Sỏi mật là một căn bệnh trên đường tiêu hóa, có thể gây ra đau đớn và tắc nghẽn đường dẫn mật. Hãy cùng Central Pharnacy tìm hiểu ngay nguyên nhân, các dấu hiệu của sỏi mật, cách phòng và điều trị sỏi mật qua bài viết sau đây.
I. Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là một trong những bệnh lý về túi mật phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới. Sỏi mật là sự hình thành của những viên sỏi bên trong túi mật hoặc ống dẫn mật, có thành phần là Cholesterol, Bilirubin, đôi khi chúng có thể chứa cả các thành phần khác.
Túi mật là cơ quan nằm ở vùng hạ vị, bên phải, phía dưới gan, có nhiệm vụ sản xuất các dịch tiêu hóa (dịch mật) giúp phân giải chất béo. Khi 1 trong các thành phần của dịch mật (Cholesterol, Bilirubin, muối Canxi) bị bão hòa sẽ hình thành sỏi mật. Sỏi có thể nhỏ như hạt cát hoặc to bằng quả trứng gà, có thể có nhiều hoặc chỉ một viên sỏi tùy vào tình trạng của mỗi người bệnh.
Sỏi hình thành trong túi mật hay đường dẫn mật có khả năng gây tắc nghẽn đường dẫn mật, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Sỏi túi mật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời
II. Nguyên nhân gây sỏi mật
Sỏi mật được hình thành trong túi mật khi có những yếu tố thuận lợi như sau:
1. Mất cân bằng Cholesterol hoặc Bilirubin trong dịch mật
Ở người bình thường, lượng Acid mật tiết ra đủ để hòa tan Cholesterol, tuy nhiên khi gan bài tiết ra quá nhiều Cholesterol, không có đủ Acid mật và Lecithin để hòa tan chúng, dẫn đến một phần Cholesterol không được hòa tan. Khi lượng Cholesterol tích tụ lại, tăng dần kích thước và tạo thành sỏi mật.
Tình trạng này thường xảy ra ở người suy giảm chức năng gan, chế độ ăn giàu Cholesterol, đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc mắc một số bệnh lý đường ruột khác như viêm ruột mạn tính, các vấn đề liên quan đến ruột non.
Chế độ ăn giàu Cholesterol là nguyên nhân gây sỏi túi mật
Bilirubin được hình thành và bài tiết vào trong dịch mật và chuyển hóa để thải trừ ra ngoài. Khi có quá nhiều Bilirubin, chúng kết hợp với Canxi tạo thành muối kém hòa tan, ngưng tụ với nhau tạo thành hạt, cuối cùng thành sỏi sắc tố mật
2. Giảm vận động đường ruột
Ở người ít vận động, ngồi nhiều, thường gặp ở các nhân viên văn phòng hoặc người có chế độ ăn kiêng quá mức có khả năng cao bị giảm vận động đường ruột. Điều này khiến cho các thành phần trong dịch mật lắng đọng, ngưng tụ thành sỏi.
Giảm vận động đường ruột cũng có thể gặp ở người sử dụng thuốc làm giảm co bóp cơ trơn, người liệt giường lâu ngày phải truyền dịch dinh dưỡng.
3. Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng
Các loại ký sinh trùng trong đường ruột như giun, sán đi lạc vào đường mật, xác hoặc trứng của các loại ký sinh trùng ở trong túi mật sẽ trở thành nhân, tạo điều kiện cho Calci, Bilirubin hay các thành phần khác bám vào, hình thành nên sỏi.
Đây là một tác nhân gây sỏi mật thường gặp ở các nước đang phát triển, do chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, khiến ký sinh trùng xâm nhập nhiều vào đường tiêu hóa.
III. Các loại sỏi mật
Theo nguyên nhân hình thành sỏi, sỏi mật được chia thành 3 loại: Sỏi sắc tố mật, sỏi Cholesterol và sỏi muối mật.
1. Sỏi Cholesterol
Là loại sỏi thường gặp nhất, khi quá dư thừa Cholesterol trong túi mật. Mặc dù Cholesterol trong dịch mật chỉ chiếm 5% nhưng có đến 75% người mắc bệnh sỏi mật là do dư thừa Cholesterol.
Sỏi Cholesterol thường có màu vàng, chủ yếu là Cholesterol không tan và một số thành phần khác nhưng chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
2. Sỏi sắc tố mật
Bao gồm sỏi sắc tố đen và sỏi sắc tố nâu. Sỏi sắc tố đen được hình thành từ Bilirubin, kết hợp với các thành phần khác trong mật thành các hạt, sau đó tăng dần kích thước, có màu đen và cứng.
