Các phương pháp điều trị ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phụ nữ. Bệnh thường ít biểu hiện triệu chứng mà hầu như chỉ phát hiện qua tầm soát và khám sàng lọc lâm sàng. Ung thư vú có nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, truyền hóa chất, các điều trị bổ trợ… Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ của bệnh, đã có di căn hay không, đặc điểm bệnh học từng cá nhân người bệnh mà được chỉ định phương pháp phù hợp. Đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề tâm lý, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân sau điều trị…Mỗi phác đồ điều trị thường sẽ được kết hợp nhiều phương pháp với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các phương pháp đang được sử dụng để điều trị ung thư vú hiện nay.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là 1 phương pháp điều trị thường được chỉ định ở bệnh nhân bị ung thư vú nhằm mục đích cắt bỏ khối u ra khỏi cơ thể. Phương pháp này chia làm 2 loại, phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ toàn bộ tuyến vú) và phẫu thuật bảo tồn vú (chỉ cắt một phần tuyến vú có khối u).
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú bao gồm các dạng sau:
– Phẫu thuật cắt bỏ vú rộng: Loại bỏ các cơ ngực và hạch bạch huyết ở ngực.
– Phẫu thuật cắt bỏ vú rộng cải biên: Giữ lại cơ ngực và chỉ loại bỏ 1 số hạch bạch huyết ở nách.
– Phẫu thuật cắt bỏ vú đơn giản: Giữ lại toàn bộ cơ ngực và cả hạch bạch huyết.
– Phẫu thuật cắt bỏ vú tiết kiệm da: Tiết giảm cơ ngực và da để che vết mổ, tạo thuận lợi cho việc tái tạo vú. Không vét hạch bạch huyết ở nách.
– Phẫu thuật cắt bỏ vú để lại núm vú: Tương tự phương pháp tiết kiệm da, kèm theo giữ lại núm vú và quầng vú.
Phẫu thuật bảo tồn vú chỉ loại bỏ khối u nên được ưu tiên nếu bệnh nhân đủ điều kiện để thực hiện theo phương pháp điều trị giới hạn này hoặc không muốn cắt bỏ tuyến vú. Đây cũng là cơ hội để bệnh nhân có thể giữ lại vú và cũng dễ hơn cho việc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ sau này. Đối với phương pháp này quan trọng là cần xác định kích thước khối u và các phần lề rìa của nó. Ở một số trường hợp bệnh nhân sẽ được sử dụng hóa trị liệu trước để thu nhỏ khối u rồi mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Phẫu thuật loại bỏ khối ung thư vú
Tuy nhiên nếu ở tình trạng khối u có xâm lấn thì cần thực hiện cả phẫu thuật nạo vét hạch ở dưới hố nách. Trước khi thực hiện vét hạch nách thì cần xác định xem tế bào ung thư có ở trong các hạch không bằng việc sinh thiết hạch cửa (các hạch đứng trước hạch nách). Nếu tế bào ung thư chưa lan đến hạch cửa thì cũng không cần phải phẫu thuật nạo vét hạch nách. Còn nếu phát hiện có tế bào ung thư thì việc cắt bỏ hạch nách là cần thiết, căn nhắc đến các yếu tố như giai đoạn ung thư, sự cảm thụ hormone, số hạch bị nhiễm…Biến chứng hay gặp sau cắt hạch là suy giảm bạch huyết, nguy cơ phù mạch, bệnh nhân cần có các biện pháp hỗ trợ điều trị sau đó.
Phẫu thuật phục hồi tạo hình tuyến vú
Sau khi phẫu thuật triệt căn hoặc phẫu thuật bảo tồn bệnh nhân có thể được phẫu thuật tái tạo và tạo hình lại tuyến vú để cải thiện vấn đề thẩm mỹ. Một số lựa chọn để tạo lại hình dáng tuyến vú như: Sử dụng các chất liệu độn (implant) – đặt các túi ngực bằng nước muối, silicon hay sử dụng các vạt cơ để cấy ghép.
