Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Đây là căn bệnh có thể phòng và điều trị được. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay các phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này!
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Cho đến nay, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát và giảm nguy cơ xuất hiện các đợt cấp nếu tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh khá nguy hiểm, bệnh tiến triển nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng như tràn khí màng phổi, suy tim, thậm chí là tử vong. Việc điều trị COPD vẫn là gánh nặng cho nền y tế toàn cầu và cả Việt Nam do đây là căn bệnh mạn tính, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải là căn bệnh truyền nhiễm, do đó, người nhà có thể hoàn toàn yên tâm chăm sóc người bệnh mà không lo bị lây nhiễm.
Do không có đủ thông tin về bệnh, nhiều người nhầm lẫn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn là một. Tuy nhiên, chúng là hai bệnh hô hấp khác nhau, có thể phân biệt bằng một số triệu chứng như sau:
Hen phế quản |
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính |
Thường bắt đầu khi còn nhỏ |
Thường xuất hiện sau 40 tuổi |
Các triệu chứng biến đổi từng ngày |
Các triệu chứng tiến triển nặng dần |
Tiền sử dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, viêm khớp, eczema, chàm |
Tiền sử hút thuốc nhiều năm |
Có tính di truyền |
Không có tính di truyền |
Ho, khó thở vào ban đêm, gần sáng |
Khó thở khi gắng sức |
Có dấu hiệu tổn thương khi khám phổi | Khám ngoài cơn hen có thể hoàn toàn bình thường |
FV1/FVC ≥ 70% sau test hồi phục phế quản |
FEV1/FVC < 70% sau test hồi phục phế quản |
Hiếm khi có biến chứng tâm phế mạn hay suy hô hấp mạn. |
Tiến triển nặng gây ra các biến chứng tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn tính |
Các phương pháp điều trị
Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phần lớn các trường hợp tử vong là do đợt cấp của bệnh. Do đó, giai đoạn điều trị duy trì cần hết sức cẩn trọng để giảm tần suất xảy ra các đợt cấp, giảm nguy cơ tử vong.
Để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định, các thuốc giãn phế quản dạng phun hít khí dung được ưu tiên sử dụng.
Thuốc điều trị duy trì
Thuốc giãn phế quản là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh, các loại thuốc giãn phế quản hiệu quá kéo dài, dạng phun hít hoặc khí dung được ưu tiên sử dụng. Tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn bệnh để lựa chọn thuốc và liều lượng phù hợp.
Một số thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Các nhóm thuốc chính điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể kể đến ở bảng sau:
Nhóm thuốc |
Tên viết tắt |
Hoạt chất |
---|---|---|
Cường beta 2 adrenergic tác dụng ngắn |
SABA |
Terbutaline, Salbutamol |
Cường beta 2 adrenergic tác dụng dài |
LABA |
Indacaterol, Bambuterol |
Kháng cholinergic tác dụng ngắn |
SAMA |
Ipratropium |
Kháng cholinergic tác dụng dài |
LAMA |
Tiotropium |
Cường beta 2 adrenergic tác dụng ngắn + kháng Cholinergic tác dụng ngắn |
SABA+SAMA |
Ipratropium/salbutamol Ipratropium/fenoterol |
Cường beta 2 adrenergic tác dụng dài + kháng cholinergic tác dụng dài |
LABA/LAMA |
Indacaterol/Glycopyronium Olodaterol/Tiotropium Vilanterol/Umeclidinium |
Corticosteroid dạng phun hít + cường beta 2 adrenergic tác dụng dài |
ICS+LABA |
Budesonid/Formoterol Fluticason/Vilanterol Fluticason/Salmeterol |
Kháng sinh, kháng viêm |
Macrolide Kháng PDE4 |
Erythromycin Rofumilast |
Nhóm xanthine tác dụng ngắn/dài |
Xanthine |
Theophyllin/Theostat |
Bệnh nhân nhóm A
– Thường là giai đoạn đầu khi bệnh mới xuất hiện, các triệu chứng của bệnh ít, nguy cơ biến chứng thấp.
– Giai đoạn này ưu tiên sử dụng thuốc giãn phế quản, thuốc cải thiện triệu chứng khó thở.
− Có thể lựa chọn thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc kéo dài tuỳ theo đáp ứng điều trị và mức độ bệnh.
Bệnh nhân nhóm B
– Lựa chọn tối ưu là thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Có thể lựa chọn khởi đầu điều trị với LABA hoặc LAMA tuỳ thuộc vào khả năng dung nạp và cải thiện triệu chứng của bệnh nhân.
– Trường hợp người bệnh khó thở dai dẳng khi dùng LABA hoặc LAMA đơn trị liệu, nên dùng phối hợp hai nhóm LABA/LAMA.
– Trường hợp khó thở nhiều, có thể cân nhắc điều trị khởi đầu ngay bằng phác đồ phối hợp LABA/LAMA.