Khi túi mật bị giảm co bóp hoặc đường dẫn mật bị cản trở, vi khuẩn từ tá tràng xâm nhập ngược lên các ống dẫn mật và túi mật, biến đổi Bilirubin và kết hợp với Calci và các chất béo trong mật, hình thành sỏi sắc tố nâu, mềm hơn sắc tố đen.
3. Sỏi muối mật
Muối mật khi kết tinh lại tạo thành sỏi, thường kết hợp với Calci và các thành phần khác, có màu nâu đỏ.
Sỏi muối mật còn được gọi là sỏi hỗn hợp do bao gồm cả Cholesterol và Bilirubin
IV. Biểu hiện sỏi mật
Các triệu chứng của sỏi mật thường không rõ ràng, do đó dẫn đến sự chủ quan của người bệnh trong việc thăm khám và điều trị. Phần lớn, những người mắc bệnh sỏi mật chỉ phát hiện ra một cách tình cờ khi thăm khám các bệnh lý khác.
Tùy vào vị trí của sỏi, dấu hiệu cảnh báo sỏi mật ở mỗi người cũng khác nhau, tuy nhiên một số triệu chứng điển hình của sỏi có thể kể đến là:
– Đau hạ sườn phải: Xuất hiện những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện.
Sỏi túi mật có thể gây đau hạ sườn phải
– Sốt, ớn lạnh: Người bệnh bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật. Có thể xuất hiện những cơn sốt cao trên 38 độ, cùng với cảm giác run, vã mồ hôi khi hạ sốt.
– Rối loạn tiêu hóa: Ở một số trường hợp bị chứng sợ đồ dầu mỡ, ăn không tiêu, đầy bụng, ợ chua…
– Vàng da: Có thể kèm theo ngứa nhiều, tùy theo mức độ nghiêm trọng của sỏi mà mức vàng da của người bệnh cũng khác nhau.
V. Sỏi mật có nguy hiểm không?
Sỏi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
– Viêm túi mật: 90-95 % nguyên nhân dẫn đến viêm túi mật là do sỏi mật. Khi sỏi mật theo dòng chảy của dịch mật, lọt vào đường dẫn mật, cản trở sự di chuyển của dịch mật, gây ứ tắc, nhiễm trùng và viêm túi mật cấp.
– Tắc ruột: Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm của sỏi mật. Một viên sỏi lớn có thể gây viêm loét, làm mòn niêm mạc túi mật, hình thành lỗ rò giữa túi mật và các tạng liền kề như tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng, đại tràng… Sỏi vượt qua lỗ rò, vào đường ruột, phần lớn là lỗ rò túi mật – tá tràng, gây tắc ruột.
– Viêm tụy cấp: Sỏi di chuyển vào túi mật theo đường mật, lọt vào ngã ba mật tụy, làm ứ tắc dịch mật và cả dịch tụy, dẫn đến viêm tụy cấp. Đây là một bệnh nội khoa hết sức nguy hiểm, có thể gây biến chứng ở nhiều tạng khác, thậm chí là suy tạng và tử vong.
Sỏi mật có thể dẫn đến viêm tụy cấp
– Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Chiếm 16 – 24 % tỉ lệ biến chứng do sỏi mật. Sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật sẽ gây ra nhiễm trùng, viêm đường mật cấp. Nếu tình trạng này không được cải thiện có thể dẫn đến tử vong.
– Ung thư túi mật: Tỉ lệ người bệnh bị ung thư túi mật do sỏi mật rất hiếm gặp. Ước tính cứ 10.000 người bị sỏi mật thì có 1 người bị ung thư túi mật do nó. Tuy nhiên, sỏi mật làm tăng nguy cơ ung thư túi mật, cứ 5 người bị ung thư túi mật thì có đến 4 người có tiền sử sỏi mật.
VI. Chẩn đoán sỏi mật
Một số đối tượng sau đây dễ mắc sỏi mật hơn người bình thường, có thể kể đến như:
– Người trên 40 tuổi.
– Tiền sử sỏi mật trong gia đình.
– Thừa cân, béo phì.
– Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
– Sụt cân quá mức trong thời gian ngắn.
– Người mắc bệnh tiểu đường, Crohn.
– Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, Cholesterol.
– Người dùng thuốc giảm Cholesterol.
– Người Mỹ gốc Ấn hay Mexico thường có tỉ lệ mắc bệnh sỏi mật cao hơn.
