Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giúp ngăn ngừa các cơn cấp của bệnh có thể xảy ra. Vậy xây dựng chế độ ăn cho người bệnh như thế nào cho hợp lý? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay những thực phẩm người bệnh COPD nên ăn, không nên ăn qua bài viết sau đây!
I. Xây dựng chế độ ăn cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Cần xây dựng cho người bệnh một chế độ ăn khoa học theo các nguyên tắc như sau:
– Chia nhỏ phần ăn, ăn thành nhiều bữa:
Theo các bác sĩ, người bệnh COPD không nên ăn quá no, nên ăn thành nhiều bữa (5–6 bữa) trong ngày. Cách làm này giúp hạn chế làm đầy dạ dày quá mức, phổi có đủ không gian để mở rộng, quá trình hô hấp, lưu thông khí dễ dàng hơn.
Các món ăn chế biến cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên lựa chọn các loại thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt, tránh tình trạng phải gắng sức khi ăn. Nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ.
– Ăn bữa chính sớm hơn:
Người bệnh COPD nên cố gắng dùng bữa chính sớm nhất có thể, ngay sau khi thức dậy giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động suốt cả ngày dài.
– Tư thế ngồi ăn: Khi ăn, để làm giảm áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành, gây khó thở, nên ngồi trên ghế cao, thẳng lưng. Hành động này sẽ giúp giảm áp lực lên phổi.
II. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì?
1. Thực phẩm giàu protein
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Protein như thịt gia cầm, thịt các loài động vật ăn cỏ, trứng. Các loại cá có chứa nhiều Omega-3, chất béo tốt như cá thu, cá hồi, cá trích… cũng là nguồn cung cấp dồi dào protein có lợi cho sức khỏe của người bệnh.
Người bệnh COPD có thể thực hiện ăn chay nếu muốn nhưng với điều kiện là vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Người bệnh COPD cần cung cấp đủ protein cho cơ thể
2. Carbohydrate phức hợp
Người bệnh cần cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để có đủ sức khỏe chống lại bệnh tật. Quá nhiều Carbohydrate có thể gây béo phì, tiểu đường nhưng nếu không cung cấp đủ sẽ khiến cơ thể suy kiệt, thiếu hụt năng lượng, suy dinh dưỡng.
Các loại thực phẩm chứa Carbohydrate phức hợp nên sử dụng có thể kể đến như khoai tây nguyên vỏ, lúa mạch, yến mạch, các loại đậu… giúp cung cấp chất xơ, cải thiện chức năng tiêu hóa, đồng thời giúp người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
3. Thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng
Trong trái cây, rau củ tươi có hàm lượng Vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào, là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho người bệnh COPD, giúp tăng sức đề kháng, cải thiện các triệu chứng của bệnh. Do đó, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên bổ sung nhiều trái cây, rau củ mỗi ngày.
Thông thường, người bệnh thường dùng các ống hít hoặc khí dung chứa Steroid. Sử dụng Steroid lâu dài có thể ức chế sự hấp thu Canxi của cơ thể, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm như loãng xương, nhuyễn xương, tăng nguy cơ gãy xương. Bổ sung Canxi và vitamin D cho cơ thể để làm giảm các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Người bệnh COPD lâu ngày có thể bị loãng xương, do đó cần bổ sung Canxi
Ion kali đóng vai trò quan trọng đối với chức năng hô hấp của phổi. Thiếu Kali làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề về hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do đó, những đối tượng mắc bệnh này nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu Kali vào chế độ ăn như bơ, cà chua, chuối, cam, các loại rau màu xanh đậm (súp lơ, rau cải, rau chân vịt)…
4. Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh hay chất béo tốt có nhiều trong cá và thực vật như bơ, dầu dừa, ô liu, phô mai, và các loại hạt… giúp hạn chế tình trạng tăng CO2 trong máu người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cung cấp nguồn năng lượng cao và dinh dưỡng nhiều hơn nếu dùng liên tục trong thời gian dài.
Ngoài việc tăng cường bổ sung các chất béo tốt, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng nên hạn chế tiêu thụ các chất béo có nguồn gốc động vật bò, lợn… bằng cách giảm xào, rán bằng mỡ động vật. Không nên ăn quá 300mg/ngày đối với các chất béo chứa nhiều Cholesterol.
III. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên ăn gì?
Để cải thiện các triệu chứng và tránh cho bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm sau đây:
1. Muối
Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên ăn quá nhiều Natri hoặc muối. Các thực phẩm chứa nhiều muối là tác nhân chủ yếu gây giữ nước, ảnh hưởng xấu đến huyết áp, tăng gánh nặng cho tim. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không nên ăn quá 600mg natri mỗi ngày, mỗi bữa ăn tối đa 300mg.