− Nếu phối hợp LABA/LAMA mà không cải thiện triệu chứng, có thể điều trị bằng thuốc giãn phế quản tác dụng dài.
− Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính nhóm B thường mắc đồng thời các bệnh khác, cần đánh giá cẩn thận khi điều trị.
Bệnh nhân nhóm C
– Khởi đầu điều trị bằng thuốc giãn phế quản hiệu quả kéo dài.Các nghiên cứu cho thấy LAMA mang lại hiệu quả tốt hơn LABA, nên bắt đầu điều trị với LAMA.
– Bệnh nhân có đợt cấp có thể dùng LAMA/LABA hoặc LABA/ICS. Trong đó LABA/ICS được ưu tiên sử dụng khi có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và BPTNMT hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu.
Bệnh nhân nhóm D
– Khởi đầu điều trị bằng LABA/LAMA. Trường hợp người bệnh có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và BPTNMT hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu thì nên điều trị bằng LABA/ICS.
– Điều trị bằng ICS có nguy cơ cao gây viêm phổi.
– Trường hợp đã điều trị bằng phác đồ LABA/LAMA nhưng vẫn xuất hiện đợt cấp, nên áp dụng phác đồ thay thế:
+ Điều trị kết hợp LABA/LAMA/ICS.
+ Chuyển sang phác đồ LABA/ICS.
– Nếu điều trị với LABA/LAMA/ICS vẫn còn xuất hiện các đợt cấp, có thể xem xét:
+ Ở người bệnh FEV1< 50% và dự đoán đồng mắc viêm phế quản mạn tính, đặc biệt là ở người đã có tiền sử ít nhất 1 lần nhập viện vì đợt cấp trong năm trước: Thêm nhóm Roflumilast.
+ Thêm nhóm macrolid.
+ Ngừng ICS do thuốc ít hiệu quả nhưng làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ, khi dừng thuốc không ảnh hưởng tới điều trị.
Thở Oxy tại nhà
– Phương pháp này giúp làm giảm khó thở và giảm công hô hấp. Ngoài ra, thở oxy giúp giảm tình trạng tăng áp động mạch phổi và tỷ lệ tâm phế mạn.
– Phương pháp này được chỉ định cho người bệnh suy hô hấp mạn tính, thiếu oxy máu.
– Lưu lượng oxy: 1-3 lít/phút, thời gian thở oxy ít nhất 16-18 giờ/24 giờ. Cần đánh giá lại nồng độ khí máu động mạch sau 30 phút để điều chỉnh lưu lượng Oxy để PaO2 từ 65 – 70 mmHg.
– Để tránh tăng CO2 máu quá mức, nên bắt đầu với lưu lượng thở oxy ≤ 2 lít/phút.
– Khi thở oxy tại nhà, có thể sử dụng các bình oxy, máy chiết xuất oxy để tạo nguồn oxy cung cấp cho người bệnh.
Thở oxy giúp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân COPD
Thở máy không xâm nhập
Đây là một trong những biện pháp hỗ trợ hô hấp hiệu quả cho bệnh nhân khi khởi phát đợt cấp, giảm tỷ lệ phải đặt nội khí quản.
Thở máy không xâm nhập giai đoạn ổn định được áp dụng trong giai đoạn ổn định có tăng CO2 máu nặng mạn tính, người bệnh có tiền sử nhập viện gần đây. Giải pháp này cũng được áp dụng trong trường hợp người bệnh ngừng thở khi ngủ giúp giảm nguy cơ tử vong vì khó thở, ngạt thở.
Phẫu thuật
Trường hợp bệnh giai đoạn nặng, không đáp ứng được các phương pháp điều trị bằng thuốc, có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị bệnh:
– Phẫu thuật giảm thể tích phổi: Cắt bỏ các phần nhỏ của mô phổi bị tổn thương, giúp tăng không gian trong khoang ngực để các mô phổi khỏe mạnh được mở rộng, giúp cơ hoành hoạt động tốt hơn.
– Phẫu thuật cắt phổi: Phẫu thuật cắt bỏ 20 – 30% phổi bị tổn thương nặng nhất, giúp tăng thông khí, giảm các triệu chứng của bệnh.
– Phẫu thuật ghép phổi: Phẫu thuật chỉ dành cho người bệnh COPD nặng và tiên lượng xấu. Sau khi thực hiện ghép phổi, khả năng thở và các hoạt động thể chất sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ghép phổi là đại phẫu thuật với nhiều rủi ro, sau khi phẫu thuật ghép phổi, sức khỏe người bệnh suy giảm rõ rệt và cần phải dùng thuốc để ức chế miễn dịch suốt đời.
Trên đây là một số thông tin về phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mong rằng, qua bài viết này, bạn đọc nắm rõ hơn về các phương pháp điều trị bệnh và có hướng điều trị phù hợp.