Người bị lao phổi nên ăn gì và kiêng gì?
Bệnh lao phổi phải sử dụng thuốc thường xuyên khiến cơ thể mệt mỏi, vì vậy một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn. Một chế độ ăn uống kém sẽ làm bệnh lao hoạt động, bệnh mà phát triển dẫn đến suy dinh dưỡng. Do đó để giữ cho cơ thể sẵn sàng chống lại bệnh lao, người bệnh phải ăn uống đúng cách. Vậy bệnh lao ăn gì và kiêng ăn gì? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về vấn đề này nhé!
I. Mối quan hệ giữa bệnh lao và chế độ dinh dưỡng
Bệnh lao có mối liên hệ chặt chẽ với suy dinh dưỡng. Những người bị suy dinh dưỡng hoặc nhẹ cân có nhiều khả năng mắc bệnh lao hơn,
Suy dinh dưỡng có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch thứ cấp làm tăng khả năng nhiễm trùng của vật chủ. Ở bệnh nhân lao dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn, kém hấp thu chất dinh dưỡng, vi chất, quá trình chuyển hóa bị thay đổi dẫn đến gầy còm. Cả suy dinh dưỡng protein và thiếu vi chất dinh dưỡng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.
Chế độ dinh dưỡng kém có thể khuyến khích bệnh lao hoạt động dai dẳng, và bệnh lao hoạt động dẫn đến suy dinh dưỡng ngày càng trầm trọng hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn, vì vậy một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp bệnh lao tiến triển tốt.
Chế độ dinh dưỡng liên quan gì đến lao phổi?
Bên cạnh đó nhiều loại thuốc để điều trị bệnh lao tích cực có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, cảm thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, ăn uống không ngon miệng… nên việc ăn uống của người bệnh lao càng cần được quan tâm hơn.
II. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị bệnh lao phổi
1. Nguyên tắc 1
Khi bị vi trùng lao tấn công, kết hợp với việc điều trị thuốc khiến người bị mệt mỏi, sức đề kháng giảm dần, ho liên tục, dẫn đến chán ăn, thiếu chất dinh dưỡng. Vì vậy, nguyên tắc thứ nhất trong điều trị bệnh lao là cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: protein (đạm), đường, lipid, vitamin và khoáng chất.
Trong đó đặc biệt ưu tiên cung cấp đường bằng các loại có sẵn trong hoa quả tươi để tăng thải độc, giảm tác dụng không mong muốn của thuốc.
Protein chất lượng tốt trong chế độ ăn uống giàu protein làm cho các tế bào miễn dịch khỏe mạnh vì nó là một hàng rào bảo vệ của cơ thể. Sự thiếu hụt protein có thể gây bất lợi đặc biệt đến khả năng chống lại bệnh lao của cơ thể. Người bị bệnh lao nên 2-3 phần mỗi ngày.
Bổ sung 4 nhóm thực phẩm cho người bị lao phổi
2. Nguyên tắc 2
Người bị lao cần ăn các món đa dạng và thay đổi thường xuyên để tăng cường khả năng hấp thu, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Bởi người bị bệnh lao thường xuyên phải chịu đựng cơn mệt mỏi, chán ăn nên món ăn đa dạng để kích thích khẩu vị, ăn nhiều hơn để mau chóng khỏi bệnh. Đồng thời có thể chọn những món ăn mình thích để lượng thức ăn được hấp thu nhiều hơn.
Khi tiêu thụ những món ăn đa dạng, tăng cường khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật sẽ giảm được nguy cơ tái phát hiệu quả.
3. Nguyên tắc 3
Người bị bệnh nên chia nhỏ bữa ăn hàng ngày. Một trong những tác dụng phụ của nhiều loại thuốc là buồn nôn, nôn. Việc ăn quá nhiều cùng một lúc có thể khiến cơ thể bị mất đi lượng dinh dưỡng được tiêu thụ. Vì vậy, nên chia nhỏ thành 4 – 6 bữa mỗi ngày thay vì ba bữa như truyền thống.
4. Nguyên tắc 4
Tham khảo bác sĩ điều trị bệnh lao phổi cho mình về chế độ dinh dưỡng
Mỗi tình trạng và mức độ bệnh khác nhau mà người bệnh có thể cần lượng calo khác nhau. Vì vậy, hãy tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trực tiếp điều trị để có chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
III. Người bị bệnh lao phổi nên ăn gì?
1. Thực phẩm giàu vitamin A, E, C
Đây là những loại vitamin cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Chúng là chất chống oxy hóa tự nhiên mà người bệnh bị thiếu hụt cao.
– Vitamin A:
Người ta đã chứng minh rằng vitamin A có vai trò tăng cường miễn dịch đối với bệnh lao ở người. Vitamin A được chứng minh là có thể ức chế sự nhân lên của trực khuẩn độc trong các đại thực bào được nuôi cấy ở người.
