Dựa theo công văn 5450/SYT-NVY ngày 10 tháng 8 năm 2021 về cập nhật “Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà”, hướng dẫn của HCDC kết hợp với kinh nghiệm dùng thuốc của các y bác sĩ chống dịch, chúng tôi xin đưa ra gợi ý về combo các sản phẩm thiết yếu nên chuẩn bị cho mùa dịch như sau:
A. Thiết bị y tế cần chuẩn bị trong gia đình
1. Máy đo oxy SpO2 để kiểm tra nồng độ oxy trong máu:
– Phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.
– Bình thường, độ bão hòa oxy trong máu là 98-100%.
– Nếu F0 có chỉ số SpO2 <94% sẽ được chỉ định thở oxy.
2. Nhiệt kế:
– Dùng để đo thân nhiệt, giúp kiểm tra cơ thể có bị sốt hay không để có biện pháp dùng thuốc hợp lý và hiệu quả.
– Chỉ nên dùng nhiệt kế kẹp nách như nhiệt kế điện tử kẹp nách hoặc nhiệt kế thủy ngân (tuy nhiên nhiệt kế thủy ngân dễ rơi vỡ, gây độc nên hạn chế sử dụng).
– Nhiệt kế hồng ngoại cho kết quả không chính xác, chỉ có tác dụng tầm soát trên diện rộng. Nếu như dùng nhiệt kế hồng ngoại thấy có dấu hiệu sốt, cần dùng nhiệt kế kẹp nách để xác định lại chính xác, giúp việc sử dụng thuốc hạ sốt nhanh chóng và hiệu quả.
3. Test nhanh covid-19 – Test nhanh kháng nguyên
Khi điều trị, cách ly tại nhà, muốn kiểm tra xem bản thân là F1 đã bị chuyển thành F0 chưa, hay đang là F0 test xem đã khỏi bệnh hay chưa thì test nhanh kháng nguyên là một thiết bị nên chuẩn bị trong gia đình.
B. Combo thuốc thiết yếu cần chuẩn bị
I. Đối với trẻ em trên 1 tuổi
Phụ huynh có trẻ nghi ngờ hay trẻ là F0 cần hết sức bình tĩnh, đa số trẻ bệnh nhẹ và không triệu chứng. Hãy xử trí như những lần trước trẻ ốm, sự lo lắng của phụ huynh có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Khi thấy trẻ xuất hiện triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng đó. Không sử dụng thuốc nếu không có triệu chứng (trừ xịt rửa mũi và tăng sức đề kháng có thể sử dụng hàng ngày).
1. Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol khi sốt trên 38.5 độ C
Khi trẻ được xác định là F0, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C (đo bằng nhiệt kế kẹp nách) thì bố mẹ nên cho bé uống hạ sốt Paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ nếu vẫn còn sốt.
Biết cân nặng của bé, ba mẹ hãy tính liều theo cân nặng và chọn dạng bào chế phù hợp. Tốt nhất hãy báo cho nhân viên y tế về số cân nặng của con bạn để lựa chọn dạng thuốc với hàm lượng thích hợp. Sau đây là dạng thuốc và liều dùng gợi ý theo độ tuổi chung cho bé:
Độ tuổi trẻ em |
Dạng thuốc | Liều dùng mỗi lần |
Dưới 1 tuổi | Paracetamol dạng bột 80mg | 1 gói/lần x 4 lần/ngày |
Từ 1 đến dưới 2 tuổi | Paracetamol dạng bột 150mg | 1 gói/lần x 4 lần/ngày |
Từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi | Paracetamol dạng bột 250mg | 1 gói/lần x 4 lần/ngày |
Từ 5 đến 12 tuổi | Paracetamol viên 325mg | 1 viên/lần x 4 lần/ngày |
Trên 12 tuổi | Paracetamol viên 500mg | 1 viên/lần x 4 lần/ngày |
2. Thuốc điều trị ho
Ưu tiên sử dụng thuốc ho thảo dược, với trẻ nhỏ có dạng siro, với trẻ lớn có thêm dạng viên.
Các thuốc ho thảo dược có thể tham khảo cho bé: Prospan, bổ phế Nam Hà, thuốc ho Bảo Thanh, thuốc ho Sapphire …
3. Thuốc xịt/nhỏ mũi
Hãy vệ sinh mũi cho bé hàng ngày với thuốc xịt mũi hoặc các nước nhỏ mũi NaCl 0,9% để sát khuẩn, góp phần loại bỏ vi khuẩn và thông thoáng đường thở cho bé.
Trường hợp bé là F1, ba mẹ cũng nên vệ sinh mũi cho bé thường xuyên để góp phần phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.
Các sản phẩm gợi ý: Xịt mũi Sterimar, nhỏ mũi NaCl 0,9%, xịt mũi Xisat, xịt mũi Humer…
4. Tăng sức đề kháng
Trong mùa dịch, đặc biệt khi được xác định là F0, F1 thì việc tăng sức đề kháng cho bé là vô cùng quan trọng. Ngoài chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, ba mẹ có thể bổ sung thêm các sản phẩm tăng sức đề kháng để góp phần nâng cao sức khỏe cho bé, giúp bé nhanh khỏi bệnh hoặc đẩy lùi nguy cơ.