Tuy nhiên việc thực hiện phẫu thuật phục hồi tạo hình này được các bác sĩ cân nhắc xem với tình trạng bệnh có cho phép hay không, phương pháp nào phù hợp, thời điểm thực hiện, bệnh nhân có nhu cầu không…Có thể tiến hành phẫu thuật tạo hình cùng với phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, phẫu thuật bảo tồn hoặc làm riêng biệt khi bệnh nhân muốn.
Loại phẫu thuật này giúp cải thiện nhiều về mặt thẩm mỹ nhưng có thể gặp các biến chứng gây các tác dụng phụ do vấn đề thải ghép gây ra.
Phẫu thuật tạo hình và tái tạo tuyến vú
2. Xạ trị
Phương pháp xạ trị là dùng các tia sáng mang năng lượng cao để tiêu diệt đi các tế bào ung thư vú. Nếu ở giai đoạn đầu, xạ trị làm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và các hạch bạch huyết khu vực, còn ở giai đoạn muộn xạ trị giúp kiểm soát tình trạng đau do chèn ép, ung thư di căn. Phương pháp xạ trị được dùng nhiều nhất hiện nay là xạ trị chiếu ngoài – EBRT.
Xạ trị được chỉ định trong một số các trường hợp:
– Sau phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, giúp giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và hạch vùng.
– Sau phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú nếu thỏa mãn điều kiện khối u có kích thước > 5cm và có ≥ 4 hạch nách bị nhiễm tế bào ung thư. Hoặc trong trường hợp khối u đã xâm lấn da hoặc/ và cơ ngực.
– Ung thư có di căn đến các vùng khác như xương, não.
Lộ trình xạ trị thường kéo dài trong 3-6 tuần. Bệnh nhân sẽ bắt đầu xạ trị sau khi phẫu thuật đến khi vết mổ đã lành, hoặc sau khi kết thúc hóa trị 4-8 tuần. Một số tác dụng phụ của xạ trị hay gặp như là: Mệt mỏi, đổi màu da (thường nhẹ), viêm da, viêm phổi do tia xạ, bệnh mạch vành do tia xạ (khi điều trị ung thư vú trái)…
Xạ trị điều trị ung thư vú
3. Hóa trị
Liệu pháp hóa trị có tác dụng toàn thân nên có thể sử dụng ở mọi giai đoạn của ung thư vú ngay cả khi đã có di căn. Đây là phương pháp hiệu quả cao, tăng tỉ lệ sống cho bệnh nhân.
– Sau phẫu thuật triệt căn, sử dụng hóa trị giúp giảm tỷ lệ tái phát.
– Khi khối u quá lớn, xâm lấn sang nhiều bộ phận khác thì sẽ sử dụng hóa trị điều trị trước để thu nhỏ kích thước khối u sau đó mới thực hiện phẫu thuật triệt căn hay phẫu thuật bảo tồn.
– Trong giai đoạn di căn thì sử dụng hóa trị liệu giúp giảm mức độ tiến triển, giảm đau cho bệnh nhân, cải thiện triệu chứng và kéo dài sự sống.
Bệnh nhân có thai không được sử dụng hóa trị trong 3 tháng đầu nếu giữ thai, chỉ hóa trị từ quý thứ hai trở đi với các thuốc ít gây hại thai nhi như: Doxorubicin, Cyclophosphamide, 5 fluorouracil, Taxane…
Khi điều trị hóa trị bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, mệt mỏi, rụng tóc, giảm bạch cầu, tiểu cầu, suy tim…
Hóa trị điều trị ung thư vú
4. Điều trị nội tiết
Chỉ áp dụng phương pháp điều trị nội tiết nếu bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính (ER+). Các thuốc nội tiết có tác dụng ngăn không cho estrogen gắn vào thụ thể trên tế bào ung thư, từ đó ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Điều trị nội tiết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu bệnh nhân có biểu hiện của 2 thụ thể estrogen và progesterone, kém hơn nếu chỉ có biểu hiện của estrogen nhưng tối thiểu ít nhất phải có biểu hiện của progesteron.