Vitamin A cần thiết cho hoạt động bình thường của tế bào lympho T và B, hoạt động của đại thực bào và tạo ra phản ứng kháng thể
Nên bổ sung trái cây và rau có màu đỏ và cam hàng ngày như cam, cà rốt, xoài, đu đủ, cà chua…
– Vitamin E:
Đây là loại vitamin có khả năng chống oxy hóa, kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do sinh ra từ quá trình viêm nhiễm.
Quả hạch, các loại hạt như hướng dương, đậu phộng… có chứa hàm lượng cao vitamin E.
Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin E cho người bị lao phổi
– Vitamin C
Loại vitamin này cũng có công dụng tương tự như hai loại ở trên. Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây có múi cam, quýt, bưởi, cà chua, rau bina…
2. Thực phẩm giàu kẽm
Nhiều nghiên cứu khác nhau trên những người mắc bệnh lao cho thấy nồng độ kẽm trong huyết tương thấp hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh lao, bất kể tình trạng dinh dưỡng của họ như thế nào. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ kẽm có thể hạn chế tổn thương màng từ các gốc tự do trong quá trình viêm. Đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm các loại hạt, đậu, cá, sò, hàu, thịt nạc, nấm, lòng đỏ trứng gà, rau bina…
3. Thực phẩm giàu vitamin K, B6
Người bị bệnh lao do hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương nên khả năng hấp thu kém, hay mắc rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp các vitamin giảm, trong đó có vitamin K. Vì vậy làm ảnh hưởng tới quá trình đông máu.
Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin K cho người bị lao phổi
Bên cạnh đó, những thuốc điều trị lao theo phác đồ của Bộ Y tế cũng làm giảm khả năng hấp thu của vitamin B6 nên dễ bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Do đó, nên bổ sung những thực phẩm này trong chế độ ăn uống hàng ngày. Chúng bao gồm: thịt gà, chuối, các loại đỗ, ngũ cốc nguyên hạt, chuối, súp lơ…
4. Thực phẩm giàu sắt
Có hai cách giải thích cho mối liên quan giữa tình trạng thiếu sắt và khả năng nhiễm trùng. Một là thiếu máu do nhiễm trùng mãn tính. Thứ hai là cơ thể bị thiếu sắt sẽ làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao.
Ăn các loại rau có lá màu xanh đậm hai lần một ngày để làm phong phú thêm hàm lượng sắt cho bữa ăn. Thêm một lát chanh là một mẹo lành mạnh để tăng cường hấp thụ sắt trong cơ thể. Bên cạnh đó có thể bổ sung thêm các loại thịt đỏ, đậu nành, rau dền…
5. Selen
Nguyên tố vi lượng cần thiết selen có một chức năng quan trọng trong việc duy trì các quá trình miễn dịch. Do đó có một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ vi khuẩn mycobacteria.
Bổ sung thực phẩm giàu Selen cho người bị lao phổi
Selen có nhiều trong các loại hạt và hạt quả hạch. Vì vậy nên sử dụng 2 lần/tuần để hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi.
6. Axit béo không bão hòa đa
Trong một nghiên cứu, người ta kết luận rằng việc bổ sung axit béo như omega 3 (n-3-) vào chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến khả năng kháng M. tuberculosis, trong khi bổ sung axit béo như omega-6 (n-6-) thì không.
Tốt nhất bạn nên kết hợp dầu ô liu, các loại hạt và dầu ăn như hướng dương, dầu hạt bông, dầu cám gạo.
IV. Người bị lao phổi không nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm tăng cường cho hệ thống miễn dịch, hạn chế tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cũng hạn chế những thực phẩm làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Chúng bao gồm:
1. Đồ ăn cay nóng, kích thích
Những thực phẩm này kích thích niêm mạc đường thở khiến tình trạng ho nặng và kéo dài hơn, thậm chí là tăng nguy cơ ho ra máu.
Vì vậy, người bị bệnh lao phổi nên hạn chế đồ ăn cay nóng, kích thích như gừng, ớt…
Người bị lao phổi nên hạn chế đồ ăn cay nóng
2. Không uống bia rượu
Điều đặc biệt quan trọng là tránh uống bất kỳ loại rượu nào trong toàn bộ quá trình điều trị vì nó có thể dẫn đến các biến chứng điều trị và tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc.
Trong quá trình điều trị không nên uống bia rượu, các chất kích thích như cà phê, trà đặc…
3. Thực phẩm chiên rán và đồ ăn vặt
Người bị lao phổi nên hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán và đồ ăn vặt chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến bệnh lao như tiêu chảy, đau quặn bụng và mệt mỏi.
Vì vậy, nên hạn chế đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên…
Tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân lao dưỡng bệnh tốt và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dùng thuốc điều trị lao thường xuyên và hoàn thành quá trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Chúc bạn xây dựng được chế độ dinh dưỡng thích hợp và nhanh chóng hồi phục.