. Đáp ứng nhu cầu hay chiều chuộng trẻ hơn sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, không phải bất kỳ điều gì cũng có thể đáp ứng được. Ba mẹ cần có một nguyên tắc nhất định nào đó đặt ra cho bé.
Không nên cáu gắt hay làm trái ý bé, cũng không nên nói “không” quá nhiều với bé. Ba mẹ hãy hướng dẫn bé, khuyến khích bé thực hiện một việc gì đó không thích và cho bé động lực để thực hiện.
5. Không ép buộc
Trong quá trình chăm sóc các bé, người lớn thường lo lắng bé ăn uống ít, ngủ không đủ giấc sẽ khiến con bị giảm cân, dễ ốm do đó bắt ép bé ăn nhiều hơn, đi ngủ sớm. Điều này sẽ khiến bé quấy khóc nhiều, nếu không có biện pháp thay đổi, những biểu hiện này có thể tồi tệ hơn ngay cả khi tuần khủng hoảng kết thúc.
Không nên ép buộc trẻ, mẹ hãy hướng dẫn, khích lệ trẻ làm việc gì đó. Thời gian đầu có thể gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên theo thời gian, mẹ và bé cũng sẽ quen dần với phương pháp này mà thôi.
Không nên ép buộc trẻ, hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ làm theo
5. Ôm ấp, xoa dịu con
Trong tuần wonder week, trẻ thường rất khó tính, cáu gắt… do lúc này đang đau hay khó chịu với một điều gì đó. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, yêu thương từ bố mẹ.
Hãy quan tâm trẻ nhiều hơn, để trẻ cảm nhận được sự yêu thương, âu yếm từ bố mẹ, giúp chúng cảm thấy an tâm, ấm áp và vượt qua tuần khủng hoảng.
7. Chia ca chăm bé
Trong tuần wonder week, bé rất khó chăm sóc, khiến ba mẹ thật sự mệt mỏi. Nếu có sự giúp đỡ của ông bà hay người trông trẻ, thì sẽ đỡ hơn một chút ít. Việc chia ca chăm sóc trẻ là điều rất cần thiết để giảm tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Đây là một giải pháp rất hữu ích giúp để bố mẹ được nghỉ ngơi tốt và có sức khỏe để chăm con.
Chia ca chăm bé để ba mẹ bớt mệt mỏi
8. Thăm khám bác sĩ
Một số trường hợp trải qua Wonder week khó khăn hơn với các trẻ khác, các phương pháp thường được sử dụng như chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ngủ sớm, quan tâm trẻ nhiều hơn… đều không có hiệu quả. Mẹ có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia nhi khoa để được tư vấn cách giải quyết.
Wonder week – tuần khủng hoảng của bé cũng là nỗi lo âu của nhiều ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi con. Giai đoạn này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, mặt khác đây cũng là giai đoạn rất nhạy cảm của trẻ, do đó hãy kiên nhẫn hơn với trẻ và đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn này bố mẹ nhé.