Điều trị nội tiết thường được chỉ định sau phẫu thuật tuyến vú, kết hợp với các biện pháp khác để ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Ở giai đoạn di căn cũng sẽ làm giảm triệu chứng và tiến triển của bệnh. Các thuốc nội tiết phổ biến hiện tại là tamoxifen, chất ức chế enzyme aromatase – AI (letrozole, anastrozole, exemestane) và fulvestrant. Gần đây có thêm một số thuốc mới như kháng CDK4/6, kháng PIK3, thuốc ức chế mTOR…giúp tăng hiệu quả điều trị khi phối hợp cùng các thuốc nội tiết trên. Ở phụ nữ bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng mãn kinh hay còn kinh để chỉ định thuốc phù hợp. Đối với trường hợp có thai chỉ sử dụng thuốc nội tiết sau khi bệnh nhân đã sinh hoặc đình chỉ thai nghén.
– Tamoxifen có tác dụng cạnh tranh với thụ thể của estrogen. Thuốc chỉ định cho phụ nữ còn kinh hoặc đã mãn kinh. Điều trị bằng Tamoxifen trong 5 năm giúp giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ đến 25%. Nếu bệnh nhân bộc lộ thụ thể Estrogen thì sử dụng Tamoxifen 10 năm giúp giảm nguy cơ tái phát, kéo dài sự sống hơn so với liệu trình 5 năm.
– Các thuốc ức chế Aromatase – AI: Có tác dụng ức chế sản xuất Estrogen ở ngoại vi và chỉ được chỉ định cho phụ nữ đã mãn kinh trong thời gian 5 năm.
Tamoxifen – thuốc nội tiết điều trị ung thư vú
5. Điều trị đích
Điều trị nhắm đích là phương pháp sử dụng các thuốc là kháng thể đơn dòng nhắm vào các đích đặc hiệu của tế bào ung thư vú. Tuy nhiên chỉ ở bệnh nhân mà các tế bào ung thư bộc lộ thụ thể HER2 mới có thể sử dụng phương pháp này. Các thuốc nhắm đích đang được sử dụng hiện nay bao gồm trastuzumab, pertuzumab, lapatinib và TDM-1.
Điều trị nhắm đích có thể kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị, được chỉ định trước và sau phẫu thuật và cả trong giai đoạn đã di căn giúp cải thiện thời gian sống cho bệnh nhân. Đối với khối u có HER2 phát triển mạnh trong giai đoạn di căn thì trastuzumab giúp kiểm soát tốt tình trạng di căn đến tạng. Thuốc thường dùng trong 1 năm, dùng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc nội tiết, hóa trị liệu hoặc pertuzumab.
Các thuốc kháng HER2 chống chỉ định trong suốt thời kỳ mang thai. Chi phí cho các thuốc điều trị nhắm đích khá đắt nên không bắt buộc tất cả các bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị này.
Trastuzumab – Thuốc điều trị ung thư vú
6. Điều trị miễn dịch
Đây là phương pháp sử dụng các thuốc tác động vào hệ miễn dịch của cơ thể, để chúng có thể nhận biết và tấn công lại các tế bào ung thư vú. Phương pháp này giúp hệ miễn dịch có thể nhận ra các ‘’vật lạ’’ như tế bào ung thư mà trước đây bị các protein của tế bào “đánh lừa”. Liệu pháp miễn dịch có thể đáp ứng tốt các trường hợp ung thư trong nhóm nguy cơ cao như nhóm bộ ba âm tính. Các nghiên cứu cho thấy dùng atezolizumab cùng với hóa chất khi điều trị cho bệnh nhân ung thư vú với bộ ba âm tính (triple negative) đã di căn, giúp cải thiện hiệu quả điều trị hơn so với chỉ dùng hóa chất đơn thuần.
Điều trị miễn dịch giúp hệ miễn dịch phát hiện tấn công tế bào ung thư vú
Trong điều trị ung thư vú còn kết hợp một số nhóm thuốc và một số điều trị khác như nhóm thuốc tái tạo xương, các can thiệp điều trị các triệu chứng, biến chứng trong quá trình điều trị, cắt bỏ buồng trứng, dự phòng giảm bạch cầu có sốt…
Trên đây là những thông tin sơ lược về các biện pháp điều trị ung thư vú đang được áp dụng hiện nay. Với mỗi giai đoạn, điều kiện sức khỏe, đặc điểm bệnh học cụ thể của mỗi bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Đối với ung thư vú việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng giúp tăng tỉ lệ thành công khi điều trị và giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.