Bệnh vẩy nến là một bệnh ngoài da, là tình trạng các tế bào da nhân lên nhanh hơn bình thường. Đây là căn bệnh mãn tính và không có cách chữa trị hoàn toàn.
I. Bệnh vẩy nến là gì?
Bệnh vẩy nến là một chứng rối loạn da khiến các tế bào da nhân lên nhanh hơn gấp 10 lần so với bình thường. Điều này làm cho da tích tụ thành các mảng đỏ gồ ghề được bao phủ bởi các vảy trắng. Chúng có thể mọc ở bất cứ đâu, nhưng hầu hết xuất hiện trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối và lưng dưới.
Hình ảnh bệnh vảy nến
Bệnh vẩy nến có lây lan không?
Vì là một loại bệnh da liễu khá phổ biến nên nhiều người lầm tưởng rằng bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc giữa người với người. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh này không lây nhiễm và cũng không lan rộng giữa các vùng trên cơ thể của người bệnh.
II. Triệu chứng bệnh vảy nến
Các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, phổ biến bao gồm:
– Các mảng da đỏ được bao phủ bởi lớp vảy dày, màu bạc.
– Các đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em).
– Da khô, nứt nẻ, có thể chảy máu hoặc ngứa.
– Ngứa, rát hoặc đau.
– Móng dày, rỗ hoặc có rãnh.
– Khớp sưng và cứng.
Các mảng vảy nến bắt đầu từ một vài nốt vảy giống như gàu đến những đợt bùng phát bao phủ các vùng rộng lớn. Các khu vực bị ảnh hưởng nhất là lưng dưới, khuỷu tay, đầu gối, chân, lòng bàn chân, da đầu, mặt và lòng bàn tay. Hầu hết triệu chứng bệnh vảy nến thường xảy ra theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó trong một khoảng thời gian nào đó các triệu chứng giảm bớt.
Các loại vảy nến thường gặp:
– Vảy nến mảng bám.
– Vảy nến da đầu.
– Vảy nến móng tay.
– Vảy nến thể ngược.
– Vảy nến thể mủ.
– Vảy nến thể da.
– Bệnh viêm khớp vảy nến.
Các loại bệnh vẩy nến
III. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Không ai biết nguyên nhân chính xác nhưng các chuyên gia cho rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp vấn đề gây ra viêm nhiễm, kích hoạt các tế bào da mới hình thành quá nhanh. Thông thường, các tế bào da mới được sản sinh sau 10 – 30 ngày. Ở bệnh vảy nến, các tế bào này tạo ra sau 3 – 4 ngày. Sự tích tụ các tế bào cũ cộng thêm sự hình thành quá nhanh của các tế bào mới tạo ra những vảy bạc đó.
Quá trình sừng hóa của lớp da bị vẩy nến nhanh hơn bình thường
Các tác nhân gây bệnh
Nhiều người mắc bệnh vẩy nến có thể không có triệu chứng trong nhiều năm cho đến khi bệnh được kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường. Các tác nhân gây bệnh phổ biến bao gồm:
– Nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da.
– Thời tiết, đặc biệt là điều kiện lạnh, khô.
– Tổn thương da, như vết cắt hoặc vết xước, vết côn trùng cắn hoặc cháy nắng nghiêm trọng.
– Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc.
– Uống nhiều rượu.
– Một số loại thuốc, bao gồm lithium, thuốc cao huyết áp và thuốc trị sốt rét.
– Ngừng nhanh corticosteroid đường uống hoặc đường toàn thân.
IV. Đối tượng mắc bệnh vảy nến
Bất cứ ai cũng có thể phát triển bệnh vảy nến. Khoảng một phần ba các trường hợp bắt đầu trong những năm thiếu niên. Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
– Tiền sử gia đình: trong gia đình có bố hoặc mẹ bị bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các con nhiều hơn.
– Căng thẳng, stress: căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, ở mức độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến.
– Nghiện rượu, thuốc lá: vừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến và có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hút thuốc lá cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển ban đầu của bệnh.
Nghiện rượu, thuốc lá làm tăng mức độ nghiêm trọng bệnh vảy nến
V. Biến chứng của bệnh vảy nến
Nếu bị bệnh vảy nến, có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh khác, bao gồm:
– Viêm khớp vảy nến, gây đau, cứng và sưng tấy trong và xung quanh khớp.
– Các bệnh về mắt, như viêm kết mạc hay viêm màng bồ đào.
– Béo phì.
– Bệnh tiểu đường tuýp 2.
– Huyết áp cao.
– Bệnh tim mạch.
