Hải sản chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp bị dị ứng khi ăn hải sản. Vậy dị ứng hải sản có tự khỏi được không? Khi bị dị ứng hải sản phải làm gì để nhanh khỏi? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây!
1. Tại sao hải sản dễ gây dị ứng?
Các loại hải sản chứa rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể, là nguồn cung cấp Protein, omega-3, canxi… dồi dào. Tuy nhiên, trong các loại hải sản này có chứa một số Protein lạ, gây ra phản ứng dữ dội với những người có cơ địa mẫn cảm. Khi có quá nhiều Protein lạ, cơ thể sẽ tích cực sản xuất các kháng thể tiêu diệt các dị nguyên mà chúng cho là có hại. Quá trình này gây ra tình trạng dị ứng với nhiều triệu chứng khác nhau.
Ngoài ra, trong hải sản cũng chứa nhiều histamin, kích thích các phản ứng dị ứng xảy ra nhanh hơn. Ăn quá nhiều hải sản đồng nghĩa với việc nạp một lượng lớn Histamin vào trong cơ thể, gây ra dị ứng.
Do đó, cùng ăn hải sản nhưng có người không gặp nguy hiểm gì, có người lại bị mẩn ngứa, phát ban… nghiêm trọng.
Hải sản có nhiều Protein “lạ” dễ gây dị ứng
2. Dị ứng hải sản là gì? Dấu hiệu nhận biết
Dị ứng hải sản là tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, xảy ra khi cơ thể nạp Protein từ các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực… gây ra các phản ứng thái quá.
Khi bị dị ứng hải sản, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người mà mức độ dị ứng có thể nặng nhẹ khác nhau. Thông thường, người bị dị ứng hải sản thường có những biểu hiện sau:
– Ngứa, phát ban, chàm, nổi mẩn đỏ từng vùng da hoặc khắp cơ thể.
– Ngứa trong miệng.
– Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.
– Sưng phù mặt, môi, lưỡi, cổ họng và một số bộ phận khác trên cơ thể.
– Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
Người bị dị ứng hải sản thường bị nổi mẩn khắp cơ thể
Trường hợp nặng, người bị dị ứng có thể bị sốc phản vệ, cần cấp cứu ngay lập tức:
– Tắc đường thở, hô hấp gặp khó khăn.
– Sốc, huyết áp giảm nghiêm trọng.
– Mạch đập nhanh.
– Chóng mặt, choáng, bất tỉnh.
Dị ứng hải sản ở cấp độ nhẹ hoàn toàn có thể điều trị được bằng các thuốc trị dị ứng thông thường. Nếu dị ứng hải sản ở cấp độ nặng, cần được cấp cứu ngay. Những đối tượng có nguy cơ cao bị dị ứng hải sản có thể kể đến như:
– Người có cơ địa nhạy cảm.
– Trẻ em do có hệ tiêu hóa non nớt chưa phát triển hoàn chỉnh.
– Người bị viêm da cơ địa, viêm xoang dị ứng, hen suyễn.
– Gia đình có tiền sử dị ứng hải sản.
Những đối tượng này nên kiểm tra xem bản thân có bị dị ứng hải sản hay không bằng cách thử một miếng nhỏ trước. Nếu nhận thấy không có dấu hiệu gì mới được ăn nhiều hơn để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng hải sản có thể xảy ra.
3. Dị ứng hải sản bao lâu thì khỏi?
Thông thường, dị ứng hải sản chỉ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ngoài da. Tình trạng này có thể biến mất sau vài giờ kể từ khi ăn hải sản.
Ở người bệnh bị dị ứng hải sản nghiêm trọng có thể xuất hiện tình trạng nôn mửa, nghẹt thở, chóng mặt. Nguy hiểm hơn là sốc phản vệ và trụy tim mạch, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời. Các triệu chứng dị ứng có thể kéo dài vài tuần cho tời vài tháng. Thông thường sẽ mất khoảng 1 tuần – 10 ngày để cải thiện các triệu chứng.
Dị ứng hải sản thường không thể điều trị triệt để. Nếu người bệnh tiếp tục ăn hải sản gây dị ứng thì nguy cơ tái phát vẫn có thể xảy ra. Do đó, cần tránh dùng các loại hải sản dễ gây dị ứng để phòng ngừa nguy cơ dị ứng có thể xảy ra.
4. Cần làm gì khi bị dị ứng hải sản?
Tình trạng ngứa, nổi mẩn ở những người bị dị ứng thường kéo dài. Bạn có thể rút ngắn thời gian này bằng những cách sau đây:
Uống nhiều nước, gây nôn
Khi xuất hiện những dấu hiệu của dị ứng hải sản, người bệnh có thể gây nôn ngay lập tức để loại bỏ hết lượng hải sản, tác nhân gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Sau khi đã gây nôn hết, nên rửa mũi, súc miệng nước muối và uống nhiều nước.
Thuốc Tây y điều trị dị ứng
Nếu các triệu chứng dị ứng không tự khỏi sau vài giờ, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, có thể được chỉ định các loại thuốc như:
– Thuốc kháng Histamine (Loratadin, Cetirizin, Phenergan, Chlorpheniramin…) giúp làm giảm các phản ứng dị ứng ở da, niêm mạc nhưng không có hiệu quả khi bị dị ứng nặng.
– Thuốc Epinephrine (Adrenaline) đường tiêm, dùng trong trường hợp khẩn cấp để chống co thắt đường thở và phòng ngừa sốc phản vệ.