Không nên ăn nhiều muối để đảm bảo sức khỏe
Phần lớn lượng natri đến từ muối hoặc có trong các thực phẩm được chế biến sẵn như thịt muối, thịt hun khói. Do đó, nên kiểm tra kỹ thông tin của các loại thực phẩm người bệnh sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, nên thay thế muối bằng các loại thảo mộc, gia vị không chứa muối để đảm bảo hương vị cho món ăn nhưng giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
Tốt nhất, người bệnh nên hạn chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc, hạn chế cho thêm các loại gia vị khác.
2. Một số loại trái cây
Một số loại trái cây có hạt cứng như đào, mơ, dưa… có thể gây ra tình trạng đầy hơi do carbohydrate bị lên men trong đường tiêu hóa. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
3. Một số sản phẩm từ sữa
Ở một số trường hợp, sử dụng các chế phẩm từ sữa như phô mai, bơ… khiến đờm nhầy trở nên đặc quánh hơn, tình trạng bệnh COPD cũng trầm trọng hơn. Đây cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tuy nhiên, sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng dooif dào cho cơ thể. Nếu chúng không khiến tình trạng đờm trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh vẫn có thể cân nhắc thêm các sản phẩm này vào chế độ ăn của mình.
4. Chocolate
Chocolate cũng là loại thực phẩm mà người mắc COPD không nên ăn hoặc hạn chế ăn quá nhiều. Trong chocolate có chứa nhiều Caffeine và đường, ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có thể gây tương tác với các thuốc dùng trong điều trị bệnh COPD.
Do đó, nên hạn chế sử dụng chocolate, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, các chuyên gia dinh dưỡng để sử dụng chúng một cách hợp lý nhất.
5. Đồ chiên rán
Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ… có chứa hàm lượng lớn các chất béo không lành mạnh. Những loại thực phẩm này có thể gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ngoài ra, các loại đồ ăn nhanh còn tăng nguy cơ béo phì, thừa cân. Khi người bệnh COPD đồng thời bị thừa cân béo phì, hệ hô hấp, tim mạch cũng phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ máu, oxy nuôi cơ thể, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Do đó, người bệnh COPD nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, góp phần cải thiện tình trạng bệnh.
Giảm thiểu dầu mỡ trong chế biến thức ăn
6. Một số loại rau và cây họ đậu
Một số loại rau và cây họ đậu như: Cải bắp, súp lơ, đậu lăng, tỏi tây, hành… có thể gây ra tình trạng đầy hơi, ảnh hưởng tới người bệnh COPD khi ăn quá nhiều. Tuy nhiên, các loại rau này lại cung cấp khá nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất cần thiết cho cơ thể như Kali, Magie, sắt… Do đó, nếu không gặp vấn đề bất thường khi sử dụng, người bệnh vẫn nên tiếp tục sử dụng những loại rau, đậu này. Trường hợp các thực phẩm này gây chướng bụng, đầy hơi, cần hạn chế tiêu thụ chúng.
IV. Các lưu ý khác
1. Cung cấp đủ nước cho người bệnh COPD
Nên cung cấp đủ nước cho cơ thể, khoảng 2-3 lít mỗi ngày giúp giảm nguy cơ táo bón, làm loãng đờm ở người bị ho có đờm và dễ dàng tống chúng ra khỏi cơ thể. Trường hợp người bệnh COPD có biến chứng tâm phế mạn, cần hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước bổ sung mỗi ngày.
Bệnh nhân COPD cũng nên hạn chế tối đa đồ uống chứa Caffeine như cà phê, trà và đồ uống có cồn (rượu, bia) do nguy cơ tương tác với các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. Ngoài ra, rượu bia, cafein cũng làm chậm nhịp thở, khiến đờm đặc quánh hơn, gây khó khăn khi tống chúng ra ngoài.
Do đó, bổ sung đủ nước và hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, cafein để cải thiện sức khỏe.
Bổ sung đủ nước mỗi ngày
2. Theo dõi cân nặng thường xuyên
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được cho là bao gồm viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính và khí phế thũng. Người mắc bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính thường dễ bị béo phì trong khi bệnh nhân khí phế thũng lại dễ có nguy cơ sụt cân. Do đó, chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh COPD.
Khi cơ thể thừa cân béo phì, có thể làm tăng nhu cầu oxy, tăng áp lực lên tim và phổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hô hấp trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như các phương pháp giảm cân phù hợp, giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Trong một số trường hợp, mắc COPD sẽ khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi, chán ăn dẫn đến sụt cân, cơ thể suy nhược. Trong khi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây cản trở hô hấp, cần nhiều năng lượng hơn cho hệ hô hấp, ước tính một người bệnh có thể tiêu tốn gấp 10 lần lượng calo cho quá trình hô hấp so với một người bình thường. Do đó, cần điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng lành mạnh, nhiều calo để cải thiện giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, cung cấp đủ năng lượng cho hệ hô hấp hoạt động.
Chế độ ăn khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do đó, cần xây dựng chế độ ăn hợp lý, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.