Người trên 40 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật
Ngoài việc dựa vào các triệu chứng điển hình của sỏi mật, để xác định người bệnh có bị sỏi mật hay không, có thể dựa vào các kết quả xét nghiệm như:
– Siêu âm: Xét nghiệm thường được sử dụng nhất để phát hiện sỏi mật do đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, cho kết quả chính xác tới 95%.
– Chụp cắt lớp vi tính: Cho hình ảnh túi mật, đường gan, tụy, giúp phát hiện ra những tổn thương nhỏ.
– Chụp cộng hưởng từ: Hỗ trợ xác định chính xác vị trí sỏi mật.
– Xét nghiệm máu: Khi có sỏi mật, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, Bilirubin trực tiếp tăng, men gan tăng. Khi sỏi mật không được điều trị, bệnh kéo dài gây biến chứng, tùy thuộc vị trí mà kết quả xét nghiệm cũng thay đổi như Amylase tăng trong viêm tụy cấp, Creatinin tăng khi suy thận sau nhiễm khuẩn…
VII. Điều trị sỏi mật
Tất cả các trường hợp sỏi mật đều cần điều trị, không kể kích thước lớn nhỏ hay số lượng sỏi nhiều ít. Không phải đối tượng nào cũng cần cắt túi mật phòng ngừa.
1. Điều trị không phẫu thuật
Ở bệnh nhân không thể phẫu thuật, thường điều trị nội khoa bằng các kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc giãn cơ trơn.
Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc uống tan sỏi. Biện pháp này không có hiệu quả điều trị cao, dễ tái phát và chỉ được sử dụng trong điều trị sỏi Cholesterol.
Hiện nay, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng được sử dụng do an toàn, thời gian nằm viện ngắn và ít xâm lấn. Tán sỏi chỉ được thực hiện khi sỏi có kích thước dưới 25mm, ở bệnh nhân già yếu, có nhiều bệnh lý toàn thân phức tạp.
2. Sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ?
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm, biến chứng mà sỏi mật có thể gây ra để xác định có phải mổ hay không. Phẫu thuật sỏi mật không chỉ dựa trên kích thước để phẫu thuật.
Thông thường khi sỏi chiếm 2/3 diện tích túi mật thì cần mổ. Một số trường hợp sau phải mổ lấy sỏi:
– Sỏi mật gây viêm túi mật, dẫn đến đau đớn cho người bệnh, tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Sỏi kích thước lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật.
– Sỏi mật kết hợp Polyp mật, kích thước lớn, có nguy cơ cao gây ung thư túi mật.
– Sỏi di chuyển đến các vị trí hẹp, dễ gây ứ tắc dịch mật.
– Số lượng sỏi và kích thước sỏi tăng lên, nguy cơ biến chứng cao.
– Bệnh nhân tiểu đường.
Mổ lấy sỏi khi sỏi chiếm phần lớn diện tích túi mật
Phẫu thuật mổ lấy sỏi chỉ giúp giải quyết tạm thời nguy cơ biến chứng do sỏi mật gây ra, không có hiệu quả trong phòng ngừa sỏi tái hình thành. Do đó, người bệnh cần thay đổi lối sống, sinh hoạt để phòng bệnh hiệu quả.
VIII. Phòng ngừa sỏi mật
Để phòng ngừa sỏi mật, cần phải thực hiện lối sống lành mạnh cũng như áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, giúp ngăn ngừa sự phát triển của sỏi mật:
– Tăng cường vận động cơ thể, tránh ngồi lâu một chỗ quá nhiều. Nên tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm sự “lười nhác” của hệ tiêu hóa, tăng đào thải các chất.
– Tránh ăn quá nhiều chất béo bão hòa và Cholesterol như mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh…
– Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ít béo, tăng cường sử dụng các loại rau xanh, hoa quả tươi, uống đủ nước.
– Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày để tăng cường tiêu hóa thức ăn, dịch mật được sản xuất đều đặn, giảm nguy cơ hình thành sỏi.
– Chế độ kiêng khem quá mức cũng có thể dẫn đến sỏi mật. Do đó cần duy trì trọng lượng cơ thể ở mức bình thường, không nên giảm cân quá nhanh gây ra nhiều ảnh hưởng xấu với cơ thể.
Sỏi mật là căn bệnh phổ biến, có nhiều người mắc phải nhưng không phải ai cũng phát triển thành triệu chứng và cần phẫu thuật. Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường của cơ thể, đừng ngại ngần thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.