Các sản phẩm gợi ý: Tăng đề kháng Anaferon của Nga, Tebexerol, Sambucol…
II. Đối với người lớn từ 15-80 tuổi
Theo sở y tế thành phố Hồ Chí Minh, thuốc điều trị Covid-19 tại nhà gồm 3 gói A, B, C.
– Gói A: Thuốc hạ sốt, tăng đề kháng.
– Gói B: Thuốc kháng viêm và thuốc chống đông máu (chỉ dùng trong tình huống đặc biệt).
– Gói C: Thuốc kháng virus theo chương trình của Bộ y tế.
Gói A: Hạ sốt Paracetamol 500mg và các loại vitamin
1. Paracatamol 500mg
– Nên chọn dạng sủi để mang lại tác dụng nhanh chóng, nếu không có dạng sủi thì sử dụng dạng viên nén.
– Uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C.
– Các sản phẩm gợi ý: Efferalgan 500mg, Panadol viên sủi, Tylenol…
2. Vitamin (Vitamin tổng hợp hoặc vitamin C): Ưu tiên dạng viên sủi
– Vitamin tổng hợp (multi vitamin): Ngày 1 lần, mỗi lần 1 viên.
– Hoặc Vitamin C: Ngày uống 2 lần, sáng 1 viên, trưa 1 viên.
Gói B: Thuốc chống viêm steroid và thuốc chống đông
Các thuốc này chỉ sử dụng khi có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ trong trường hợp:
– Thở hụt hơi.
– Khó thở tăng lên khi vận động.
– Nhịp thở khi nghỉ ngơi >20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%.
Thuốc này sẽ dùng cho bệnh nhân có chỉ định nhập viện và uống 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Các thuốc được khuyến nghị:
– Thuốc chống viêm:
+ Dexamethasone 0,5 mg (chuẩn bị 12 viên/người): Uống 1 lần 12 viên (tương ứng 6mg).
+ Hoặc dùng Methylprednisolon 16mg (1 viên/người): Uống 1 lần 1 viên.
– Thuốc chống đông:
+ Rivaroxaban 10mg: 1 viên/lần.
+ Hoặc Apixaban 2,5mg: 1 viên/lần.
+ Hoặc Dabigatran 220mg: 1 viên/lần.
Lưu ý các thuốc này không được sử dụng trong các trường hợp sau:
– Phụ nữ mang thai.
– Bà mẹ cho con bus.
– Viêm loét dạ dày – tá tràng.
– Suy gan.
– Suy thận.
– Các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
Gói C: Thuốc kháng virus Molnupiravir
– Đây là thuốc kháng virus được bộ y tế cung cấp trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát đối với các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
– Có 2 dạng viên 200 mg và viên 400mg.
– Liều dùng:
+ Sử dụng trong 5 ngày liên tục.
+ Mỗi ngày 2 lần, sáng 800mg, tối 800mg.
– Chống chỉ định trong các trường hợp sau:
+ Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
+ Bà mẹ cho con bú.
Các thuốc thiết yếu khác
Ngoài 3 gói thuốc trên, dựa theo từng trường hợp với các triệu chứng cụ thể ở từng bệnh nhân mà kết hợp sử dụng thêm các sản phẩm sau:
1. Thuốc điều trị ho
Khi có các triệu chứng ho, người bệnh nên sử dụng các thuốc ho để giúp giảm triệu chứng. Nếu trước đây bị ho uống thuốc nào thì giờ cứ dùng những thuốc đó để giảm ho.
Các thuốc ho tham khảo: Terpin-codein, Thuốc ho Bromhexin… hoặc các loại thuốc ho từ thảo dược như Bổ phế Nam Hà, Eugica…
2. Bù nước, điện giải Oresol
– Mục đích: Bù nước, điện giải cho cơ thể trong trường hợp sốt, tiêu chảy gây mất nước.
– Pha theo đúng hướng dẫn về lượng nước tương ứng như hướng dẫn sử dụng, dùng uống trong ngày.
– Sản phẩm gợi ý: Oresol Sport (pha 1 gói trong 500ml).
3. Thuốc xịt mũi, nhỏ mũi
Xịt rửa mũi giúp làm giảm các triệu chứng và làm giảm sự lây truyền SARS-Cov-2. Nên rửa mũi 5-6 lần mỗi ngày bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch xịt rửa mũi.
Các sản phẩm tham khảo: Nhỏ mũi NaCl 0,9%, Xịt mũi Xisat…
4. Nước súc miệng
Với tác dụng sát khuẩn tại chỗ, mọi người vẫn được khuyến khích súc miệng họng mỗi ngày để góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị Covid – 19.
Chú ý: Tuyệt đối không tự ý pha nước muối hay dùng nước muối ưu trương để súc họn vì nguy cơ làm tổn thương thêm tế bào niêm mạc mũi họng, dẫn đến nguy cơ gây loét và bội nhiễm thêm vi khuẩn khác.
Các loại nước súc miệng tham khảo: Listerine, Súc miệng SMC Ag+, Nước muối NaCl 0,9%…
5. Tăng sức đề kháng
Tăng sức đề kháng giúp cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng cũng được khuyến nghị.
Các sản phẩm tham khảo: Tebexerol, Thymomodulin…