– Thuốc bôi ngoài da như kem bôi chứa menthol, Sulfat kẽm, thuốc chống ngứa…
Chỉ sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc tại nhà.
Dùng thuốc chữa dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ
Điều trị dị ứng hải sản tại nhà
Khi các biểu hiện dị ứng không quá nặng nề, có thể sử dụng các nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm tại nhà để chữa bệnh.
Mật ong
Mật ong có chứa nhiều hoạt chất có công dụng làm giảm dị ứng, đặc biệt là dị ứng hải sản. Với khả năng chống viêm, giảm sưng, mật ong có thể làm giảm mẩn ngứa khi nổi mề đay bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn có hại.
Pha mật ong với nước ấm uống mỗi ngày, chỉ sau 2 – 3 ngày, tình trạng dị ứng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, mật ong còn giúp bảo vệ sức khỏe, kích thích tiêu hóa do chứa nhiều dưỡng chất như đường, Canxi, Kali, sắt…
Nước chanh tươi
Nếu bạn bị dị ứng hải sản nhất là dị ứng tôm thì nước chanh tươi chính là loại thực phẩm cần thiết ngay lúc này. Trong chanh tươi có chứa axit ascorbic giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Hơn nữa, đây còn là chất dinh dưỡng cần thiết trong việc phục hồi các tổn thương và duy trì các mô liên kết trong cơ thể.
Chanh, mật ong giúp hỗ trợ điều trị dị ứng hải sản
Nước ép rau quả
Nước ép hoa quả rất tốt cho người bị dị ứng hải sản, giúp bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, các loại nước ép rau quả còn giúp thanh lọc cơ thể và giảm sưng lưỡi tốt. Sử dụng nước ép hoa quả tươi mỗi ngày sẽ rất tốt cho bạn.
Một số lưu ý khi điều trị dị ứng hải sản
Để nâng cao hiệu quả điều trị dị ứng, giúp các triệu chứng nhanh chóng biến mất, người bệnh cần chú ý:
– Phát ban, nổi mề đay, mẩn ngứa thường gây nóng rát và ngứa ngáy khiến chúng ta muốn cào gãi, chà xát lên các vùng da này để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên hành động này làm tăng các tổn thương trên da, nguy cơ trầy xước, lở loét, chảy máu tăng. Do đó, tránh cào gãi lên các vùng da này để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng.
Hạn chế cào gãi và ma sát lên da
– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng khác: Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng khi cơ thể đang bị dị ứng cũng sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều kháng thể hơn, tăng cường giải phóng Histamin gây ra tình trạng mẩn ngứa, sưng đỏ. Do đó, khi đang bị dị ứng hải sản, ngoài việc không ăn các loại hải sản, người bệnh cũng không nên tiêu thụ thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa bò, lúa mì, trứng, thịt bò, thức ăn lên men, thức uống gây kích thích… Nên sử dụng các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo trắng, khoai tây nghiền, bánh mì nướng và các loại trái cây mềm.
– Với những bệnh nhân bị nôn, tiêu chảy thì nên được bù nước và chất điện giải bằng cách uống oresol. Để giảm kích thích dạ dày, cơm gạo trắng hoặc súp cà chua là một trong những lựa chọn tốt nhất
– Theo các nghiên cứu cho thấy, cồn, aldehyde trong rượu, bia có thể khiến cho các tổn thương trên da do dị ứng hải sản lan rộng hơn, gây sưng, ngứa dữ dội. Do đó, hạn chế thức ăn cay nóng, rượu bia, chất kích thích để tránh làm tình trạng dị ứng thêm nghiêm trọng hơn.
– Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Khi bị dị ứng hải sản, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với các yếu tố “lạ”. Vậy nên, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như phấn hoa, mỹ phẩm, hay một số yếu tố khác như nấm mốc, lông chó mèo…
5. Phòng ngừa dị ứng hải sản
Để phòng ngừa nguy cơ dị ứng hải sản, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Tránh ăn quá nhiều hải sản: Theo thống kê, phần lớn các trường hợp bị dị ứng với một loại hải sản như tôm, cua cũng có nguy cơ cao mẫn cảm với các loại hải sản khác. Do đó, người bị dị ứng hải sản nên hạn chế ăn các loại hải sản khác quá nhiều.
Tránh ăn các loại hải sản khác quá nhiều
– Không nên ăn tôm, cua, ghẹ… chết, các loại hải sản này chết càng lâu thì lượng Histamin sinh ra càng nhiều, nguy cơ đây dị ứng cao.
– Hải sản thuộc tính hàn, không nên ăn với các loại thực phẩm tính hàn khác như dưa hấu, lê, dưa chuột, rau muống… làm tăng nguy cơ đầy bụng, khó tiêu.
– Với người bị dị ứng hải sản, tránh đến các nhà hàng hải sản, chợ cá. Một số trường hợp chỉ cần hít phải hơi nước có mùi hải sản cũng có thể gây ra dị ứng.
– Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ lần đầu khi cho bé ăn những loại hải sản mới cần cho chúng nếm thử một ít trước, nếu thấy an toàn mới tăng lên.
– Cẩn trọng khi sử dụng các loại vitamin D, omega do các loại sản phẩm này có nguồn gốc từ cá biển hay có hương vị hải sản cũng khiến người bệnh bị dị ứng.
Dị ứng hải sản có thể xuất hiện ở nhiều người, có những biểu hiện nhẹ như nổi mẩn ngứa, sưng nề, cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc hiểu hơn về tình trạng dị ứng hải sản, biết cách xử trí khi bị dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng.