Bệnh ung thư máu
Ung thư máu là một bệnh lý về máu ác tính liên quan nhiều đến tế bào bạch cầu và tủy xương – nơi sản xuất các tế bào máu. Bệnh có diễn biến khá nhanh nhưng thường đến giai đoạn muộn mới biểu hiện rõ các triệu chứng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh vì thế cũng gặp khó khăn hơn dẫn đến tỷ lệ tử vong khá cao.
I. Ung thư máu là bệnh gì?
Ung thư máu còn được biết đến với tên gọi bệnh bạch cầu, ung thư bạch cầu. Đây là một bệnh lý máu ác tính xảy ra khi các tế bào bạch cầu bất thường trong tủy xương phát triển nhanh, hoạt động ngoài tầm kiểm soát gây gián đoạn chức năng tế bào máu bình thường và tủy xương – nơi sản xuất các tế bào máu mới.
Bệnh ung thư máu gặp phổ biến hơn ở trẻ em, chiếm khoảng 30% trường hợp ung thư ở trẻ nhỏ. Thống kê trên thế giới cứ mỗi năm ghi nhận thêm 300.000 ca mắc mới và có khoảng 220.000 trường hợp tử vong vì ung thư máu.
II. Có những loại ung thư máu nào?
Ung thư máu được chia làm 3 dạng chính đó là: Bệnh bạch cầu, u hạch Lymphoma và bệnh đa u tủy xương.
1. Bệnh bạch cầu (Leukemia – chiếm 36%)
Bình thường các tế bào bạch cầu đảm nhiệm chức năng bảo vệ cơ thể, chống nhiễm trùng, tiêu diệt các kháng nguyên lạ xâm nhập bằng cách sinh ra kháng thể hoặc hiện tượng thực bào, giúp cơ thể tạo miễn dịch với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… Tuy nhiên khi bạch cầu tăng nhanh về số lượng các tế bào non trong tủy xương, chúng gây tắc nghẽn, giảm sản xuất hồng cầu, tiểu cầu. Bên cạnh đó khi tăng đột biến thì ‘’lượng thức ăn’’ của bạch cầu cũng ít đi, chúng sẽ quay ra ‘’ăn’’ các tế bào hồng cầu, gây sụt giảm lượng hồng cầu trong cơ thể, dẫn đến thiếu máu và người bệnh có thể tử vong.
Trong các bệnh ung thư đây là loại ung thư duy nhất không tạo ra các khối u (ung bướu). Bệnh bạch cầu được phân loại theo dòng tế bào bạch cầu và mức độ phát triển cấp tính hay mạn tính.
Bệnh bạch cầu
– Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính (ALL): Người bệnh sẽ tạo ra quá nhiều tế bào bạch huyết làm chèn ép các tế bào bạch cầu khỏe mạnh. Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất.
– Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML): Ảnh hưởng bắt đầu trong các tế bào dòng tủy, nơi phát triển thành các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. AML làm giảm số lượng tế bào máu khỏe mạnh ở cả ba loại. AML chủ yếu gặp nhiều ở những người trên 65 tuổi và phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.
– Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính (CLL): CLL chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 70 trở lên. Giống như ALL, nó bắt đầu từ các tế bào lympho trong tủy xương, nhưng phát triển chậm hơn. Nhiều người bị CLL không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến nhiều năm sau khi ung thư bắt đầu.
– Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML): Bệnh bắt đầu từ các tế bào dòng tủy, giống như AML. Nhưng các tế bào bất thường phát triển chậm. CML phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ và thường ảnh hưởng nhiều trên người lớn.
2. U hạch Lymphoma (chiếm 46%)
Đây là một bệnh ung thư của hệ bạch huyết. Hệ thống bạch huyết bao gồm mạng lưới mạch, các hạch bạch huyết, lá lách có vai trò lưu trữ và vận chuyển các tế bào bạch cầu trong cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng. Khi cơ thể sản sinh quá mức các tế bào lympho gây quá tải và theo thời gian khi tồn tại lâu chúng gây suy giảm hệ thống miễn dịch. U hạch Lymphoma thường chia làm 2 loại là:
– U lympho Hodgkin: Gặp chủ yếu ở bệnh nhân trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi. Đây là một bệnh ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết bắt đầu trong tế bào miễn dịch lympho B. Đặc trưng của người bệnh u lympho Hodgkin là có các tế bào lympho lớn được gọi là tế bào Reed-Sternberg.
– U lympho không Hodgkin: Phổ biến hơn dạng u lympho Hodgkin và thường gặp ở bệnh nhân từ 45 đến 55 tuổi, ít gặp ở trẻ em. Bệnh cũng phát triển từ các tế bào lympho trong hệ thống bạch huyết từ các tế bào gọi là tế bào lympho.
Tế bào Reed-Sternberg trong u lympho Hodgkin
3. U tủy (chiếm 18%)
Đây là một bệnh ung thư liên quan đến các tế bào plasma trong tủy xương. Tế bào plasma là một tế bào bạch cầu giúp tạo ra kháng thể, chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công bên ngoài.
Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh ác tính tế bào dòng plasma tiết protein đơn dòng trong huyết thanh và nước tiểu. Tế bào u tủy di căn qua tủy xương. Chúng có thể làm hỏng xương và ngăn chặn sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh khác như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu. Tuy các tế bào này cũng tạo ra các kháng thể không thể chống lại nhiễm trùng.
U tủy có thể ở dạng đơn độc nhưng rất hiếm. Chúng thường xuất hiện nhiều nơi trong tủy xương nên được gọi là đa u tủy.
Bệnh gặp nhiều hơn ở nam giới trên 50 tuổi và người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn những người khác.
Bệnh đa u tủy xương
III. Nguyên nhân gây ra ung thư máu
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư máu. Nhiều ý kiến cho rằng ung thư máu là do những thay đổi (đột biến) trong DNA trong tế bào máu làm cho các tế bào máu bắt đầu hoạt động bất thường. Các yếu tố di truyền và môi trường tác động đến cơ thể gây ra các biến đổi này. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư máu có thể kể đến như:
– Trong gia đình có người bị bệnh ung thư máu.
– Đang hoặc đã điều trị các bệnh ung thư khác bằng hóa chất hay xạ trị .
– Tiếp xúc nhiều với các tia bức xạ, nguồn phóng xạ như trong trường hợp các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản, nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl (Ukraine).
– Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, các hóa chất độc hại như benzen, formaldehyde, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng…
– Mắc hội chứng Down hoặc các hội chứng rối loạn di truyền khác, các bệnh rối loạn máu (như loạn sản tủy hoặc bệnh đa hồng cầu).
– Người suy giảm miễn dịch, nhiễm vi rút Epstein-Barr, HIV hoặc vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), bệnh tự miễn…(tăng nguy cơ mắc u lympho).
– Béo phì (tăng nguy cơ mắc bệnh u tủy).
– Ngoài ra còn có yếu tố về tuổi tác cũng như giới tính.
Chất thải phóng xạ gây ung thư máu
IV. Triệu chứng của bệnh ung thư máu
Triệu chứng của bệnh ung thư máu phụ thuộc vào số lượng tế bào máu ác tính và vị trí ảnh hưởng. Ví dụ với bệnh bạch cầu cấp các triệu chứng biểu hiện nhanh hơn nhưng ở thể mạn tính ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì và chỉ được phát hiện khi đi khám các bệnh khác hay đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với mỗi một thể ung thư máu khác nhau cũng sẽ có các triệu chứng đặc trưng riêng.
Các dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư máu bao gồm:
– Thiếu máu do giảm lượng hồng cầu gây ra các biểu hiện:
+ Đau đầu nhiều: Khi thiếu máu sẽ khiến não không được cung cấp đủ oxy gây các cơn đau đầu dữ dội kèm theo là hiện tượng đổ mồ hôi nhiều nhất là về gần đêm. Ngoài ra bệnh nhân còn hay bị hoa mắt, chóng mặt.
+ Cơ thể xanh xao, mệt mỏi: Thiếu máu cũng khiến cho cơ thể không được đáp ứng đủ nhu cầu trao đổi dưỡng chất khiến da xanh xao, toàn thân mệt mỏi, cảm thấy khó thở, tức ngực.
– Rối loạn đông máu do giảm tiểu cầu: Trên da xuất hiện các vết bầm tím hay đốm đỏ không phải do va đập. Hay bị chảy máu ở nướu, chân răng, chảy máu cam, kinh nguyệt ra nhiều, khó cầm máu ngay cả các vết cắt nhỏ trên da.
– Sốt cao thường xuyên: Bệnh nhân thường xuyên bị nhiễm trùng tái diễn do hệ miễn dịch suy giảm, các tác nhân gây bệnh dễ tấn công hơn gây các cơn sốt cao kéo dài và các vết thương khó lành hơn.
– Có hiện tượng tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao.
– Phát ban hoặc ngứa trên da không lý do.
– Gan và lá lách to khiến bệnh nhân cảm thấy bị đau bụng, đầy hơi. Đồng thời có cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn khiến cơ thể sụt cân nhanh.
– Hạch bạch huyết sưng to nhưng thường không gây đau, có thể dễ dàng sờ thấy hạch sưng ở cổ, bẹn hoặc ở nách.
Một số triệu chứng của ung thư máu
– Đau xương: Là một trong những triệu chứng chính của ung thư máu. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng…
– Trong bệnh đa u tủy bệnh nhân bị tăng calci trong máu gây các biểu hiện táo bón, đau dạ dày, buồn nôn, tiểu nhiều, ngứa da, tổn thương thận…
Các triệu chứng ban đầu như sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi của ung thư máu gần giống với biểu hiện của bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường nên dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy không thể chủ quan và nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm nếu như có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
V. Chẩn đoán ung thư máu
Để phát hiện ra bệnh ung thư máu, các bác sĩ sẽ cần phải dựa vào các triệu chứng khám lâm sàng kết hợp với các kết quả xét nghiệm để đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất.
– Dựa vào triệu chứng lâm sàng:
+ Các dấu hiệu của thiếu máu, xuất huyết, dễ bị nhiễm khuẩn.
+ Hội chứng thâm nhiễm, hội chứng loét và hoại tử miệng – họng.
+ Triệu chứng thể không điển hình.
– Dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng:
+ Xét nghiệm công thức máu.
+ Xét nghiệm tủy đồ hoặc sinh thiết tủy xương.
+ Xét nghiệm tế bào máu: Quan sát hình thái tế bào, phân loại tế bào – tìm kháng nguyên bề mặt tế bào.
+ Xét nghiệm gen tìm bất thường trên nhiễm sắc thể.
+ Xét nghiệm hóa sinh phân tích huyết thanh – nước tiểu.
+ Một số xét nghiệm khác giúp phân loại, phân nhóm nguy cơ của bệnh.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư máu
VI. Bệnh ung thư máu điều trị như thế nào?
Các phương pháp điều trị được các bác sĩ cân nhắc cẩn thận để phù hợp với tuổi tác, từng thể trạng bệnh mỗi người, từng giai đoạn của bệnh.
Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư máu như dùng thuốc điều trị ung thư, thuốc nhắm đích, hóa trị liệu, xạ trị hay các phương pháp ngoại khoa cấy ghép tủy xương. Song song với các phương pháp trên bệnh nhân được chỉ định các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như truyền chế phẩm máu, điều trị nhiễm trùng, điều trị các rối loạn đông máu… Trong thời kỳ điều trị bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi các triệu chứng, làm các xét nghiệm định kỳ, bồi bổ dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe.
Việc điều trị vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với các tiến bộ y học hiện đại cũng mang lại nhiều tín hiệu khả quan, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Cấy ghép tủy xương trong điều trị ung thư máu
VII. Có thể phòng ngừa bệnh ung thư máu được không?
Nguyên nhân gây ung thư máu vẫn chưa rõ ràng nên khó có thể ngăn chặn triệt để cơ chế gây bệnh. Tuy nhiên để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như tăng hiệu quả điều trị bệnh các bác sĩ đưa ra lời khuyên như sau:
– Xây dựng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục , thể thao đều đặn.
– Chế độ ăn uống hợp lý, chọn các thực phẩm nguồn gốc hữu cơ, tươi sạch. Nên tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, hóa chất…
– Môi trường sống an toàn, tránh tiếp xúc nhiều với các bức xạ.
– Tránh môi trường nhiều khói bụi, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại. Cần mang trang phục bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang nếu như có tiếp xúc với các thuốc diệt cỏ, côn trùng, benzen…
– Các hóa chất sử dụng hàng ngày như mỹ phẩm, nước rửa bát, giặt giũ…nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
– Nếu có các biểu hiện nghi ngờ bệnh ung thư máu bệnh nhân cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mặc các trang phục bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh ung thư máu. Đây là một bệnh lý ác tính có diễn biến phức tạp, điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, giảm các tác dụng phụ và tăng cơ hội sống cho người bệnh.