– Các bệnh tự miễn dịch khác, ví dụ như bệnh Celiac, bệnh xơ cứng và bệnh viêm ruột hay còn gọi là bệnh Crohn.
– Tình trạng sức khỏe tâm thần, ví dụ như trầm cảm.
VI. Chẩn đoán bệnh vẩy nến
Bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán ra bệnh vảy nến, đặc biệt nếu người bệnh có các mảng trên các khu vực như: da đầu, đầu gối, khủy tay, tai, lỗ rốn, móng tay. Bác sĩ sẽ khám sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân và hỏi xem những người trong gia đình có bị bệnh vẩy nến hay không. Có thể làm xét nghiệm như sinh thiết – loại bỏ một phần da nhỏ và xét nghiệm để đảm bảo đó không phải là nhiễm trùng da, sau đó đưa ra kết luận.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh vảy nến thông qua các mảng vảy
VII. Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến
1. Bệnh vẩy nến có chữa trị được hay không?
Bệnh vẩy nến là một bệnh phổ biến, lâu dài (mãn tính) không có cách nào chữa khỏi. Nó có xu hướng trải qua các chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó giảm xuống trong một thời gian hoặc thuyên giảm hẳn. Các phương pháp điều trị thường có sẵn để giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng và kết hợp các thói quen lối sống.
Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến nhằm mục đích ngăn chặn các tế bào da phát triển quá nhanh và loại bỏ vảy. Phương pháp điều trị sử dụng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và mức độ đáp ứng của nó với các đợt điều trị trước đó. Bệnh nhân có thể cần thử các loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị trước khi tìm ra phương pháp phù hợp với mình.
2. Liệu pháp điều trị tại chỗ
– Thuốc corticoid: Những loại thuốc này thường xuyên được kê đơn để điều trị bệnh vảy nến từ nhẹ đến trung bình. Chúng có sẵn dưới dạng thuốc mỡ, kem, nước thơm, gel, bọt, thuốc xịt và dầu gội.
– Retinoids: Tazarotene (Tazorac, Avage) có sẵn dưới dạng gel hoặc kem, bôi một hoặc hai lần mỗi ngày tùy theo chỉ định.
– Thuốc ức chế calcineurin: ví dụ Tacrolimus (Protopic) và Pimecrolimus (Elidel), giảm viêm và các mảng bám. Thuốc đặc biệt hữu ích ở những vùng da mỏng, như vùng da quanh mắt.
– Axit salicylic: dầu gội chứa axit salicylic và dung dịch dành cho da đầu làm giảm tỷ lệ vảy nến ở da đầu.
– Nhựa than: làm giảm vảy, ngứa và viêm.
Điều trị bệnh vảy nến tại chỗ bằng kem, gel…
3. Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị đầu tay đối với bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng, đơn độc hoặc kết hợp với thuốc. Bác sĩ sẽ chiếu tia cực tím vào da của bệnh nhân để làm chậm sự phát triển của tế bào da. PUVA là phương pháp điều trị kết hợp một loại thuốc gọi là Psoralen với một dạng tia cực tím đặc biệt.
4. Sử dụng thuốc
Nếu bị bệnh vảy nến trung bình đến nặng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống hoặc tiêm (toàn thân). Do khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, một số loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và có thể được xen kẽ với các phương pháp điều trị khác.
VIII. Phòng bệnh vẩy nến
Khi bị bệnh vẩy nến, điều quan trọng là phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên, có thể tự mình kiểm soát và ngăn ngừa các cơn bùng phát cũng như phòng ngừa bệnh vảy nến bằng các biện pháp sau:
– Sử dụng thuốc theo đúng liệu trình của bác sĩ, không được tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc.
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thường xuyên.
– Vệ sinh thân thể, da sạch sẽ.
– Nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để tránh tình trạng da khô.
– Nên đi khám nếu có các triệu chứng khác thường trên da.
– Đi khám da liễu định kỳ.
– Tránh thực đơn chứa nhiều chất dầu mỡ, nên bổ sung rau, củ, trái cây chứa nhiều vitamin.
– Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia.
– Có một lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, stress.
Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da để phòng ngừa bệnh vảy nến
Vẩy nến là một bệnh da liễu khá phổ biến và không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn. Hiện tại, các nghiên cứu vẫn chưa chỉ rõ được đâu là nguyên nhân gây bệnh, vì vậy các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa sự bùng phát. Mặc dù vậy, nếu áp dụng các phương pháp phòng ngừa một cách nghiêm túc thì người mắc bệnh vẩy nến có thể tự mình kiểm soát được bệnh và yên tâm sống chung với nó.